Để trở thành một doanh nhân là con đường đi vốn không dễ dàng, và để một phụ nữ trở thành một nữ doanh nhân thì con đường ấy còn nhiều trắc trở hơn gấp bội. Điều gì đã khiến một nữ doanh nhân Á Đông mang tên Winnie Wong trở thành một trong những nữ lãnh đạo tài ba của Mastercard, nắm giữ vị trí Giám đốc Quốc gia (Country Manager) của thị trường 3 nước Việt Nam, Campuchia và Lào?
Được biết đến là một “nữ tướng” trong lĩnh vực Tài chính – Ngân Hàng, ít ai biết nữ doanh nhân Winnie Wong từng bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG). Vì không muốn giới hạn bản thân trong một khuôn khổ nghề nghiệp nhất định, bà luôn tìm kiếm cho mình những cơ hội mới phù hợp với năng lực của bản thân.
Với sự cố gắng không ngừng nghỉ, bà đã có cho mình một “tấm vé” chính thức bước vào ngành ngân hàng trong vai trò xây dựng thương hiệu và marketing hơn 15 năm trước. Nhưng với khát khao chinh phục những đỉnh cao mới, nữ doanh nhân Winnie Wong một lần nữa tìm thấy cơ hội phát triển tại Mastercard với vị trí Giám đốc Quốc gia.
Sau hơn 9 năm cống hiến, bà chia sẻ rằng chính cơ hội nghề nghiệp tại Mastercard đã giúp bà vươn xa hơn trên hành trình sự nghiệp và đạt được những thành tựu đến hiện tại. Mời bạn đọc cùng tìm hiểu 7 từ khóa về cá tính mạnh mẽ và tinh thần không bao giờ khuất phục của bà mà chúng tôi đã đúc kết được qua cuộc phỏng vấn với nữ doanh nhân Winnie Wong.
Xin chào bà Winnie Wong! Từng bắt đầu con đường sự nghiệp của mình trong ngành FMCG sau đó bước sang ngành Tài chính Ngân hàng, việc chuyển sang một ngành hoàn toàn khác biệt như vậy có phải là thách thức đối với bà khi ấy?
Tôi là người rất đề cao việc tự thay đổi và hoàn thiện bản thân. Sau một thời gian làm việc, nếu bạn cảm thấy mình quá thoải mái với công việc hiện tại, điều đó có nghĩa là công việc không còn nhiều thách thức mới mẻ đối với bạn, khi đó bạn cần thay đổi và bước đi. Mỗi người chúng ta cần luôn quan sát để nắm bắt các cơ hội xung quanh mình, nhờ đó có thể tiến bước xa hơn và nâng tầm sự nghiệp. Việc chuyển ngành đối với tôi cũng là một thách thức, nhưng có thể nói đó là một thách thức mang ý nghĩa tích cực.
Tôi luôn sẵn sàng đón nhận những thay đổi mới mẻ để thúc đẩy bản thân được mở rộng tầm nhìn và thử thách năng lực. Chuyển đến ngành nghề mới là một cơ hội để tôi chứng minh và khám phá khả năng thích nghi, cũng như sự ứng phó linh hoạt của bản thân trước những khác biệt. Làm sao để có thể ứng dụng được những kiến thức tưởng chừng không có điểm chung giữa hai ngành là một thách thức thú vị. Và những thách thức đó là những điều mà bất kỳ người lãnh đạo nào cũng nên trải qua.
Vậy bà đã biến chuyển những kiến thức trong ngành FMCG vào Tài chính Ngân hàng như thế nào để gắn bó sự nghiệp cho đến ngày hôm nay?
Các ngành kinh doanh tưởng chừng có nhiều khác biệt nhưng phân tích nền tảng bạn sẽ nhận thấy hóa ra lại có nhiều điểm chung. Ngành FMCG vốn luôn được nhắc đến với những kiến thức về xây dựng thương hiệu, nghiên cứu thị trường, phân tích nhu cầu người tiêu dùng… Nhưng những ngành kinh doanh khác cũng luôn cần những thông tin đó mặc dù do đặc thù ngành nghề việc nghiên cứu phân tích sẽ có những định hướng và kết quả khác nhau.
Khi chuyển hướng sang ngành Tài chính Ngân hàng, những kiến thức và kinh nghiệm tích lũy được từ FMCG đã giúp tôi có cách xử lý công việc đa dạng và đa chiều hơn. Trong kinh doanh, chúng ta luôn cần hiểu rõ sản phẩm của mình và lý do người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm sử dụng, bởi kết hợp những điều đó sẽ giúp tạo ra những giá trị được trao đổi và thị trường theo đó sẽ phát triển. Và, các sản phẩm Tài chính Ngân hàng cũng không ngoài quy luật đó. Ví dụ như khi ra mắt sản phẩm thẻ tín dụng, chúng tôi cũng phải thực hiện nghiên cứu thị trường, xác định khách hàng mục tiêu và định vị sản phẩm trước khi có thể giới thiệu một mô hình thẻ hoàn thiện đáp ứng đúng nhu cầu cho người dùng.
Nói khác hơn, điều này hình thành triết lý kinh doanh xuất phát từ khách hàng, và Mastercard nơi tôi đang làm việc cũng theo đuổi việc cung cấp giải pháp và kiến tạo những giá trị đi từ những nghiên cứu về người tiêu dùng. Sự đồng cảm và môi trường làm việc tạo điều kiện cho tôi có thể ứng dụng chéo các kinh nghiệm như thế là một trong những lý do quan trọng giúp tôi gắn bó với nơi đây trong hơn 9 năm qua.
Trên chặng đường sự nghiệp đó, bà đã thiết lập mục tiêu phát triển cá nhân ra sao để luôn kiên trì thực hiện?
Khi bắt đầu công việc trong ngành Tài chính Ngân hàng, tôi không đặt một mục tiêu nào mang tính thành tựu cho bản thân. Thay vào đó, tôi theo đuổi mục tiêu là đạt được phương châm làm việc: “vượt ngưỡng trước mọi thử thách xảy ra”. Ngành tài chính là một trong những ngành có tốc độ phát triển không ngừng và vô cùng thiên biến vạn hóa, đặc biệt trong những năm gần đây là xu hướng số hóa tăng cao. Vì thế, tôi đặt mục tiêu không chỉ là một người lãnh đạo vững chuyên môn, mà còn phải là một người đứng đầu không tụt hậu, không lỗi thời trong một thị trường tài chính năng động như thế.
Đến nay khi đảm đương vai trò lãnh đạo cấp cao của một định chế tài chính, bà có cảm thấy áp lực không? Theo bà, những áp lực của người lãnh đạo là gì?
Đã chấp nhận thử thách dĩ nhiên sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực. Áp lực đầu tiên của mỗi người lãnh đạo như tôi sẽ đến từ chính bản thân mình. Tôi luôn muốn làm tốt nhất những gì có thể để cùng đội ngũ tạo ra kết quả kinh doanh như kỳ vọng và gìn giữ tinh thần cũng như phong độ lãnh đạo của chính mình luôn trong tình trạng hiệu quả. Đội ngũ của tôi không có quá nhiều người, nhưng họ cũng là một tổ hợp của những cá nhân có tố chất và tính cách rất khác nhau, vậy trách nhiệm của tôi là phải làm sao để tạo động lực cho họ phấn đấu và làm việc cùng nhau một cách tối ưu nhất. Điều quan trọng là chúng ta cần thiết lập được thứ tự công việc và xác định những việc ở vị trí ưu tiên, trong cả kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, từ đó cả đội ngũ sẽ được dẫn dắt đúng người, đúng việc và đạt được các mục tiêu đặt ra.
Bên cạnh đó, người lãnh đạo còn phải liên tục cập nhập thông tin đa ngành, xây dựng cho mình tư duy cởi mở và linh hoạt thích ứng trước một môi trường kinh doanh, đối tác, khách hàng luôn thay đổi như ngày nay. Tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, mỗi người lãnh đạo cần xem xét lại định hướng một cách thường xuyên, đối chiếu lại với mục tiêu ban đầu của tổ chức. Đôi khi chiến thuật có thể thay đổi, nhưng mục tiêu cuối cùng của kinh doanh vẫn ở đó và vững vàng như một kim chỉ nam tạo động lực giúp người quản lý vượt qua những áp lực trong công việc.
Vậy còn áp lực của một người phụ nữ khi trở thành nữ doanh nhân theo bà là như thế nào?
Tôi nghĩ áp lực là điều mà mọi phụ nữ trong vai trò lãnh đạo cũng sẽ gặp phải, dù cô ấy đang ở bất kỳ ngành nghề nào. Trong nhiều trường hợp, phụ nữ đôi khi tự tạo cho mình những áp lực vô hình vì luôn mong muốn làm tốt ở tất cả các vai trò bên cạnh vị trí nữ doanh nhân, như làm vợ, làm mẹ… Tôi cũng thế, nên điều quan trọng mà tôi luôn hướng đến đó là sự cân bằng, và một lần nữa chúng ta cần đặt ra những ưu tiên trong từng thời điểm nhất định.
Khi làm việc tại công ty tôi luôn phát huy tối đa công suất trong vai trò người lãnh đạo dẫn dắt đội ngũ, nhưng khi về nhà tôi sẽ tạm gác công việc lại ngoài cánh cửa gia đình để toàn tâm toàn ý cho tổ ấm của mình. Tuy nhiên, ranh giới giữa hai việc này cũng rất mờ nhạt, vì thế phụ nữ chúng ta cần phải tập trung vào các ưu tiên của mình và không nên cố gắng gồng gánh quá nhiều thứ cùng lúc, chỉ có như thế mới có thể tìm thấy sự cân bằng giữa những áp lực cuộc sống.
Trong công việc, bà lãnh đạo đội ngũ nhân viên theo triết lý nào? Làm thế nào để xây dựng được một đội ngũ quản lý tài năng theo tiêu chuẩn của bà?
Tôi không phải là người quản lý vi mô (micromanagement), hơn ai hết tôi tin vào việc trao quyền cho cấp dưới và tạo cho những người quản lý tiềm năng một lộ trình phát triển cụ thể. Thiết lập mong đợi của cả hai và của cả tập thể là điều rất quan trọng. Tôi cũng luôn nhấn mạnh việc đối thoại là một quá trình cần phải được duy trì và tiếp diễn trong công sở, vì thế văn phòng của tôi lúc nào cũng mở cửa chào đón nếu họ cần bất cứ lời giải đáp hay động viên nào. Khi hai bên đã có được những mục tiêu cụ thể và thấu hiểu vai trò của chính mình, tôi tin tưởng tạo cho nhân viên không gian riêng để vận hành công việc. Với cách làm này, mỗi người quản lý sẽ có được sự tự do và chủ động để học hỏi và phát triển trong công việc. Từ đó công ty cũng sẽ dễ dàng nhìn nhận đâu là những nhân tố tài năng và sẵn sàng mang đến cho họ những trọng trách và mục tiêu lớn lao hơn.
Khi hoạt động kinh doanh gặp biến động, là người quản lý, bà khích lệ tinh thần cho chính mình và cho đội ngũ như thế nào?
May mắn mà nói tôi là người có bản tính vốn rất lạc quan và luôn nhìn vào những khía cạnh tốt đẹp. Trong những thời điểm khó khăn và biến động đương nhiên chúng ta sẽ gặp rất nhiều trở ngại, câu hỏi tôi thường đặt ra đó là đâu là cách phi truyền thống hoặc khác biệt mà chúng ta có thể nghĩ đến để giải quyết vấn đề. Mỗi lần những cảm xúc tiêu cực làm tôi chùng lại, tôi sẽ tự vực dậy bản thân bằng cách nhìn vào những thành tựu trong quá khứ.
Tôi cũng nói với cộng sự của mình như thế, hãy nhìn vào những điều tích cực của vấn đề, nhìn vào những thành công đã từng đạt được và những khó khăn hôm nay cũng chỉ là một phần của một bức tranh lớn hơn bao gồm tất cả. Việc thẳng thắn nhìn nhận nhưng theo chiều hướng tích cực sẽ giúp chúng ta thẳng thắn đối diện và tìm cách vượt qua. Tôi là người nói không với hối tiếc, và tôi tin rằng chỉ cần chúng ta làm tốt nhất có thể, kết quả đạt được sẽ khiến chúng ta không bao giờ cảm thấy hối tiếc.
Với công việc hiện nay quản lý cùng lúc thị trường 3 nước Đông Dương của Mastercard, bà nhận định tốc độ phát triển của phương thức thanh toán kỹ thuật số và không tiền mặt tại đây như thế nào?
Người tiêu dùng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương đang cho thấy sự cởi mở và sẵn sàng chấp nhận việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến sáng tạo, bao gồm cả những đổi mới trong các hình thức thanh toán. Hiện nay, khu vực này cũng nằm trong các thị trường có mật độ sử dụng các phương thức thanh toán kỹ thuật số cao nhất trên thế giới, trong đó năm vừa qua có đến 88% người tiêu dùng cho biết đã sử dụng các công nghệ thanh toán qua ví điện tử, mã QR, mua trước trả sau (BNPL), tiền mã hóa, sinh trắc học…
Có thể nói, đại dịch COVID-19 chính là một trong những chất xúc tác giúp đẩy mạnh sự phổ biến nhanh chóng của các hoạt động thanh toán số. Ngay cả trước đại dịch, người tiêu dùng khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đã thực hiện các giao dịch không dùng tiền mặt và tích cực tìm kiếm các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt mới, đặc biệt là thanh toán số. Tuy nhiên, đây là một sự chuyển đổi tất yếu và sẽ còn tạo ra những sự tăng trưởng với tốc độ tối đa trên toàn khu vực.
Cụ thể tại thị trường Việt Nam, thanh toán số đang phát triển với tốc độ như thế nào, thưa bà?
Tôi nhận thấy Việt Nam nằm trong số các quốc gia ở châu Á có tốc độ triển khai áp dụng hệ thống thanh toán số cao nhất trong khu vực. Xu hướng này được tin rằng sẽ tiếp tục duy trì và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trong thời gian tới. Việt Nam chắc chắn có đủ khả năng trở thành một quốc gia không dùng tiền mặt. Cùng với việc Chính phủ đang nỗ lực nhằm thúc đẩy các hoạt động thanh toán số và thanh toán không dùng tiền mặt, chúng ta có thể thấy được một viễn cảnh đầy hứa hẹn và bùng nổ trong tương lai gần.
Đó là lý do tại sao Mastercard đang tích cực hợp tác cùng Chính phủ và các đối tác như ngân hàng, tổ chức công nghệ tài chính và doanh nghiệp để triển khai các dịch vụ thanh toán số được đơn giản hóa và dễ tiếp cận cho mọi người, dù ở bất cứ đâu.
Điều gì khiến bà cảm thấy tự hào nhất khi là một phụ nữ đã đạt được vị trí cao trong sự nghiệp? Bà còn khát khao thực hiện được điều gì nữa không?
Điều mà tôi tự hào nhất đến thời điểm này đó là tôi đã có thể làm được những điều mình yêu thích. Ngoài ra, tôi cũng thấy mình may mắn vì tìm được cách cân bằng cuộc sống và công việc, vừa có thể theo đuổi sự nghiệp nhưng không mất đi niềm vui với gia đình. Thật sự thì cuộc sống luôn tiềm ẩn nhiều chông gai và mọi thứ vốn không hoàn hảo, tôi cũng không phải là một phụ nữ lãnh đạo có tất cả mọi thứ, nên nếu hỏi tôi có điều gì khao khát muốn làm nữa hay không thì chắc chắn là có.
Ai cũng có mong muốn làm được nhiều hơn và tốt hơn, tôi thì ước rằng mình có thêm thời gian để vui chơi với gia đình và bạn bè. Nhưng cuối cùng chúng ta vẫn cần biết đâu là những ưu tiên và sự đánh đổi đôi khi phải xảy ra để có hiện tại, và tôi đang hài lòng với hiện tại mà mình có.
Theo bà, thế mạnh của phụ nữ khi phát triển sự nghiệp, thăng tiến trong công việc là gì?
Có thể nói phái nữ là những người “multi-task” (đa nhiệm) khi đồng thời có thể quán xuyến rất nhiều việc. Và điều này ứng dụng trong kinh doanh và phát triển sự nghiệp chính là thế mạnh của phụ nữ khi chúng ta cùng lúc có thể nuôi dưỡng và phát triển rất nhiều thứ. Phụ nữ cũng là những người lắng nghe tốt và sở hữu tư duy cởi mở. Đặc biệt, với phụ nữ Á Đông truyền thống hay ở nhiều nước chưa đạt được bình đẳng giới, họ cũng rất kiên cường khi không ít người đã phải đối diện với nhiều áp lực và kỳ vọng do định kiến. Với nghị lực như thế, khi vươn đến vị trí lãnh đạo, phụ nữ có khả năng vượt qua căng thẳng và chịu áp lực tốt hơn, từ đó thăng tiến và tạo ra những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp.
Bà có nhận thấy vị thế của các lãnh đạo nữ trong ngành tài chính nói riêng và trong kinh doanh nói chung trong nhiều năm qua đã được nâng cao không?
Trước hết, tôi thấy đã có những nhận thức rõ ràng hơn từ nhiều tập đoàn khi hiểu rõ tầm quan trọng của phụ nữ trong đội ngũ lãnh đạo. Điều này cũng được chứng minh bởi các nghiên cứu và dữ liệu uy tín thể hiện hiệu suất doanh nghiệp khi có phụ nữ trong nhóm quản lý cấp cao. Tôi tin rằng việc này không liên quan đến sự cân bằng hay bình đẳng giới, mà phụ nữ đã và đang thành công kiến tạo được chỗ đứng của mình trong việc quản lý kinh doanh với hiệu suất lao động cao.
Tôi có mặt hôm nay với vị trí một nữ lãnh đạo cũng vì Mastercard đã nhìn nhận năng lực và cho tôi cơ hội này. Nếu so với mong đợi thì phụ nữ chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phải đi nhưng xu hướng này ngày càng tăng mạnh và là một dấu hiệu đáng mừng để phụ nữ ngày càng có thể bước vào vị trí lãnh đạo ngày một nhiều hơn.
Tôi cũng muốn nói rằng, điều phụ nữ đang cần không phải là những chương trình đào tạo để trở thành lãnh đạo giỏi, bởi chúng ta có rất nhiều phụ nữ đầy đủ tài đức. Điều mà nữ giới thật sự cần thiết chính là một môi trường làm việc thân thiện, nơi những phụ nữ có năng lực cảm thấy có thể dấn thân và bước lên vị trí lãnh đạo một cách tự tin nhất.
Vậy theo bà phụ nữ thường gặp những trở ngại gì trên con đường phát triển bản thân?
Phụ nữ nên được nhìn nhận như là một người lãnh đạo, nhưng không có nghĩa là họ cần mạnh mẽ mọi lúc hay có những hành vi như nam giới. Là lãnh đạo nữ, họ nên nhận được tôn trọng và đồng cảm nhiều hơn từ những người xung quanh. Theo quan sát của tôi, đôi khi chính bản thân cũng là kẻ thù lớn nhất của phụ nữ, bởi chúng ta thường ở trong vùng an toàn và không dấn thân đảm nhận trọng trách hoặc chỉ đảm nhận khi đã chắc chắn 100%, trong khi nam giới thường dám chịu rủi ro hơn, dù có thể chưa chắc chắn nhưng họ vẫn đủ tự tin tiếp nhận mọi việc.
Thẳng thắn mà nói, chưa dám chấp nhận một số rủi ro cũng như chưa dám làm những việc chưa từng làm là điểm yếu của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên, phụ nữ nên tin vào trực giác của mình, lắng nghe bản thân và đừng sợ thất bại. Ngày còn trẻ, chính tôi cũng thường tự đặt cho mình rất nhiều câu hỏi lo lắng trong mỗi quyết định, nhưng tôi biết tôi luôn luôn muốn tiến về phía trước. Vì vậy phụ nữ hãy tự tin làm những gì mình xứng đáng nhận được và đừng để những câu hỏi quẩn quanh hay nỗi sợ hãi xâm chiếm tâm trí khiến chúng ta thu mình.
Tại Mastercard, việc ủng hộ và trao quyền cho phụ nữ đang diễn ra như thế nào?
