Chuyển giao quyền lực - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Chuyển giao quyền lực

Bạn không thể một mình quán xuyến mọi vấn đề lớn nhỏ khi công ty ngày càng phát triển lớn mạnh. Đó là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn chuyển giao bớt trách nhiệm sang người khác

Một doanh nghiệp trong giai đoạn trứng nước không thể tồn tại và phát triển nếu người chủ không tự tay làm mọi thứ, để mắt đến từng chi tiết nhỏ nhặt nhất. Nói cách khác, giai đoạn này, các chủ doanh nghiệp thường ăn, ngủ, sống và chết cùng công ty.

Sau một thời gian dài dồn hết tâm tư, công sức vào việc “nuôi dưỡng” doanh nghiệp ngày một lớn hơn, người chủ dường như bị sốc và từ chối tiếp nhận sự thật: Công ty đã có thể tự thân vận động mà không cần họ can thiệp quá nhiều.

Tốc độ tăng trưởng công ty bị kiềm hãm, các cơ hội tốt có thể biến mất khi gặp chướng ngại vật lớn: Chủ doanh nghiệp cứ muốn mình phải được thông báo tất cả việc nhỏ nhặt nhất, góp mặt trong mọi cuộc họp các phòng ban, và là người cuối cùng ra quyết định mọi chuyện. Hiệu suất làm việc của nhân viên cũng sụt giảm hoặc giậm chân tại chỗ trước sự chuyên quyền đó.Passing the Torch

Các chủ doanh nghiệp thành công hiểu rằng làm chủ là một quá trình học hỏi không ngừng và đến thời điểm nào đó sẽ cảm thấy bản thân không đủ khả năng để kiểm soát mọi thứ. Đó là lúc bạn cần học cách ủy quyền và tin tưởng với tư duy thật sự của một doanh nhân.

Dưới đây là năm bước quan trọng để ủy quyền hiệu quả và giúp doanh nghiệp gặt hái nhiều thành công hơn. Nếu bạn bắt đầu có cảm giác mình không thể tiếp tục quản lý mọi chuyện lớn bé trong công ty, đừng bỏ qua chúng.

1Chấp nhận thực tế

Nhiều chủ doanh nghiệp lưỡng lự, thậm chí miễn cưỡng khi chuyển giao một phần nhỏ quyền kiểm soát cho cấp dưới. Họ sợ việc đó khiến bản thân bị thu hẹp quyền lực, giảm sức ảnh hưởng trong công ty, nhân viên không còn tôn trọng lời nói và xem nhẹ các chính sách họ đề ra. Tuy nhiên, sự thật ngược lại, chuyển giao quyền lực giúp nâng cao hiệu quả hoạt động công ty bằng việc san sẻ trách nhiệm, qua đó làm tăng năng suất. Nhân viên không có được cơ hội giải quyết vấn đề của mình nếu bạn luôn đứng ra làm việc đó thay họ. Dù các chủ doanh nghiệp thường thích tự xử lý những vấn đề lớn nhỏ phát sinh, nhưng lịch trình ngày càng bận rộn không cho phép họ làm điều đó. Bằng cách trao quyền và khuyến khích tài xoay xở ở cấp dưới, chủ doanh nghiệp cũng tạo cơ hội để họ đưa ra giải pháp cho các vấn đề của mình.

2Học cách buông tay

Đừng bao giờ nghĩ mình là siêu nhân. Nghịch lý ở đây là bạn càng giỏi trong việc xây dựng và phát triển công ty, càng cảm thấy phức tạp và khó quản lý hơn. Khi công ty quá lớn để đảm đương một mình, bạn lại “nghiện” cảm giác bản thân là người chịu trách nhiệm mọi việc, luôn tự trấn an rằng tất cả đều trong tầm kiểm soát. Bạn thật sự muốn tỉnh ngộ sau khi đánh mất một khách hàng lớn hay đứng trước nguy cơ hôn nhân tan vỡ? Hãy chấp nhận đi, bạn không thể tự mình làm tất cả mọi chuyện.

Cương quyết vứt bỏ cái tôi, đừng tiếp tục để nó tiêm nhiễm bạn với ý nghĩ không một ai khác có thể làm việc giỏi, tâm huyết và hiệu quả như bạn. Bạn không thể học cách buông tay nếu không đánh giá đúng điểm mạnh và yếu của bản thân. Sớm muộn gì bạn cũng học được bài học lớn: Ngoài kia còn có người làm giỏi công việc của bạn hơn bạn.Man shaking hands

3Giới hạn chuyển giao

Đến giai đoạn này, bạn cần quyết định xem những phần việc nào nên giữ lại và những phần việc nào có thể chuyển giao cho các cấp quản lý trung gian mà không làm công ty đi lệch quỹ đạo phát triển.

4Chọn mặt gửi vàng

Bạn cần tìm kiếm một/những cá nhân đủ năng lực và khiến bạn tin tưởng. Khi thuộc cấp đã quá tải với công việc của họ, bất thình lình chuyển giao phần trách nhiệm vốn dĩ thuộc về bạn chỉ khiến tình hình thêm xấu đi. Nếu cần bổ sung nhân sự, đừng ngần ngại móc hầu bao.

Việc chuyển giao quyền lực có thể đòi hỏi bạn đích thân huấn luyện và giám sát trong thời gian đầu. Đừng bao giờ giao tất cả công việc cùng một lúc vì như thế chỉ khiến bạn “hụt hẫng” và tạo áp lực lớn lên người mới. Việc chuyển giao nên được tiến hành từ từ để đôi bên quen dần. Đồng thời, bạn cần trao quyền và vị trí tương xứng với trọng trách mới cho nhân viên. Bạn không thể chuyển giao một công việc với thái độ kiểu như điều đó không đáng để bạn bận tâm nên được quẳng sang cho người khác để họ “tự bơi”.

5Hoàn toàn buông tay

Cuối cùng, mọi thứ được sắp xếp đâu vào đấy. Bạn đã có thể yên vị và để người khác “chứng tỏ bản lĩnh”, đương nhiên dưới sự giám sát từ xa của bạn. Việc xóa những trách nhiệm vụn vặt hàng ngày ra khỏi lịch làm việc cho phép bạn tập trung hơn vào các vấn đề vĩ mô, bao gồm vạch lộ trình sứ mệnh và tầm nhìn của công ty. Đồng thời, bạn cũng tạo ra một môi trường làm việc hiệu quả, thân thiện hơn, khuyến khích nhân viên và bản thân phát triển.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Có thể bạn quan tâm: 

6 câu chuyện vượt thất bại của người thành công

5 cách xây dựng niềm tin bản năng

Comment