Doanh nghiệp trong cơn khủng hoảng: biến động nhưng đầy sẻ chia (Kỳ 1) - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Doanh nghiệp trong cơn khủng hoảng: biến động nhưng đầy sẻ chia (Kỳ 1)

Cuộc khủng hoảng do đại dịch vừa qua, nhiều khả năng đã trở thành thời điểm tốt nhất để chúng ta thể hiện tiếng nói nhân văn của người làm kinh doanh.

Không thể phủ nhận đại dịch đã làm tổn hại đến tình hình kinh doanh của hầu hết các doanh nghiệp, nhiều trong số đó đã thực hiện cắt giảm chi phí và chính sách tiết kiệm. Khủng hoảng khiến nhiều người trong chúng ta tự hỏi, làm thế nào chúng ta có thể làm cho cuộc sống trở nên tốt hơn hoặc ít nhất là trở lại như trước. Nhưng trong cuộc đời kinh doanh, nếm trải thăng trầm có bao giờ là đủ, đặc biệt khi chúng ta là những bóng hồng trên thương trường.

Trong nhiều năm qua, chân dung của những nữ doanh nhân thế hệ mới đã được xây dựng với sức trẻ và sự quyết tâm cao. Họ luôn có thể cân bằng cảm xúc nữ tính bản năng để quyết đoán, để điều hành, đưa doanh nghiệp tiến nhanh, tiến xa trong thế giới kinh doanh rộng lớn.

Nhưng đại dịch, đã tính toán lại tất cả.

Trong những tuần đầu tiên trở lại chốn văn phòng, những dòng e-mail trao đổi công việc lúc nào cũng kết thư bằng câu chúc: “Hãy gìn giữ sức khỏe!” cho thấy nhiều thứ đã khác xưa.

Những người lãnh đạo doanh nghiệp dần chứng kiến những điều họ chưa từng thấy trong cuộc đời làm việc chuyên nghiệp. Đó là khung cảnh họp trực tuyến với những nữ cộng sự thi thoảng lại có những đứa con nhỏ góp mặt, là dự án phải hoãn lại vì những đối tác quan trọng hay nhân viên chủ chốt dương tính với Covid-19, là thông báo chấm dứt hoạt động của nhiều doanh nghiệp mà trước đó từng gây được tiếng vang trên thương trường…

Một sự thất bại, một cuộc khủng hoảng có thể khiến bất kỳ ai cảm thấy thất vọng, khó chịu, sợ hãi, lo lắng cho bản thân và những người xung quanh mình, cũng trong giây phút đó, người phụ nữ với trăm mối lo đa đoan lại càng chất chứa nhiều khắc khoải hơn. Đột nhiên, tất cả những điều họ nhìn thấy đã biến những phẩm chất truyền thống nhất gắn liền với phụ nữ, đó là lòng trắc ẩn và sự đồng cảm trỗi dậy, để thúc đẩy họ đã đến lúc không chỉ sống vì mình nữa, mà vì điều gì đó lớn lao hơn. Và khi sức mạnh ấy có thể lan tỏa cho điều gì đó hơn chính bản thân, nó có thể khiến chúng ta chạm vào cuộc sống ý nghĩa mà ta hằng kỳ vọng…

Người làm chủ luôn chăm chỉ hơn bất kỳ ai, bởi vì họ không chỉ làm việc cho riêng mình. Những quyết định mới, những thách mới được đưa ra mỗi ngày đều có ảnh hưởng đến nhiều người. Liệu có nên tiếp tục với định hướng này, có nên duy trì văn phòng hay work-from-home, mức lương “bình thường mới” của nhân viên nên thế nào và có thể duy trì bao lâu? Luôn luôn là thế, một nguyên tắc bất di bất dịch trong mọi nguyên tắc lãnh đạo là đặt con người lên hàng đầu, dù đó là đối tác hay nhân sự của chúng ta.

Trách nhiệm đè nặng lên vai giờ đây đâu chỉ là những khát vọng lớn lao nào đưa công ty lên sàn nào đạt doanh thu triệu đô, mà ở nhiều doanh nghiệp còn là vấn đề đảm bảo sự tồn tại. Là thời điểm mà hiệu suất không được xác định bởi số tiền kiếm được, mà được đánh giá bằng cách một doanh nhân có thể làm gì để phục hồi đội ngũ của mình và thực hiện mục đích cao cả hơn sự đáp ứng lao động thông thường – giúp đỡ mọi người mà không cần nhận lại.

Trước đây khi mọi thứ còn “bình thường”, người làm kinh doanh luôn phải thể hiện hình tượng giải quyết vấn đề mạnh mẽ, vượt trội và tạo ra cải tiến với thật ít sai lầm. Nhưng có lẽ quan điểm đó đã trở nên “truyền thống” giữa giai đoạn “bình thường mới”. Gần đây, khi mỗi người chúng ta có xu hướng dễ tổn thương hơn, yếu đuối hơn, chúng ta lại hiểu rằng có một khía cạnh mà một người phụ nữ đứng đầu cần hơn bao giờ hết đó chính là sự nuôi dưỡng về tinh thần – một sự nuôi dưỡng mang tính định hướng, có thể đáp ứng những điều “bình thường” nhất cho những người xung quanh họ: được chăm sóc trong cuộc sống nghề nghiệp và cá nhân với tư cách là con người. Có lẽ, sự chăm sóc ấy không chỉ khiến họ mỉm cười an nhiên mỗi cuối ngày vì lại có thể hỗ trợ thêm một ai đó, mà họ còn được đền đáp bằng lòng trung thành và sự chăm chỉ của những cánh tay trợ thủ đắc lực.

Tại thời khắc lung lay nhất, tính nhân văn lại một lần nữa được đánh động. Trong một xã hội mà mọi người chia sẻ đau buồn, lo lắng và sợ hãi, họ sẽ có cảm giác rằng mình đang ở trong cùng cơn bão với tràn ngập sự chấp nhận, thân thiết và hy vọng. Nhưng giữa cơn bão, điều tạo khác biệt là có người chủ động trên con thuyền giữa bão giông và giải quyết được những nỗi bận tâm, xây dựng khả năng phục hồi và giúp họ hình dung lại một cách tích cực về tương lai sau khi bão tan. Và cuộc khủng hoảng này, cũng có khả năng trở thành thời điểm tốt nhất để chúng ta thể hiện tiếng nói lãnh đạo của mình.

Nếu bạn muốn giúp người khác thành công, bạn cần biết điều gì quan trọng đối với họ. Không phải “thành công” của mọi người đều được tính bằng con số với hàng dài những số không trong ngân hàng. Đối với một số người, đó là cơ hội về nhà sớm để ở bên gia đình, đối với những người khác là cơ hội được công nhận trước các đồng nghiệp của họ hoặc dành thời gian cho người mà họ ngưỡng mộ. Khi bạn chú ý đến các chi tiết và học cách hiểu điều gì thúc đẩy ai đó, bạn có thể giúp họ khai thác động lực để thúc đẩy cuộc sống của họ về phía trước. 

Một công ty chân thành, một vị sếp tài ba sẽ biết cách đi sâu vào cảm xúc mong manh nhất của con người để biến điều đó thành động lực hỗ trợ họ trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Và tin chắc rằng, khi có được những nhân sự hạnh phúc ấy, doanh nghiệp cũng sẽ sớm trở thành phiên bản tốt nhất của chính nó.

Sống lâu hơn: Khi giúp đỡ ai đó, ta đang cải thiện khả năng kiểm soát căng thẳng và ngăn ngừa bệnh tật, cũng như giảm bớt sự cô đơn và nâng cao đời sống xã hội.

Tạo sức ảnh hưởng: Khi một người thực hiện một hành động tốt, nó sẽ gây ra một chuỗi phản ứng của những hành vi tương tự, hiệu ứng này có thể lan tỏa khắp cộng đồng, truyền cảm hứng cho hàng chục cá nhân khác tạo ra sự khác biệt.

Tăng lòng tự trọng: Những cảm giác tốt đẹp từ sự giúp đỡ có thể thay thế cho một liều thuốc lành mạnh giúp tăng cảm giác tự tin và lòng tự trọng. 

Hạnh phúc hơn: Niềm vui khi “tặng quà” cho ai đó luôn khó quên hơn khi bạn nhận quà. Và cảm giác ấy có thể mang lại sự viên mãn cho cuộc sống của bạn.

Giảm… đau: Thật vậy, khi san sẻ cộng đồng, bạn đang giải phóng chất giảm đau tự nhiên của cơ thể (endorphin) như một phần của sự trợ giúp mà không cần đến các giải pháp y tế.

Đón đọc phần 2

Text: Hồng Đặng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment