500 Startups, quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tích cực nhất tại Việt Nam, đã tổ chức sự kiện Demo Day 2020 để giới thiệu những startup công nghệ nổi bật trong danh mục đầu tư của quỹ. Hơn 100 nhà đầu tư, nhà sáng lập và lãnh đạo các tập đoàn lớn đã tới dự sự kiện tại TP. Hồ Chí Minh, và hàng trăm nhà đầu tư trên thế giới tham gia thông qua livestream trực tuyến.
Điểm nhấn của sự kiện là loạt thuyết trình của 9 startup công nghệ, phần lớn trong số này đã hoàn thành chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Saola (Saola Accelerator) kéo dài 3 tháng. Mỗi công ty tham dự Saola đều được nhận một khoản đầu tư lên đến 150.000 USD từ 500 Startups Vietnam. 9 công ty này hiện đang kinh doanh tại 17 thị trường trên khắp châu Á – Thái Bình Dương, châu Âu và Bắc Mỹ.
Được biết, Saola Accelerator ra mắt vào năm 2019 và đã tổ chức 3 khóa đào tạo cho tổng số 17 công ty khởi nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như công nghệ tài chính (fintech), công nghệ giáo dục (edtech) và thương mại điện tử.
Thông tin chi tiết của 9 startup công nghệ của 500 Startups Vietnam tham gia thuyết trình bao gồm:
- Bizzi – Giải pháp tự động hóa tài chính doanh nghiệp. Bắt đầu từ tháng 7/2022, tất cả các doanh nghiệp Việt Nam sẽ bắt buộc phải chuyển sang hóa đơn điện tử theo quy định của chính phủ. Bizzi ra đời để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tuân thủ quy định này, giúp họ số hóa việc quản lý dòng tiền doanh nghiệp nói chung. Kể từ khi ra mắt vào tháng 2/2020, Bizzi đã có hơn 100 khách hàng doanh nghiệp bao gồm 3 chuỗi cửa hàng tiện lợi và một chuỗi hiệu thuốc lớn trong cả nước.
- CoolMate – Tủ quần áo digital cho nam giới. CoolMate giúp nam giới lựa chọn những món đồ cần thiết hàng ngày một cách dễ dàng. Khách hàng có thể đặt tối đa 10 mặt hàng chất lượng như áo thun, quần áo lót và vớ với giá dưới 500.000 đồng. 98% khách hàng của Coolmate được khảo sát yêu thích sản phẩm của họ. Với 100.000 đơn đặt hàng được giao đến nay, Coolmate hướng tới cách mạng hóa trải nghiệm mua hàng cho nam giới Việt Nam.
- Cricket One – Protein từ dế cho thế giới hiện đại. Protein từ côn trùng được cho là cuộc cách mạng về lương thực bền vững trong tương lai. Đội ngũ Cricket One đã nghiên cứu thành công và thành lập mô hình sản xuất protein từ dế hiệu quả trên quy mô lớn. Cricket One cho rằng họ có năng lực sản xuất hàng đầu thế giới, hiện đã xuất khẩu sang 12 quốc gia trên 3 châu lục.
- EXCHANGE – Giải pháp khoa học dữ liệu cho doanh nghiệp. Ứng dụng học máy (machine learning) được xem là cốt lõi trong hoạt động của nhiều công ty công nghệ. Tuy nhiên, nguồn nhân sự kỹ sư học máy khá khan hiếm. Nền tảng PI.EXCHANGE giúp các công ty xây dựng và vận hành các mô hình học máy mà không cần thuê kỹ sư khoa học dữ liệu. Khách hàng của PI.EXCHANGE gồm các công ty trong nhiều lĩnh vực như hậu cần, sản xuất, giáo dục, tài chính và các tổ chức chính phủ.
- ProSpark – Nền tảng đào tạo doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Đông Nam Á. ProSpark giúp việc đào tạo doanh nghiệp (corporate training) trở nên thú vị và dễ dàng tiếp cận cho các khách hàng như GoJek (siêu ứng dụng Đông Nam Á), ngân hàng Sam Sampoerna (một trong những ngân hàng hàng đầu Indonesia) và PasarPolis (công ty công nghệ bảo hiểm lớn trong khu vực Đông Nam Á).
- Staple – Nhận diện và trích xuất dữ liệu bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo. Staple được phát triển riêng cho ngành tài chính ngân hàng và chăm sóc sức khỏe châu Á. Giải pháp của Staple có thể xử lý các tài liệu kinh doanh dưới nhiều định dạng, bố cục và ngôn ngữ khác nhau và trích xuất dữ liệu trong vòng vài giây. Công ty đang giúp các khách hàng lớn như EY cũng như một số ngân hàng Việt Nam và Thụy Sĩ tiết kiệm thời gian và ngân sách xử lý thủ tục giấy tờ.
- TradingFoe – Nền tảng thương mại điện tử B2B kết nối Bắc Âu và Đông Nam Á. Nền tảng này giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm kiếm đối tác thương mại phù hợp và cung cấp các hỗ trợ khác như tài trợ thương mại và bảo hiểm. Nhiều loại mặt hàng khác nhau với tổng trị giá hơn 4,2 triệu USD đã được giao dịch trên nền tảng này kể từ tháng 9/2019. TradingFoe hướng tới xây dựng “con đường tơ lụa” cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) ở Đông Nam Á.
- Tribee – Ứng dụng quản lý trải nghiệm nhân viên trong doanh nghiệp. Việc nhân viên không gắn bó với doanh nghiệp khiến các CEO Đông Nam Á tiêu tốn 78 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ nhảy việc cao nhất châu Á. Tribee đặt mục tiêu giúp các doanh nghiệp cách mạng hóa việc kết nối, thấu hiểu và khen thưởng nhân viên, từ đó thúc đẩy kết quả kinh doanh.
- Voiz – Ứng dụng sách nói & podcast. Với hơn 70.000 người dùng đã đăng ký và doanh thu đạt mức tăng trưởng 8 lần trong quý 3/2020, Voiz theo đuổi chiến lược “100% nội dung bản quyền” và đội ngũ trẻ này chứng minh rằng thị trường sách bản quyền chất lượng đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Cũng tại sự kiện, 500 Startups Vietnam đã giới thiệu kỳ lân công nghệ mới (công ty trị giá hơn 1 tỷ USD) trong danh mục đầu tư của quỹ là ApplyBoard. Nền tảng giáo dục này đặt ra sứ mệnh giúp sinh viên quốc tế trên khắp thế giới tiếp cận nền giáo dục đại học chất lượng ở Hoa Kỳ, Vương quốc Anh và Canada. Bà Dương Phạm, Giám đốc Quốc gia của ApplyBoard Việt Nam cho biết: “Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng sinh viên du học lớn nhất thế giới và được dự đoán sẽ tiếp tục phát triển bền vững. ApplyBoard đặt mục tiêu trở thành công ty dẫn đầu về thị phần trong thị trường du học vào năm 2021.”
Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Startups Vietnam cho biết đã thực hiện 15 khoản đầu tư mới tại Việt Nam trong năm 2020, nâng danh mục đầu tư của mình lên hơn 70 công ty. Quỹ này thường được các công ty nghiên cứu thị trường như Preqin, White Star Capital và nhiều nơi khác đánh giá là một trong những quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tích cực nhất Đông Nam Á. Ông Eddie Thai, Giám đốc Quỹ đầu tư 500 Startups Vietnam, cho biết: “Trong 5 năm qua, hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ đã phát triển nhanh hơn cả những gì chúng ta có thể tưởng tượng và Việt Nam có rất nhiều tiềm năng để phát triển đột phá hơn nữa. Chúng tôi rất vinh dự được trở thành một phần của cuộc hành trình này.”