Trên khắp thế giới, phụ nữ đang dần trở thành trụ cột của gia đình, của cộng đồng và của cả nền kinh tế. Việc trao quyền cho phụ nữ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp đóng vai trò như một chất xúc tác hỗ trợ quá trình phát triển và đổi mới, cũng như đẩy mạnh việc củng cố các cộng đồng xung quanh những người phụ nữ thành đạt, giúp quá trình phục hồi kinh tế trên toàn cầu được thực hiện một cách bền vững và công bằng hơn. Cũng là một phụ nữ từng trải qua một số thách thức mà phái nữ đang phải đối mặt, tôi đặc biệt chú trọng đến việc thúc đẩy bình đẳng giới, cũng như giúp phụ nữ có thể cân bằng giữa phát triển sự nghiệp và cuộc sống cá nhân.
Đảm bảo sự hòa nhập, cơ hội và trao quyền cho phụ nữ là những ưu tiên toàn cầu của Mastercard. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh việc hiện thức hóa những cam kết về đảm bảo bình đẳng giới dành cho phụ nữ trên toàn thế giới, trong đó bao gồm nơi làm việc năng động cũng như các sản phẩm và giải pháp tài chính. Bên cạnh đó, Mastercard còn tiếp tục thực hiện cam kết của mình trong việc hỗ trợ Chính phủ và tổ chức tài chính triển khai các sáng kiến và chương trình nhằm trao quyền cho các nữ doanh nhân và cả các trẻ em gái tại Việt Nam.
Cám ơn bà đã chia sẻ!
***
DUY TRÌ CÂN BẰNG
Cuộc sống của một nữ doanh nhân liệu có điều gì khác biệt với số đông phụ nữ không thưa bà? Bà đã làm thế nào để cân bằng cuộc sống và chu toàn thiên chức khi là một phụ nữ châu Á?
Trong cuộc sống nói chung, không chỉ riêng giới nữ doanh nhân mà tất cả phụ nữ đều sẽ gặp nhiều thử thách. Một số người lựa chọn đối mặt với nhiều áp lực hơn, nhưng suy cho cùng, nếu bạn có thể nghĩ đến những thành tựu có thể đạt được, tất cả đều có cách vượt qua. Điều đó cũng cho thấy rằng phụ nữ cần có sự cân bằng giữa những mục tiêu với các vai trò, ai cũng là vợ, mẹ, con dâu hay bạn bè, vậy thì tìm sự cân bằng như thế nào?
Tôi may mắn có gia đình luôn hỗ trợ mình trong mọi quyết định và lựa chọn, tất cả những áp lực mà tôi đối mặt đều có gia đình ở bên cạnh cùng tôi đương đầu và cùng nhau giải quyết. Chẳng hạn việc một người mẹ như tôi chuyển sang Việt Nam sinh sống và làm việc đã phải đưa cả gia đình theo cùng. Tuy nhiên, cả gia đình tôi đều xem đây là bước chuyển mình tích cực, tôi thì được phát triển sự nghiệp như mong đợi, chồng và con tôi thì được đến sống ở một đất nước hiền hòa và có thêm cơ hội làm giàu trải nghiệm văn hóa cho bản thân. Cả gia đình tôi đều thích sống ở Việt Nam với những điểm du lịch tuyệt vời và nền ẩm thực vô cùng hấp dẫn (cười).
Là một phụ nữ châu Á, thành thật mà nói chúng ta vẫn đang sống trong một thế giới mà nam giới vẫn phần nào chiếm ưu thế. Vì thế, trong gia đình cần xây dựng thói quen giao tiếp cởi mở và ưu tiên cho sự thấu hiểu cảm thông. Chỉ khi có được sự thấu hiểu của người bạn đời trong gia đình nhỏ thì phụ nữ mới có thể mở rộng sự giao tiếp đó để nhận được sự cảm thông từ gia đình lớn hơn như cha mẹ, họ hàng…
Việc được ủng hộ về mặt tinh thần là điều đáng mừng cho mọi phụ nữ, những người xung quanh sẽ không cần phải biết quá chi tiết chúng ta đang làm gì, họ chỉ cần nhìn nhận vai trò của người phụ nữ và thấu hiểu cho những nỗ lực của nữ giới khi đảm đương tất cả các vai trò đó, thế là quá đủ.
***
Content Director: JENNI VÕ | Creative Director: LÊ ĐỨC HIỆP | Editor: HỒNG ĐẶNG, AN MI | English Translation: HÒA TÔN | Photo: THẠC TRƯỜNG GIANG | Graphic Designer: HUY HỒ
Có thể bạn quan tâm: