Được lì xì ai chẳng vui, không kể là người già hay trẻ nhỏ. Ngay như tôi đây, hơn 30 tuổi đầu nếu được bạn bè “xì” cho cái phong bao màu đỏ cũng khoái chí cười tít mắt. Nhưng, oái ăm thay, không phải đứa trẻ nào cũng cười như mình mỗi khi được lì xì. Vì sao vậy?
Những ông “phỗng” bất đắc dĩ
Mới nghe tưởng đùa nhưng đây là nỗi niềm mà không ít bạn bè tôi gặp phải vào dịp Tết. Có người kể, cháu trai mình dù mới năm tuổi nhưng đã được cả nhà đưa đi chúc tết hàng xóm, bạn bè. Đến đâu, cậu cũng được lì xì những chiếc phong bao màu đỏ và hồn nhiên cho hết vào túi quần. Và khi đã đầy, cậu nhất định không nhận thêm mà nằng nặc từ chối: “Cháu có rồi, nhiều lắm rồi ạ. Cháu không lấy nữa đâu!…”. Người lớn nhìn vào bảo, con nít hồn nhiên. Nhưng có phải đứa con nít nào cũng hồn nhiên?.
Cũng như mọi năm, cứ tết đến, chị Thanh lại tranh thủ đổi tiền mới và chuẩn bị sẵn phong bì lì xì dù kinh tế khó khăn nhưng không vì thế mà khiến những đứa trẻ phải thất vọng. Mỗi phong bì chị đều cho vào ba tờ mười nghìn đồng may mắn và thích thú ngắm ánh mắt sáng rực của bọn trẻ mỗi khi được nhận phong bì đỏ. Nhưng sau khi lễ phép đón nhận và chị Thanh cũng chưa kịp vui thì hai đứa bé con cô bạn đồng nghiệp xé phong bì, cô chị hỏi đứa em: “Em được bao nhiêu?” – “Có mỗi ba mươi nghìn mà cô Thanh cũng lì xì, chẳng giống bác Nam hôm qua lì xì em những hai tram nghìn!” rồi chạy ra sân chơi và bỏ lại sau lưng lời cảm ơn người khách đang ngượng ngùng, bối rối.
Đang mải chơi ngoài sân, nhác thấy bóng khách đến nhà, bé Khang vội bỏ bạn chạy vào nhà và cứ ra vào quẩn quanh phòng khách. Vị khách lúc này mới chú ý đến đứa trẻ, vội móc ví ra nhưng khổ nỗi trong ví toàn tiền giá trị lớn. Lục lọi mãi khách mới tìm được tờ năm mươi nghìn đồng rồi vui vẻ: “Bác chúc con năm mới chăm ngoan, học giỏi nhé!”. Cậu bé cảm ơn người khách rồi lí nhí ra vẻ thất vọng: “Chỉ có một tờ thôi hả bác?” Bất ngờ và thoáng chút sững sờ, nhưng vị khách đã nhanh ý: “Ôi, bác xin lỗi, bác nghe nói con bố Thắng học giỏi lắm, bác thưởng thêm”. Anh Thắng, bố bé Khang xấu hổ với khách nhưng cũng không dám la mắng con trước mặt bạn.
______________
Dạy con “cho” để biết “nhận”
Nếu hỏi bạn có tự hào không khi con biết giá trị của tờ tiền, câu trả lời chắc chắn là có. Nhưng, là giá trị của những con số hay giá trị thực của đồng lì xì? Nên để con học cách cho để con biết cách trân trọng những gì được nhận. Nếu là con, với quỹ lì xì hiện có, con sẽ lì xì cho các em bao nhiêu, cho bạn bè bao nhiêu? Nếu bạn bè chê ít, con có vui không?… Đứng ở vị thế người cho, con sẽ dần nhận ra mình muốn nhận được gì ở người nhận.
______________
Gần mực thì…
Nghe chuyện, có người bảo bây giờ con nít khôn lắm, nếu không khéo thì “hố” như chơi. Nhưng, liệu tất cả là do con nít khôn, hay chúng bị ảnh hưởng không ít từ những người lớn. Thậm chí, có người còn xem tết như dịp “làm ăn” một cách đường đường chính chính thông qua tâm hồn ngây thơ của trẻ con, nhất là các sếp lớn hay những nhân viên đã được “gợi ý kín đáo” từ trước. Không ít người chê ít, bĩu môi khi nghe con kể được lì xì vài chục nghìn nhưng lại rạng rỡ trước những phong bao nặng ký. Họ hào hứng tổng kết số tiền thu được rồi so sánh, tính tính toán toán… vô tình tạo cho đứa trẻ tâm lý vui mừng khi được “bội thu”. Và như ông chủ đứng trước vụ mùa bội thu, chúng phải cố gắng “không để sót” bất cứ vị khách nào. Vì vậy, khi được bố bảo ra sân chơi với các bạn, bé Khánh hồn nhiên: “Mẹ bảo con cứ ở đây để nhận tiền lì xì đã ạ”. Khi người lớn có “ý đồ” thì câu chuyện lì xì sẽ không còn mang ý nghĩa tinh thần mà chính bản thân đứa trẻ đã bị “nhồi nhét” và nhận thức được đây là “nhiệm vụ” chính của mình.
Đâu chỉ các ông bố bà mẹ, ngay cả những vị khách cũng không ít lần “bơm” vào đầu óc trẻ những nhận thức sai lệch về lì xì. Thay vì cho vào phong bao và lì xì “lấy hên” thì lại xòe những tờ tiền có mệnh giá khác nhau để đứa trẻ chọn. Như anh Phong bạn tôi từng hỏi cháu mình: “Con thích tờ nào”, sau khi được mẹ tư vấn: “Con chọn tờ màu đỏ đi, màu xanh ít lắm” bé Trang chọn tờ hai trăm nghìn đồng. Mọi người đều xem đó là trò vui ngày xuân. Tuy nhiên, vì đã “nhận thức” được giá trị của tờ tiền màu đỏ, nên mỗi khi khách đến lì xì, bé Trang cứ nằng nặc đòi bằng được tờ tiền màu đỏ.
Lì xì mãi mãi là niềm mong mỏi của trẻ con mỗi khi tết đến xuân về, và dù xã hội có phát triển hơn, trẻ con có ngày càng “khôn” hơn thì những giá trị truyền thống vẫn không đổi. Còn cả một quãng đường dài để con trở thành người lớn và bố mẹ sẽ có rất nhiều cách giúp con trưởng thành ngay từ thủa còn thơ.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Có thể bạn quan tâm: