Hội chứng FOMO (hội chứng sợ bị bỏ lỡ) ngày càng xuất hiện rộng rãi ở những người trẻ, khiến họ luôn ám ảnh về một nỗi sợ bị bỏ lại phía sau so với những người khác. Trước những hào nhoáng thường thấy của các phương tiện truyền thông, nỗi sợ này càng khiến họ thu mình và có sự so sánh bản thân với những người khác.
Hội chứng sợ bỏ lỡ (tiếng Anh: fear of missing out, viết tắt: FOMO) là một hội chứng tâm lý của những người mang một nỗi sợ bị bỏ rơi, tụt hậu trong một cơ hội hay sự kiện nào đó. Những người mắc hội chứng FOMO luôn hiện hữu một ám ảnh rằng người khác đang có một cuộc sống và một trải nghiệm tốt hơn mình. Và khi mạng xã hội ngày càng phổ biến, những người trẻ càng dễ dàng trở thành nạn nhân của hội chứng này thông qua những thông tin tiếp nhận từ các phương tiện truyền thông. Hội chứng này dần dần sẽ gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất của chúng ta.
Tác hại tiềm ẩn của FOMO
Bên cạnh gia tăng cảm giác mệt mỏi về tinh thần, FOMO có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta như: mất khả năng tập trung khi lái xe, thiếu tự tin trong cuộc sống, nghi ngờ về khả năng phán đoán của mình… Khi một người bị chi phối quá nặng nề bởi hội chứng này có thể dẫn đến sự bất mãn tột độ, thường xuyên cảm thấy cô đơn, ganh đua, suy giảm lòng tự trọng, gia tăng năng lượng tiêu cực và dẫn đến trầm cảm. Không ngạc nhiên khi những năm gần đây, tỉ lệ sử dụng thuốc trầm cảm đang tăng mạnh bởi do hội chứng FOMO gây ra. Dưới đây là những cách giảm thiểu FOMO, giúp chúng ta có một cuộc sống cân bằng hơn.
1. Tránh lạm dụng mạng xã hội thái quá
Từ khi các phương tiện truyền thông dần trở nên rộng rãi, FOMO đã trở thành hiện tượng được nghiên cứu thường xuyên hơn. Thông qua đó, chúng ta thường lấy thành công của người khác làm thước đo cho mức độ thành công của chính mình. Mạng xã hội lúc này là một phương tiện hữu hiệu để giới thiệu bản thân mình với thế giới, đó có thể là những thành tựu thật hoặc là những kịch bản được ngụy tạo sau màn hình điện thoại. Đây cũng là lúc bạn cảm thấy mình lệch lạc và kém cỏi hơn khi đứng trước những thành tựu của người khác. Một lời khuyên trong trường hợp này: hãy hạn chế sử dụng mạng xã hội trong một thời gian ngắn, quản lý tốt cuộc sống ở đời thực và tập trung vào mục tiêu quan trọng trong cuộc đời mình.
2. Phân tán sự quan tâm của bản thân
Thật khó để nói rằng: đừng nhìn vào thành tựu của người khác và ngừng so sánh bản thân mình với họ. Và sẽ càng khó hơn nếu nói rằng: hãy cắt bỏ mạng xã hội ngay lập tức để giảm thiểu hội chứng FOMO. Chúng ta sẽ không dễ gì thay đổi một thói quen đã được hình thành từ rất lâu. Nhưng bạn có thể chuyển hướng và thay đổi chúng theo một cách tích cực hơn. Thay vì mối quan tâm trước đây của bạn luôn đặt vào những nhân vật mang một năng lượng “hào nhoáng” với những thành công choáng ngợp của họ. Bây giờ, hãy chuyển hướng sang những đối tượng có một cuộc sống cân bằng, giản dị hơn. Kết bạn và trò chuyện với những người bạn có một lối sống lành mạnh, truyền cảm hứng sẽ giúp bạn trở nên hạnh phúc, ít nhất là không có sự so đo và soi xét tồn tại trong đời sống thường ngày.
3. Trò chuyện với nội tâm mình nhiều hơn
Viết nhật ký/journal mỗi ngày cũng là cách để bạn hiểu thêm về bản thân mình. Thay vì đăng chúng công khai trên mạng xã hội, bạn có thể điều chỉnh chế độ “chỉ mình tôi”. Bất cứ hình thức viết nào làm bạn cảm thấy ổn hơn, hãy cứ viết đi, đừng ngần ngại. Hãy viết về những kỷ niệm đẹp và những cảm nhận thật nhất của bản thân về cuộc sống. Trò chuyện với chính mình cũng giúp bạn điều hướng sự phân tâm về thành công của người khác sang những vấn đề nội tâm của riêng mình. Sự thay đổi trong nhận thức sẽ giúp bạn thoát khỏi nỗi sợ bị bỏ lỡ mà bản thân đang gặp phải. Tin tôi đi, hướng đến một cuộc sống cân bằng và thoát khỏi FOMO không phải là điều gì quá ghê gớm đâu!
4. Tìm kiếm các kết nối thật sự
Cảm giác cô đơn và lạc lõng chính là dấu hiệu của não bộ nhắc nhở bạn: đã đến lúc tìm kiếm những kết nối chân thật, mang cảm giác thân thuộc với muốn được tỏ bày và sẻ chia. Và chắc chắn, mạng xã hội không phải là một công cụ hữu hiệu trong việc tìm kiếm và lấp đầy những khoảng trống đó. Thay vì cố gắng mở rộng mạng lưới kết nối với nhiều người trên mạng xã hội, tại sao bạn không sắp xếp để gặp trực tiếp một ai đó? Hoặc kết nối lại với một mối quan hệ lấp lửng cần được cứu vãn? Việc lên kế hoạch với một cá nhân hay tập thể gắn kết nào đó chính là một sự thay đổi nhịp độ, giúp bạn quên đi cảm giác “đang bỏ lỡ” điều gì đó.
5. Tập trung vào lòng biết ơn
Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc thể hiện lòng biết ơn như viết nhật ký hoặc đơn giản là tỏ bày với người khác những gì bạn đánh giá cao về họ, có thể nâng cao tinh thần của bạn cũng như của mọi người xung quanh. Điều này giúp bạn quên đi những cái đang thiếu trong cuộc sống và chỉ tập trung vào những thứ mình đang có. Với một tinh thần phấn chấn và biết ơn sẽ giúp bạn giải tỏa cảm giác chán nản, lo lắng mà bản thân đang phải trải qua. Bạn có thể sẽ không quan tâm đến thành công của người khác khi nhận ra mình đang có bao nhiêu và đã đạt được những gì. Bạn sẽ bắt đầu cảm thấy rằng mình chỉ thật sự muốn những điều cần thiết trong cuộc sống và người khác cũng vậy. Điều này thật tuyệt vời cho sức khỏe tinh thần và cảm xúc của bạn.
Những lời lành giữa thế giới chao đảo
Hầu như, mỗi người chúng ta đều cảm thấy hội chứng FOMO đã xuất hiện trong một số thời điểm trong cuộc đời. Nỗi sợ bỏ lỡ thường xuất phát từ sự bất hạnh và không hài lòng với cuộc sống và những cảm giác này có thể được thúc đẩy nhiều hơn khi ta sử dụng mạng xã hội thường xuyên. Vì vậy, hãy hướng tới một cuộc sống cân bằng như những gì chúng tôi chia sẻ ở trên. Và khi hiểu được vấn đề nằm ở đâu, sẽ là bước đầu giúp bạn vượt qua những mặc cảm và nỗi sợ bị bỏ lỡ. Đừng để hội chứng FOMO dần biến bạn thành một người đố kị với một nỗi ám ảnh dai dẳng cứ mãi đeo bám mình.
Chúng ta không chỉ nên nhìn vào sự hào nhoáng được trưng trổ ra bên ngoài của một người, có thể phía sau thành công đó là một nỗ lực bền bỉ mà chúng ta không thể biết được. Sẽ không có một ai trở thành thước đo chuẩn mực để tất cả mọi người noi theo. Đến một thời điểm, chúng ta sẽ có những hào quang cho riêng mình. Một lời khuyên cuối, đừng lấy sự thành công của người khác làm thước đo cho chính mình, biết đâu bạn cũng chính là người mà họ ngưỡng mộ?
Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: