Với ưu thế về tài chính, kinh tế gia đình ổn định, nhiều nữ doanh nhân Việt Nam đã lựa chọn “quốc tế hóa” làm hướng đi đến tương lai cho con trẻ. Và theo đó, việc đưa con đến trường quốc tế chính là nước cờ đầu tiên.
KỲ VỌNG QUỐC TẾ
Trong quá trình tìm hiểu “dòng chảy học trường quốc tế”, một nhà báo đã nhận định: “Các bà mẹ Việt Nam hiện đại, nhất là những người đã từng du học nước ngoài hoặc có cơ hội tiếp thu nền văn hóa Tây Âu, thường thích nuôi dạy con cái theo cách của người phương Tây. Họ cũng tin rằng phương thức giáo dục này mang lại nhiều lợi ích cho đứa trẻ hơn hẳn so với cách dạy truyền thống Việt”. Với nhiều nữ doanh nhân, những người phụ nữ thành đạt, đang nắm giữ các cương vị quan trọng trong xã hội, thường xuyên được giao lưu với môi trường quốc tế năng động thì việc cho con theo học trường quốc tế dường như đã là chuyện không cần phải bàn.
“Cách nghĩ của các bà mẹ thời nay đã thay đổi rất nhiều”, chị Ngô Vy (Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nói. “Tôi không muốn con mình ru rú mãi trong vòng tay bảo vệ của bố mẹ. Ai biết được trong tương lai chúng sẽ phải đương đầu với những hoàn cảnh sống như thế nào, thuận lợi hay khắc nghiệt?! Vì vậy, cha mẹ chỉ nên là bệ phóng cho tương lai của các con, cố gắng tạo điều kiện tốt nhất để con được bồi đắp những kỹ năng sống cần thiết, để chúng có được sự tự tin, tự chủ và suy nghĩ độc lập, tích cực thích ứng với mọi thay đổi của cuộc sống. Tôi không bài xích cách dạy truyền thống, tôi chọn trường quốc tế vì môi trường này thích hợp cho những gì tôi kỳ vọng ở con mình hơn mà thôi”.
Thông thường, mỗi bậc cha mẹ gởi con đến trường quốc tế đều hy vọng con cái họ sẽ được tiếp thụ một nền giáo dục tinh anh hơn, tiên tiến hơn và sẽ tạo được một bước đệm tốt hơn cho đứa trẻ trong con đường sự nghiệp sau này. Chị H.Vân – một bà mẹ đang có con cũng theo học trường quốc tế chia sẻ: “Cách dạy học của chúng ta còn nhiều bất cập. Nói riêng chuyện học ngoại ngữ, tôi thấy khá nhiều học trò Việt, thi viết tiếng Anh rất trôi chảy nhưng lúc thật sự tiếp xúc với người ngoại quốc thì một câu giao lưu đơn giản cũng không nên hồn. Tôi rất sợ con gái mình cũng sẽ học và nói tiếng Anh kiểu như vậy. Trong khi, ngôn ngữ này lại rất cần thiết vì xã hội chúng ta đang hội nhập, đang ngày càng “quốc tế hóa”. Hơn nữa, phương pháp dạy học tại trường quốc tế cũng rất mở, học trò hứng thú và chủ động tiếp thu bài vở. Học tập đúng lý ra là phải như vậy, mang đến niềm vui thích chứ không phải áp lực thành tích hay điểm số.” Trong thời đại toàn cầu hóa, rất nhiều các bậc phụ huynh cho rằng con cái cũng nên có một tầm nhìn quốc tế nhằm đảm bảo luôn bắt kịp tốc độ phát triển của xã hội, trở thành những cá nhân ưu tú. Với những lý do đó, trường học quốc tế là một cụm từ mang đến rất nhiều kỳ vọng cho các gia đình Việt có con đang tuổi đi học.
