Bệnh vùng kín: Dễ mắc, khó chữa • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Bệnh vùng kín: Dễ mắc, khó chữa

Có một thực tế đáng ngạc nhiên là ngày càng nhiều chị em công sở bị mắc các bệnh phụ khoa. Bệnh nhân hết ngơ ngác lại bối rối bởi giới “cổ cồn-mini juyp” xưa nay luôn được tiếng là sạch sẽ. Tắm rửa, vệ sinh thường xuyên, nguồn nước ít bô nhiễm, lại thêm vô vàn những loại dung dịch hỗ trợ…, vậy sao vẫn cứ bị viêm nhiễm, nấm ngứa?!

Sạch quá…hóa bệnh

Đem mối băn khoăn ấy hỏi bác sĩ thì mới biết hóa ra cái sự sạch sẽ – thái quá và không đúng cách – ấy của chị em văn phòng cũng chính là một trong các nguyên nhân gây ra những chứng bệnh “khó nói”. Nhiều chị ngày nào cũng sử dụng dung dịch hỗ trợ vệ sinh khiến môi trường âm đạo mất cân bằng tự nhiên, “mời gọi” các loại vi khuẩn gây bệnh đến định cư. Nhiều cô có thói quen dùng giấy vệ sinh lau thấm sau mỗi lần đi tiểu mà không biết rằng giấy vệ sinh không đảm bảo chất lượng cũng chính là ổ vi trùng gây bệnh. Không ít em gái trẻ lại thích dùng băng vệ sinh hằng ngày cho “thoải mái, dễ chịu” mà thực ra lại đang ủ nóng “cô bé” khiến vi khuẩn yếm khí dễ bề sinh sôi.

Đó là chưa kể nhiều chị em chỉ thích mặc nội y bó sát, bằng phi bóng, sợi tổng hợp… rất bí mồ hôi và không có tác dụng bảo vệ vùng kín đúng cách. Thêm nữa, thói quen ngồi “thiền” nhiều giờ trên ghế của chị em cũng khiến “tam giác vàng” bị bí, nóng và ẩm ướt, dễ phát sinh bệnh. Một lí do quan trọng nữa khiến chị em hay bị viêm nhiễm phần phụ là vì họ có đời sống tình dục không an toàn. “Yêu” trong những ngày “đèn đỏ”, không sử dụng biện pháp phòng tránh bệnh lây nhiễm qua đường tình dục, nạo hút thai quá nhiều lần… đều gây tổn thương cho vùng kín và khiến chúng dễ “ốm yếu” mắc bệnh hơn.

Biết thì đã …muộn

Rất nhiều chứng bệnh viêm nhiễm vùng kín diễn tiến âm thầm, ít dấu hiệu lâm sàng điển hình nên thường bị chị em bỏ qua. Chỉ đến khi xuất hiện những triệu chứng đau rát, ngứa ngáy, kinh nguyệt thất thường… chị em mới tá hỏa đi khám thì bệnh đã ở giai đoạn nặng mất rồi. Bệnh nặng không chỉ tốn kém thời gian và tiền bạc để chữa trị mà còn có nguy cơ tái phát rất cao nếu không điều trị đúng cách, dứt điểm. Vì vậy, lời khuyên của các bác sĩ là ngoài việc khám phụ khoa, soi tế bào âm đạo/tử cung định kỳ mỗi 6 hoặc 12 tháng, khi thấy bất kỳ một dấu hiệu khác thường ở vùng nhạy cảm nhất trên cơ thể hãy đến các cơ sở y tế ngay lập tức. Chỉ có bác sĩ với những thăm khám lâm sàng và xét nghiệm chuyên sâu mới biết chính xác bạn đang bị viêm ở âm đạo hay cổ tử cung, nhiễm nấm candida hay nhiễm khuẩn chlamydia… Và cũng chỉ có bác sĩ mới kê toa cho bạn chính xác những loại thuốc đặc trị để điều trị tận gốc những chứng bệnh khó chịu ấy.

Lưu ý trong quá trình chữa trị

  • Nếu bạn mắc bệnh phụ khoa trong giai đoạn đang sinh hoạt tình dục thường xuyên, hãy đưa bạn tình cùng đến gặp bác sĩ. Chỉ có “song kiếm hợp bích” chữa trị thì mới mong chấm dứt những chứng bệnh lây lan qua đường “yêu” và ngăn ngừa nguy cơ tái phát.

  • Trong quá trình điều trị bệnh vùng kín, hãy nói KHÔNG với sex. Trong trường hợp “bất khả kháng”, hãy sử dụng “áo mưa” kẻo bao nỗ lực của bạn lại đổ sông đổ bể.
  • Nếu bạn nhiễm bệnh phụ khoa trong thời gian bạn đang dùng thuốc tránh thai, thuốc kháng sinh, các thuốc có chứa corticosteroid… hãy nói với bác sĩ. Hầu hết các loại thuốc kể trên đã ‘giết chết’ các vi khuẩn có lợi, khiến hệ miễn dịch của cơ thể bị suy giảm và bạn dễ bị mắc bệnh hơn. Thông thường các bác sĩ sẽ khuyên bạn ngừng sử dụng chúng trong thời gian điều trị bệnh phụ khoa, nếu có ngoại lệ, họ sẽ cân nhắc các lợi ích để đưa ra những chỉ định phù hợp.
  • Tránh tiếp xúc các sản phẩm hóa chất trong gia đình và chất tẩy rửa, nước khử trùng có clo, băng phiến, quần áo bằng vải sợi tổng hợp…

4 chiêu phòng bệnh phụ khoa

Ung thư cổ tử cung, buồng trứng… ít ai ngờ có thể bắt nguồn từ những viêm nhiễm vùng kín. Ngoài việc khám phụ khoa định kỳ, bạn có thể phòng ngừa bệnh cho vùng nhạy cảm này theo 4 phương pháp đơn giản dưới đây:

  1. Càng thoáng càng tốt

Những đồ nội y thời trang, gợi cảm chỉ nên dành cho những dịp đặc biệt. Ngày thường, hãy quên chúng đi và kết thân với những chiếc quần giản dị bằng cotton sáng màu để vùng kín được thông thoáng, giảm sự ẩm ướt, khiến các loại nấm, khuẩn khó bề mà sinh sôi. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh mặc quần jeans bó hoặc quần tất thường xuyên vì chúng góp phần làm tăng nhiệt độ cơ thể và gia tăng mức độ ẩm ướt.

  1. Vệ sinh đúng cách

Lười biếng, bẩn thỉu là chống chỉ định, nhưng nếu chăm mà sai cách bạn cũng chỉ mang đến những điều bất lợi cho vùng kín. Vệ sinh đúng cách là bạn nên thay quần chíp 2 lần/ngày (sáng và tối), đồ lót phải sạch và khô. Vệ sinh vùng kín hằng ngày bằng nước sạch và bàn tay sạch, tránh thụt rửa quá sâu và hạn chế sử dụng các hóa chất tẩy rửa có mùi thơm vì chúng dễ làm mất cân bằng độ pH tự nhiên của âm đạo. Sau khi đi vệ sinh nên lau rửa kỹ bằng nước sạch và thấm khô bằng khăn/giấy sạch. Trong những ngày “đèn đỏ”, hãy thay băng vệ sinh 3-4 tiếng/lần để tránh bị viêm nhiễm.

  1. Tình dục an toàn

Với phụ nữ, tình dục không an toàn không chỉ gây hậu quả mang thai ngoài ý muốn mà còn có thể mắc các loại bệnh lây qua đường tình dục. Bao cao su là phương tiện duy nhất giúp bạn có thể phòng ngừa lây nhiễm những bệnh. Vì vậy, trừ khi bạn đang có kế hoạch mang thai, còn không hãy sử dụng “áo mưa” để bảo vệ.

  1. Thực đơn lành mạnh

Có một số loại thực phẩm giúp tăng cường khả năng miễn dịch, phòng ngừa nguy cơ mắc các bệnh phụ khoa nhưng cũng có những loại gián tiếp gây bệnh hoặc làm bệnh trầm trọng thêm. Để giữ cho cơ thể khỏe mạnh, vùng kín an toàn, hãy tránh xa những loại đồ ăn nhiều chất béo, nhiều đường, đồ uống chứa chất kích thích (rượu, bia, nước ngọt có ga, cà phê…) vì chúng dễ làm rối loạn nội tiết tố, ảnh hưởng đến sức khỏe của vùng kín. Các loại thực phẩm tinh chế như: bánh mì, bánh ngọt, bánh nướng, bánh bao, pizza… cũng khiến cho vấn đề nhiễm nấm vùng kín của bạn trở nên trầm trọng hơn. Thay vào đó, hãy ăn nhiều rau xanh, hoa quả tươi (ít đường), uống sữa và ăn sữa chua… để bảo vệ vùng kín khỏi các tác nhân gây bệnh.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment