Trên mỗi chặng đường sự nghiệp, có người lao nhanh về phía trước nhưng cũng có người chậm bước từng nhịp. Với nữ doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi, điều quan trọng là nuôi dưỡng được nội lực thì việc bước nhanh hay chậm đều có thể tạo đà cho sự nghiệp thăng hoa.
Cách đây 4 năm, Tạp chí Nữ Doanh Nhân đã từng có cơ duyên gặp gỡ và phỏng vấn nữ doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi khi cô theo đuổi sự nghiệp đồng hành cùng các thế hệ start-up Việt. Sau những thăng trầm của một giai đoạn kinh tế hậu đại dịch, chúng tôi lại có dịp gặp cô doanh nhân nhiều nhiệt huyết và lắng nghe những tâm sự của cô trong giai đoạn này. Thâm trầm, sâu sắc và thấu hiểu, cô trải lòng với chúng tôi về con đường sự nghiệp mở rộng với ngành nghề đổi mới sáng tạo, về những bài học cuộc sống và những trải nghiệm của một phụ nữ làm kinh doanh với sự tận hưởng đa sắc màu.
>>> For English version, read here!
***
SỰ NGHIỆP LÀ MỘT CUỘC ĐUA
Xin chào chị Trương Lý Hoàng Phi, so với 4 năm trước khi xuất hiện trên Tạp chí Nữ Doanh Nhân, chặng đường sự nghiệp của chị đã có những mốc son mới nào thưa chị?
Tôi cũng có một số cột mốc mới trong từng ấy năm. Tôi đã làm Tổng Giám đốc Vintech City, một thành viên của tập đoàn VinGroup, theo đuổi mô hình kiến tạo hệ sinh thái cho ngành Đổi mới sáng tạo. Đến cuối 2020, tôi rời Vintech City và sáng lập công ty riêng có tên là IBP – Investment & Business Partner, tiếp tục khát vọng sự nghiệp của tôi trong lĩnh vực đổi mới (innovation). Bên cạnh các công ty start-up và công nghệ, giờ đây, IBP có sứ mệnh tư vấn đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp là các tập đoàn lớn trong việc hình thành và hiện thực hóa các chiến lược đổi mới, hành trình tiến hóa giữa mô hình cũ và mới, đồng thời tìm kiếm các nguồn lực cho quá trình đổi mới đó. IBP có hai mảng chính, một là đưa những nguồn lực bên ngoài vào các công ty giúp họ thực hiện chiến lược đổi mới, hai là tham gia cùng họ tái định hướng và phát triển công ty.
Những thành tựu đã đạt được đến hôm nay có thể nói đã thỏa mãn kỳ vọng của chị chưa?
Tôi là người luôn đặt ra những kỳ vọng cao cho bản thân. Chính vì vậy, khi nhìn lại hành trình đã qua, tôi tìm thấy những điều mình đã thích nghi được và tạm cho là hài lòng, nhưng một cách tổng quan tôi thấy bản thân chưa đi nhanh như mình muốn. Đôi khi, tôi cũng tự hỏi rằng mình có đang đi với tốc độ quá chậm hay không và làm thế nào để tăng tốc nhanh hơn. Nhưng ngẫm lại tôi cũng hiểu rằng, một vận động viên giỏi dĩ nhiên luôn có tốc độ và thành tích tốt, tuy nhiên, một khi chuyển sang đường chạy mới họ cũng cần phải chậm lại vài nhịp để tạo đà. Những giai đoạn mà tôi chưa hài lòng do chưa đạt được tốc độ phát triển mong muốn phần lớn đều là thời điểm chuẩn bị cho một quá trình bứt tốc tiếp theo. Việc chậm lại đúng là rất cần thiết nếu không muốn lạc hướng vì chạy theo quán tính.
“Tự thừa nhận chính mình chính là sự tôn vinh bản thân một cách đáng giá nhất!”
Trong việc theo đuổi những cột mốc khẳng định tên tuổi của chính mình trên con đường sự nghiệp, theo chị Trương Lý Hoàng Phi, chúng ta nên làm thế nào để luôn có khát vọng thay vì tham vọng với chữ “tham” thật khó đoán?
Người ta thường nói, nội tâm suy nghĩ thế nào thì hành động sẽ biểu hiện ra thế ấy. Hai khái niệm “khát vọng” và “tham vọng” đều thể hiện những mong muốn cháy bỏng của con người. Tuy nhiên, trong khi “khát vọng” luôn được định nghĩa theo hướng tích cực thì “tham vọng” theo tôi là một khái niệm khá đa nghĩa. Một người theo đuổi những tham vọng, thì chữ “tham” trong đó hướng đến điều gì, cách thực hiện ra sao mới là điều quan trọng đáng bàn. Nếu là “tham” cống hiến, “tham” tạo ra thành quả tốt đẹp cho xã hội thì tham vọng đó không có gì là xấu. Mỗi người khi xác định được mục tiêu và giới hạn cần tuân thủ trên con đường đi đến mục tiêu sẽ không bao giờ làm xấu đi sự “tham lam” tích cực của mình.
Khát vọng và tham vọng theo tôi chỉ khác nhau ở chỗ chúng ta có kiểm soát được quá trình hay không mà thôi. Giống như trong một chặng đua, ai chẳng muốn là người chiến thắng. Có người chiến thắng bằng nỗ lực và kỹ năng, nhưng cũng có người đặt nỗ lực của mình vào những cách thức chưa phù hợp. Việc bất chấp tất cả, bằng mọi giá để đạt được mục tiêu là biểu hiện bản chất của lòng tham. Ranh giới thật sự rất mong manh và lựa chọn là sự tỉnh táo của mỗi người.
Người phụ nữ khi bước vào chốn thường trường, nếu chia sẻ thật lòng, ngoài những điều họ có được như vai trò của doanh nhân nói chung, chị có thấy nữ doanh nhân có bị mất đi điều gì không?
Tôi chỉ nhìn nhận từ góc độ quan sát cá nhân, không đại diện cho tổng thể nhé. Tôi thường đùa, phụ nữ làm kinh doanh thì cái mất đầu tiên là mất nhan sắc (cười). Dù luôn có ý thức giữ gìn vẻ ngoài chỉn chu, nhưng thế giới kinh doanh luôn đòi hỏi nhiều nỗ lực và cả áp lực. Thêm vào đó, nhiều nữ doanh nhân còn mang trách nhiệm liên quan đến gia đình, người thân, con cái… khiến họ dễ stress, vì thế, không phải lúc nào cũng đủ thời gian chăm sóc bản thân.
Thứ hai, bản chất của kinh doanh là quá trình đối mặt với những thời khắc cô đơn. Tôi muốn nói sự cô đơn ở đây trong góc nhìn của người luôn phải ra quyết định. Dù có nhiều đồng nghiệp hay nhiều người giúp đỡ, cuối cùng, có những quyết định chỉ có mình mới hiểu, không phải lúc nào bạn cũng có thể chia sẻ hết được. Do đó, sẽ có nhiều khoảng thời gian, nữ doanh nhân cảm nhận bản thân đang đi một mình trên con đường mà không phải ai cũng thấu hiểu. Nhưng cô đơn lại là sự thú vị của doanh nhân, nhờ vậy mà tạo nên sự độc đáo và độc bản.
Còn một điều nữa tôi không nghĩ là mất mát, nhưng cũng là một điều thiệt thòi của phụ nữ làm kinh doanh, đó là họ khó chu toàn và cân bằng được giữa công việc và cuộc sống. Có những nữ doanh nhân nơi thương trường thành công nhưng luôn trong cảm giác không thể quán xuyến trọn vẹn việc gia đình. Sự độc lập và mạnh mẽ của người nữ chủ doanh nghiệp đôi khi vô tình cũng ảnh hưởng đến cảm xúc và ứng xử của những người thân.
Hình ảnh người phụ nữ trong giai đoạn này thật sự có nhiều khác biệt tích cực so với nhiều năm về trước. Vậy theo chị Trương Lý Hoàng Phi, phụ nữ trẻ cần lưu ý những điều gì để có thể thành công hơn?
Lợi thế của thế hệ ngày nay là mọi người được tự do hơn trong việc thể hiện cá tính của mình. Người trẻ cũng được đào tạo bài bản hơn, đa ngành nghề hơn. Những lĩnh vực trước kia là lãnh địa của nam giới thì hiện tại phụ nữ cũng góp mặt. Chúng ta đã thấy sự bình đẳng giới trong lựa chọn sự nghiệp của mỗi cá nhân, chủ yếu là phụ thuộc vào sự tự tin về mặt chuyên môn của từng người.
Bên cạnh đó, phụ nữ bây giờ cũng thấu hiểu giá trị của chính mình và không bị giới hạn khi theo đuổi đam mê. Họ cũng ít gặp phải áp lực từ những định kiến dành cho giới nữ của xã hội. Chữ “phải” đã không còn tồn tại nhiều nữa, mọi người đã chấp nhận sự khác biệt, khái niệm thành công cũng thoát khỏi các khuôn mẫu sẵn có, và nhờ đó người phụ nữ cũng cảm thấy hạnh phúc và viên mãn hơn.
Tuy nhiên, xã hội chúng ta dù có tân tiến đến mức nào thì vẫn luôn tồn tại một cách nhìn có phần khắt khe hơn dành cho thành công của nữ giới. Đứng trước một người phụ nữ thành công, những câu hỏi kiểu hoài nghi rằng “liệu có ai đó đang hậu thuẫn cho họ?” vẫn tồn tại thường xuyên hơn so với một người nam giới thành công. Năng lực, kiến thức, tài năng hay những nỗ lực của người phụ nữ thành công đôi lúc một cách vô tình hay cố ý lại là những yếu tố được công nhận sau cùng. Tôi cho đó là sự bất công đối với phụ nữ, nhưng tiếc rằng nó vẫn tồn tại. Vì vậy, phụ nữ trẻ phải biết tỉnh táo, cân nhắc lựa chọn hướng đi thật phù hợp, đặc biệt trong những tình huống khó khăn lại càng phải cẩn trọng hơn.
>>> For English version, read here!
***
KHỞI NGHIỆP CẦN TỰ TIN VÀ KIÊN TRÌ
Ngành đổi mới sáng tạo cũng như lĩnh vực khởi nghiệp đều mang đặc thù của những bước đi nhanh, đột phá và mới mẻ. Nhưng như vậy liệu có lúc nào các doanh nghiệp này cũng cần chậm lại một chút như chị đã chia sẻ ở phần đầu không, thưa chị?
Trong triết học, sự tích lũy đủ về lượng sẽ dẫn đến sự thay đổi về chất. Xuất phát điểm của các công ty khởi nghiệp vốn luôn cần tư duy đổi mới sáng tạo, nếu không có gì mới mẻ họ không thể start-up được. Tuy nhiên, không có nghĩa vì thế mà việc khởi nghiệp hay việc đổi mới sáng tạo phải luôn diễn ra ở nhịp độ thần tốc mới được gọi là hiệu quả. Trong quá trình đổi mới sáng tạo, nếu mọi thứ diễn ra nhanh nhưng không đúng sẽ là sự phá hủy, nếu nhanh mà đúng sẽ tạo ra sự đột phá.
Khởi nghiệp phải là một hành trình đường trường và tích lũy, có những chặng nước rút nhưng cũng cần những bước đà vừa chậm vừa chắc. Giống như máy bay cất cánh, cần chạy đà trên đường băng dài thật cẩn trọng và chỉ khi hội đủ điều kiện mới có thể bay cao an toàn. Với tôi thì kinh doanh cũng thế! Trước khi bước vào giai đoạn bứt phá, doanh nghiệp cũng cần đi chậm để chọn được hướng đúng, tích lũy đủ lực, đủ nền tảng, có chiến lược phù hợp để tăng tốc.
“Trên thương trường, tôi trân trọng các mối quan hệ về bản chất nhiều hơn là địa vị hay tiền tài. Những hào quang đến từ bên ngoài chỉ là những khoảnh khắc nhất thời trong cuộc sống, không phải là tất cả để đo lường bất kỳ ai.”
Sau nhiều năm tư vấn cho cộng đồng khởi nghiệp, chị nhận thấy tinh thần khởi nghiệp những năm sau đại dịch có còn máu lửa như trước?
Giới khởi nghiệp luôn có tinh thần máu lửa. Không duy trì được tinh thần này, chắc hẳn không có start-up thành công trong dài hạn, đó là điều hiển nhiên.
Tuy nhiên, sau giai đoạn đại dịch, ảnh hưởng chung của nền kinh tế đem đến cho start-up góc nhìn thực tế hơn. Bản thân các quỹ đầu tư cũng không còn nguồn vốn giá rẻ dồi dào nên việc “bơm” vào các công ty khởi nghiệp cũng thận trọng hơn. Vì điều kiện thị trường, các nhà đầu tư cũng nhìn vào trung hạn thậm chí là ngắn hạn hơn so với dài hạn như trước kia. Chính điều này đã khiến giới start-up bắt đầu có ý thức hơn về việc củng cố sức khỏe cho doanh nghiệp nhằm có thể trụ vững qua giai đoạn nhiều biến động.
Tôi cho rằng điều này cũng có cái hay của nó. Ở giai đoạn kinh tế phát triển, doanh nghiệp cũng được hưởng lợi kiểu như “nước lên thuyền lên”, cơ hội dành cho tất cả, sự phân bổ chỉ là ít hay nhiều. Tuy nhiên, ở thời điểm nước đã rút, cơ hội chỉ dành cho những doanh nghiệp có thực lực và nền tảng để đi qua khúc quanh gập ghềnh của nền kinh tế toàn cầu. Vì vậy, thay cho những “chiếc bánh vẽ” hình thành trong tương lai, tiêu chí đánh giá các start-up giờ đây là những chỉ số rõ ràng hơn thể hiện sức khỏe, nội lực. Những bài “kiểm tra thực tế” là thước đo đánh giá doanh nghiệp liệu có đủ sức đề kháng với những đòn tấn công từ khó khăn bất khả kháng như hiện nay hay không.
Ai khởi nghiệp cũng có đam mê, có niềm tin mãnh liệt, nhưng sự tự tin đó đôi khi có phần thái quá và bướng bỉnh, chị có thấy thế không?
Tôi hiểu vì sao có ý kiến cho rằng các start-up tự tin thái quá và bướng bỉnh. Thật ra, lý giải ngắn gọn mà nói, nếu không có sự tự tin thì bạn có dám bỏ thời gian, tiền bạc hay thậm chí là sự nghiệp làm thuê thành công để theo đuổi một ý tưởng mới, sản phẩm, dịch vụ hay doanh nghiệp mới không?
Vài ngày trước, tôi có buổi trò chuyện với một số nhà đầu tư đang tìm kiếm để rót vốn vào một vài start-up. Sau khi nghe một số đề xuất, họ cũng cho rằng các bạn start-up trẻ hiện nay thường nghĩ sản phẩm của mình là tốt nhất, duy nhất, không ai làm được như vậy. Khi đó tôi đã chia sẻ với họ rằng, bởi vì có suy nghĩ và niềm tin như vậy nên các bạn mới start-up, chứ nếu thấy sản phẩm của mình không có gì khác biệt trên thị trường thì chắc chắn sẽ không có chuyện khởi nghiệp. Vậy thì vấn đề là khởi nghiệp rất cần niềm tin và sự tự tin, nhưng sự tự tin đó phải được kiểm soát bằng các cơ sở cụ thể.
Tôi thường đánh giá cao một nhà sáng lập doanh nghiệp (founder) biết điểm mạnh điểm yếu của mình ở đâu và biết rõ mình có điều gì để là một “founder” khác biệt. Một người sáng lập chưa hiểu thấu chính mình thì sự tự tin họ có thể hiện ra cũng chỉ quanh quẩn ở một khía cạnh nào đó gọi là thế mạnh, và cũng chỉ để khỏa lấp những khía cạnh khác đang là điểm yếu. Sẽ thật sự nguy hiểm khi người sáng lập không biết cái mình cần biết. Vì thế, khi tư vấn cho các công ty khởi nghiệp, điều đầu tiên tôi làm là giúp các “founder” hiểu rõ chính mình. Chỉ khi hiểu được bản thân thì họ mới biết mình cần bổ khuyết những gì, tìm được người hiểu mình, hiểu được giá trị mà người khác mang đến cho họ. Còn khi chưa hiểu mình là ai, sự tự tin trở nên thái quá, thì họ sẽ không trân trọng đồng đội cũng như những người dẫn đường cho mình.
Vậy trong giai đoạn khó khăn này, chúng ta có nên start-up không?
Không nên cho rằng vì thị trường đầy sóng gió mà chúng ta không dám giăng buồm ra khơi. Ở một khía cạnh khác, có khi điều kiện càng khó khăn càng có cơ hội cho những ý tưởng mới nảy sinh. Cũng như người ta thường dẫn dụ hình ảnh trên đường đua F1, những tay đua vượt lên không phải ở những đoạn đường trường mà chính nhờ vào những khúc cua. Nếu không có khó khăn, có khi chúng ta sẽ không biết mình là ai và không thể khám phá ra ngưỡng chịu đựng của chính mình. Thị trường start-up vẫn luôn tồn tại, vẫn cần những sản phẩm đổi mới. Nếu bạn thật sự tập trung, có những mô hình kinh doanh và ý tưởng tốt thì luôn có cơ hội trên đường đua này.
***
KINH DOANH ĐEM ĐẾN CHO CUỘC SỐNG ĐA SẮC
Là một nữ doanh nhân kỳ cựu, theo chị Trương Lý Hoàng Phi chúng ta đã có “Ngày Doanh Nhân” rồi, vậy có nên cần một ngày nào đó riêng để tôn vinh nữ doanh nhân không?
Tôi ít cảm thấy có sự khác biệt giữa doanh nhân nam và doanh nhân nữ trong công việc, nên thật lòng mà nói tôi nghĩ không cần thiết có một ngày cho nữ doanh nhân nữa.
Ở góc nhìn của tôi, kinh doanh là cuộc chơi của những “cái đầu”, vì vậy, chú ý đến những quyết định cũng như sức ảnh hưởng của những người làm kinh doanh sẽ khiến tôi thấy thú vị hơn. Mặt khác, phụ nữ cũng có nhiều ngày để được tôn vinh rồi, có thêm nữa sẽ trở thành quá nhiều không còn gì đặc sắc. Nếu như mỗi ngày phụ nữ đều cảm thấy đó là ngày của mình, thì hẳn chúng ta đều có thể nỗ lực và ghi nhận chính mình, không cần thêm ngày nào nữa.
Thật sự mà nói, càng ngày tôi càng thấu hiểu rằng, sự tôn vinh không nhất thiết chỉ có thể có được khi bạn đứng trên bục cao, giữa đông đảo nhiều người, được ca tụng, được tung hô. Sự trân trọng thực chất đôi khi chính là tự tôn vinh chính mình, là niềm tự hào mà chúng ta có thể cảm nhận một cách sâu sắc. Khi những cảm nhận, cảm xúc nội tại được lấp đầy thì đó mới là cách tôn vinh khác biệt, một cách nâng tầm tự tôn của bản thân mà sự tung hô của những người xung quanh không thể đem đến được. Tự thừa nhận chính mình chính là sự tôn vinh bản thân một cách đáng giá nhất!
“Sẽ có lúc, nữ doanh nhân cảm thấy mình cô đơn trên con đường mà không phải ai cũng thấu hiểu. Nhưng cô đơn lại là sự thú vị của doanh nhân, nhờ vậy mà tạo nên sự độc đáo và độc bản.”
Mọi người thường thấy chị đi chu du khá nhiều thay vì chỉ ngồi ở bàn làm việc, đó có phải là cách chị Trương Lý Hoàng Phi giảm tải căng thẳng không? Tiêu chí chọn điểm đến của chị là như thế nào dưới góc nhìn của một nữ doanh nhân?
Thật ra tôi là người ưa thích sự tự do, khi cảm thấy bị bó buộc trong một khuôn khổ nào đó tôi sẽ tìm cách để thay đổi hoàn cảnh. Việc đi chu du như thế, thay đổi điểm đến, gặp những người mới cũng là cách tôi học hỏi, tìm kiếm ý tưởng mới chứ không chỉ là để giải tỏa căng thẳng công việc.
Tiêu chí chọn điểm đến đối với tôi không phải là một nơi hoàn toàn mới mẻ, mà là một nơi mang đến được cho tôi một sự tươi mới về tâm trạng và cảm xúc, cho tôi quan sát và học được vài thứ gì đó hay ho. Có những nơi tôi đã đi nhiều lần nhưng vẫn trở lại để trải nghiệm những điều mình chưa từng thử. Có những nơi tôi đến chỉ vì thích, chỉ để ngồi một mình, tận hưởng không gian và thời khắc đó.
Một tiêu chí nữa không kém quan trọng mà tôi luôn đề cao đó là tính an toàn của điểm đến. Là phụ nữ và lại hay lựa chọn du lịch một mình nên tôi cần an toàn và quản lý các rủi ro có thể phát sinh.
So với ngày còn là cô gái đôi mươi đến hiện tại là một nữ doanh nhân, những tiêu chuẩn sống của chị đã trở nên dễ chịu hơn hay chuẩn mực hơn? Chị thấy bản thân mình đã trở thành một phụ nữ như thế nào sau khi bước vào hành trình kinh doanh?
Chắc chắn tôi đã khác hơn nhiều so với ngày xưa. Sau những trải nghiệm đã qua, tôi cảm thấy trân trọng cuộc sống và mọi người xung quanh hơn. Tôi biết cách chấp nhận sự khác biệt, nhìn nhận mọi thứ như vốn dĩ nó phải thế. Nếu như ngày trước kỳ vọng nhiều thì hiện tại tôi muốn mình được là chính mình và những người xung quanh được là chính họ, như vậy là tốt nhất.
Ngày còn trẻ, trong quan điểm của tôi chỉ có đúng hoặc sai, nhưng bây giờ tôi cho rằng không có gì là hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Tôi cũng cho phép bản thân trải nghiệm, có những góc nhìn riêng mà không bị ảnh hưởng bởi quá nhiều người. Vẫn có những điều không như ý khiến tôi chạnh lòng, nhưng tôi đã dễ dàng nhìn sâu hơn, hiểu được bản chất vấn đề, thấy thoải mái vì phân định được những điều thích và không thích. Đến độ tuổi này, khi được làm việc mình thích, trải nghiệm điều mình muốn, thì đó đã là thành công.
Thú thật, tôi cũng đã chứng kiến có những người ngày hôm qua ta gặp trong sự ngưỡng mộ khi họ có mọi thứ trong tay nhưng đến một ngày lại thấm thía cảm giác đã mất hết tất cả. Nhìn sự biến chuyển, điều gì thay đổi, điều gì không, tôi đã có những bài học sâu sắc. Vì vậy, trên thương trường này, tôi trân trọng các mối quan hệ về bản chất nhiều hơn là địa vị hay tiền tài. Những hào quang đến từ bên ngoài chỉ là những khoảnh khắc, những giai đoạn nhất thời trong cuộc sống, không phải là tất cả để chúng ta đo lường bất kỳ ai. Kinh doanh vốn dĩ là một phần cuộc đời tôi nên rất nhiều sự thay đổi của tôi đều đến từ công việc. Tôi được đi nhiều nơi, gặp nhiều người, va chạm nhiều tình huống, và những điều đó đã tạo nên con người tôi ngày hôm nay, nhìn cuộc sống đa sắc màu hơn.
Cám ơn chị đã chia sẻ!
>>> For English version, read here!
***
Success Mindset:
Theo chị, như thế nào là khái niệm “thành công” đối với nữ doanh nhân?
Hiểu rõ giá trị bản thân, tự tin với những gì mình tạo ra và hạnh phúc vui vẻ với những gì mình có, đó chính là thành công.
***
QUICK QUESTIONS 3 từ mô tả tính cách bản thân? Trách nhiệm – Quyết liệt – Thấu cảm Mỗi khi thất vọng, chị làm thế nào để lấy lại niềm hy vọng vào chính mình? Tôi hầu như chưa bao giờ mất hy vọng vào chính mình bởi tôi luôn tự nhủ đó là “tài sản” quý giá nhất mà tôi có. Tất nhiên, là một người có trách nhiệm nên đi cùng với đó không tránh khỏi những áp lực và không ít lần tôi thấy thất vọng về bản thân. Dù vậy, một chút thất vọng nhưng không có nghĩa là đánh mất niềm tin. Điều mọi người thấy tôi thành công nhưng vẫn có những điểm khiến tôi không hài lòng. Tôi luôn nghiêm khắc nhìn nhận lại điểm mạnh điểm yếu của mình, tập trung vào sở trường và xem cuộc sống là một hành trình hoàn thiện dần bản thân. Đây là cách tôi an ủi mình, lấy lại niềm tin những lúc tinh thần lung lay. |
Bài phỏng vấn độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân đã được phát hành trong số 146.2023 | Content Director: JENNI VÕ | Creative Director: HIEPLEDUC | Editor: HIDA | Photo: THẠC TRƯỜNG GIANG | Makeup: DUY VĂN
Có thể bạn quan tâm: