Chỉ cần ghi nhớ 3 từ tiếng Nhật đơn giản cũng như là triết lý sống của người Nhật Bản, chúng ta đã có thể tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống bình dị hằng ngày.
1. “Ikigai”
Ikigai được xem là một triết lý sống quan trọng của người Nhật. Họ cho rằng mọi người đều có Ikigai của riêng mình — cái mà những người Pháp có thể gọi là raison d’être. Một số người đã tìm thấy Ikigai của đời mình, trong khi những người khác vẫn đang loay hoay tìm kiếm, mặc dù chúng là thứ đang hiện hữu và tồn tại bên trong họ.
Ikigai của chúng ta ẩn sâu bên trong mỗi người và việc tìm thấy chúng đòi hỏi một sự kiên nhẫn và nhẫn nại. Những cư dân sinh sống trên hòn đảo Okinawa, Nhật Bản – những người sống đến trăm tuổi trên thế giới, khi được hỏi về Ikigai của mình, đều trả lời rằng: đó là lý do để chúng tôi thức dậy vào mỗi buổi sáng.
Ikigai sẽ định nghĩa cho bạn biết như thế nào là một cuộc sống hạnh phúc, hài lòng đúng nghĩa. Một điều đáng ngạc nhiên ở những người lớn tuổi ở Nhật Bản, họ vẫn năng động và tràn đầy năng sau khi về hưu. Nhưng trên thực tế, nhiều người Nhật Bản không bao giờ thực sự nghỉ hưu – họ luôn mong muốn tiếp tục làm những điều mình yêu thích, miễn là sức khỏe cho phép. Đó chính là Ikigai!
Trên thực tế, không có một từ nào trong tiếng Nhật diễn tả sự nghỉ hưu theo nghĩa “rời bỏ lực lượng lao động một cách chính thức” như các đất nước khác. Mục đích sống là điều vô cùng quan trọng trong văn hóa Nhật Bản đến nỗi ý tưởng nghỉ hưu không tồn tại tại đất nước này.
2. “Hara hachi bu”
Một trong những câu nói phổ biến nhất ở Nhật Bản là “Hara hachi bu”, câu nói này được lặp lại trước hoặc sau khi ăn và có nghĩa là “Hãy lấp đầy bụng của bạn đến 80 phần trăm”. Nhiều nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng không nên ăn quá no vì điều đó không hề tốt cho sức khỏe. Đó cũng là lý do vì sao người Okinawa ngừng ăn khi họ cảm thấy dạ dày đạt 80% công suất, thay vì ăn quá nhiều và khiến cơ thể suy nhược với các quá trình tiêu hóa kéo dài làm tăng tốc độ oxy hóa của tế bào cơ thể.
Tất nhiên, không có một công thức chuẩn nào cho tất cả mọi người trong việc “dừng ăn tới 80%” của người Nhật. Bài học rút ra từ câu nói Hara hachi bu là chúng ta nên ngừng ăn khi bắt đầu cảm thấy no. Hãy tự nhủ trong lòng món ăn nào không thật sự cần thiết phải ăn như các món ăn phụ hay đồ ăn vặt nhiều đường. Tất cả những thứ này sẽ mang lại cho chúng ta niềm vui trong thời gian ngắn, một sự khoan khoái khi thưởng thức tại thời điểm đó. Nhưng nếu không có chúng, không có nghĩa bạn sẽ thiếu đi niềm hạnh phúc trong dài hạn?
Cách bày trí thức ăn cũng rất quan trọng để gia tăng cảm giác ngon miệng và thực hành tinh tế lối sống hằng ngày. Bằng cách trình bày bữa ăn của họ trên nhiều đĩa nhỏ, người Nhật sẽ có xu hướng ăn ít hơn vì cảm giác “no mắt”. Một bữa ăn điển hình trong một nhà hàng ở Nhật Bản được phục vụ trong năm đĩa trên khay, bốn trong số đó rất nhỏ và đĩa chính chỉ lớn hơn một chút. Năm chiếc đĩa trên bàn sẽ khiến bạn cảm thấy đang có nhiều thức ăn ở trước mặt. Và đây cũng là một trong những cách giúp người Nhật giữ được thân hình thon thả và kiểm soát được lượng thức ăn tiêu thụ vào cơ thể.
Những nghiên của các chuyên gia dinh dưỡng về chế độ ăn uống của người Okinawa chỉ ra rằng trung bình một ngày, họ sẽ tiêu thụ từ 1.800 đến 1.900 calo, so với 2.200 đến 3.300 ở Hoa Kỳ và có chỉ số khối cơ thể từ 18 đến 22, so với con số 26 đến 27 ở Hoa Kỳ. Hara hachi bu là một tập tục xưa của người Nhật. Trong một số triết lý về thiền định cũng khuyên răng chúng ta nên ăn 2/3 lượng thức ăn vừa đủ. Việc ăn vừa đủ là điều phổ biến ở tất cả các ngôi chùa Phật giáo phương Đông. Có lẽ Phật giáo đã công nhận lợi ích của việc hạn chế lượng calo nạp vào hơn cư thể từ nhiều thế kỷ trước. Điều này chứng mình rằng Hara hachi bu rất tốt cho sức khỏe thể chất và không khiến chúng ta cảm thấy ngột ngạt vì đã ăn quá nhiều.
3. “Moai”
Moai được hiểu là một nhóm không chính thức gồm những người có chung sở thích và luôn quan tâm đến nhau. Đối với nhiều người, được quan tâm và phục vụ cộng đồng trở thành một phần trong Ikigai của họ.
Moai có nguồn gốc từ thời kỳ khó khăn của Nhật Bản, khi những người nông dân tìm đến nhau để chia sẻ những phương pháp hay nhất và giúp đỡ nhau đối phó với những vụ mùa thu hoạch ít ỏi. Các thành viên của Moai đóng góp và hỗ trợ hàng tháng cho nhóm. Các khoản tiền này cho phép những người trong nhóm có thể tham gia vào các cuộc họp, bữa tối, các môn cờ Nhật Bản hoặc bất kỳ sở thích nào mà họ có chung.
Số tiền thu được của nhóm được sử dụng cho các hoạt động chung của nhóm. Nhưng nếu số tiền vẫn còn dư, những thành viên trong nhóm có thể được nhận số tiền đó một cách luân phiên. Việc trở thành một phần của Moai giúp duy trì sự ổn định về cảm xúc và tài chính của những người có chung mối quan tâm với nhau. Nếu một thành viên của Moai gặp khó khăn về tài chính, họ có thể nhận được sự giúp đỡ từ khoản tiết kiệm của nhóm. Mặc dù, ngân sách và khả năng tài chính của mỗi Moai không hoàn toàn giống nhau, nhưng cảm giác thân thuộc, ấm áp từ sự hỗ trợ ấy, đã mang đến cho mỗi cá nhân trong nhóm sự an toàn như những người thân trong gia đình.
Cuộc đời rất đẹp nếu chúng ta suy nghĩ khác đi và biết hướng đến những điều tích cực. Tạp chí Nữ Doanh Nhân hy vọng rằng với 3 triết lý sống của người Nhật, sẽ giúp các độc giả có thêm niềm tin và hạnh phúc hơn trong đời sống hằng ngày.
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: