Chuẩn bị gì mỗi khi con bước vào một cột mốc mới? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Chuẩn bị gì mỗi khi con bước vào một cột mốc mới?

Khi trường học mở cửa trở lại, trẻ em có thể sẽ trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Việc trở lại trường có thể được chào đón và hào hứng đối với nhiều trẻ em, nhưng không ngoại trừ số đông khác sẽ cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi.

Trở lại trường học là điều quan trọng vì trẻ em cần được học trực tiếp và tương tác xã hội cho sự phát triển toàn diện. Tuy nhiên, sau quãng thời gian dài học online, việc trở lại trường học trực tiếp có thể gây mệt mỏi, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Không chỉ trường học tập trung vào việc giúp trẻ kết nối lại với bạn bè và giáo viên, người làm cha làm mẹ cũng phải không ngừng hỗ trợ để con cái cảm thấy tích cực về việc trở lại trường học.

Đối với trẻ em, việc trở lại trường học sau khi đã quá quen với việc học tại nhà là một thách thức không nhỏ. Tuy nhiên, hai năm vừa qua đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong phương thức dạy và học ảnh hưởng đến học sinh, giáo viên và phụ huynh. Tất cả chúng ta đều cần thời gian để thích nghi với bình thường mới, trẻ em cũng thế. Vậy những yếu tố nào mà cha mẹ cần lưu ý để có thể hỗ trợ trẻ em tốt nhất trong việc học tập và đối mặt với sự không chắc chắn và bất thường có thể đến bất cứ lúc nào?

Chuẩn bị gì mỗi khi con bước vào một cột mốc mới?

Trò chuyện trung thực và khuyến khích bày tỏ

Nói chuyện với con là bước đầu tiên và quan trọng để hỗ trợ con. Nhưng làm thế nào để nói chuyện với một đứa trẻ về nỗi e sợ phải quay trở lại trường học. Trung thực là chìa khóa để tạo nên một buổi nói chuyện thành công. Đôi khi, trẻ em sẽ né tránh nói về những nỗi lo sợ của chúng, nhưng nếu bạn có thể khiến con mở lòng, đó là một bước đi thực sự tích cực. Hãy chọn một thời điểm thích hợp, đừng bắt đầu khi con đang ở trong một trạng thái xúc động hay bồn chồn. Một chuyến đi bộ thong dong, một buổi dạo chơi trên xe ô tô hay một môi trường tích cực hiện diện những món đồ con thích đều là những hoàn cảnh có tinh thần tích cực để chuyện trò. Hãy chọn những câu hỏi khuyến khích trẻ bày tỏ cảm xúc của mình hơn là những câu mang cảm xúc chủ quan của bạn dễ khiến con cảm thấy tiêu cực. Tốt hơn là giải thích về sự không chắc chắn đang tồn tại hơn là giả vờ rằng chúng không có. Trò chuyện cởi mở với con bạn về những gì khiến chúng lo lắng và cho chúng biết rằng việc cảm thấy lo lắng là điều hoàn toàn bình thường trong cuộc sống. 

“Đây là một thời đại bất thường và con đang phi thường vượt qua để làm quen “nhanh hơn” với các thử thách.”

Điều quan trọng là phải có thái độ lắng nghe sâu sắc những suy nghĩ của con về việc đi học tại trường. Sự thấu cảm sẽ giúp bạn trấn an con rằng con sẽ có thể vượt qua. Hãy kiên nhẫn nếu con bạn muốn tâm sự với bạn tất cả các chi tiết. Đừng quên đề cập đến những kỳ vọng mới. Đối với những đứa trẻ đang là học sinh trung học cơ sở hoặc phổ thông, người đã bắt đầu hình thành tính độc lập, hãy trao quyền cho con để con sáng tạo nên các “chiến lược” mà con sẽ sử dụng để đảm bảo an toàn và theo đuổi hành trình học tập của mình.

Chuẩn bị gì mỗi khi con bước vào một cột mốc mới?

Giải thích theo độ tuổi!

Tùy theo độ tuổi, bạn nên giải thích một cách trung thực và chính xác về các thông tin xoay quanh đại dịch và sự khác biệt giữa đến trường và học ở nhà để giúp con chủ động theo dõi sức khỏe thể chất, học tập, cảm xúc và hành vi của chúng:

  • Dưới 10 tuổi: Cung cấp thông tin ngắn gọn, đơn giản với sự cam đoan rằng cha mẹ luôn sẵn sàng có mặt để chăm sóc và bảo vệ con nếu con không may bị bệnh. Đưa ra các ví dụ đơn giản về các bước mọi người thực hiện hàng ngày để ngăn chặn vi khuẩn và giữ an toàn.
  • Từ 10 – 14 tuổi: Nhóm tuổi này thường mạnh dạn hơn trong việc đặt câu hỏi, hãy thảo luận nghiêm túc về các “tin đồn” và hướng con đến những mặt tích cực.
  • Từ 14 – 18 tuổi: Các vấn đề ở lứa tuổi này đã có thể thảo luận một cách sâu sắc. Hãy cung cấp cho con các nguồn dữ liệu cập nhật thông tin dịch bệnh chính thống và khuyến khích con tham gia vào việc ra quyết định về các hoạt động trong gia đình, lên kế hoạch với tư cách một thành viên trong gia đình khi không may trong nhà có người mắc bệnh.

“Hãy trao quyền để con sáng tạo nên các “chiến lược” mà con sẽ sử dụng để đảm bảo an toàn và theo đuổi hành trình học tập của mình.”

Trở thành hình mẫu của sự lành mạnh

Việc quay trở lại thói quen bình thường nếu không có ý thức điều chỉnh nhịp sinh học có thể ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tâm lý. Vì vậy, hãy tập trung vào các thói quen lành mạnh như dậy sớm ngủ sớm, ăn uống đúng bữa, học tập và vui chơi xen kẽ để duy trì cảm giác thời gian biểu của các con không quá khác biệt và có thể vận hành trơn tru cả ngày. Điều này có thể giúp trẻ em cảm thấy an toàn và yên tâm trong những ngày học lại ở trường.

Nếu con bạn đã sẵn sàng và có đủ năng lượng, hãy đưa chúng trở lại một số hoạt động ngoại khóa thông thường. “Chơi” cũng là một yếu tố quan trọng. Tất cả chúng ta cần được làm những việc mà chúng ta yêu thích để hỗ trợ sức khỏe tinh thần và hạnh phúc của chúng ta. Để bắt kịp nhịp học trong bình thường mới, con trẻ cần có một tinh thần khỏe mạnh, vui chơi đúng lúc và đủ nhu cầu, tránh để cho trẻ bị vắt kiệt sức trong các hoạt động học văn hóa và luôn thấy đi học là những niềm vui. Điều này đặc biệt quan trọng đối với giai đoạn chuẩn bị thi cử trong tình huống con đã quen thi online với nhiều căng thẳng và áp lực. Hãy ưu tiên thời gian nghỉ ngơi và vui chơi để con dễ chịu và thấy việc học không quá nặng nề như con nghĩ.

Chuẩn bị gì mỗi khi con bước vào một cột mốc mới?

Điều bạn cần là giải thích với con về một số thay đổi con có thể thấy ở trường, chẳng hạn như phải đeo khẩu trang liên tục, giữ khoảng cách với bạn bè và giáo viên, rửa tay thường xuyên… Việc nhắc nhở này không thể nói suông mà cha mẹ phải là những tấm gương nghiêm túc. Bạn có thể cùng thực hành với con nhiều lần ở nhà để chúng quen cách áp dụng khi đến trường. Nhìn thấy cha mẹ làm những điều tốt một cách nhất quán và thường xuyên sẽ khuyến khích con cái làm theo những hành vi tương tự dù đang ở trong môi trường nào. Một điều quan trọng nữa là bản thân cha mẹ cũng phải giữ gìn sức khỏe tinh thần và thể chất cho chính mình, có như vậy bạn mới chăm sóc tốt cho con cái.

Đừng mong đợi mọi thứ sẽ thay đổi một sớm một chiều

Trẻ em thường có nỗi lo lắng rằng chúng chưa đạt được kỳ vọng của cha mẹ và thu mình rụt rè hơn. Việc trở lại học tập trường xuyên ở trường có thể có những xáo trộn khiến chúng cần thời gian tái hòa nhập và dễ đổ lỗi cho chính mình nếu đạt kết quả chưa tốt. Điều tốt nhất mà bạn và con bạn nên làm là đặt ra những kỳ vọng thực tế và cho nhau thời gian chờ nhịp sống ổn định hơn. Không ít giáo viên đã chia sẻ rằng những đứa trẻ ở lứa tuổi nhỏ khi quay trở lại trường gần như trở thành “một trang giấy trắng” và kết quả thi cử không thể tưởng tượng. Điều này khiến một số phụ huynh lo lắng về sự phát triển khiến con cái bị tụt lại phía sau. Nhưng trẻ em cần sự ổn định trong thời gian thay đổi, đừng khắt khe với con mình và hãy cùng con hiện diện trong mọi quá trình chuyển đổi này. Những đứa trẻ luôn học hỏi rất nhanh, chúng sẽ bắt kịp mọi thứ nếu không ngừng nhận được sự ủng hộ và động viên của cha mẹ từ phía sau.

Đừng sợ cảm giác bị bỏ lại, đừng sợ cảm giác đúng hoặc sai, hãy coi trọng những bước chuyển mình dù nhỏ nhất của đứa trẻ vì đây là một thời đại bất thường và con đang phi thường vượt qua để làm quen “nhanh hơn” với các thử thách. Hãy thỉnh thoảng nhắc trẻ đôi khi cảm thấy quá tải là điều bình thường, và không quên khuyến khích con nói về cảm giác của con cũng như cho con biết bạn luôn ở bên cạnh để lắng nghe. Điều quan trọng là hãy giúp con tập trung và nhạy bén để suy nghĩ bằng não bộ trước khi có bất kỳ cảm xúc hoặc lo lắng tiềm ẩn nào có thể xâm chiếm.

Đại dịch đã tạo ra một điều bình thường mới cho tất cả chúng ta, cho cả người lớn và trẻ em. Những gì chúng ta từng biết là bình thường trước đây có thể không phải là những gì bình thường trong tương lai. Điều quan trọng là phải thừa nhận những thay đổi khác biệt, đồng thời thích ứng và linh hoạt để cảm thấy tự tin bước tiếp về phía trước.

Text: Song Doanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment