Một doanh nhân sẽ luôn có nhiều công việc cần giải quyết, đôi khi chiếm phần lớn thời gian trong cuộc sống. Nhưng với nữ doanh nhân Hồ Hoàng Diễm, chị luôn xem công việc là cuộc sống và đó chính là cách giúp chị cân bằng được mọi thứ, làm tốt các vai trò trong suốt 10 năm.
Với tấm bằng kỹ sư xuất phát từ ngành Hóa phân tích, nhưng nữ doanh nhân Hồ Hoàng Diễm lại mang trong mình khát khao và đam mê tạo dựng một thương hiệu chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp của người Việt. Chính điều này đã thôi thúc chị tự thân lập nghiệp cùng với những người anh em của mình để tạo dựng nên Damode Việt Nam.
Khởi nghiệp trái ngành đầy đam mê
Chào chị Hồ Hoàng Diễm, cơ duyên nào đã đưa lối để chị bắt đầu khởi nghiệp với Damode Việt Nam?
Việc khởi nghiệp này với tôi không phải ngày một ngày hai mà nó là cả quá trình. Trước khi khởi nghiệp, tôi từng làm việc trong một số ngành liên quan như dược phẩm, kiểm định sản phẩm, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp… Các công việc này cho tôi cơ hội tiếp cận nhiều với thị trường này, tham gia nhiều hội chợ quốc tế để nắm bắt xu hướng. Đó là lúc tôi nhận ra lĩnh vực sức khỏe và sắc đẹp là một thị trường rất tiềm năng cho Việt Nam, người Việt hoàn toàn có đủ năng lực để phát triển những thương hiệu chăm sóc toàn diện hướng tới sức khỏe, sắc đẹp và phong cách sống của người tiêu dùng như bao thương hiệu quốc tế khác. Từ niềm tin đó, tôi đã cùng một số anh em thân thiết đồng sáng lập nên Damode Việt Nam.
Từ nền tảng tốt nghiệp ngành Hóa học nhưng lại phát triển chuyên nghiệp trong kinh doanh, việc chuyển hướng như thế có những khó khăn và thuận lợi thế nào với chị?
Thật sự ngày xưa khi đi học tôi không được định hướng về ngành nghề tương lai. Việc học xong lớp 12 và chọn trường thi ngành Hóa hoàn toàn là ngẫu nhiên, nhưng hóa ra đó là lựa chọn phù hợp với tôi. Bản chất tôi là người khá kỹ lưỡng trong việc ăn uống hay sử dụng mỹ phẩm. Việc được học chuyên môn ngành Hóa giúp tôi phân tích rõ hơn về thành phần, định lượng và chất lượng của các sản phẩm, nhờ đó cũng sử dụng có hiệu quả hơn và yên tâm hơn. Và đó chính là thuận lợi lớn nhất của tôi khi mở rộng sự nghiệp theo hướng kinh doanh những dòng sản phẩm về sức khỏe và sắc đẹp. Những kiến thức khoa học chính quy từ trường lớp và kinh nghiệm làm chuyên môn trong quá khứ chính là những lợi thế giúp tôi có thể trực tiếp tham gia tạo ra những sản phẩm mang đến giá trị, chất lượng phù hợp cho người tiêu dùng Việt.
Tuy nhiên, đây là công ty khởi nghiệp đầu tiên của tôi, vì thế chắc chắn có khá nhiều khó khăn. Khó khăn đầu tiên dĩ nhiên là thiếu kinh nghiệm về kinh doanh và thiếu những người tư vấn. Tôi đã nghĩ khá đơn giản về việc thành lập doanh nghiệp và không có nhiều sự chuẩn bị. Ban đầu chúng tôi chỉ có một vài nhân sự cùng san sẻ công việc với nhau, và tôi hầu như việc gì cũng phải xử lý bên cạnh lập kế hoạch chiến lược như HR, kế toán, thu ngân, thủ quỹ, bán hàng… Đó là những khó khăn trong những ngày đầu mà chúng tôi đã có nhiều bài học và kinh nghiệm để vượt qua và mạnh dạn bước tới đến ngày hôm nay.
Vậy chị theo đuổi triết lý kinh doanh như thế nào để doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, thưa chị Hồ Hoàng Diễm?
Trong những ngày đầu thành lập, nếu để nói về khát vọng phát triển doanh nghiệp vươn cao vươn xa thì đúng là tôi chưa dám mơ mộng xa rời thực tế. Sau nhiều năm từng bước thực hiện, chăm chút vào từng sản phẩm, tôi có niềm tin vững vàng hơn và hợp tác với nhiều doanh nghiệp hàng đầu để có thể đưa ra thị trường những sản phẩm chất lượng. Triết lý kinh doanh mà suốt những năm qua tôi luôn kiên trì theo đuổi đó là tạo ra được một thương hiệu của người Việt, đạt chất lượng quốc tế và có thể thương mại hóa toàn cầu.
Tất cả những gì chúng tôi ưu tiên hiện tại là sản phẩm của công ty ra đời có được thị trường và người tiêu dùng chấp nhận hay không? Chúng tôi liên tục lắng nghe phản hồi, ghi nhận đánh giá và thường xuyên nâng cấp sản phẩm dịch vụ mỗi ngày để đáp ứng tốt nhất cho người tiêu dùng. Những tín hiệu đáng khích lệ là trong khoảng 4-5 năm trở lại đây, sản phẩm của Damode đã được chấp nhận trên thị trường, đặc biệt là cộng đồng Việt kiều ở 20 quốc gia trên thế giới. Vì thế, bước qua giai đoạn đầu chỉ quan tâm đến sự tồn tại, chi phí, nhân sự, thì hiện giờ công ty đã ổn định và trên đà phát triển. Động thái tiếp theo chúng tôi định hướng mở rộng quy mô và tầm vóc cho công ty bằng việc ký hợp tác với đại sứ thương hiệu toàn cầu là ca sĩ Nguyễn Hưng. Đây được xem như là một tiền đề để chúng tôi triển khai chiến lược phát triển quốc tế.
Suốt 10 năm đó, chị Hồ Hoàng Diễm đã có những bài học kinh doanh nào đúc kết được?
Đã 10 năm khởi nghiệp từ lúc chưa có gì nên tôi có rất nhiều bài học, và đối với tôi mỗi một ngày đều có bài học riêng, đến từ cả những sự việc lớn và nhỏ. Ví dụ như việc lựa chọn bao bì sản phẩm, làm thế nào để đạt tiêu chí chất lượng trong nước mà còn phải được chấp nhận bởi các nhà sản xuất ở các nước khác. Hay khi một sản phẩm bán ra thị trường, doanh nghiệp sẽ phải biết ghi nhận những phản hồi trái chiều, lắng nghe và làm việc với nhà sản xuất. Đó là những bài học mà tôi liên tục phải tiếp nhận và học hỏi để cải tiến doanh nghiệp.
Sẽ có nhiều khát khao khởi nghiệp từ những tấm gương giống như chị, chị Hồ Hoàng Diễm có lời khuyên nào để họ có thể phần nào đạt được mơ ước không?
Những năm gần đây, Việt Nam dường như trở thành quốc gia khởi nghiệp khi rất nhiều người nuôi dưỡng khát khao khởi nghiệp. Nhưng theo tôi được biết, phần lớn các công ty khởi nghiệp phải đóng cửa chỉ sau 2-3 năm. Từ đó để thấy, việc khởi nghiệp là không hề dễ dàng. Dựa vào kinh nghiệm thực tế, tôi thấy rằng để khởi nghiệp trước hết bạn cần có sự chuẩn bị, tìm hiểu thị trường kỹ lưỡng. Người mua cần cái gì, mình bán cái đó, không nên chỉ bán thứ mình có. Khi khởi nghiệp, ai cũng có ước mơ và đi cùng đó là mục tiêu lớn. Nhưng nếu bạn không trang bị kiến thức về marketing, sale, hoạch địch chiến lược hay nguồn vốn, tài chính, nhân lực…, thì sẽ khó để có được kết quả như mong đợi.
Niềm tin là “vốn liếng” để bắt đầu
Khi bắt đầu kinh doanh, chị Hồ Hoàng Diễm có lúc nào nghĩ rằng mình sẽ đi xa như ngày hôm nay không?
Nếu không tin thì sẽ không có bắt đầu. Có một câu nói rất hay mà tôi luôn ghi nhớ, đó là “Cái gì có trong đầu sẽ có trong tay”. Vì thế, tất cả mọi thứ đầu tiên phải được nuôi dưỡng với những mục tiêu rõ ràng trong suy nghĩ, rồi sau đó mọi hành động mới có cơ hội để thực hiện. Từ mục tiêu lớn đó, chúng ta chia thành các mục tiêu nhỏ hơn, từng bước từng bước thực hiện và đạt được thành quả.
Niềm tin đó chiếm bao nhiêu phần trăm trong những nỗ lực của chị? Ngoài niềm tin, đâu là những yếu tố khác đến từ bản thân cũng góp phần giúp chị phát triển?
Đối với tôi, niềm tin đã là 100% vốn liếng của tôi trong những ngày đầu đó. Khi đã có niềm tin trọn vẹn rồi, tôi mới bắt tay thực hiện với tiêu chí hết tâm, hết sức, hết lòng. Tôi luôn thực hiện với tâm thế hết việc chứ không hết giờ. Đó cũng là phong cách điều hành doanh nghiệp mà tôi tin tưởng và theo đuổi. Niềm tin giống như cột mốc đầu tiên đã khởi phát hành trình kinh doanh này.
Đến hôm nay, có thể nói công việc kinh doanh đã đem đến cho bản thân chị những gì?
Kinh doanh mang đến cho tôi rất nhiều điều. Nhưng quan trọng nhất là tôi đã nhận ra khái niệm công việc là cuộc sống chứ không phải là công việc và cuộc sống. Tôi thấy đó là một điều may mắn cho bản thân khi đã sớm nghiệm ra được điều này và nhờ đó cũng cảm thấy giảm được áp lực công việc. Nhiều năm trước, tôi luôn có sự phân biệt rõ ràng đâu là những vấn đề công việc, đâu là những vấn đề cuộc sống, tôi luôn phải tính toán phân bổ sự tập trung và nguồn lực cho bên này bên kia khá căng thẳng. Nhưng khi đã nghĩ được thông suốt công việc chính là cuộc sống thì tôi thấy mọi thứ nhẹ nhàng hơn. Cuộc sống của tôi nay đã mở rộng và hòa hợp, trong đó có gia đình, có con cái, có cá nhân và có cả công việc. Việc còn lại tôi phải đơn giản chỉ là sắp xếp sự ưu tiên trong từng giai đoạn phù hợp để giải quyết chu toàn các vấn đề, từ đó là sẽ có được sự cân bằng.
Những khó khăn đã có trong hành trình kinh doanh đã thay đổi cách một nữ doanh nhân như chị nhìn nhận về khó khăn như thế nào?
“Nếu muốn điều gì đó bạn sẽ tìm cách, không muốn thì bạn sẽ tìm lý do”, tôi thường nhắc nhở mình như thế. Đối với tôi, những khó khăn chỉ là thử thách được đặt ra để xem mong muốn và khao khát của tôi có thật sự mãnh liệt hay không mà thôi. Vì thế khi gặp khó khăn, tôi sẽ đi tìm giải pháp.
Những năm đầu khởi nghiệp luôn gặp khó khăn, thậm chí phải tự lấy tiền túi để trả lương cho nhân sự. Có những lúc tôi cũng chán nản, nhưng mỗi lần như thế tôi lại nghĩ “là do mình chưa làm được thôi” và lại cố gắng tiếp tục. Điều quan trọng là không được để tinh thần chiến đấu của bản thân bị chùng xuống. Từ những điều mà tôi và cộng sự đã và đang làm, chúng tôi luôn cảm thấy khó khăn chỉ là tạm thời, mọi thứ rồi sẽ trôi qua như cách chúng tôi đi qua gian khó sau ngần ấy năm.
Là một phụ nữ làm kinh doanh, chị thấy đâu là lợi thế và bất lợi của phụ nữ trong điều hành doanh nghiệp?
Theo trải nghiệm của tôi, phụ nữ làm kinh doanh gặp bất lợi nhiều hơn là lợi thế. Luôn không có sự công bằng giữa nam và nữ giới. Đàn ông khi theo đuổi sự nghiệp luôn được ủng hộ và công nhận, nhưng với phụ nữ thì ngược lại. Khi phụ nữ làm kinh doanh, họ dễ gặp nhiều trở ngại và rào cản, và những nỗ lực bỏ ra thậm chí phải gấp nhiều lần đàn ông để được công nhận.
Từ góc độ của tôi, lợi thế của mỗi người thực chất phải do bản thân tự tạo ra. Bản thân phải liên tục hoàn thiện mỗi ngày, nhiệt huyết hết mình với công việc, từ đó tạo ra giá trị và chỗ đứng của mình. Bên cạnh đó phụ nữ còn có sự đa cảm, tâm lý, nên đó cũng là một lợi thế trong kinh doanh nhưng điều đó cũng tùy thuộc cá tính mỗi người. Quan trọng nhất là khi bắt đầu công việc, bản thân người phụ nữ phải có nhiệt huyết đam mê, ắt hẳn họ sẽ tìm được cách thích ứng phù hợp. Và đó cũng là cách tôi đã khẳng định giá trị của chính mình.
Tích góp thành công từ những nỗ lực nhỏ
Việc theo đuổi kinh doanh của một người phụ nữ theo chị có ảnh nhiều đến cuộc sống cá nhân của họ không?
Khi theo đuổi đam mê một điều gì đó, chắc chắn có rất nhiều thứ trong cuộc sống bị ảnh hưởng. Thời gian là yếu tố bị ảnh hưởng rất nhiều, bạn sẽ không có thời gian cho gia đình, con cái, bạn bè và ngay chính bản thân. Thế nhưng nó cũng là một phần của cuộc sống, quan trọng là cách chúng ta sắp xếp.
Trong lịch làm việc, tất cả đều cần thứ tự ưu tiên. Tôi thường lên kế hoạch cho một ngày và giải quyết tuần tự. Khi có một sự kiện bất chợt chen ngang vào lịch trình, tôi chỉ cần xem nó có quan trọng không, nếu không thì vẫn tiếp tục kế hoạch đã định sẵn.
Công việc là lâu dài, không phải ngày một ngày hai mà xong việc được. Cho nên không nhất thiết phải ưu tiên quá mức, hoặc không tập trung là không làm được. Dựa vào kế hoạch đã sắp đặt mà chúng ta nên bám sát để thực hiện. Lúc đó ai cũng sẽ thấy cân bằng được giữa công việc và cuộc sống.
Chị Hồ Hoàng Diễm đã thích nghi cuộc sống cá nhân và những thói quen hay sở thích của bản thân như thế nào với vai trò của một nữ doanh nhân?
Trước hết, tôi vẫn còn khá ngần ngại để nhận mình là một nữ doanh nhân, bởi đó là một danh xưng có nhiều gánh nặng. Những người làm kinh doanh có rất nhiều đóng góp cho xã hội và mang đến nhiều giá trị cho cộng đồng. Còn hiện tại, tôi nghĩ mình chỉ là một nữ thương nhân nho nhỏ. Khi định vị bản thân là thương nhân, tôi sẽ nỗ lực hoàn thiện mỗi ngày, cố gắng tạo ra những sản phẩm có giá trị cung cấp cho cộng đồng và xã hội. Và khi là thương nhân thì những tiêu chuẩn cũng không còn quá khắt khe, không còn đòi hỏi độ thích nghi cao của bản thân nữa, bởi vì nó là công việc hàng ngày của cuộc sống rồi.
Gia đình có ủng hộ chị khi chị quyết định dấn thân vào kinh doanh không?
Rất may mắn là khi bắt đầu kinh doanh, tôi nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình. Tôi sinh ra ở Đồng Tháp và ngày xưa gia đình tôi rất nghèo. Ba mẹ tôi là giáo viên, trong khi hai bên nội ngoại cũng chưa ai làm kinh doanh. Khi tôi báo cho họ biết rằng tôi làm kinh doanh, họ đơn giản chỉ là ủng hộ, góp tinh thần động viên cho tôi theo đuổi đam mê. Xác định tự thân khởi nghiệp, tôi biết mình sẽ phải tự bươn chải, nhưng tinh thần ủng hộ của gia đình chính là động lực và niềm vui lớn của tôi.
Đến nay sau 10 năm, gia đình tôi rất hạnh phúc. Bạn biết đấy, người dân ở quê khi thấy con cái mình thành đạt trong công việc và cuộc sống thì họ rất tự hào. Không ai nghĩ rằng từ một gia đình nghèo khổ, đói kém mà có ngày con cái trưởng thành và thành đạt như vậy.
Theo chị Hồ Hoàng Diễm, phụ nữ nên theo đuổi sự nghiệp trước khi ổn định gia đình riêng hay ngược lại?
Tôi cho rằng, điều nào xảy ra trước cũng được, tùy vào hoàn cảnh thực tế của mỗi người. Ví dụ như người có cơ hội thì họ sẽ khởi nghiệp trước, nhưng có người mãi sau khi có gia đình mới có cơ hội này. Theo đuổi sự nghiệp trước hay sau không quan trọng, quan trọng là ở góc nhìn. Với tôi, đã là phụ nữ thì chỉ cần nhớ 3 việc, thứ nhất là không ngừng nỗ lực mỗi ngày, thứ hai là tự tin độc lập đứng trên đôi chân của mình và cuối cùng là sống lạc quan, tích cực. Nếu phụ nữ làm được 3 điều đó, chắc chắn họ sẽ có được sự cân bằng trong cuộc sống và việc theo đuổi sự nghiệp trước hay sau cũng không còn quan trọng nữa.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
***
Theo chị Hồ Hoàng Diễm, một nữ doanh nhân như thế nào được xem là thành công?
Chỉ cần được sống với đam mê của mình và làm được nhiều điều có giá trị cho cộng đồng, thì đó là một người thành công.
Content Director: JENNI VÕ | Creative Director: HIEPLEDUC | Editor: J.V, HIN | Photo: THẠC TRƯỜNG GIANG| Stylist: THUẬN TỪ | Makeup: VIỄN DƯƠNG
Có thể bạn quan tâm: