Thay vì “bạc mặt” tìm những lớp dạy chữ để con không… thua bạn kém bè mà kết quả chẳng đâu vào đâu. Thay vì tốn cả chục triệu đồng cho những lớp học “chất lượng cao” với hi vọng con sẽ vượt trội ngay từ những buổi học đầu tiên mà rất có thể sẽ làm hại con. Hỡi các bậc cha mẹ, chính những bài “học mà chơi” ở nhà mới là chìa khóa để con tự tin trong thang học đầu tiên của cuộc đời…
Biến con chữ thành trò chơi
Vừa hoàn thành chương trình mẫu giáo 5 tuổi, khi mà mọi hoạt động chỉ xoay quanh ca hát, nhảy múa cực kỳ thoải mái, những đứa trẻ sẽ cảm thấy ngột ngạt và chán chường khi bỗng dưng bị “nhốt” cả tiếng đồng hồ để viết đi viết lại những nét chữ. Nhiều trẻ vì thế mà e dè rồi sợ khi nghĩ tới chuyện phải đi học lớp Một. Và cũng vì đã học trước, thông tỏ kiến thức nên khi vào học chính thức, nhiều trẻ lại tỏ ra chủ quan, không còn hứng thú với việc giảng dạy trên lớp. Vô hình chung, công sức của cả bố mẹ và con rất có thể đổ sông, đổ biển mà không hề biết?! Vậy, trẻ có cần phải học trước?
Có muôn vàn cách để giúp bé tự tin bước vào lớp Một. Và chẳng ai cho con những kỹ năng tiền học đường chuẩn mực bằng cha mẹ chúng. Thay vì ép con phải ngồi trong lớp học xa lạ để viết đi, viết lại những con chữ khô khốc, cứng nhắc, cha mẹ hãy dạy con “chơi” với các con chữ. Hãy dán khắp phòng những chữ cái ở ba kiểu viết thường, viết in hoa, viết nghiêng được in ra những tờ giấy màu rực rỡ. Và hãy chơi đố chữ, ghép chữ bất cứ khi nào có thể, đặc biệt là buổi tối khi cả nhà quay quần. Khi thì ghép tên bố, tên con, tên mẹ, khi lại tạo thành tên những nhân vật hoạt hình con yêu thích. Cha mẹ cũng có thể cho con chơi nặn chữ cái, chơi trò chơi đánh vần. Những trò chơi ấy cứ lặp đi, lặp lại nhưng chỉ dừng ở mức trẻ thuộc mặt chữ, biết ghép từ và đủ để trẻ cảm thấy phấn khích với các con chữ và tò mò chờ đợi những điều bất ngờ khác xoay quanh 24 chữ cái. Tuyệt nhiên, cha mẹ không dạy con biết đọc thành thạo vì thừa biết như vậy đến khi vào lớp Một trẻ sẽ thờ ơ với những giờ tập đọc và rất có thể vì thế mà đánh mất đi sự tập trung vốn cần trong các giờ học.
Vào lớp Một, trẻ bắt đầu phải học thuộc các đoạn văn, thơ. Nên cha mẹ hãy tranh thủ mọi lúc “rủ rê” hay “kéo” con học thuộc lòng một tác phẩm ngắn nào đó, có thể là một bài thơ Trần Đăng Khoa hoặc một đoạn văn tả, cũng có thể là một đoạn truyện cổ tích Grim hay Andersen mà bé thích. Thậm chí, có thể mở hội thi xem ai thuộc nhiều thơ, văn nhất và có trao giải rôm rả để tạo sự hào hứng cho trẻ.
Cái khó nhất với một đứa trẻ vừa bước ra từ thế giới trường mầm non, chủ yếu là vui chơi khi bước vào tiểu học, đó là phải ngồi tập trung trong suốt cả một tiết học. Bởi lẽ đó, rèn luyện cho trẻ khả năng tập trung là điều tối cần thiết. Để làm được điều này, dễ nhất là bắt đầu bằng những trò chơi. Chẳng hạn, chơi trò “Ai bất động lâu hơn”. Hai chân bé phải buộc gọn vào một túi ni lông và sau đó giao nhiệm vụ gì đó để bé làm. Bé buộc phải làm trong thời gian quy định là 10 phút (sau này có thể tăng dần lên). Nếu trong khoảng thời gian đó, bé không ngọ nguậy, không xin đi lại, và làm đúng nhiệm vụ được giao, thì sẽ thắng. Và để bé thực hành kỹ năng tập trung được nhiều, cha mẹ hẳn phải nghĩ ra vô vàn những chiêu khác nhau. Ghép hình, xếp giấy cũng là một cách.
Những bài học tâm lý
Với một đứa trẻ, không phải việc đọc thông viết thạo trước khi vào lớp Một là chìa khóa giúp trẻ tự tin, yêu trường. Có những đứa trẻ thậm chí rơi vào trạng thái trầm cảm nhiều tuần liền sau những ngày học đầu tiên chỉ vì thấy lớp học quá nhiều quy tắc chán nản.
Cũng giống như người lớn, trẻ chỉ tự tin ở môi trường mới, lạ khi đã hiểu về nó, chấp nhận những thách thức và chờ đợi những điều thú vị. Hãy trò chuyện với con về trường con sẽ học hàng ngày bất cứ lúc nào có thể. Hãy nói về những quy định, những điều khác biệt ở trường tiểu học so với trường mẫu giáo, những quy tắc không mấy dễ chịu mà mỗi học sinh phải thực hiện. Chẳng hạn, con sẽ phải đi học đúng giờ và khi đi muộn sẽ bị sao đỏ trừ điểm. Con sẽ bị phạt nếu không làm bài tập ở lớp. Con sẽ phải ngồi học trong cả 45 phút và chỉ được nghỉ 10 phút giữa mỗi tiết. Cố gắng càng đưa ra nhiều tình huống ở lớp học càng tốt. Và chắc chắn lúc này trẻ sẽ lo lắng và đưa ra những câu hỏi thì sao kiểu như con muốn đi vệ sinh thì sao, không ai chơi với con thì sao, cô phạt thì sao. Và đây là lúc tuyệt vời để cha mẹ giúp con biết cách xử lý trước mọi vấn đề trẻ gặp phải. Trước mỗi câu hỏi “thì sao” cha mẹ đều nghĩ cách giải thích cặn kẽ bởi thực ra đó là hình thức giúp con giải quyết các tình huống học đường có thể gặp phải.
Tất nhiên cũng đừng quên nhắc đến những niềm vui có được khi đến trường. “Con có thể đọc cho mẹ nghe truyện, không cần nhờ ai đọc nữa. Con có thể viết thư cho mẹ mỗi khi mẹ đi xa…”, hãy “tô hồng” những điều như vậy. Đôi khi chỉ vì hứng khởi một điều gì đó mà trẻ khao khát chờ đợi ngày đến trường.
Rời xa vòng tay gia đình, bé sẽ phải làm quen và thích ứng với môi trường xa lạ. Để trẻ hòa nhập tốt, bố mẹ hãy dạy con các kĩ năng giao tiếp. Dạy con cách nói lời cảm ơn, xin lỗi, cách giới thiệu bản thân, cách trình bày ý kiến… Tất cả những điều này phải làm thường xuyên từng ngày và thực hành ngay để dễ ghi nhớ. Chỉ khi cha mẹ chuẩn bị cho trẻ những hành trang cần thiết, trẻ mới tự tin cho những bước thang học vấn đầu tiên của cuộc đời!