7 lầm tưởng về hôn nhân mà ai cũng ngộ nhận - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, bạn luôn đặt nhiều kỳ vọng bởi đó là một mối quan hệ lâu dài và mang tính gắn kết cao. Vậy thì, bạn cũng cần phải hiểu rõ về 7 lầm tưởng thường thấy trong hôn nhân này mà rất nhiều người luôn tin tưởng.

Các phân tích và con số dường như không phải là công thức phù hợp cho khái niệm lãng mạn, nhưng John Gottman – một nhà nghiên cứu về hôn nhân đã dành hơn 40 năm để tìm ra phép toán giúp các mối quan hệ hôn nhân trở nên tốt đẹp hơn. Trong “Phòng thí nghiệm tình yêu” của mình tại Đại học Washington ở Seattle, ông đã phân tích cách các cặp đôi giao tiếp bằng lời nói và không lời nói, đồng thời theo dõi họ trong nhiều năm để tìm hiểu xem mối quan hệ của họ có thực sự tồn tại hay không. Trong hơn 200 bài báo được xuất bản sau đó, ông tuyên bố có thể dự đoán kết quả của một mối quan hệ với độ chính xác lên tới 94%. Được mệnh danh là “Einstein của tình yêu” bởi tờ nhật báo Psychology Today, Gottman đã cùng vợ cũng là đối tác nghiên cứu của ông đã nêu ra 7 điều người ta thường lầm tưởng về những huyền thoại tình yêu và hôn nhân dựa trên những quan sát của mình:

Lầm tưởng 1: Hôn nhân nên công bằng

John Gottman nói: “Những cặp đôi hay nghĩ rằng nếu chồng làm gì đó cho vợ thì vợ cũng sẽ làm điều gì khác cho chồng là những cặp đôi đang gặp các rắc rối nghiêm trọng trong hôn nhân của họ.”

Ông trích dẫn một nghiên cứu năm 1977 của nhà tâm lý học và nhà nghiên cứu Bernard Murstein, người đầu tiên phát hiện ra rằng suy nghĩ chuyên nghiệp là đặc điểm của các mối quan hệ ốm yếu hơn là hạnh phúc, vì nó cho thấy mức độ tin tưởng thấp giữa hai người. Trong các nghiên cứu, hai vợ chồng John nhận thấy rằng những cuộc hôn nhân hạnh phúc nhất là những cuộc hôn nhân mà bạn thực sự đầu tư vào lợi ích của người bạn đời, chứ không phải của riêng bạn. Mong đợi sự đáp ứng công bằng chỉ vì lợi ích của bản thân mình sẽ không phải chức năng đúng đắn của một cuộc hôn nhân. Những cặp đôi hạnh phúc nhất luôn cho đi mà không mong đợi bất cứ điều gì được đáp lại vì bản thân mỗi người đã được hưởng lợi từ chính cuộc sống tốt đẹp với người bạn đời của mình.

Lầm tưởng 2: Chồng/vợ phải ngầm hiểu nhau

Nên nhớ rằng, chồng hay vợ của bạn không phải là “người đọc trí óc”. Họ không thể đoán được toàn bộ những suy nghĩ của bạn và bạn nên luôn nói cho họ biết chính xác những gì bạn muốn.

Để không mắc phải sự lầm tưởng này, giao tiếp cởi mở là một công cụ cần thiết cho một mối quan hệ hạnh phúc. Theo nhận định của Gottman, các cặp vợ chồng sống hòa hợp thường sẵn sàng đáp ứng cho nhau những nhu cầu rất tinh tế như sự quan tâm, hỗ trợ, đồng cảm, chia sẻ… Họ sẵn sàng hy sinh những thú vui riêng để lắng nghe những tâm sự từ người bạn đời, ví dụ đơn giản như tắt ngay chương trình TV yêu thích để trả lời câu hỏi nào đó của của vợ/chồng. Một trong những nghiên cứu của John đã tìm thấy mối tương quan giữa các cuộc hôn nhân không hạnh phúc và khả năng kém cỏi của người chồng trong việc diễn giải các tín hiệu phi ngôn ngữ của vợ.

7 lầm tưởng hôn nhân

Lầm tưởng 3: Vợ chồng cãi vã sẽ ly hôn

Trong cuộc sống hôn nhân, việc xảy ra tranh cãi giữa đôi bên thật sự chưa phải là nguyên nhân của tan vỡ, mà chính thứ cảm xúc ta mang theo vào mỗi cuộc cãi vã đó mới chính là ngòi nổ phá tan mọi kết nối.

Theo định nghĩa của John Gottman, thực tế một cặp vợ chồng hạnh phúc và có cuộc sống ổn định thường có tỷ lệ cảm xúc tích cực/tiêu cực tối thiểu là 5/1 khi có xung đột xảy ra. Điều này có nghĩa là những cảm xúc tích cực của họ sẽ nhiều gấp 5 lần những cảm xúc tiêu cực ngay cả khi cả hai đang có “chiến tranh”. Ngược lại, các cặp vợ chồng tiến tới ly hôn sẽ có tỷ lệ khá thấp 0,8/1, với mỗi lần va chạm cảm xúc tiêu cực luôn ít hơn cảm xúc tích cực. Điều khác biệt là các cặp vợ chồng hạnh phúc có thể bù đắp những tranh cãi của họ bằng tiếng cười và sự vui vẻ; thực sự trong những trường hợp lạc quan, tỷ lệ này thậm chí còn tăng vọt lên 20/1.

Tuy nhiên, John cũng lưu ý rằng mỗi phong cách hôn nhân đều có ưu và khuyết điểm. Những người có khuynh hướng né tránh xung đột có một cuộc sống rất yên bình, nhưng mặt khác, họ cũng có thể kết thúc cuộc hôn nhân bởi ở đó hai người họ đang sống hai cuộc đời song song và xa cách nhau. Còn những cặp đôi có tranh cãi với nhau sẽ có nhiều nguy cơ dẫn đến việc cãi vã trở nên liên tục và thường xuyên hơn.

7 lầm tưởng hôn nhân

Lầm tưởng 4: Tìm cách giải quyết dứt điểm mọi xung đột

Theo nghiên cứu của John, 69% các vấn đề trong hôn nhân được giải quyết thông qua việc đối thoại thay vì được giải quyết dứt điểm. Ông nói: “Truyền thuyết phổ biến của hôn nhân là ai cũng nghĩ cả hai nên thẳng thắn trao đổi và không nên né tránh xung đột, vì chỉ có cách đó mới có thể giải quyết các vấn đề, nhưng theo nghiên cứu nó thực sự không có tác dụng đối với một số mẫu người, ví dụ như những người chỉ có lựa chọn đồng ý hoặc không đồng ý cho mọi vấn đề”.

Hầu hết các bất đồng trong hôn nhân phát sinh từ sự khác biệt về tính cách giữa hai vợ chồng, vì vậy về cơ bản các mâu thuẫn là không thể giải quyết dứt điểm được. Chìa khóa là hãy tránh những loại xung đột mang tính bế tắc – là những vấn đề mà bạn nhận thức được rằng bạn sẽ không thể cải thiện được nó trong suốt cuộc hôn nhân.

John đã tìm thấy nền tảng của xung đột chính là những khác biệt mang tính cốt lõi trong niềm tin của mỗi người, bắt nguồn từ môi trường được nuôi dạy, hoàn cảnh sống, những gì đã đạt được và những gì còn khao khát… Ví dụ, một cuộc khẩu chiến về tài chính trong gia đình có thể không chỉ về vấn đề chi tiêu tiền mặt mà còn liên quan đến mối quan tâm của mỗi cá nhân về tiền bạc của mình, quyền lực, sự tự do… Thay vì tập trung để giải quyết các vấn đề và mong rằng nó sẽ chấm dứt, bạn hãy tạo ra những cuộc đối thoại về những quan điểm trái ngược của hai bạn. Việc nói chuyện dần dà để bạn đời hiểu quan điểm của bạn sẽ quan trọng hơn nhiều so với việc cố gắng giải quyết dứt điểm những bất đồng kéo dài. Cả hai vợ chồng nên tìm cách để tôn trọng nguyện vọng và nhu cầu cốt lõi của nhau về những vấn đề đang bàn.

7 lầm tưởng hôn nhân

Lầm tưởng 5: Dễ lặp lại sai lầm của cha mẹ

Nếu đã từng có một tuổi thơ với cuộc sống cha mẹ ly hôn, điều đó không có nghĩa rồi hôn nhân của hai vợ chồng bạn cũng sẽ như thế. Tom Bradbury, một nhà tâm lý học tại Đại học California, Los Angeles, đã đặt ra cụm từ “chịu đựng những tổn thương” để mô tả những tác nhân mang tính lịch sử trong quá khứ của mỗi người này. Một số lời nói hay hành động của bạn có thể khơi dậy cảm xúc tuổi thơ không êm ấm của người bạn đời và khiến họ phản ứng. Vì vậy, cần đảm bảo rằng bạn và đối tác của bạn hiểu điều gì khiến đối phương tổn thương và tránh chạm vào những điểm yếu đó.

Hoàn cảnh trong quá khứ của mỗi người được các nhà tâm lý học gọi là xạ ảnh. Một ví dụ thường thấy là khi ai đó có những điều không vui từ thời thơ ấu, họ sẽ dễ áp nó cho người mà họ yêu thương. Ví dụ, nếu bạn có cha mẹ xa cách, lạnh lùng, bạn cũng có khuynh hướng cho rằng người bạn đời của mình cũng đang xa cách và lạnh nhạt. Thay vì đổ lỗi cho người đang ở bên bạn, hãy giải thích cho bạn đời hiểu những hành động của họ khiến bạn cảm thấy như thế nào và họ có thể làm gì để giúp bạn cảm thấy tốt hơn. Đồng thời, hãy luôn lắng nghe một cách bao dung và tự nhắc nhở bản thân rằng không có cái gọi là “đúng một cách khách quan” hay “hoàn hảo”.

Lầm tưởng 6: Đàn ông và đàn bà luôn khác nhau

Đàn ông không đến từ sao Hỏa và phụ nữ không đến từ sao Kim, tất cả chúng ta đều đến từ Trái đất. Hãy ý thức rằng đàn ông cũng sống với cảm xúc của họ như phụ nữ. Trong khi đó, không phải tất cả phụ nữ đều dễ thể hiện ra những cảm xúc tiêu cực của mình. Đó chính là sự cân bằng của hai giới, và hóa ra họ có nhiều điểm tương đồng hơn so với những gì mọi người đã tin tưởng.

xung đột trong hôn nhân

Một nghiên cứu năm 1998 trên tạp chí Cognition and Emotion cho thấy rằng, khi phụ nữ nghĩ về cuộc sống của họ trong dài hạn, số nữ giới cho biết bản thân là người dễ xúc động được thống kê nhiều hơn số nam giới. Nhưng khi những người đó chấm điểm mức độ cảm xúc của họ trong từng khoảnh khắc ngắn hạn, cả hai giới đều thể hiện họ có khá nhiều cảm xúc giống nhau với cấp độ tương đồng. Vì thế, đừng nên đưa vấn đề giới tính vào những cuộc tranh cãi hay xung đột trong hôn nhân để yêu cầu nửa kia của mình phải cư xử theo số đông giới của họ vẫn làm.

Lầm tưởng 7: Hai người khác biệt thì luôn bổ khuyết cho nhau

Nhiều người nghĩ rằng trong hôn nhân điểm mạnh của người này sẽ bù đắp cho điểm yếu của người kia và ngược lại. Điều này nghe có vẻ phù hợp, nhưng John nói rằng nghiên cứu của ông không tìm ra sự đồng tình với ý tưởng này. Tuy nhiên, phân tích của John cũng chỉ ra rằng sự giống nhau về niềm tin cốt lõi của hai vợ chồng cũng không phải là yếu tố dự đoán quan trọng hoặc ảnh hưởng lớn đến hạnh phúc tương lai của một cặp vợ chồng. Điểm không tương đồng chính mà nghiên cứu nhận thấy có thể dự đoán thực sự về việc ly hôn là cách người này cảm nhận khi người kia thể hiện cảm xúc nào đó.

Ví dụ, nếu một người muốn nói về những tâm sự bực tức và buồn bã của họ nhưng người kia không muốn nghe và cho rằng nên giữ những cảm xúc tiêu cực cho riêng mình, chắc chắn cả hai bên có thể bắt đầu bực bội với nhau. Nếu hai bạn tranh cãi, việc chuyển từ bất đồng sang thấu hiểu lẫn nhau sẽ dễ dàng hơn khi một trong hai chịu khó lắng nghe và thể hiện sự quan tâm của mình đến những điều ẩn chứa đằng sau hành vi của người kia. Sự khác biệt giữa hai bên lúc đó mới thật sự là một sự bổ khuyết không thể thiếu để hoàn thiện cuộc hôn nhân lâu dài.

Nữ Doanh Nhân lược dịch theo Reader’s Digest.

Đọc thêm: Năm thứ mấy của hôn nhân là giai đoạn dễ gặp trục trặc nhất?

Comment