Người cả nể rất dễ gặp phải cảnh ôm rơm nặng bụng, song hiếm khi vì cái tính ấy mà bị căm ghét. Bởi với xã hội, đó là tính cách cởi mở, sẵn sàng buông bỏ cái “Tôi” của mình để sống cho người khác. Trong đời sống, cả nể có vẻ được đánh giá tích cực là thế. Còn trong công việc thì sao?
Theo nhiều góc nhìn khác nhau, người cả nể khi thì được đánh giá là tốt tính, lúc lại bị coi là… hâm nặng.
Từ nhỏ, chúng ta thường được dạy là phải tốt với mọi người, biết giúp đỡ người khác, “thương người như thể thương thân”. Khi trẻ em sẵn sàng làm nhiều việc do người lớn sai bảo, do bạn bè nhờ giúp, thì luôn luôn được coi là “ngoan”, là “tốt”. Vậy mà cũng đứa trẻ ấy, khi đã là người lớn mà vẫn làm tất cả mọi việc cho người khác thay vì chuyên tâm thu vén cho cuộc sống và sự nghiệp riêng, thì nhận ít ngợi khen hơn và bắt đầu phải nghe cả những lời chê trách. “Bạn này ngoan ngoãn”, “bạn nọ tốt bụng” của ngày xưa thì nay “được” – hay đúng hơn là “bị” – chuyển thành “chị kia cả nể”, “anh này cả nể”…
Như vậy, mặc dù không hẳn là tiêu cực, từ “cả nể” chủ yếu được dùng với nghĩa thiếu tích cực. Khi nhận xét người khác là cả nể, chúng ta thường nói với giọng ái ngại kèm theo cái lắc đầu. Phải chăng vì tính cách này có mặt trái đáng kể?
Giữa các đồng nghiệp, hỗ trợ nhau trong công việc là chuyện thường tình. Khổ nỗi, gặp phải đồng nghiệp thích nhờ vả liên tục thì tính cả nể quá cũng dễ bị lợi dụng. Còn nhân viên sẵn sàng chiều lòng sếp là chuyện dễ hiểu. Có điều là, nếu sếp thích sai vặt các việc cá nhân thì nhân viên rất dễ trở thành “ô sin” không công.
Sếp thì cũng có cái khó của sếp. Với những đối tác quan trọng hay khách hàng lớn, sếp cũng nhiều phen tối mặt tối mũi đích thân làm nhiều việc “ngoài lề” để chiều lòng họ. Với nhân viên “trong nhà”, nếu chính sách đơn giản, nội quy dễ dãi, sếp cứ nương tay với những sai sót và dễ thông cảm cho các vấn đề cá nhân của cấp dưới, thì sẽ có nguy cơ sếp phải gánh nhiều rắc rối phát sinh trong công ty.
Cuộc sống và công việc đầy rẫy những tình huống tế nhị như thế, nên vấn đề về tính cả nể cũng thường xuyên được bàn tới. Trừ những người có sở thích “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chắc chắn ai cũng từng tự hỏi bản thân có nên cả nể không, có nên ai nhờ gì cũng giúp không, có nên ai bảo gì cũng gật không…
Ở phương Tây, từ xa xưa, “complaisant” (cả nể) là một khái niệm mang tính triết học được bàn tới rất nghiêm túc qua nhiều thế kỷ. Từ trước Công nguyên, triết gia Hy Lạp Aristotle đã có những bài giảng về tính cả nể. Sách “The story of Philosophy” (Câu chuyện về Triết học) của Will Durant chép rằng, Aristotle gọi cả nể là “tính cách của nô lệ”, ông coi cả nể là thể hiện thái độ phục tùng ý muốn của người khác vô điều kiện. Quan điểm này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của hệ tư tưởng phương Tây về sau. Khi đánh giá đạo đức, người phương Tây chủ trương tôn trọng quyền riêng tư, coi việc giúp đỡ người khác là lòng tốt tự nguyện và không bao giờ đòi hỏi người ngoài phải nể nang mình. Nhờ vậy người phương Tây được đánh giá là sòng phẳng và minh bạch hơn.
Người phương Đông thì đa số vẫn bị chi phối bởi tính cả nể, dễ bị nhập nhằng giữa việc công và việc tư, giữa ý muốn tự nguyện với lòng tốt miễn cưỡng. Có người không phải muốn lợi dụng ai, nhưng chỉ cảm thấy sung sướng khi người khác làm việc không công cho mình, bỏ bê việc khác để làm vui lòng mình, thậm chí lỡ dở nhiều chuyện vì mình. Người hay cả nể thì nhiều khi chỉ vì muốn được tiếng là người tốt, nhân từ, quảng đại…
Tuy nhiên ngày nay nhiều người phương Tây cũng quan tâm xây dựng nhân cách theo tư tưởng phương Đông. Một số quan điểm mới đây cho rằng cả nể là tốt, bởi nó giúp xóa bỏ nguy cơ hình thành lối sống ích kỷ, nó thể hiện tinh thần vì cộng đồng nhiều hơn. Người phương Đông cũng đón nhận sắc thái tích cực từ quan điểm phương Tây. Đặc biệt là những người làm kinh doanh, tầm hiểu biết rộng, có người đề ra nguyên tắc hạn chế tối đa các hành động xuất phát từ cả nể. Như thế vừa tránh mua dây buộc mình vào những rắc rối “trời ơi đất hỡi”, vừa tập trung làm tốt các công việc quan trọng.
Xem ra câu chuyện cả nể còn dài. Cả nể – nên hay không? Lúc nào nên lúc nào không? Nên ở mức độ nào?… Hàng ngày, chúng ta đều phải suy tính và tự quyết định. Bởi cuộc sống là một chuỗi những chọn lựa, cứng nhắc không bao giờ đem lại sự an toàn tuyệt đối trước mọi hoàn cảnh. Và xét cho cùng, kết hợp hài hòa các hệ thống quan điểm, triết lý sống từ mọi nguồn “đông, tây kim, cổ” để ứng xử linh hoạt, luôn là yếu tố quan trọng quyết định thành công của mỗi cá nhân.
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: