Hãy dạy trẻ “cách” học trước khi truyền đạt kiến thức cao siêu!

Hãy dạy trẻ “cách” học trước khi truyền đạt kiến thức cao siêu!

Hệ thống giáo dục công hiện nay vẫn còn nhiều cứng nhắc và đặt nặng thi cử hơn là khuyến khích con trẻ khám phá kiến thức theo cách riêng. Nhưng trong một thế giới phát triển nhanh chóng và khó đoán định, chính việc dạy con trẻ phương pháp học tập phù hợp để thích nghi và phát triển còn quan trọng hơn truyền đạt những kiến thức cao siêu.

Vì sao cần dạy trẻ phương pháp học tập phù hợp?

Hệ thống giáo dục ngày nay đang dạy cho trẻ em kiến thức, kỹ năng từ thập niên 80 chứ không phải những điều có thể áp dụng cho công việc vào năm 2030. Vào những năm 1980, cách mạng công nghiệp thống trị thế giới, máy tính cá nhân vẫn còn non trẻ và Internet chỉ mới là giấc mơ của các nhà khoa học. Tuy nhiên ngày nay, các kỹ năng công việc đã chuyển từ lĩnh vực chế tạo, sản xuất sang dịch vụ và xa hơn là công nghệ hiện đại.

Xã hội 4.0 đang tạo ra những công việc cũng như công nghệ hoàn toàn mới mỗi ngày để giải quyết mọi vấn đề cuộc sống. Và mặc dù đã có những bước tiến vượt bậc, loài người vẫn chưa thể dự đoán tương lai. Chúng ta không biết thế giới sẽ thay đổi như thế nào vào ngày mai, sẽ có những ngành nghề mới nào xuất hiện và những công việc nào bị thay thế bởi tự động hóa, máy tính hay robot.

Vì thế, việc giáo dục con cái như thể thế giới sẽ chẳng bao giờ đổi thay không còn phù hợp. Mà chính việc khơi dậy niềm đam mê học tập và hướng dẫn trẻ cách thức học tập thích hợp là món quà tuyệt vời nhất mà bạn có thể dành tặng con mình. Hãy dạy con trở thành người linh hoạt, cởi mở, có kỹ năng giải quyết vấn đề và thích nghi với thay đổi trong tương lai.

7 cách dạy trẻ phương pháp học tập phù hợp

1. Biến mỗi bài học thành trò chơi vui

Bằng cách này, trẻ sẽ cảm thấy hứng thú và dễ dàng tiếp thu kiến thức hơn. Thay vì để trẻ tự tập đọc theo sách, bạn hãy biến nó thành giờ cả nhà cùng kể chuyện; chuyển việc học chép từ vựng tiếng Anh sang việc học từ mới từ việc cùng nhau đi khám phá khu vườn.

Hãy sử dụng sự vui tươi, hài hước để khơi dậy niềm hứng khởi trong trẻ. Chính niềm vui sẽ gợi lên sự tò mò, giúp trẻ cảm nhận học tập là thích thú. Từ đó, trẻ sẽ có động lực tự học hỏi, khám phá ngay cả khi không có sự giám sát của cha mẹ.

2. Khuyến khích “nỗ lực” hơn là “năng lực”

Tiến sĩ Carol Dweck, nhà nghiên cứu tiên phong về động lực phát triển và tác giả cuốn sách khai sáng tư duy mang tên Mindset tiết lộ: “Việc thường xuyên khen ngợi, động viên trẻ về những nỗ lực cố gắng chúng đã bỏ ra để hoàn thành công việc thay vì chỉ tập trung vào năng lực của chúng sẽ khuyến khích trẻ sẵn sàng đón nhận thử thách của cuộc sống hơn.”

Vì thế, cha mẹ hãy thường xuyên dành lời khen vì con đã cố gắng hết mình và động viên con áp dụng các phương pháp thích hợp. Ví dụ, khi làm Toán, đừng quan trọng con được bao nhiêu điểm hoặc giải được bao nhiêu bài tập nâng cao, mà cha mẹ hãy khi nhận và khen thưởng vì con đã cố gắng hết sức rồi hướng con quan tâm đến tính ứng dụng của môn Toán. Như thế, con sẽ không cảm thấy áp lực, có niềm tin vượt qua trở ngại và hiểu được giá trị của việc học.

3. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi thực hiện

Trẻ em thường hấp tấp nên thích “nhảy” ngay vào thực hiện các nhiệm vụ chính mà bỏ qua phần hướng dẫn thực hiện. Nhưng đây lại thường là phần quan trọng nhất, hiểu rõ được nó là nắm được cơ bản cách giải quyết vấn đề. Từ đó, trẻ có thể vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp.

dạy con trẻ cách thức phương pháp học tập

Trẻ sẽ dễ nản lòng và bỏ cuộc nếu đang giải toán mà chợt nhận ra mình đã bỏ qua một bước quan trọng hay dùng sai công thức ngay từ đầu. Việc nắm vững các hướng dẫn sẽ giúp con hạn chế lãng phí thời gian, công sức lẫn cảm xúc. Vì thế, hãy khuyến khích và dạy trẻ học cách đọc kỹ chỉ dẫn, gạch chân, khoanh tròn các ý chính để tự tin tiến bước.

4. Giải thích ý nghĩa và giá trị của việc học

Khi trẻ em hiểu rõ lý do vì sao cần phải làm một điều gì đó thì chúng cũng sẽ năng nổ và dễ bắt tay vào thực hiện hơn. Nếu không, con sẽ có thể than vãn, thiếu động lực, không tập trung hoặc dễ bỏ cuộc. Vì thế, người làm cha mẹ hãy phân tích rõ ý nghĩa và giá trị của việc học, giúp con cảm thấy hứng thú hơn. Hãy cho con thấy bất kể điều gì được học cũng sẽ mang đến cho con nhiều kiến thức và kỹ năng bổ ích như thế nào trong cuộc sống, giúp con giải quyết vấn đề dễ dàng hơn và hợp tác với người khác thoải mái hơn.

5. Rèn cho con kỹ năng giải quyết vấn đề

Cha mẹ đừng lúc nào cũng quyết định thay con mà hãy cho con cơ hội để tự giải quyết vấn đề bằng chính phán đoán của con. Khi trẻ gặp một thử thách mới, trước hết cha mẹ hãy hỏi con rằng: “Con nghĩ cách nào sẽ giúp mình vượt qua điều này?” Đây là câu hỏi sẽ kích hoạt cho con tinh thần “chiến binh”, khơi dậy bản năng lẫn kỹ năng giải quyết vấn đề. Nếu trẻ có biểu hiện lo lắng, sợ hãi hay than vãn, cha mẹ cần kiên nhẫn, thể hiện tình yêu thương và sự hỗ trợ để cùng con nhận diện, đối mặt, lên kế hoạch vượt qua thách thức.

dạy con trẻ cách thức phương pháp học tập

Albert Einstein từng nói: “Giáo dục là thứ còn lại sau khi người ta quên hết những điều đã học ở trường.” Thay vì nhồi nhét kiến thức cao siêu nhưng cũ kĩ, cha mẹ hãy giúp con trui rèn niềm hứng khởi và phương pháp học tập phù hợp với sự phát triển của tương lai.

6. Khen thưởng sự tiến bộ của con qua từng ngày

Trẻ em thường mong muốn làm hài lòng và nhận được lời khen từ cha mẹ. Vì thế, người lớn đừng “tiết kiệm” sự công nhận dành cho trẻ. Hãy đánh giá cao nỗ lực và tuyên dương khi trẻ có sự tiến bộ trong học tập và cuộc sống. Nếu nhận thấy sự phát triển và cố gắng của mình qua từng này được người thân yêu ghi nhận, trẻ cũng sẽ có động lực để tiếp tục học hỏi tốt hơn.

Bạn có thể dạy trẻ học cách chia các nhiệm vụ lớn thành các bước hành động nhỏ, vừa dễ quản lý, vừa giúp trẻ nhận diện rõ con đường hướng tới mục tiêu. Hãy thường xuyên nhắc nhở về những lần con nỗ lực đấu tranh và vượt qua vấn đề, giúp con tự tin đón nhận mọi bài học cuộc sống.

7. Giúp con hình dung ra hình mẫu mình muốn trở thành

Trong nhiều trường hợp, việc giúp trẻ hình dung ra hình mẫu mình muốn trở thành trong tương lai sẽ tạo động lực thôi thúc con học tập và phát triển mạnh mẽ. Đơn giản hơn, hình ảnh người cha người mẹ trìu mến, người thân hay thầy cô giỏi giang có thể trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho trẻ siêng năng học tập hơn. Thậm chí, những người bạn luôn sẵn sàng hỗ trợ con cũng có thể là hình mẫu nhiều cảm hứng cho con noi theo. Đôi khi, chỉ là việc được ngồi học kế bên một người thân thương nào đó cũng có thể tạo động lực cho con nhiệt tình học tập. Chính sự ấm áp, động viên và hỗ trợ thường xuyên là nguồn năng lượng nuôi dưỡng thói quen học tập trong tâm hồn mỗi đứa trẻ.

Nguồn: Tổng hợp – Ảnh: Unplash

ĐỌC THÊM:

Comment