Trân trọng từng ngày được sống - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trân trọng từng ngày được sống

Cuộc sống vốn quý giá, hơn ai hết những người từng cận kề cái chết hiểu sâu sắc về sự quý giá ấy. Từng “xẹt qua cái chết”, giờ đây chị Nguyễn Thị Phương Nga, ngụ tại Mỏ Cày, Bến Tre trân trọng xiết bao khoảnh khắc được ở bên người thân và tận hưởng những điều giản dị nhất.

Thị trấn Mỏ Cày, Bến Tre, một ngày đầu tháng 5/2016, nắng chói chang, cái nóng từ mặt sông hắt lên, bao trùm mọi người. Chọn một quán nước nhỏ bên đường chúng tôi ngồi đợi. Lúc sau, từ xa một người phụ nữ dáng đi nhanh nhẹn, khỏe mạnh, nụ cười tươi tắn trên môi. Gật đầu chào chúng tôi bằng giọng nói rõ ràng, âm chữ tròn trịa. Thật khó có thể tin rằng người phụ nữ này từng tìm đến Bệnh viện FV với chiếc lưỡi lở loét, sưng tấy, bốc mùi hôi, không thể ăn uống, nói chuyện bình thường. Thời gian đó, căn bệnh ung thư lưỡi đã “hút cạn” ý chí sống, niềm tin cuộc đời của người phụ nữ ấy.FV35410_resize

“Tôi bây giờ đã sống tốt hơn trước rất nhiều rồi. Bệnh ung thư được phát hiện ngay vào lúc những biến cố gia đình khác ập tới. Tôi gần như trắng tay, sụp đổ và trầm cảm một thời gian dài. Ý nghĩ chấm dứt cuộc đời cho nhẹ gánh luôn xuất hiện trong đầu tôi thời gian đó… Giờ đây, tôi còn ngồi trò chuyện với các bạn về những tháng ngày đó thì chính tôi cũng nhận ra rằng tôi đã vượt qua, đã sống một cuộc đời mới… Có những thứ mất đi không tìm lại được nhưng nó cho chúng ta nghị lực và một con đường mới, chỉ cần bản thân tôi cũng như bạn tin yêu, trân trọng cuộc sống mà ông trời đã thông qua bàn tay bác sĩ ban tặng lại cho chúng ta một lần nữa”, chị Nguyễn Thị Phương Nga tâm sự.

Nghị lực sống là tia sáng cuối đường hầm

Dù từng nghe nhiều về sự đáng sợ của ung thư, nhưng chị Nga không thể ngờ có ngày phải đối mặt với nó. Bắt đầu bằng vết loét dai dẳng ở vùng lưỡi, không có cảm giác đau, chị nhầm tưởng là chứng nhiệt miệng thông thường. Những cục nhọt lưỡi ngày càng nhiều, chị đi khám nhiều nơi và cuối cùng bàng hoàng khi nhận kết quả bị ung thư lưỡi. Hành trình chữa bệnh của người phụ nữ này thật gian nan, không những thế công việc làm ăn đang thuận buồm xuôi gió bỗng chốc bị tiêu tán.

“Là đàn bà ai chẳng muốn mình xinh đẹp, tươi tắn và thơm tho để được yêu mến, làm sao tôi chịu đựng được nổi khi chiếc lưỡi cứ lở loét, bốc mùi hôi và khiến miệng tôi sưng tấy. Tôi không dám mở miệng ra nói chuyện với ai. Không chỉ vậy những vết lở loét cứ liên tục tràn ra lưỡi. Tôi cứ như đang ngậm cục than trong miệng, bỏng rát, đau khủng khiếp, uống nước cũng đau, ăn muỗng cháo mà tôi cứ tưởng tôi đang uống nước sôi. Tôi cáu gắt với mọi người xung quanh kể cả chồng con. Vì bệnh nên tôi không để ý đến việc kinh doanh và cuối cùng tôi đành đóng cửa cơ sở của mình. Chồng tôi thương vợ nên chăm rất cẩn thận. Nhìn anh tôi thương vô cùng nhưng mỗi lần vết thương ở lưỡi hành hạ tôi lại không kiềm chế những cơn tức giận, đau đớn và xua anh đi. Thực sự lúc đó tôi muốn chết để đừng làm khổ chồng con”, chị Nga nhớ lại.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, giữa cơn bĩ cực, ai chỉ gì chị làm nấy. Chị và chồng tìm đến nhiều trung tâm điều trị ung thư nhưng bệnh ngày một trầm trọng, khối u vào giai đoạn cuối sưng phù, lở loét bốc mùi, vô cùng đau đớn. Mặc cảm bệnh tật khiến chị luôn phải đeo khẩu trang và ngày càng gầy yếu, có lúc chị chỉ còn có 37kg.

Vì muốn thoát khỏi bệnh tật, khi các bác sĩ cho biết chỉ có đoạn lưỡi mới có thể giúp chị giải quyết đau đớn và có khả năng chữa khỏi ung thư, chị chấp nhận dù biết rằng điều đó đồng nghĩa với việc mình sẽ bị câm. Thế nhưng không nơi nào dám thực hiện phẫu thuật, bởi đoạn lưỡi toàn phần mà không tái tạo được lưỡi mới thì bệnh nhân sẽ không nói được, không nuốt được và bị sặc thức ăn vào đường thở và có thể mất mạng.

“Trong suốt thời gian đó, chồng con đã ở bện cạnh động viên tôi. Một ngày nọ, tôi ngồi trước gương và nhìn vào hình hài của mình lúc đó. Người đàn bà trong gương không phải là tôi mà là một người nào đó rất xa lạ, xấu xí, chán nản, cáu bẳn và bị mọi người xa lánh. Tôi xem lại hình của mình lúc trước, nhớ lại những lúc cùng chồng con quây quần, phụ giúp nhau kinh doanh. Rồi nhìn xuống bát súp để trên bàn. Lúc đó tôi chỉ ước có thể ăn một bữa thật ngon lành cùng chồng con. Và tôi biết muốn được như thế tôi phải sống”.

Niềm ham sống đó như tia sáng cuối đường hầm giúp chị tiếp tục hành trình chữa bệnh. Theo lời khuyên của một người quen, chị Nga tìm tới Bệnh viện FV.

Tận hưởng hương vị cuộc sống với chiếc lưỡi được tái sinh

Tại bệnh viện FV, chị trình bày với BS Nguyễn Quảng Đại, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng bệnh viện FV, người trực tiếp khám cho chị, rằng mình không hy vọng hoàn toàn khỏi bệnh, chỉ mong có cách nào để những ngày cuối đời được sống nhẹ nhàng. Sau khi hội chẩn, các BS kết luận, cách duy nhất cứu sống chị là phẫu thuật đoạn lưỡi toàn phần. Kỹ thuật này lúc đó vừa được xem là một bước tiến trong phẫu thuật điều trị ung thư lưỡi, tuy nhiên còn quá mới mẻ tại VN. BS buộc phải đoạn đến sát cuống lưỡi và cố gắng giữ phần lưỡi ít ỏi để có thể tái tạo nhưng vẫn đảm bảo biên an toàn (không còn tế bào ung thư).

BS Nguyễn Quảng Đại, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện FV

BS Nguyễn Quảng Đại, Trưởng khoa Tai-Mũi-Họng, Bệnh viện FV

Bác sĩ Đại cho biết: “Kỹ thuật đoạn lưỡi không quá khó, nhưng không phải “cắt đi là xong”, mối quan tâm của tôi chính là cắt xong lưỡi phải trả lại cho bệnh nhân một cái lưỡi mới, để họ có thể nói, nuốt và cảm nhận hết mọi hương vị.Theo y văn, các bệnh nhân ung thư lưỡi được phẫu thuật lấy bỏ u, tái tạo lưỡi, xạ trị sau mổ, kết quả cho thấy tỉ lệ vạt da bị hoại tử là rất thấp. Chức năng nói và nuốt sau tạo hình lưỡi được phục hồi đáng kể. Với cách làm này, không những có thể đảm bảo lấy bỏ trọn vẹn khối u, giúp hồi phục các chức năng của lưỡi, mà còn đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh. Nhiều bệnh nhân khi bị bệnh tật hành hạ, chỉ mong “hết bệnh, hết đau đớn là mừng rồi”. Nhưng với tôi, chữa lành bệnh vẫn là chưa đủ. Làm sao để bệnh nhân khỏi bệnh mà chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật vẫn được đảm bảo mới là điều làm tôi trăn trở trước mỗi ca mổ.”.

Chị Nga đồng ý phẫu thuật. Bước vào ca phẫu thuật, bệnh nhân được gây mê qua lỗ mở ở khí quản. Việc này là cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho phẫu thuật phức tạp vùng khoang miệng. Các BS lấy bỏ toàn bộ hạch cổ hai bên, cắt bỏ toàn bộ lưỡi và sàn miệng của chị, bao gồm khối u cho đến biên lành và giữ lại một phần cuống lưỡi bằng dao sóng siêu âm vừa cắt vừa cầm máu tại chỗ, tránh tình trạng mất máu nhiều. Sau đó BS lấy một phần da và cơ cùng dây thần kinh cảm giác ở mặt trước ngoài của đùi, cuộn lại và tái tạo một chiếc lưỡi mới cho chị… Vì lưỡi đã bị cắt bỏ toàn phần nên việc nối cắt dây thần kinh, động tĩnh mạch không dễ dàng.

BS Quảng Đại đang thực hiện phẫu thuật cho chị Nga

BS Quảng Đại đang thực hiện phẫu thuật cho chị Nga

Trải qua 10 tiếng đồng hồ, ca mổ đã thành công. Ba ngày sau chị Nga có thể di chuyển vùng lưỡi. Năm ngày sau, chị có thể nói chuyện sau khi rút bỏ ống mở khí quản. Tới ngày thứ 11, chị xuất viện trong tình trạng khỏe mạnh, ăn uống tốt, thở bình thường…

Gần hai năm sau ca mổ, giờ đây chị Nga hoàn toàn khỏe mạnh, với chiếc lưỡi mới đẹp như… thật. Gặp lại BS Đại, chị mừng rỡ tíu tít chuyện trò, tới mức… líu cả lưỡi. “Lưỡi tôi có thể cảm nhận nóng lạnh, thậm chí được cả các vị cay, chua, mặn, ngọt. Các BS không chỉ cho tôi chiếc lưỡi mới mà còn trả lại cho tôi cuộc sống đầy đủ hương vị”, chị cảm động nói. Giờ đây chị rất lạc quan yêu đời, hằng ngày chăm chỉ tập thể dục. Theo chị đó là cách “trân trọng cuộc sống mà BS đã đem lại”.

LÀM SAO ĐỂ PHÒNG NGỪA UNG THƯ LƯỠI

  • Bỏ thuốc lá để tránh cho các tế bào khoang miệng tiếp xúc hóa chất gây ung thư.
  • Không uống rượu quá nhiều
  • Tăng cường ăn các loại rau quả giàu vitamin.
  • Khám răng miệng định kỳ sáu tháng một lần ở các cơ sở chuyên khoa.
  • Nếu thấy vết loét lâu ngày không khỏi, vùng cổ xuất hiện khối u hạch bất thường thì phải đến khám bác sĩ ngay.
  • Vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng, đều đặn.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment