NGỦ RŨ KHÔNG THỂ XEM THƯỜNG • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

NGỦ RŨ KHÔNG THỂ XEM THƯỜNG

Nếu không hiểu và để ý, bạn có thể nhầm lẫn những cơn buồn ngủ bình thường khác với ngủ rũ, một chứng bệnh không thể xem thường và thực tế còn khá nan giải trong việc điều trị.

BUỒN NGỦ BÌNH THƯỜNG

Đối với con người, giấc ngủ có vai trò hết sức quan trọng. Đó là thời gian để não bộ hay nói đúng hơn là toàn bộ cơ thể được hồi phục sau những giờ hoạt động, làm việc, sáng tạo và hứng chịu stress… Lúc này, cơ thể sản sinh ra những nội tiết tố (hormone) chuyển hóa, nạp năng lượng cho hoạt động tiếp diễn của tiến trình tăng trưởng, phát triển cơ thể; sắp xếp lại những thông tin một cách hệ thống, hình thành và củng cố năng lực ghi nhớ dài hạn của não bộ.shutterstock_158254934_huge_resize

Để xem phiên bản báo in, vui lòng bấm vào đây!

Do đó, thời gian dành cho giấc ngủ tùy thuộc và phù hợp với từng giai đoạn phát triển vòng đời. Một cơ thể non nớt mới chào đời, đòi hỏi giấc ngủ kéo dài đến hơn 18 giờ mỗi ngày để não bộ được bảo vệ trước những kích thích quá mức, bất lợi… Khi cơ thể tăng trưởng và phát triển, não bộ ngày càng hoàn thiện, đủ khả năng ứng phó mau lẹ trước những vấn đề liên quan đến cuộc sống bản thân, giấc ngủ ngắn lại 10-12 giờ đối với tuổi thiếu niên, 8-9 giờ ở tuổi thanh niên, 7-8 giờ cho tuổi trưởng thành.

Nói chung, một giấc ngủ thường trải qua 5 giai đoạn. Trong đó, bắt đầu bằng giai đoạn ru giấc ngủ vài phút, rồi chuyển qua ngủ nông, tiếp đến là ngủ sâu với sự giảm thiểu về nhịp thở, nhịp tim, thân nhiệt, huyết áp, cơ và xương khớp chùng, giãn. Giai đoạn thứ 4 ngủ rất sâu, khó tỉnh giấc, mạch, nhịp thở, nhịp tim, thân nhiệt, huyết áp đạt mức thấp nhất. Giai đoạn thứ 5 diễn ra sau giai đoạn đầu tiên chừng 90 phút, thường gọi là giai đoạn nghịch thường vì dù còn ngủ rất sâu nhưng thân nhiệt, nhịp thở, nhịp tim, huyết áp lại tăng lên, nhu động dạ dày, ruột giảm sút, mất trương lực cơ. Giai đoạn này thường xuất hiện những giấc mơ và hay gặp nhất là vận động qua lại của nhãn cầu, nên còn gọi là giai đoạn vận động mắt nhanh (Rapid Eye Movement – REM). Đây cũng là giai đoạn xuất hiện những thay đổi về mặt hóa sinh như tăng hoạt động bài tiết chất dẫn truyền thần kinh Acetylcholin, kết hợp giảm hoạt động Dopamin, Norepinephrine và Epinephrine. Cuối giai đoạn này, người ta thức dậy vài phút, rồi tiếp tục một chu kỳ mới với 5 giai đoạn  nói trên cho tới sáng. Tính ra, với giấc ngủ 8 giờ, giai đoạn 1 và 2 kéo dài 4 giờ, giai đoạn 3-4 chiếm chừng 2 giờ, và 2 giờ dành cho giai đoạn giấc ngủ nghịch thường. Ở người cao tuổi, thời gian cần cho giấc ngủ không thay đổi, nhưng tính chất giấc ngủ thay đổi. Giai đoạn 1 và 2 thường kéo dài, giảm thời gian giai đoạn 3-4, ổn định giấc ngủ nghịch thường, gia tăng số lần thức trong đêm, ngủ gật ban ngày. Song, đó không phải là chứng ngủ rũ.

BUỒN NGỦ BỆNH LÝ

Chứng ngủ rũ, hoặc chứng buồn ngủ vào ban ngày, hay hội chứng Gelinean khác hẳn tình trạng mất ngủ ở người cao tuổi. Bởi lẽ, ngủ rũ xuất hiện từ tuổi vị thành niên, thậm chí trước đó, chủ yếu là nam giới, và nhu cầu ngủ của những người này thường vượt trội hơn người bình thường chừng 2-3 giờ mỗi ngày. Với họ, các cơn buồn ngủ có thể ập đến trong vài giây, vài phút và tái diễn nhiều lần trong ngày.

Nguyên nhân gây bệnh có thể do di truyền, rối loạn hormone, stress, thuốc, hóa chất, hoặc do bệnh tự miễn làm các tế bào sản sinh ra Hypocretin, hóa chất điều chỉnh sự tỉnh táo và giai đoạn vận động mắt nhanh (REM).shutterstock_156592670_huge_resize

Ngủ rũ xuất hiện từ tuổi vị thành niên, thậm chí trước đó, chủ yếu là nam giới, và nhu cầu ngủ của những người này thường vượt trội hơn người bình thường chừng 2-3 giờ mỗi ngày. Với họ, các cơn buồn ngủ có thể ập đến trong vài giây, vài phút và tái diễn nhiều lần trong ngày

Người mắc chứng ngủ rũ thường ngáp vặt, thèm ngủ liên tục, rất dễ dàng đi vào giấc ngủ mà không có cảnh báo, nhưng ngủ không sâu, chỉ kéo dài vài phút đến 30 phút, thức dậy rồi trở lại giấc ngủ kế tiếp. Cùng với buồn ngủ quá mức, người bệnh suy sụp về sức khỏe, cơ bắp nhão, mau mệt mỏi, hàm và các cơ mặt giảm khả năng vận động, gối yếu, có thể kèm theo những cơn ngất nhẹ, nghe âm thanh lạ (ảo thanh) hoặc nhìn thấy hình ảnh bất thường (ảo thị), khiến giấc ngủ đầy mộng mị, sợ hãi, khó chịu, đôi khi phấn khích không thể kiểm soát. Nếu kéo dài, người bệnh thường mất ngủ về đêm, rối loạn trí nhớ, mất dần khả năng vận động, có thể biểu hiện liệt trong giấc ngủ như cơ bắp hoàn toàn mất cử động, hô hấp bất thường về biên độ, có khi ngưng thở tắc nghẽn khi ngủ…

Chứng ngủ rũ có thể được can thiệp bằng cách người bệnh tự tạo lập cho mình một lịch trình ngủ và thức cụ thể từng ngày, phải bảo đảm giấc ngủ trưa, tối thiểu 20-30 phút. Buổi tối, cần tránh các kích thích của thuốc lá, rượu. Cần vận động bằng những bài thể dục kéo dài vài giờ trước khi ngủ, may ra đạt được giấc ngủ tốt hơn về đêm cũng như cảm giác tỉnh táo hơn vào ban ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh có thể dùng một vài loại thuốc kích thích thần kinh như Provigil, Concerta hay Ritalin theo sự chỉ dẫn của thầy thuốc để giảm thiểu những tác dụng phụ của thuốc và đạt hiệu quả mong muốn. Ngoài ra cũng có thể dùng những thuốc khác như Atomoxetine, Fluoxetine, Venlafaxine, thuốc chống trầm cảm, thuốc Sodium oxybate. Tuy nhiên, việc điều trị ngủ rũ trên thực tế còn khá nan giải.                   

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment