Đây là một bệnh cấp tính thường thấy ở trẻ nhỏ, khi phần ruột di động (ruột non) chui vào phần ruột cố định (manh tràng, nơi bắt đầu của ruột già, và ruột già).
Vì tính chất cấp tính, xảy ra ở những cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh, nên nhiều khi khó nhận biết, dẫn đến chậm trễ trong can thiệp. Cũng bởi thế, kết cục diễn ra lắm lúc không mấy tốt đẹp, biến chứng trầm trọng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển, thậm chí nguy hại tới sinh mạng trẻ. Dựa vào tính phổ biến, khó lý giải của chứng lồng ruột, trong bài viết này, chúng tôi giới hạn vấn đề ở lứa tuổi bú mẹ, thường xảy ra với trẻ từ 4-9 tháng tuổi. Trong đó, trẻ trai gặp nhiều hơn hai lần trẻ gái, và những trẻ bụ bẫm, phàm ăn thường đột ngột phát bệnh.
Do đâu trẻ mắc phải?
Về nguyên nhân, phần nhiều người ta cho rằng do ruột tăng nhu động, tăng co bóp mà thủ phạm gây ra hiện tượng đó có thể là:
- Vi khuẩn hay virus, đặc biệt là Adenovirus gây bệnh viêm ruột, hoặc tiêu chảy theo mùa. Những tác nhân này khiến các hạch mạc treo ruột ở vùng hồi tràng (đoạn cuối ruột non) viêm tấy, sưng nề và kích thích làm tăng nhu động. Đoạn ruột không được cố định này được tạo điều kiện chui vào phần ruột kế cận cố định là manh tràng và đại tràng lên.
- Những dị tật ở ruột như u máu, túi thừa Meckel, ruột đôi cũng có thể là căn nguyên không hiếm gặp ở trẻ nhỏ.
- Lồng ruột cũng có thể là biến chứng của những phẫu thuật đụng chạm tới ổ bụng của trẻ. Ví dụ lồng ruột sau phẫu thuật giải quyết dị tật thoát vị cơ hoành, cơ ngăn cách giữa ổ bụng và lồng ngực.
- Giới tính và thể trạng bụ bẫm, khỏe mạnh là những cơ địa dễ kích thích nhu động làm cho chứng lồng ruột phát sinh.
Bất luận nguyên nhân gì, vấn đề là bệnh phải được nhận biết sớm. Bởi vì, nếu chậm trễ thì dẫn đến hậu quả khó lường, nhiều khi tồi tệ đối với trẻ.
Làm sao để nhận biết?
Một trẻ đang trong tuổi bú mẹ (3,4-12 tháng tuổi), bụ bẫm, phàm ăn, đang khỏe mạnh, chơi ngoan, đột nhiên khóc thét, nôn ói, bỏ bú. Sau vài phút, cơn đau dịu, trẻ mệt, thiếp đi, rồi trở lại với cơn đau kế tiếp… Lúc bấy giờ, bạn nghĩ tới chứng lồng ruột?
3-6 giờ sau cơn khóc thét đầu tiên, trẻ đại tiện ra máu tươi, sờ bụng nhận thấy hố chậu bên phải rỗng, có búi lồng nằm dọc theo khung đại tràng và di động được, ấn nhẹ làm bé đau… Vậy thì bạn phải nghĩ ngay đến lồng ruột.
Để nhận biết rõ bệnh, động tác đơn giản thầy thuốc thường làm và có lẽ không khó khăn với cha mẹ hoặc thân nhân bệnh nhi là dùng một ngón tay phù hợp thăm trực tràng, qua hậu môn trẻ, xem bóng trực tràng rỗng có máu dính theo tay hay không.
Tóm lại, dựa vào những dấu hiệu như trên có thể không bỏ sót chẩn đoán lồng ruột. Tất nhiên, không ít trường hợp những dấu hiệu lâm sàng nói trên không đầy đủ, phải trông cậy vào các phương tiện chẩn đoán của bệnh viện. Thầy thuốc sẽ nhìn thấy hình ảnh các vòng tròn đồng tâm khi siêu âm cắt ngang khối lồng. Hoặc, bác sỹ phát hiện ra hình choán chỗ, hình cắt cụt hay hình càng cua, hình đáy chén khi chụp đại tràng với thuốc cản quang tiếp ngay sau thụt đại tràng và tháo lồng. Điều kiện là bệnh nhi phải được đưa đến thăm khám trước 6 giờ tính từ cơn đau đầu tiên.
Nếu không được phát hiện và xử lý?
Khối lồng sẽ tiến sâu, đi dọc khung đại tràng do ruột non và mạc treo ruột không cố định. Thường thì, khối lồng dừng ở giữa đại tràng ngang, nhưng có những trường hợp khối lồng đi tới đại tràng trái, thậm chí đến những đoạn cuối của đại tràng như sigma, trực tràng. Do mạc treo ruột ở vùng cổ khối lồng bị thắt nghẹt, thiếu, hoặc không có máu đến nuôi đoạn ruột tương ứng, gây đại tiện ra máu do tắc tĩnh mạch, xuất huyết niêm mạc. Tiếp theo là tắc nghẽn động mạch, gây hoại tử và thủng ruột, viêm phúc mạc, nhiễm độc, rất khó tránh khỏi tử vong.
Xử lý như thế nào?
Hai phương thức xử lý áp dụng tùy thuộc vào thời gian bệnh được phát hiện sớm (trước 24 giờ) hay muộn (sau 48 giờ).
Nếu đến sớm: Thứ nhất là tháo lồng bằng cách bơm không khí với áp lực tối đa 100mm thủy ngân điều khiển bằng tay, hay điều chỉnh tự động bằng máy tháo lồng có sự trợ giúp của thuốc tiền mê và thuốc gây mê qua tĩnh mạch, để đảm bảo trẻ nằm yên, tránh làm tăng áp lực gây vỡ ruột. Nếu tiến hành thủ thuật này với áp lực tối đa như trên tới lần thứ 3 không có kết quả, phải chuyển qua phẫu thuật; Thứ hai là tháo lồng bằng thụt tháo đại tràng với dung dịch hòa tan tại phòng x-quang. Tuy nhiên, cách này rất tốn kém, thời gian tháo lồng kéo dài, trẻ nhiễm nhiều tia x bất lợi, và ít khi thành công do không kiểm soát được áp lực.
Nếu đến muộn: Tháo lồng bằng bơm hơi không thành công, có biến chứng, hoặc những trường hợp tắc ruột hay có dấu hiệu nhiễm độc phải tháo lồng bằng phẫu thuật, nhiều khi bắt buộc cắt, nối ruột.
Có thể phòng ngừa?
Câu trả lời là không có giải pháp phòng ngừa đặc hiệu. Tuy nhiên, phụ huynh có thể dự phòng bằng cách hạn chế những lý do làm tăng nhu động ruột một cách thái quá như vệ sinh thực phẩm, giữ sạch dụng cụ nuôi dưỡng trẻ để tránh nhiễm vi khuẩn, virus gây ra viêm nhiễm tại ruột.
Bên cạnh đó, khi chuyển bú mẹ sang ăn dặm, hay loại sữa hoặc thực phẩm, đừng quên nguyên tắc thay đổi chế độ ăn từ từ, dùng số lượng từ ít đến nhiều, không thay đổi, không gia tăng đột ngột.
Đặc biệt, cha mẹ cần đưa con đến thầy thuốc sớm để can thiệp kịp thời khi thấy trẻ có những biểu hiện lâm sàng như đã miêu tả ở trên, hoặc nằm lòng công thức nhận biết bệnh:
- Đau bụng khóc thét + sờ được búi lồng = lồng ruột.
- Đau bụng khóc thét + đại tiện ra máu tuơi = lồng ruột.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN