Hẹn hò với đồng nghiệp? Hãy cẩn thận! - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Các công ty đều có những chính sách khác nhau về các mối quan hệ trong môi trường văn phòng, nhưng đối với các lãnh đạo cấp cao, thông điệp cho chuyện “hẹn hò với đồng nghiệp” gần như là nhất quán ở mọi nơi với nội dung là: “Không”.

Sau nhiều chiến dịch #MeToo, trong thời gian qua nhiều văn phòng công ty đều theo đuổi những chính sách chặt chẽ hơn trong việc kiểm soát các mối quan hệ giữa đồng nghiệp. Cho dù chính sách hẹn hò của các công ty là gì thì thông điệp mà các lãnh đạo cấp cao được gửi gắm đều là, “đừng nên làm điều đó”.

Tại Mỹ đã có nhiều trường hợp các ứng cử viên quản lý tiềm năng bị buộc cho thôi việc vì những mối quan hệ tình cảm với đồng nghiệp. Không phải vì những mối quan hệ đó không trong sáng hay không được ủng hộ, nhưng những ràng buộc về tình cảm giữa hai người cùng làm chung một công ty với nhau rất dễ dẫn đến những phát sinh tiêu cực ảnh hưởng đến danh tiếng của công ty mà dường như không có một lãnh đạo nào hài lòng.

Một ví dụ điển hình như tại Công ty Black Rock (Mỹ), nơi có nhiều quy định được áp dụng để giám sát các mối quan hệ mang tính chất “lãng mạn” tại nơi làm việc. Ngoài ra còn nhiều tập đoàn khác đều có các quy tắc nghiêm ngặt để ngăn cấm các ông chủ hay sếp hẹn hò với bất kỳ cấp dưới trực tiếp hoặc gián tiếp nào. Và, các CEO tại các tập đoàn McDonald’s hoặc Intel Mỹ đã mất việc trong 18 tháng qua vì các mối quan hệ nhạy cảm với nhân viên của mình.

hẹn hò đồng nghiệp văn phòng công sở

Với các công ty khác, chẳng hạn như Facebook đều kêu gọi nhân viên công khai các mối quan hệ với nhân viên ở các bộ phận phòng ban khác nếu giữa họ có cùng chung lợi ích hay xung đột nào đó. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nhiều nơi ngăn cấm những mối quan hệ lãng mạn tại nơi làm việc.

Theo các chuyên gia về quản trị công ty và văn phòng làm việc, nếu có một điều cần lưu ý đối với các cấp quản lý trong một công ty, thì đó sẽ là đề nghị họ tránh hẹn hò với cấp dưới tại nơi làm việc của mình.

Davia Temin, Giám đốc Điều hành của Temin and Company – một công ty chuyên về xử lý khủng hoảng có danh tiếng tại Manhattan Mỹ, cho biết các tổ chức ngày càng hy vọng các kiểu mối quan hệ tình cảm yêu đương sẽ không tăng lên trong văn phòng của họ. Cho dù đó là một tin nhắn trực tiếp hay chỉ là lời tán tụng bâng quơ, điều mà các công ty mong đợi là tất cả nhân viên phải biết nói “Không” với các kiểu hẹn hò đồng nghiệp.

Nhiều công ty đã có các chính sách được áp dụng từ lâu về các mối quan hệ cá nhân tại nơi làm việc, và phần lớn đều khá lỏng leo. Thế nhưng, ngày nay mọi thứ đã thay đổi. Biết cách tránh lẫn lộn giữa tình cảm và công việc là một lựa chọn an toàn hơn cho tất cả những nhân sự chuyên nghiệp trong thời buổi hiện tại, và nên nhớ các doanh nghiệp đều đang theo dõi sát sao những hành vi kiểu này.

Sự giám sát chặt chẽ hơn đã khiến các CEO dễ bị tổn thương hơn. Theo một nghiên cứu gần đây của Conference Board, trong năm 2018, tỷ lệ CEO bị buộc thôi việc tại các công ty thuộc S&P 500 (Mỹ) đã lên mức 30,5%, tăng gần 8 phần trăm so với năm 2017. 5 trong số 12 trường hợp bị sa thải đó là do cáo buộc có hành vi sai trái cá nhân hoặc vi phạm chính sách hẹn hò của công ty.

hẹn hò đồng nghiệp

Laurie Ruettimann, một nhà tư vấn nhân sự làm việc với Fortune 500 và các công ty công nghệ, đã nói rằng cho dù chính sách của các công ty là khuyến khích nhân viên của họ báo cáo công khai chuyện tình cảm với đồng nghiệp, nhưng thực chất họ không cần biết các mối quan hệ đó. Chỉ cần, các nhân viên biết cách hành xử chuyên nghiệp, hẹn hò riêng tư, và nếu mối quan hệ không thành công, các cặp đôi phải biết cách xử lý nó như những người trưởng thành.

Nhiều công ty trở nên bối rối trước các mối quan hệ “hẹn hò đồng nghiệp” kiểu này. Họ thật sự không xác định được một mối quan hệ có mức độ thân thiết đến đâu thì nhân viên phải báo cáo cho công ty. Cũng không có nhà quản lý HR nào được đào tạo để xác định “cấp độ tình yêu” giữa các cá nhân trong công ty cả.

Các quy tắc về mối quan hệ cá nhân thì thường không thể mang tính thực tế cao. Ví dụ, nếu bạn yêu đương ai đó trong công ty, thì tại sao bạn lại phải tiết lộ điều đó cho một nhân viên HR thay vì một ai khác thân thiết hơn?

Các chính sách bằng văn bản thật sự chỉ để cung cấp cho công ty sự bảo chứng trong trường hợp những mối quan hệ như thế ảnh hưởng đến công ty mà thôi. Nếu các mối quan hệ vẫn được giữ bí mật tốt, thì công ty có thể chỉ ra rằng họ đã hướng dẫn tất cả nhân viên tiết lộ về mối quan hệ nhưng không được thông báo. Còn nếu các mối quan hệ được báo cáo, các cặp đôi sẽ được yêu cầu ký các loại giấy miễn trừ để công ty tránh khỏi trách nhiệm liên đới.

Ngoài ra, các công ty cũng có thể dựa vào các chính sách đã quy định để thuyên chuyển hay cách chức một giám đốc điều hành thay vì một nguyên nhân sâu xa khác. Bà Ruettimann chia sẻ, một mức lương cao hay một xung đột tại nơi làm việc có thể là động cơ thực sự để người ta loại bỏ một nhà quản lý cấp cao khi vấn đề “mối quan hệ tình cảm” có thể chỉ là một cái cớ thuận tiện.

Jeffrey Cohn, một quản lý cấp cao của Elevate Partners thuộc DHR International, cho biết trong quá trình kiểm soát các mối quan hệ tại nơi làm việc, một số công ty đã có thể phản ứng thái quá. Ông nói, trong một số trường hợp, hội đồng quản trị và bộ phận nhân sự đang ban hành và thực thi các quy tắc để đảm bảo môi trường an toàn trong thời kỳ hậu #MeToo hơn là tạo ra các quy tắc hẹn hò và công khai mối quan hệ hợp ký đối với nhân viên.

Ông chia sẻ, các công ty cần tìm ra sự khác biệt giữa chính sách và văn hóa. Một điều tối thiểu họ cần phải thực hiện, đó là giải thích một cách hợp lý tại sao công ty áp dụng các chính sách nhân sự liên quan đến những mối quan hệ cá nhân, và chỉ ra được mối liên quan giữa những mối quan hệ này đến hoạt động phối hợp làm việc trong nội bộ công ty.

Theo The Wall Street Journal.

Có thể bạn quan tâm: Người đàn ông bạn yêu, có chắc “xứng đáng” để bạn gửi gắm trọn đời?

Comment