Lựa chọn điều gì giúp bạn "lành hóa" những rạn nứt của hôn nhân?

Lựa chọn điều gì giúp bạn “lành hóa” những rạn nứt của hôn nhân?

Nếu đã chẳng vội vàng bước vào cánh cửa hôn nhân để bản thân gắn kết lâu dài và tự nguyện với một người, hãy đừng quá cảm tính để cho muôn màu cảm xúc sau cánh cửa ấy khiến bạn sớm chọn hướng rẽ ngang độc bước khi đứng trước những vết hằn rạn nứt…

Hôn nhân thường được nhắc đến như một lời cam kết, về tình yêu và trách nhiệm, rằng hai nửa sẽ đồng lòng xây nên ngôi nhà chung ấm áp đủ “kiên cố”. Thế nhưng cam kết ấy lại không phải là lời bảo chứng cho những cảm xúc sẽ luôn vẹn tròn và cả hai đều biết cách “giữ lời” giữa những thay chuyển hiển nhiên trong cuộc sống. Hôn nhân cho bạn bước qua những bậc thềm hạnh phúc khiến bản thân cảm thấy trân trọng, đáng nhớ và đôi lúc thầm biết ơn người bạn đời đã xuất hiện bên mình. Nhưng sẽ không ít khi, bạn cảm thấy như vừa hụt chân lạc bước khiến tâm tư vỡ tung những cảm xúc. Hụt hẫng, phẫn nộ, thất vọng rồi lại hy vọng, hay bối rối và mất tự tin vì tiến thoái lưỡng nan cũng tràn đầy tâm hồn. Ở những giai đoạn ấy, giải pháp bạn cần đâu cứ phải là tách lối đi riêng cho cả hai. Vì thế, đừng để hôn nhân phải “đứt gánh giữa đường” khi đoạn đường mới tốt đẹp hơn vẫn có thể hé mở phía trước từ trong tầm tay của cả hai. 

Vết rạn nứt hằn lên trên cuộc hôn nhân thường khiến bạn bắt đầu nhìn thấy ở nhau nhiều khuyết điểm và mâu thuẫn đến mức khó có thể cảm thông, dung hòa. Đó cũng là giai đoạn mà bao ấn tượng tốt đẹp trong nhau dần mờ nhạt bởi sự lấn át của cảm giác mất kết nối giữa hai con người vốn đầu ấp tay gối. Khi ấy, bạn sẽ cần lắm những nỗ lực để “tái kết nối” mối quan hệ của cả hai. Thay vì “vạch tội” hay trách cứ đối phương và bản thân, hãy bình tâm để nhìn nhận lại khoảng thời gian chông chênh này và tìm kiếm những khoảnh khắc nhỏ đáng giá đã từng có trong mối quan hệ.

Đó có thể là điều từng khiến cả hai vui thích hay… im lặng “cho qua chuyện” và thậm chí thể hiện sự chẳng bằng lòng xuất phát từ các giao tiếp, tương tác rất thường ngày. Thế nhưng, chúng lại ảnh hưởng không nhỏ đến sự thân mật và niềm tin vào hôn nhân của cả hai. Như khi bạn biết dừng lại vài giây trước khi gắt gỏng phàn nàn điều gì ở đối phương để rồi nhận về cách phản ứng tiêu cực, và thay vào đó bằng một mẫu câu cầu khiến nhẹ nhàng để cả hai cùng vui vẻ xử lý vấn đề vậy!

Một ứng xử khác đi, bao dung và tinh tế hơn cùng những phút chia sẻ thẳng thật về cảm nhận của nhau để thiện chí đón nhận mảng khuyết tính cách và trân trọng những phẩm chất giá trị của mỗi người sẽ giúp hàn nối hôn nhân. Khi đã xây dựng niềm trân trọng dành cho nhau, cả hai sẽ có thể đồng lòng vượt qua giai đoạn rạn nứt để “đánh lái” thành công và rẽ con thuyền hạnh phúc của mình sang một miền hải lý phẳng yên và sáng tỏ hơn.

Sẽ có lúc bạn nhận ra hôn nhân và bản thân chỉ có vị trí thứ yếu mà không phải là ưu tiên hàng đầu trong lòng một nửa kia của mình. Họ quá tập trung cho sự nghiệp tương lai hay coi trọng lời nói và những cuộc vui với bạn bè, rồi khiến bạn cảm thấy bị bỏ lại và xa lạ trong chính mối quan hệ kề cận nhất là tổ ấm gia đình. Thật khó để chấp nhận điều này khi bạn vốn luôn hết lòng, vậy nên bạn có quyền được thể hiện và chia sẻ những cảm nhận chẳng mấy dễ dàng kia đấy chứ! Nhưng hãy cho mình một giới hạn trong cách sẻ chia trạng thái tiêu cực, để điều mà bạn nhận lại sau cùng từ cuộc đối thoại là sự đồng cảm quý giá của đối phương.

Hãy trò chuyện đủ nhiều để hiểu thêm về sở thích và nguồn cảm hứng vui sống của đối phương, về hy vọng và áp lực cũng như các kế hoạch, cột mốc quan trọng mà họ cần dốc sức chinh phục. Hôn nhân có thể là một mục tiêu đã được hiện thực hóa, có thể không còn đứng ngang hàng với những gì nửa kia ghi nhận hay khao khát có được nhưng hôn nhân lại hoàn toàn có thể sóng bước bên cạnh để giúp hai người có cùng một hướng nhìn. Vậy nên cứ tìm hiểu để biết được vị trí thực sự của mình, nhưng bạn không cần quá sợ hãi với thứ bậc ưu tiên ấy để rồi tự lùi bước kéo xa khoảng cách của cả hai.

Đừng cố gắng “sửa đổi” cảm xúc của đối phương mà hãy lắng nghe không phán xét, tập trung vào mạch cảm xúc của họ để hiểu thấu và thử cảm nhận những gì người ấy đang cảm nhận. Khi bước qua khỏi bên kia lá chắn cảm xúc đang cố gắng bảo vệ vị trí của bản thân và hôn nhân, cả hai sẽ có thể thoải mái nhìn vào những ưu tiên cá nhân và tìm thấy nhiều mối quan tâm khác nhưng vẫn giữ sự coi trọng đặc biệt cho nhau và cho chính cuộc hôn nhân của mình.

Thực tế là cuộc sống vốn đầy những áp lực, và hôn nhân cũng chẳng phải là điều ngoại lệ! Nhưng nói vậy không có nghĩa chúng ta phủ nhận sạch trơn những gì tốt đẹp đang hiện hữu xung quanh, mà đó là một cách nhắc nhở bản thân hãy luôn giữ năng lượng tích cực để sẵn sàng vượt qua những giai đoạn căng thẳng. Dẫu vậy, không phải ai rồi cũng suôn sẻ bước khỏi vòng tròn khó khăn của riêng mình, có người sẽ bị vướng lầy lại nơi những biến cố, nghịch cảnh rồi dần mất đi niềm tin vào hôn nhân và cuộc sống. Là một người bạn đời, bạn hãy tiếp tục “chung sống” với nửa kia bằng tất cả yêu thương và bao dung, để họ tìm lại niềm vui sống và tin rằng người bạn đời của mình – là bạn, chính là một người “dưng” nhưng lại thương yêu họ đến hơn cả ruột rà máu thịt.

Bạn có thể bị mẫn cảm ban đầu khi phải “hít thở” trong bầu không khí hôn nhân “độc hại” ấy. Nhưng hãy sớm nhận ra rằng, khi đứng giữa những áp lực từ nhiều phía và từ sự kỳ vọng của chính mình, những gì một người bạn đời thực cần không chỉ là lời khuyên hay hướng giải quyết. Điều khiến họ thấy được an ủi nhất ở thời điểm đó chính là cảm giác được lắng nghe thấu cảm. Lắng nghe những đau đáu trong tâm trí họ và thấu cảm những trải nghiệm khó khăn họ đang trải qua. Bạn có thể trao đi những quan tâm bình dị nhưng ý nghĩa, học cách “biết mặt” những căng thẳng, khó khăn của đối phương, nhận ra cách giải quyết khác biệt của mỗi người khi gặp phải căng thẳng, và đặc biệt, tự chăm sóc cho chính tâm hồn bạn để trở nên mạnh mẽ hơn vì nửa kia của mình.

Không là cố gắng thay đổi mọi thứ, không là cố gắng điều khiển cách nửa kia chọn đối mặt với khó khăn của họ. Đôi khi, bạn chỉ cần dùng tình yêu thương đặc biệt của sự im lặng và sẵn sàng lắng nghe. Cách yêu thương và bao dung tưởng như vô hình ấy từ bạn sẽ trở thành đòn bẩy tinh thần giúp đối phương tự thông suốt vực dậy rồi tìm thấy và sẻ chia những lựa chọn của mình với bạn, người đã luôn cạnh bên nâng đỡ họ.

***

Hôn nhân trong giai đoạn rạn nứt sẽ đi đến một kết quả hay kết cục, điều đó vẫn có thể nằm trong tầm với của cả hai. Sự chân thành và biết rõ mong muốn thực sự của bản thân sẽ đủ sức giúp hóa lành những vết rạn nơi hôn nhân của bạn.

 

Bài viết độc quyền của ấn phẩm Nữ Doanh Nhân.

Text: Kim Hiền | Illustration: Yu Sanmen

Độc giả đang đọc bài viết “Lựa chọn điều gì giúp bạn “lành hóa” những rạn nứt của hôn nhân?” tại chuyên mục Thấy và Nghĩ của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.netChân thành cảm ơn quý độc giả!

 

Đọc thêm:

Sự nhạy cảm – Một đặc ân hay bất hạnh của tâm hồn?

Sẻ chia tâm tình, vun bồi hạnh phúc

Comment