THÀNH QUẢ QUỐC TẾ
Trường học quốc tế có nhiều ưu điểm và cũng đạt được những thành quả giáo dục đáng kể. Chị H.Vân rất tự hào khi nhắc đến khả năng ngoại ngữ của cô con gái 13 tuổi. Cô bé nói tiếng anh lưu loát không kém gì người bản ngữ và luôn luôn tự tin bắt chuyện với một người nước ngoài. Trong những chuyến đi du lịch ngắn của gia đình sang Singapore, Hong Kong hay Thái Lan… chị vẫn thường để cho con thay mặt cả nhà giao dịch với người bản địa, mua sắm, trả giá, hỏi đường… Nhìn thấy con giao tiếp hoàn toàn tự nhiên, tiếng anh nói như gió, được người bán hàng bản địa tán thưởng, chị cảm thấy thật sự thỏa mãn, coi đó như một thành tựu lớn. Trong một vài năm tới, khi đưa con xuất ngoại du học, chị sẽ hoàn toàn yên tâm là dù phải ở một mình nơi xứ người, hoàn toàn không có sự bảo vệ của cha mẹ, cô bé vẫn sẽ hòa nhập thuận lợi vào môi trường quốc tế thật sự, thậm chí có thể còn vui vẻ như cá gặp nước. Chị Ngô Vy cũng khá hài lòng với những gì trường học quốc tế mang lại: “Tôi không phải mẫu người bảo thủ chỉ thích con cái vâng lời mình kiểu cá không ăn muối cá ươn. Chúng ta thường hoàn toàn quên mất con nít cũng có luận điểm, suy nghĩ riêng, nó không nói vì sợ trái ý người lớn, sợ bị la mắng, bị chế giễu… Tôi lại rất thích các con dám nói lên ý kiến riêng của bản thân và tính phản biện mà con học được từ cách dạy của các thầy cô giáo nước ngoài. Chúng độc lập, tự tin trong giao tiếp, dám nói lên chính kiến của mình với bố mẹ thì sau này mới dám lên tiếng, bảo vệ quyền lợi của mình trước những người khác.” Thỉnh thoảng, chị cũng khéo léo thử khả năng con bằng cách nhờ làm phiên dịch trong một vài dịp tiếp xúc với đối tác nước ngoài. Đến nay, kết quả của những phép thử đó vẫn khiến chị hài lòng.
HẬU QUẢ QUỐC TẾ
Mặc dù cách dạy của trường học quốc tế thoạt nhìn thú vị, khoa học hơn cách giáo dục lâu nay tại Việt Nam nhưng điều đó không đảm bảo lượng tri thức trẻ tiếp thu được cũng tốt hơn. Bên cạnh đó, với những trẻ học trường quốc tế nhưng không có dự tính xuất ngoại, việc thích ứng với xã hội Việt Nam sẽ rất vất vả. Nói đơn giản, đến học tại trường quốc tế đồng nghĩa là đã hoàn toàn “chệch khỏi đường ray” của thể chế giáo dục truyền thống Việt, nếu phải trở về trường học truyền thống, đứa trẻ ngoài ưu thế ngoại ngữ thì thành tích các môn học khác rất có khả năng đều… chạy sau bạn. Trẻ bị mắc kẹt giữa hai thế giới, hai luồng văn hóa Việt và Tây khi những nhận thức chúng thấm nhuần từ môi trường giáo dục ngoại lại không phổ biến trong thế giới mà người thân, bạn bè đang sống, dần dần không còn biết phải giao lưu thế nào với chính người thân thuộc của mình.
Sự “lệch pha” về ngôn ngữ và văn hóa là hai hậu quả thường thấy ở trong những gia đình có con học tại “international school”. Đây là vấn đề nan giải xuất hiện ở hầu hết các quốc gia phương Đông có áp dụng mô hình trường học quốc tế như Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản: trẻ nói chuẩn ngoại ngữ nhưng lại gặp khó khăn khi diễn đạt bằng chính tiếng mẹ đẻ. Trong khi đó, không phải bất cứ thành viên nào trong một gia đình Việt Nam nào có trẻ nói tiếng Tây trôi như cháo đều có thể nghe nói thành thạo ngôn ngữ này. Hậu quả, người trong một nhà không thể nói chuyện thông suốt với nhau. Nhiều gia đình Việt đang tìm cách khắc phục vết rạn nứt này bằng các khóa học văn hóa Việt phụ đạo thêm cho con. Hiển nhiên, không người mẹ nào còn thấy trường học quốc tế là quá tuyệt vời nữa, nếu trong lúc xây dựng được “cây cầu ngoại” kết nối hoàn hảo với môi trường quốc tế lại đồng thời lại làm đứt gãy “cây cầu nội” kết nối tình thân của gia đình.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Có thể bạn quan tâm: