Mùa nắng, cần biết về căn bệnh Hyperhidrosis! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Mùa nắng, cần biết về căn bệnh Hyperhidrosis!

Những ngày nắng nóng không chỉ là cơn ác mộng khi gây ra hàng loạt vấn đề về sức khỏe mà còn là nỗi ám ảnh của những ai thường xuyên bị đổ nhiều mồ hôi. Nếu bạn luôn cảm thấy bức bối và bất an với triệu chứng này thì đây là bài viết dành cho bạn!

Đổ mồ hôi là một quá trình sinh lý bình thường, thậm chí rất quan trọng vì giúp điều chỉnh nhiệt độ và khiến cơ thể trở nên mát mẻ hơn. Không dừng lại đó, ở một số người có triệu chứng đổ mồ hôi với lượng tiết mồ hôi gấp nhiều lần người bình thường chính là do tác động của Hyperhidrosis. Đây là căn bệnh khiến người bệnh đổ mồ hôi nhiều mặc dù cơ thể không cần phải làm mát, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh nhưng chủ yếu là do di truyền, tuyến giáp hoạt động quá mức hay ảnh hưởng của những bệnh lý khác như đột quỵ, thần kinh tiểu đường, bệnh gout,… Bên cạnh đó, một số loại thuốc huyết áp hoặc thuốc chống trầm cảm cũng có thể là thủ phạm. Theo Hiệp hội Hyperhidrosis quốc tế (HIS), có tới 365 triệu người trên toàn thế giới bị mắc căn bệnh này ở cả nam và nữ. Không chỉ gây ra các vấn đề về thể chất, căn bệnh này còn ảnh hưởng đến các tác động xã hội như mối quan hệ cá nhân, năng suất công việc, các hoạt động thân mật, giải trí và thậm chí ở tất cả các khía cạnh của cuộc sống.

Illustration by Peter Oumanski

Đại đa số những người mắc bệnh này phải mất khá nhiều năm trước khi tìm ra cách điều trị thích hợp với cơ địa của cơ thể. Vì vậy, để có cách phòng ngừa và chữa trị hiệu quả, bạn cần đến gặp bác sĩ và tham khảo những lựa chọn điều trị hiệu quả như:

  • Chọn chất chống mồ hôi phù hợp: Hãy chọn một công thức phù hợp với chỉ định của bác sĩ da liễu. Không chỉ hoạt động dưới vùng cánh tay, bạn cũng có thể dùng ở những nơi tiết nhiều mồ hôi như tay, chân, chân tóc. Với những ai có mùi cơ thể, hãy chọn những chất khử mùi mạnh nhất và cố gắng giữ cơ thể khô ráo suốt cả ngày. Mẹo là hãy áp dụng ngay cả vào ban đêm, chất khử mùi sẽ phát huy tác dụng tốt nhất khi chúng có thời gian đi vào ống dẫn mồ hôi và làm tắc nghẽn nó. Và sử dụng vào ban đêm cũng làm giảm khả năng bị kích ứng da mà không làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Sử dụng thuốc chống mồ hôi: Để an toàn và đơn giản nhất, bạn có thể đến gặp bác sĩ để được kê toa sử dụng các loại thuốc chống mồ hôi hiệu quả. Các thuốc được sử dụng phổ biến thường có chất kháng cholinergic giúp làm giảm mồ hôi trên toàn bộ cơ thể hay thuốc beta blockers hoặc benzodiazepine giúp ngăn chặn các dấu hiệu thể chất của sự lo lắng đó là đổ mồ hôi. Ngoài ra, hiện nay nhiều nơi còn áp dụng phương pháp tiêm botox để ngăn chặn những vùng tiết nhiều mồ hôi. Tuy nhiên khi áp dụng biện pháp này, bạn cần mất vài lần điều trị để cơ chế tiêm bắt đầu hoạt động và thời gian hiệu quả chỉ kéo dài tối đa trong 12 tháng.

  • Áp dụng công nghệ Iontophoresis: Với cách điều trị này, bạn sẽ phải đặt tay chân trong một khay nước cạn trong khoảng 20-30 phút với một dòng điện thấp đi qua nước. Nhiều chuyên gia cho rằng điện và các khoáng chất trong nước khi phối hợp với nhau sẽ giúp làm dày lớp da trên cùng, từ đó có thể chặn dòng mồ hôi chảy trên bề mặt da. Bạn sẽ phải lặp đi lặp lại cách điều trị này ít nhất một vài lần một tuần. Sau khi thấy có cải thiện, bạn có thể đều đặn thực hiện mỗi tháng một lần hoặc ít hơn tùy thuộc vào nhu cầu cá nhân. Bên cạnh công nghệ này, bạn cũng có thể suy nghĩ đến sử dụng công nghệ vi sóng không xâm lấn là miraDry đã được FDA chứng nhận trong việc giúp phá hủy hiệu quả các tuyến mồ hôi.
  • Tránh thức ăn gây ra mồ hôi: Bạn có biết rằng chế độ ăn uống của bạn có thể ảnh hưởng đến việc điều tiết mồ hôi. Thực phẩm có hàm lượng chất xơ thấp sẽ khiến hệ thống tiêu hóa của bạn phải làm việc thêm giờ để có thể phá vỡ thức ăn. Một chế độ ăn nhiều natri cũng khiến cơ thể bạn giải độc tất cả lượng muối đó dưới dạng nước tiểu và mồ hôi dư thừa, hoặc thực phẩm có nhiều chất béo cũng có thể làm bên trong cơ thể ấm lên khi cần xử lý chất béo. Hãy giảm hoặc loại bỏ các thực phẩm có thể gây ra mồ hôi trong chế độ ăn uống như thực phẩm chế biến, rượu và bia, tỏi, hành, thực phẩm có hàm lượng chất béo cao, món ăn cay nóng, các loại thực phẩm có chứa chất caffeine,…

Bài viết độc quyền của tạp chí Nữ Doanh Nhân 

Đọc thêm:

Lắng nghe cơ thể “cảnh báo” những mầm bệnh

7 thực phẩm hàng đầu mang lại sức mạnh cho não bộ

Comment