Hiếm muộn – Hồi chuông cảnh báo - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Hiếm muộn – Hồi chuông cảnh báo

Muộn và hiếm con là chuyện của khắp nơi trong thiên hạ. Điều đáng nói là xu hướng này ngày càng gia tăng cùng với đà tăng trưởng kinh tế và trình độ văn minh của nhân loại. Đến nỗi, nhiều quốc gia đã phải báo động về tình trạng “dân số già”, công luận cũng phải lên tiếng về trào lưu “lười sinh đẻ” của không ít phụ nữ. Những con số ngày càng leo thang cùng với câu chuyện sinh con trong ống nghiệm hay tỷ lệ tai biến sản khoa và dị tật của thai nhi, trẻ nhỏ ngày một tăng cao, mặc cho sự tiến bộ của y học

AA042852

NỖI LO CỦA PHỤ NỮ

Nói về khả năng sinh sản, hay những điều kiện cần thiết cho việc thụ thai, mang thai và sinh đẻ, mà tạo hóa đã trao cho hầu hết chị em, quả thật ngày nay khả năng đó đã mất mát đi nhiều.

Nói rằng những mất mát là do hoàn cảnh cũng không sai, khi phần đông phụ nữ do công việc, do sự nghiệp, do công cuộc mưu sinh hiện có quá ít thời gian dành cho việc kết hôn, mang thai, sinh con và chăm sóc gia đình. Thậm chí họ quá mệt mỏi khi nghĩ tới chuyện gần gũi, quan hệ với bạn tình.

Mất mát cơ hội để có được những điều kiện cần thiết cho thụ thai, mang thai và sinh đẻ còn phải kể đến những tác hại khôn lường của gánh nặng về tâm sinh lý, stress, nhiều khi quá nặng nề trong một xã hội hiện đại. Những tác hại của môi trường ô nhiễm do bức xạ, do những hóa chất độc hại, do biến đổi khí hậu… cũng góp phần không nhỏ. Cũng không thể không nhắc tới một số lượng không ít phụ nữ, nhất là các thiếu nữ, do ý thích tự do, không muốn ràng buộc, gò bó, muốn sống cho riêng mình để có điều kiện thăng tiến, thành đạt… đã chọn cuộc sống độc thân, hoặc kết hôn muộn, kết hôn nhưng không sinh con hay sinh con muộn… Ngoài ra, cũng phải đề cập tới lối sống tĩnh tại, nhiều tiện nghi, khiến khá đông phụ nữ ít hoạt động cơ thể, làm gia tăng tỷ lệ phụ nữ thừa cân, béo phì, cùng với những thói quen, ý thích “thời thượng” như hút thuốc lá, uống rượu, ghiền cà phê hoặc dùng ma túy đang hiện hữu khá phổ biến trong một số bộ phận phụ nữ.

HỆ QUẢ CỦA SINH MUỘN

Đó là đa phần những nguyên nhân làm cho độ tuổi sinh sản thay đổi mà lẽ ra, đó là tối ưu ở lứa tuổi 20-30, khi cơ thể và tâm sinh lý của phụ nữ đang ở mức độ hoàn thiện. Ngoài tuổi 30, khả năng sinh sản giảm dần, chức năng buồng trứng suy thoái, trứng rụng thất thường, chất lượng trứng cũng không còn như lúc xuân thì, cộng thêm những tác động xấu của môi trường, của lối sống… đã nói trên, khiến hệ thống nội tiết, thần kinh, tâm lý cũng như cấu tạo của các cơ quan sinh sản biến đổi theo chiều hướng tiêu cực gây suy giảm, khó khăn cho việc sinh sản của phụ nữ nói chung, nhất là chị em làm kinh doanh, khi phần đông đang ở tuổi sinh con. Hầu hết họ đều bận rộn với công việc, chịu nhiều áp lực, cũng như không ít người trong số những doanh nhân thành đạt đang thụ hưởng nhiều tiện nghi của cuộc sống hiện đại hay đang vướng vào những thói quen, những ham muốn… “sành điệu” nhưng bất lợi cho năng lực làm vợ, làm mẹ.    Hiem muon 2

Xem ra, hiếm và muộn phần lớn là do con người. Hãn hữu lắm ta mới trách cứ được tạo hóa… sao lại nhất bên trọng nhất bên khinh, khiến kẻ thì sinh liên tiếp và dễ dàng, người thì kiếm mong mỏi mãi mà chẳng được.

Song vấn đề đâu chỉ dừng ở chuyện hiếm hay muộn, mà hậu quả của nó còn liên quan đến sức khỏe và đời sống của cả mẹ và con, cả hiện tại lẫn tương lai, cả cá nhân và cộng đồng xã hội.

Đó là nguy cơ sảy thai, thai chết lưu hay dị tật, đặc biệt là dị tật nhiễm sắc thể gia tăng tỷ lệ thuận với tuổi của người mẹ. Đó còn là tình trạng đẻ khó, tăng biến chứng khi mang thai và sinh nở như cao huyết áp, tiền sản giật, sản giật, đái tháo đường, đòi hỏi phải can thiệp bằng những thủ thuật sản khoa cho các bà mẹ lớn tuổi thường có xác suất tai biến cao.

Hơn nữa, nói chuyện sinh không thể bỏ qua chuyện dưỡng, chuyện nuôi dạy, trong đó vai trò của người mẹ là không thể thay thế, đòi hỏi nhiều sức lực, thời gian và tiền bạc… E rằng những đòi hỏi đó khó tìm được ở những người mẹ đã luống tuổi, chưa nói tới những những chuyện khác liên quan đến vấn đề tâm lý xã hội.

Tất nhiên, lỡ muộn rồi, mãn kinh rồi mà vẫn khát khao có được đứa con của mình, bạn có thể trông cậy vào những tiến bộ của y học hiện đại như sinh con trong ống nghiệm bằng trứng của mình ngày còn trẻ hay tạo ra các noãn bào từ tế bào gốc, hoặc trứng của người khác, nhưng ta vẫn mang nặng, đẻ đau. Tất nhiên, những công việc đó tiêu tốn không ít tâm lực và tiền của mà tai biến cho cuộc vượt cạn vẫn không hề thay đổi như những phương cách thông thường.

Bài: BS. TS Nguyễn Hữu Toản
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Có thể bạn quan tâm:

Con yêu… chờ nhé!

 

Comment