Bí quyết giao tiếp công việc hiệu quả với sếp của bạn

Bí quyết giao tiếp công việc hiệu quả với sếp của bạn

Giao tiếp ở môi trường công sở có thể ảnh hưởng đến sự gắn bó và phát triển của bạn ở một doanh nghiệp. Và giao tiếp với sếp sao cho hiệu quả đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với công việc và sự nghiệp của bạn.

Ngoài các tương tác thường ngày cùng đồng nghiệp, cách trao đổi công việc và các vấn đề khác cùng sếp là một trong những điều bạn cần đặc biệt quan tâm. Có những bí quyết giúp bạn tăng hiệu quả giao tiếp với những vị sếp và một trong số đó chính là hiểu đúng phong cách giao tiếp của họ. Sau đây là một số mẫu hình người sếp để bạn nhận diện và trang bị thêm kỹ năng giao tiếp của mình.

Nếu sếp của bạn thuộc kiểu người mạnh mẽ, độc đoán…

Đây là mẫu người thích ra lệnh và không chấp nhận những lỗi sai hay sơ sót của cấp dưới. Họ thích làm mọi việc một cách mạo hiểm và hiếm khi quan tâm đến cảm xúc hay các đề nghị từ người khác. Họ thường có xu hướng tự cho mình là trung tâm và muốn kiểm soát tình huống.

Theo đó, những người sếp này luôn muốn nhận được từ bạn những câu trả lời trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề và mang nhiều ý tưởng mới lạ, táo bạo. Họ thích những con số hay “sự thật” hơn là những gì thiên về cảm xúc và cảm tính.

Vị sếp mang tính biểu tượng nhất có thể kể đến là vai diễn Miranda Priestly của Meryl Streep trong bộ phim The Devil Wears Prada với tính cách lạnh lùng, khắt khe và yêu cầu cao.

Đối với phong cách giao tiếp của một người sếp độc đoán, những gì bạn cần chính là chuẩn bị đầy đủ và nói đúng sự thật, với một bản tóm tắt được bổ sung bởi các thông tin cơ bản. Bên cạnh đó, hãy thể hiện sự mạnh mẽ, khẳng khái nhưng trong chừng mực để không khiến sếp cảm thấy quyền định đoạt của họ đang bị thách thức. Bạn cần có sự rõ ràng, sắc nét trong từng nội dung nhưng không cần thiết phải nói trực tiếp với sếp về cách thực hiện. Ngoài ra, cách giao tiếp từ góc độ kết quả nhìn thấy được và cung cấp một vài lựa chọn để cân nhắc sẽ dễ dàng thuyết phục sếp bạn. Đặc biệt, hãy cố gắng giải thích rõ ràng về việc các đề xuất từ bạn sẽ giúp ích ra sao trong việc đạt được mục tiêu của sếp.

Nếu sếp của bạn thuộc kiểu người từ tốn, lịch thiệp…

Đây được cho là nhóm người giỏi duy trì và kết nối các mối quan hệ cá nhân khi thích giao tiếp với mọi người và cũng biết quan tâm đến người khác. Những người sếp này ít thay đổi và luôn trong tinh thần hỗ trợ mọi người, nhiệt tình, kiên nhẫn và giỏi giữ bình tĩnh. Thế nhưng họ lại không thích sự chủ động đi đầu và có xu hướng thích trao đổi công việc một cách nghiêm túc. Họ đưa ra quyết định tương đối chậm và không thích xảy ra xung đột hay mâu thuẫn giữa các cá nhân.

Hình mẫu một vị sếp trong vai diễn Jacqueline Carlyle (Melora Hardin) – Tổng Biên tập Tạp chí Scarlet trong bộ phim The Bold Type. Người phụ nữ không bao giờ tỏ ra mềm yếu, luôn sắc sảo và mong muốn nhân viên cố gắng hết mình.

Do đó, yêu cầu của một người sếp từ tốn chính là cảm giác an toàn và sự đánh giá cao một cách chân thành. Họ sẽ tìm kiếm, coi trọng các phương pháp hay hướng đi truyền thống hơn và muốn vận hành mọi việc theo tuần tự, có thủ tục. Hiển nhiên, họ sẽ không thích cảm giác thiếu an toàn hay thiếu tự tin trong cách xử trí công việc hay các đề xuất của bạn.

Vậy bạn nên làm gì để cuộc nói chuyện có thể suôn sẻ và thuận lợi hơn với những người sếp này? Khi trao đổi công việc, bạn cần chậm rãi, giao tiếp một cách thân thiện nhưng vẫn đủ lịch sự. Đặc biệt, hãy xây dựng sự tin tưởng nơi sếp dành cho bạn và đừng quên bàn luận về các yếu tố con người chứ không chỉ xoay quanh những dữ liệu “thô cứng”.

Nếu sếp của bạn thuộc kiểu người phóng khoáng, giàu cảm xúc…

Sự đam mê, sáng tạo và thường lý tưởng hóa trong công việc là điểm chung phổ biến mà những người sếp này thể hiện. Họ có phần sống tình cảm, lạc quan, thoải mái tham gia vào mọi việc và không thích cảm giác cô đơn. Bên cạnh đó, họ luôn tìm kiếm niềm vui và cũng sẵn lòng làm cho người khác cảm thấy vui vẻ hơn, có lúc im lặng nhưng đôi khi cũng là người “nói nhiều”.

Hình ảnh trong phim The Bold Type

Một người sếp giàu cảm xúc như vậy thường thoải mái thể hiện bản thân và thích làm việc với người có thể mang lại cho mình nguồn cảm hứng sáng tạo. Họ mong đợi sự công nhận của xã hội cũng như các quan hệ dựa trên cơ sở dân chủ. Tuy nhiên, người sếp này sẽ “không ưa” bị phản đối.

Với mẫu người này, giao tiếp của bạn với sếp trước hết cần thể hiện được bạn năng động, tràn đầy năng lượng và luôn cố gắng đưa ra những quan điểm mới lạ, độc đáo. Cùng lúc, hãy dành một khoảng thời gian để lắng nghe các phản hồi từ sếp sau mỗi cuộc trò chuyện, trao đổi. Cuối cùng, bạn có thể xác nhận các nội dung này bằng văn bản.

Nếu sếp của bạn thuộc kiểu người có tư duy phân tích…

Làm thế nào để nhận diện phong cách giao tiếp của những người chủ này? Đặc điểm này kéo theo việc người chủ của bạn cũng thích phân tích vấn đề ở nhiều góc độ khác nhau và chú ý đến các chi tiết cụ thể. Họ nhạy cảm và yêu thích không gian cá nhân rộng lớn. Nếu mang phong cách giao tiếp này, yêu cầu thường gặp ở sếp bạn sẽ là sự chính xác và hoàn hảo trong mọi việc. Họ lựa chọn công thức hóa và vận hành mọi thứ một cách có tuần tự, có kế hoạch. Phong cách làm việc của những người sếp này có phần chậm rãi hơn, đa số dựa vào các dữ liệu vật lý và đặc biệt luôn thận trọng trong việc ra quyết định.

Hình ảnh trong phim The Devil Wears Prada

Giống như mẫu người chủ từ tốn, các sếp thuộc mẫu người có tư duy phân tích cũng cần cảm giác an toàn và muốn được người khác coi trọng. Đồng thời, họ không “cởi mở” với những thay đổi đột ngột xảy đến và càng khó chấp nhận những chỉ trích, sự xáo trộn hay vô tổ chức trong công việc.

Để giao tiếp có hiệu quả và thuyết phục được những người chủ này, bạn cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nói chậm và để ý lựa chọn trang phục theo phong cách an toàn và phù hợp. Đừng quá sơ sài hay thiếu chú tâm mà hãy cố gắng thể hiện bạn đang làm việc nghiêm túc nhất có thể. Ngoài ra, bạn không cần tỏ ra quá thân thiện mà chỉ cần tập trung đưa ra nhiều sự kiện hay con số thực tế và đảm bảo tính chính xác của nó.

Độc giả đang đọc bài viết “Bí quyết giao tiếp công việc hiệu quả với sếp của bạn” tại chuyên mục Professional của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.netChân thành cảm ơn quý độc giả!

 

Có thể bạn quan tâm:

5 sự thật cơ bản có thể làm thay đổi cuộc sống và giúp bạn trở thành người ưu tú

Truyền cảm hứng đến nhân viên bằng tinh thần xông pha của sếp

Comment