Điều kỳ diệu từ âm thanh - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Điều kỳ diệu từ âm thanh

Không chỉ phụ thuộc vào các đơn thuốc hay dưỡng sinh, các nhà khoa học đã khám phá những lợi ích mới của âm thanh cho sức khỏe của con người.

Những âm thanh có màu                 

Dù không nhìn thấy được, nhưng âm thanh thực sự có những màu sắc riêng biệt, như màu trắng, hồng, đỏ, xanh, tím, xám, đen, nâu. Gọi như vậy để chỉ sự khác nhau của các mức năng lượng sau mỗi quãng 8 của các tần số phát ra, định danh cho những nhiễu âm được ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống. Trong đó, nhiễu âm trắng, hồng và nâu là những nhiễu âm có lợi cho cuộc sống.

Nhiễu âm trắng là một bản hòa âm của các loại âm thanh khác nhau với tần số 20 – 20.000Hz phát ra cùng một lúc. Có thể hình dung, nó như một bản nhạc tổng hợp các loại âm thanh quen thuộc như: tiếng mưa rào, tiếng thác nước chảy róc rách, tiếng rù rì của máy lạnh, máy sấy tóc, tiếng rè của đài phát thanh… Cũng chính vì vậy nên nhiễu âm này thường được dùng để lấn át các tiếng ồn khác, giúp thần kinh bớt nhạy cảm với các âm thanh bên ngoài. Đặc biệt, nhiễu âm này thực sự hữu dụng với những người mắc các chứng bệnh khó ngủ về đêm. Bên cạnh đó, âm thanh này còn được sử dụng để giúp trẻ em bớt quấy khóc, giảm stress và ngủ ngon hơn. Cũng được tạo ra từ một tần số tương tự nhiễu âm trắng, tuy nhiên, nhiễu âm hồng được cho là giống âm thanh cân bằng và tự nhiên hơn.

Trong một nghiên cứu mới đây, nhiễu âm hồng được cho là có hiệu quả hơn so với nhiễu âm trắng trong việc vỗ về giấc ngủ, giúp giấc ngủ sâu và tăng cường trí nhớ. Được phát ở tần số thấp hơn, nhiễu âm nâu là âm thanh có phần “thô” hơn nhiễu âm hồng, giống như tiếng gầm của dòng sông hoặc gió mạnh, giúp người nghe thư giãn, tập trung cải thiện tâm trạng tốt hơn. Mỗi người sẽ phù hợp với một loại nhiễu âm khác nhau. Bạn có thể tìm thấy những nhiễu âm này trong những tiếng động tự nhiên, hoặc nhân tạo như các ứng dụng điện thoại và các bản ghi sẵn trên internet.

Tác dụng của âm nhạc

Tất cả chúng ta đều biết âm nhạc như một liều thuốc bổ cho tinh thần, tuy nhiên âm nhạc còn mang trong mình nhiều tiềm năng hơn thế. Trong Chiến tranh thế giới thứ II, một số bác sĩ đã sử dụng âm nhạc để điều trị, nhằm xoa dịu cơn đau của bệnh nhân, đồng thời xua đi nỗi ám ảnh về cuộc chiến. Việc làm trên không chỉ làm thay đổi tình trạng của bệnh nhân, giảm các tín hiệu gây đau khi truyền qua cột sống mà còn giúp cải thiện vết thương viêm nhiễm, kéo theo tỉ lệ tử vong suy giảm. Trên thực tế, việc vận dụng những loại nhạc khác nhau sẽ giúp chúng ta cải thiện rất nhiều về cuộc sống và sức khỏe hiện tại:

  • Giảm cảm giác mệt mỏi

Âm nhạc có thể khiến các hoạt động thể dục thể thao trở thành một thú vui tiêu khiển, khiến thời gian tập luyện trôi nhanh hơn bình thường, giảm cảm giác mệt mỏi, tăng kích thích thần kinh, tạo phản ứng thư giãn về sinh lí và cải thiện sự phối hợp vận động. Bên cạnh đó, âm nhạc làm giảm căng cơ và cải thiện sự vận động cũng như sự phối hợp của cơ thể. Đối với các bệnh nhân rối loạn vận động, âm nhạc đóng vai trò trong việc phát triển, duy trì và phục hồi chức năng thể chất trong quá trình phục hồi chức năng.

  • Giúp làm việc hiệu quả

Khả năng nhận thức các hình ảnh, bao gồm cả chữ cái và các số của con người sẽ nhanh nhạy hơn khi nghe nhạc cổ điển. Âm nhạc còn có thể loại bỏ sự mệt mỏi do hoạt động thể lực hoặc các triệu chứng mệt mỏi gây ra bởi những công việc đơn điệu. Tuy nhiên, nên chọn những bản ballad nhẹ nhàng vì nghe quá nhiều nhạc pop và hard rock có thể khiến bạn bồn chồn.

  • Cải thiện tình trạng sức khỏe

Sau khi trải qua các cuộc phẫu thuật, người bệnh thường được nghe nhạc để mang đến trạng thái thần kinh thoải mái, giúp vết thương mau lành hơn. Âm nhạc giúp làm giảm đau trong những tình huống như sinh con, tăng tốc độ phục hồi chuyển hóa sau stress, phục hồi thể chất nhanh hơn sau khi vận động mạnh. Đó là do âm nhạc giúp tăng cường quá trình chuyển hóa và giảm hàm lượng axit lactic trong và sau quá trình luyện tập. Việc tập trung vào một giai điệu mà bạn yêu thích cũng sẽ làm giảm đau nhờ phân tán sự tập trung vào vết thương.

***

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm:

Bí mật từ Hormone

Sải những bước vui

Comment