Đối thoại TPP: Cơ hội nào cho doanh nghiệp tại Việt Nam? • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Đối thoại TPP: Cơ hội nào cho doanh nghiệp tại Việt Nam?

Đây là chủ đề của Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) phối hợp cùng Công ty KPMG Việt Nam và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 17/03/2016.

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, ngày 04/02/2016, Hiệp định TPP đã chính thức được ký kết, đánh dấu việc hoàn tất toàn bộ quá trình hơn 5 năm đàm phán. Việt Nam là một trong 8 nước được mời tham gia đàm phán TPP ngay từ những ngày đầu tiên, bởi trong mắt của các nhà đầu tư quốc tế luôn tin tưởng Việt Nam là một nước năng động, nhất quán thi hành đường lối mới, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh - Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh – Trưởng đoàn đàm phán TPP Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam là một nước có lượng dân số cao, có nhiều tiềm năng trong việc mang lại giá trị gia tăng lớn cho các nước. Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự dó và có các mối quan hệ với các cường quốc lớn đã củng cố vị thế của Việt Nam trên trường khu vực và quốc tế.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho rằng, không có một câu trả lời cụ thể và chính xác cho câu hỏi “Nắm bắt cơ hội bằng cách nào?” mà bản thân các DN phải tự tìm câu trả lời và lối đi cho mình về việc nắm bắt các cơ hội mà TPP mang lại.

Tuy nhiên cơ hội không tự biến thành lợi ích mà phụ thuộc vào nỗ lực của cả DN và Chính phủ có nắm bắt được cơ hội đó hay không. Một điểm đáng lưu ý khác, cơ hội sẽ không phân chia đồng đều vì DN nào có sự chuẩn bị tốt sẽ nắm bắt cơ hội tốt hơn và dường như các DN FDI đang có sự chuẩn bị tốt hơn.

“Cơ hội luôn luôn đi kèm với thách thức và thách thức với DN hiện nay chính là sức ép cạnh tranh, thay đổi chính mình để chủ động chấp nhận cạnh tranh. Tuy nhiên, không nên cạnh tranh bằng giá rẻ mà cần cạnh tranh bằng chất lượng, uy tín và nâng tầm quản trị”– Thứ trưởng nhấn mạnh.

Phiên tọa đàm.

Phiên tọa đàm.

Theo VCCI-HCM, kết quả khảo sát của cơ quan này cho thấy tỉ lệ DN Việt Nam ủng hộ gia nhập TPP rất cao (66% so với 23% của DN có vốn đầu tư nước ngoài – FDI) nhưng sự chuẩn bị của họ lại rất thấp, chỉ 9%. Trong khi đó, 14% DN FDI quan tâm, đóng góp ý kiến về TPP. Họ rất tích cực chuẩn bị để chủ động khai thác cơ hội TPP mang lại.

Ông Johan Nyvene, Giám đốc điều hành Khối Tài chính Doanh nghiệp Công ty Chứng khoán HSC, cũng khẳng định nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến TPP và đã có vài làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để đón đầu cơ hội. “Nhiều nhà đầu tư muốn tìm kiếm, tiếp cận các DN trong nước về cơ hội đầu tư nhưng do chính sách của chúng ta không nhất quán đã tạo sự khó khăn trong việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài” – ông Johan Nyvene nhận định.

Nhiều DN cho rằng DN Việt Nam đa số quy mô nhỏ nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, đặc biệt là về cải cách thủ tục hành chính, thể chế chính sách. Theo ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Cao su – Nhựa TP HCM, 95% DN cao su – nhựa là DN nhỏ và vừa, “Cứ 10 DN thì có 4 DN biết lơ mơ về TPP, 6 DN còn lại không biết gì. Đó là tình trạng đáng buồn của DN Việt. DN FDI đã tốt nghiệp đại học, sang Việt Nam làm ăn trong khi DN Việt Nam mới là học sinh lớp 1, lớp 2 nên rất cần phụ huynh, nhà trường quan tâm hỗ trợ” – ông ví von.

Hội thảo với sự tham dự của hơn 250 đại diện cơ quan ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Hội thảo với sự tham dự của hơn 250 đại diện cơ quan ban ngành, hiệp hội, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn của Việt Nam.

Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham Vietnam) tại TP. Hồ Chí Minh Herb Cochran cho rằng, TPP đòi hỏi các DN phải am hiểu luật pháp quốc tế, tuân thủ các quy định chặt chẽ trong cam kết về môi trường, lao động, xuất xứ… Những yêu cầu này cũng buộc các DN phải nâng tầm quản trị, học hỏi kinh nghiệm từ bên ngoài, từ thế giới.

Đứng trước nhiều cơ hội và thách thức từ TPP, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định, Nhà nước, Chính phủ sẽ hết sức tạo điều kiện cho DN. Vấn đề còn lại là ở chính DN phải chủ động cạnh tranh. Thách thức của chúng ta là ở chính chúng ta!

Theo VCCI-HCM

Comment