Sáng 12/10/2023, hơn 100 đại diện các doanh nghiệp, các cơ quan Sở ngành đã cùng thảo luận các giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng cũng như thúc đẩy các nguyên tắc về bình đẳng giới trong hoạt động mua sắm.
Hội thảo “Giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia chuỗi cung ứng và thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện mua sắm có trách nhiệm giới” do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng tổ chức, Chính phủ Úc hỗ trợ.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Caroline Nyamayemobe, Quyền Trưởng Văn phòng UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh “Bằng chứng cho thấy các quốc gia có bình đẳng giới cao hơn có nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn và cạnh tranh hơn. Việc ưu tiên mua sắm từ các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và doanh nghiệp có trách nhiệm giới giúp tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và thúc đẩy tiến trình bình đẳng giới tại Việt Nam. Ngoài ra, đây cũng một trong những yếu tố giúp nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong quá trình hội nhập. Vì vậy, đó là đôi bên cùng có lợi và do đó là một sự lựa chọn thông minh.”
Hội thảo đã cung cấp một diễn đàn cởi mở để các doanh nghiệp cập nhật thông tin về những chính sách, chương trình, sáng kiến, và giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tham gia các chuỗi cung ứng trong nước và quốc tế. Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn về việc thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động doanh nghiêp nói chung và hoạt động mua sắm nói riêng.
Trong phiên thảo luận chính, các diễn giả đã cùng bàn luận về chính sách và thực tiễn hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tiếp cận thị trường và tham gia chuỗi cung ứng, doanh nghiệp xây dựng và thực hiện các chính sách, thực tiễn về bình đẵng giới và mua sắm có trách nhiệm giới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ để tham gia thị trường, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chuỗi cung ứng. Theo đó, các diễn giả tham gia thảo luận bao gồm ông Nguyễn Hoa Cương – Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (Bộ KH&ĐT), bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch HĐQT Công ty CP PNJ, ông Nguyễn Cao Minh – Phó GĐ Ban KHDN Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), bà Vương Ngọc Thu Thủy – GĐ Khối cao cấp phụ trách Quỹ và Nguồn vốn Công ty OFI Việt Nam.
Cũng tại hội thảo, 24 doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia ký Tuyên bố ủng hộ Các Nguyên tắc Trao quyền cho Phụ nữ (Women’s Empowerment Principles – WEPs), thể hiện cam kết trao quyền cho phụ nữ tại nơi làm việc, trên thị trường và trong cộng đồng. Với sự ký kết này, tổng số doanh nghiệp Việt Nam đã ký WEPs là 174.
Đây là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng Ngày doanh nhân Việt Nam 13/10 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và UN Women.
Có thể bạn quan tâm: