Làm bạn cùng con, chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn cùng con là mong ước của hầu hết các bậc cha mẹ. Làm bạn cùng con cũng là con đường ngắn nhất và thuận tiện nhất để cha mẹ có thể nuôi dạy con dễ dàng hơn và quá trình cùng con trưởng thành cũng trở nên thú vị hơn.
Làm bạn với con không dễ, đương nhiên, nhưng cũng không phải là “điệp vụ bất khả thi” nếu bạn “nằm lòng” những nguyên tắc sau:
Ngồi xuống trò chuyện cùng con
Có hai cách để khởi đầu quá trình làm bạn cùng con: hoặc là bạn phải tự hạ mình thấp xuống, hoặc là bạn phải nâng con lên để cha/mẹ và con có thể ở vị trí ngang bằng. Tôi thích chọn tâm thế “ngồi xuống” để trò chuyện, kết bạn với một đứa trẻ hơn là “bắc ghế” kê cho chúng đứng lên ngang mình. Khi bạn “ngồi xuống”, bạn đã hạ mình ngang với tầm vóc, vị trí của trẻ để nhìn mọi vật bằng con mắt “trẻ thơ” hồn nhiên hơn, trong trẻo hơn. Còn khi bạn “kê ghế” cho con, bạn dễ bị sa vào tâm thế đòi hỏi, yêu cầu quá cao ở đứa trẻ, bạn muốn nó phải “hoàn hảo” như mong ước (vô độ) của bạn và không cho phép trẻ được mắc sai lầm. Thêm nữa, khi bạn chọn “ngồi xuống”, bạn đã có một sự chuẩn bị để mọi thứ diễn ra tự nhiên và đúng hướng.
“Ngồi xuống” làm bạn cùng con cũng có nghĩa là bạn phải giấu bớt phần sắc sảo, khôn ngoan, từng trải của mình, cố gắng tìm và hiểu thế giới của trẻ. Đôi khi bạn phải “cầm tinh con giả vờ” rằng “mẹ chẳng biết chơi trò game này thế nào, con bày cho mẹ với”, đảm bảo bé sẽ hào hứng chỉ cho bạn đến nơi đến chốn. Một chị bạn tôi là giảng viên một trường đại học đã dành cả tháng hè để đọc tiểu thuyết ngôn tình, chỉ vì: “Con gái tuổi teen của mình đang mê mệt ngôn tình, mình cũng phải đọc để xem nó thế nào, và cũng còn để có chuyện mà nói với con bé”.
Dành thời gian cho con
Nhịp sống gấp gáp cùng vô vàn áp lực từ nhà đến công sở khiến nhiều bậc cha mẹ kiệt sức khi trở về nhà và khoảng thời gian dành cho con cũng bị cắt xén đáng kể. Lại cũng có nhiều bà mẹ cầu kỳ dành cả mấy tiếng để nấu nướng, bày biện các món ăn đủ dinh dưỡng, hợp sở thích của “cục cưng” hay tối tối ngồi “ốp” con học bài. Tuy nhiên, đấy chỉ là những công việc của một… bà mẹ cầu toàn. Đó là chưa kể sự can thiệp thô bạo của các thiết bị công nghệ số như TV, iPad, iPhone… vào đời sống cá nhân khiến các thành viên trong gia đình ngày càng tách rời nhau. Các nhà tâm lý học đã khuyến cáo rằng nếu mỗi ngày cha/mẹ không có ít nhất 45 phút chỉ để vui chơi, chuyện trò với trẻ mà không bị áp lực về điểm số học tập hay định mức dinh dưỡng… thì cha/mẹ sẽ khó có thể trở thành người bạn của con. Nên, để duy trì một “tình bạn” thân thiết, lâu dài, bạn cần đầu tư thời gian để chơi cùng con. Trẻ con lớn nhanh hơn bạn nghĩ, chẳng mấy chốc mà vượt ra khỏi vòng tay của bạn, còn chần chừ gì nữa mà không đặt con vào danh mục ưu tiên để đảm bảo con có một tuổi thơ đúng nghĩa. Hạn chế lướt web, cập nhật facebook để đọc sách hay giải ô chữ cùng bé; đặt điện thoại vào ngăn tủ để dẫn con đi dạo, dạy con tập bơi, tập đi xe đạp… đó là những việc mà cha mẹ nhất định phải làm nếu muốn làm bạn và trưởng thành cùng con.
Đừng ngại bày tỏ tình cảm
Nhiều bậc cha mẹ thường tìm mua sữa tốt, quần áo đẹp, chọn trường xịn cho con mà quên ôm hôn con mỗi ngày. Khi còn nhỏ, ngoài việc ăn, chơi, ngủ, học… trẻ còn có thêm một nhu cầu cực kỳ quan trọng, đó là được cha mẹ ôm ấp, vỗ về. Một đứa trẻ được mẹ ôm hôn, nói lời yêu mỗi ngày cũng sẽ không ngần ngại đáp lại vòng ôm và thỏ thẻ “con yêu mẹ nhất trần đời”, khi lớn lên cũng sẽ là một người giàu tình cảm, cởi mở và thích chia sẻ. Ngược lại, một đứa trẻ không mấy khi được cha mẹ ôm ấp tỏ bày tình cảm sẽ trở thành người khép kín, ngại chia sẻ cảm xúc cá nhân. Ngoài ra, việc cha mẹ thường xuyên nói ra suy nghĩ, mong ước của mình, đồng thời lắng nghe, khuyến khích trẻ bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc cũng chính là cách xây dựng một tình bạn thân thiết và vững chắc giữa cha mẹ và con.
Tôn trọng sở thích, khoảng trời riêng của con
Phần lớn chúng ta trong quá trình làm cha mẹ đều mắc sai lầm là đem cái tôi chủ quan áp đặt lên trẻ. Chúng ta miệt mài tìm lớp học tiếng Anh chuẩn nhất, thầy dạy đàn giỏi nhất, cô dạy vẽ nổi tiếng nhất cho con học mà không cần xem xét liệu con có thích không, môn học đó có phù hợp với con không. Khi còn nhỏ, bé có thể chịu đựng, nghe lời chúng ta nhưng khi đến tuổi dậy thì bé sẽ phản kháng, áp lực của cha mẹ sẽ tạo ra phản lực ở con cái. Đây là mối nguy ảnh hưởng rất lớn đến không khí gia đình. Để tránh điều này, trước hết chính bản thân cha mẹ phải tự mình thay đổi tư duy và kỹ năng làm cha mẹ. Thay vì áp đặt, hãy cho trẻ quyền “tự quyết” và “phủ quyết” trước những điều liên quan trực tiếp tới chúng như học thêm môn gì, thời lượng ra sao… Ngoài ra, để xây dựng một mối quan hệ hữu hảo với con cái, cha mẹ cũng cần tôn trọng khoảng trời riêng của bé. Đọc trộm nhật ký, thư từ… là những điều tối kỵ mà cha mẹ cần tránh. Nếu bé phát hiện ra những việc “kém đàng hoàng” ấy, chắc chắn niềm tin của trẻ về bạn sẽ sụp đổ và tất nhiên, sẽ chẳng còn “bạn bè” gì nữa cả!
Kết bạn với con trên facebook
Hơn ai hết, bạn muốn kết bạn với “cục cưng” trên facebook rồi. Tuy nhiên, cuộc chơi nào cũng có những “luật chơi” nhất định, bạn hãy nhớ những điều sau để tránh bị con “đá văng ra ngoài” (unfriend) hay “cấm cửa” (block) nhé.
- Like và comment chọn lọc
Mẹ có thể mắc chứng “like dạo comment sỉ” như đa số công dân ở quốc gia facebook, nhưng nên tiết chế “like” và “comment” trên trang cá nhân của con. “Thích” bất cứ cái gì con đăng tải, nhiệt tình “bình luận” sẽ gây cho trẻ cảm giác mẹ cả ngày ngồi “gác cổng” facebook của mình. Mẹ cũng đừng cố kết bạn với bạn bè của con chỉ với mục đích “moi” thông tin, việc ấy sẽ vô ích bởi lũ trẻ chả bao giờ thích kết bạn với phụ huynh của bạn cả!
- Hạn chế chia sẻ chuyện riêng tư
Mẹ đừng “tag” trẻ vào bất cứ nội dung gì, cũng đừng chia sẻ hình ảnh, thông tin quá riêng tư của gia đình hay bản thân. Trẻ không thích điều đó. Nếu thật lòng muốn chia sẻ, nhắn gửi gì với trẻ, mẹ hãy gửi tin nhắn riêng hoặc email cá nhân. Ở tuổi dậy thì, trẻ đang muốn khẳng định cá tính và khoảng không riêng của mình. Vì vậy, trang cá nhân của trẻ là nơi lưu giữ những thông tin, hình ảnh để trẻ kết nối, khoe với bạn bè chứ không phải là giảng đường “giáo dục công dân” của mẹ.
- Không đọc trộm tin nhắn
Cũng như việc mẹ đọc trộm nhật ký, trẻ sẽ cảm thấy bị xúc phạm và tổn thương nếu biết mẹ lén lút đọc tin nhắn trong hộp thư riêng. Thay vào đó, hãy trò chuyện với con để hiểu thế giới của con cũng như con đang nghĩ gì, muốn gì.