Năm đầu khởi nghiệp và 6 bài học “xương máu” cho các start-ups - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Năm đầu khởi nghiệp và 6 bài học “xương máu” cho các start-ups

Câu chuyện khởi nghiệp chưa bao giờ nóng như lúc này, khi mà chúng ta vừa trải qua những giai đoạn giãn cách xã hội dài ngày đảo lộn mọi dự định tương lai. Nếu định bắt tay vào khởi nghiệp, thì đây là 6 bài học “xương máu đã được các doanh nhân đúc kết mà bạn cần nhớ để có năm đầu khởi nghiệp thành công nhé!

Bài học năm đầu khởi nghiệp

Năm đầu tiên khởi nghiệp kinh doanh thường là năm “máu lửa” nhất và cũng đáng sợ nhất. Những quyết định được người đứng đầu đưa ra hoặc bác bỏ trong giai đoạn này có thể dẫn đến sự thành bại của doanh nghiệp. 6 bài học “xương máu” sau được đúc kết từ quá trình “thực chiến” của nhiều doanh nhân và đã được ứng dụng thành công trong nhiều trường hợp:

Bài học 1: Sẵn sàng cho mọi sự điều chỉnh, kể cả định hướng

Một nữ kế toán quyết định mở công ty cung cấp dịch vụ kế toán, quyết toán thuế trọn gói cho khách hàng SMEs. Nhưng khi bắt đầu khởi nghiệp, cô phát hiện khách hàng lại muốn tự quyết toán thuế và chỉ thuê công ty cô để tư vấn, đảm bảo các tờ khai thuế cũng như thủ tục họ thực hiện là chính xác và có lợi nhất. Thế nên cô lùi lại một bước, lắng nghe nhu cầu thực sự của khách hàng và định hướng lại các dịch vụ công ty cung cấp.

Đây chỉ là một ví dụ điển hình của tất cả những điều chỉnh hàng ngày mà các chủ doanh nghiệp phải thực hiện khi mới bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Tất cả các nữ doanh nhân cũng đều đưa lời khuyên tương tự cho dù họ đang điều hành các tập đoàn lớn hay các SMEs.

Bất kỳ doanh nhân nào khi khởi sự kinh doanh một cách nghiêm túc đều có kế hoạch và mục tiêu ban đầu rất cụ thể và bài bản dựa trên không ít những khảo sát thị trường thực tế. Nhưng thị trường biến đổi mỗi ngày, và nhu cầu của khách hàng cũng thế, ví dụ như sau đại dịch Covid-19 này chẳng hạn. Các chuyên gia đã đưa ra rất nhiều khảo sát trong đó cho thấy xu hướng tiêu dùng và quan điểm sống của mọi người đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Vậy nên, việc các doanh nghiệp linh động thay đổi hay điều chỉnh định hướng và mô hình kinh doanh để thích nghi với thời cuộc là điều vô cùng cần thiết. Đặc biệt, điều này sẽ dễ thực hiện hơn rất nhiều nếu doanh nghiệp của bạn còn ở phạm vi quy mô nhỏ và vừa trong giai đoạn sơ khai năm đầu khởi nghiệp.  

Bài học 2: Tìm kiếm mọi lời khuyên từ những người đi trước

Không phải ngẫu nhiên mà các hoạt động networking và mentorship diễn ra khá sôi nổi tại Việt Nam trong những năm gần đây. Là một doanh nhân start-up, nếu không muốn có quá nhiều rủi ro và phạm sai lầm, bạn cần tìm cho mình cơ hội nhận lời khuyên từ những người đã khởi nghiệp trước bạn.

Những bài học mà họ nhận được trên con đường kinh doanh đã đi, cho dù là thành công hay thất bại, đều đáng giá không chỉ với chính họ mà còn cho những người được họ mở lòng chia sẻ.

Vì vậy, bạn phải nắm bắt cơ hội đó. Vết xe người trước đã đi và ngã đổ là dấu vết mà bạn nên có ý thức về nó trước khi bước vào. Dĩ nhiên không phải mọi người đi sau trên cùng con đường đó đều có thể ngã ngựa, nhưng một khi đã được biết trước về những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra, cho dù bạn có vài lần vấp ngã thì những cú ngã đó có thể sẽ giảm đau đớn vài phần.

Một gram kinh nghiệm đôi khi đáng giá cả hơn một tấn lý thuyết, nhờ trò chuyện với nhiều người, ở nhiều ngành nghề, bạn sẽ càng hiểu rõ về bức tranh thị trường mà bạn đang hướng đến. Ngoài ra, việc xây dựng các mối quan hệ trong ngành còn giúp bạn tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư và các khách hàng tiềm năng. Đừng quá lo ngại về sự cạnh tranh. Vì dù kinh doanh trong cùng một lĩnh vực, mỗi công ty đều sẽ có thị trường ngách hoặc đối tượng khách hàng mục tiêu riêng nên khả năng hợp tác là hoàn toàn có thể.

Bài học 3: Học hỏi mọi kỹ năng mới cho dù chưa cần dùng đến

Khi làm công ăn lương, bạn có thể chỉ cần giỏi chuyên môn của mình. Nhưng khi khởi nghiệp kinh doanh, người làm chủ phải có kiến thức bao quát ở nhiều lĩnh vực, chịu trách nhiệm cao hơn cho mọi khía cạnh để quản trị doanh nghiệp. Vì thế, bạn cần sẵn sàng học hỏi mọi kiến thức, kỹ năng mới để có thể đối mặt và vượt qua thử thách.

Một chủ quán cà phê sẽ sớm nhận ra trách nhiệm của mình không chỉ là quản lý cửa hàng. Họ có thể là thợ sửa ống nước, là nhân viên phục vụ… bất cứ khi nào tình huống cần thiết. Một chủ công ty quảng cáo cũng có thể phải biết cách lập ý tưởng, thậm chí phác thảo layout trên một phần mềm thiết kế nào đó… Mọi kỹ năng của các vị trí nhân viên đều cần thiết và có thể ảnh hưởng đến công việc điều hành của người chủ doanh nghiệp. Vì vậy, trong năm đầu khởi nghiệp, bạn nên dành thời gian để học hỏi càng nhiều càng tốt những kỹ năng mới mà có thể bạn chưa từng nghĩ chúng là chuyên môn của bạn. Nhờ đó, bạn sẽ có thể chủ động ứng phó với mọi tình huống bất ngờ trong thời kỳ start-up, và giúp doanh nghiệp phát triển ổn định nhiều năm sau.

Bài học 4: Lập bảng cân đối tài chính cho mọi hoạt động, gồm cả ngân sách dự phòng

Rất nhiều người start-up kinh doanh bằng các khoản vay tín dụng thế chấp tài sản cá nhân, thậm chí là vay từ thẻ tín dụng cá nhân để thực hiện các mục đích kinh doanh. Điều này khá nguy hiểm về mặt tài chính cho chính bản thân người mới khởi nghiệp và doanh nghiệp của họ. Vì thế, ngay từ đầu hãy thật tỉnh táo khi lên kế hoạch kinh doanh và lập bảng dự báo, cân đối tài chính của mình. Mục đích là bạn phải có để đảm bảo được sự ổn định cho sức khỏe tài chính của doanh nghiệp nếu muốn đi đường dài.

Hãy trả bớt các khoản nợ cá nhân, rút bớt tiền tiết kiệm nhiều nhất có thể rồi hãy bắt tay khởi nghiệp. Việc giảm thiểu gánh nặng tài chính cá nhân sẽ giúp bạn tập trung hơn vào ngân sách, dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp.

Một điều quan trọng cần lưu ý là bạn cần chuẩn bị sẵn một khoản ngân sách dự phòng nhất định. Trong trường hợp cần điều chỉnh thay đổi định hướng kinh doanh rất có thể bạn sẽ cần đến nguồn vốn này để tránh gián đoạn hoạt động. Một cách thức dự báo dòng tiền mà nhiều doanh nhân đã sử dụng thành công đó là, hãy nhân đôi các khoản dự chi để không bị động trong mọi tình huống.

Bài học năm đầu khởi nghiệp

Bài học 5: Lắng nghe và thấu hiểu tiếng lòng của chính bản thân mình

Khả năng phán đoán của bạn chính là chiếc đồng hồ cảnh báo hữu hiệu nhất. “Chọn con tim hay nghe lý trí” phụ thuộc rất nhiều vào năng lực phán đoán và bản lĩnh của mỗi người, đặc biệt là trong kinh doanh.

Những người mới start-up thường gặp phải trạng thái ngần ngừ khi đưa ra các quyết định. Sau này khi đã thành công, những lúc nhìn lại bạn sẽ thấy rằng mình từng nhiều lần đưa ra được phán đoán hợp tình hợp lý cho doanh nghiệp nhưng vẫn kiếm tìm lời tư vấn từ người khác. Như đã nói, học hỏi kinh nghiệm từ những người giỏi giang đi trước là điều tốt, nhưng quyền quyết định là ở trong tay bạn. Chỉ có bạn mới thật sự hiểu công việc kinh doanh của mình và những gì bạn mong đợi từ đó. Khi đã đủ tự tin bước ra kinh doanh, bạn cũng cần lắng nghe và thấu hiểu tiếng lòng của mình, đặt vào bản thân sự tin tưởng cho khả năng ra quyết định cũng như chịu trách nhiệm với những quyết định ấy.

Bài học 6: Nhìn nhận lại ý nghĩa của thất bại và luôn sẵn sàng tâm thế làm lại nếu cần.

Hãy chấp nhận việc bạn có thể thất bại, thậm chí là thất bại từ rất sớm. Nhưng thất bại không phải là dấu chấm hết, bạn hoàn toàn có thể làm lại nếu đã có sự dự trù và chuẩn bị ngân sách. Thất bại trong năm đầu khởi nghiệp sẽ giúp bạn thành công trong những năm sau, thất bại của năm nay sẽ là tiền đề cho thành tựu của năm tới.

Tinh thần của doanh nhân là tinh thần của một chiến binh, nếu đủ bản lĩnh bạn sẽ nhìn nhận thất bại là điều phải có trong kinh doanh, là những nét chấm phá tạo điểm nhấn cho bức tranh kinh doanh của bạn thêm ấn tượng mà thôi. Vì thế, điều bạn cần nhớ ngay năm đầu khởi nghiệp của mình, là phải duy trì được tư duy đổi mới sáng tạo và học cách nhìn nhận lại giá trị của thất bại. Đừng lãng phí quá nhiều thời gian cho một ý tưởng không chứng minh được hiệu quả.

Bài học năm đầu khởi nghiệp

Thất bại là bài học tuyệt vời, vì thế điều quan trọng là bạn rút ra bài học gì để áp dụng về sau. Việc kinh doanh là quá trình học hỏi liên tục từ những kết quả tốt lẫn phản hồi tiêu cực, cho dù bạn đã thành công hay đang vướng mắc trong một thất bại nào đó, chỉ cần bạn bước tiếp là có thể rút ngắn được con đường chạm đến mục tiêu cuối cùng.

Mỗi doanh nhân đều có bí quyết quản trị riêng và hành trình khởi nghiệp những năm đầu bao giờ cũng gập ghềnh. Hãy ghi nhớ 6 bài học buổi sơ khai này, đó là những kiến thức mà nếu thuộc nằm lòng bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hối hận vì đã quyết bước trên con đường kinh doanh.

Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Hình ảnh: Unsplash

Có thể bạn quan tâm:

Comment