Phần lớn chúng ta đều cho rằng lý trí đóng vai trò then chốt trong việc đưa ra quyết định. Song, các chuyên gia khẳng định, cảm xúc đóng vai trò không nhỏ. Khả năng đọc vị biểu cảm khuôn mặt sẽ giúp bạn đảm bảo phần thắng trong những cuộc thương thuyết.
Thương trường là nơi có những cuộc cạnh tranh gay gắt nhất trên bàn đàm phán. Vì thế, chiến lược và chiến thuật đàm phán vô cùng quan trọng. Hãy “luyện” kỹ năng nắm bắt cảm xúc trong những cuộc trao đổi để đạt được kết quả mong muốn khi ngồi vào bàn đàm phán!
BẤM ĐỂ ĐỌC PHIÊN BẢN BÁO IN! |
Trí thông minh xúc cảm trong thương thuyết
Phần lớn chúng ta thường đề cao chỉ số IQ và suy luận logic. Chỉ số thông minh (IQ) cũng liên quan mạnh mẽ đến tiềm năng thương lượng. Trong cuộc phân tích tổng hợp với gần 5.000 nghiên cứu, người ta nhận thấy IQ cao có thể đoán được hành động trong các thí nghiệm về thương lượng một cách tốt hơn. Tuy vậy, trong số những đặc điểm có thể cải thiện khả năng thương lượng của một cá nhân, trí thông minh cảm xúc (EQ) là vượt trội nhất. Người EQ cao cũng thỏa mãn hơn với kết quả thương lượng của chính họ, bất kể kết quả khách quan là gì.
Quan trọng hơn, EQ gắn liền với mức độ tự chủ và dễ mến cao hơn, đây là sự kết hợp có ảnh hưởng rất lớn trong những công việc cần tương tác với người khác trong các hoàn cảnh thử thách cảm xúc. Người có EQ cao thường ý thức rõ về bản thân cũng như nắm bắt cảm xúc của đối phương tốt hơn, họ thường lựa chọn cho mình phong thái đĩnh đạc, bình tĩnh, khéo léo dung hòa giữa lý trí và cảm xúc một cách tinh tế bằng từ ngữ, giọng điệu, ngôn ngữ cử chỉ cũng như biểu cảm khuôn mặt trong mỗi cuộc trò chuyện. Vì thế, để trở thành nhà thương thuyết bậc thầy, điều quan trọng cần nắm bắt chính là khả năng hiểu thấu tâm lý đối phương.
Nắm bắt “dấu hiệu” thoáng qua
Muốn đọc vị tốt, bạn cần bổ sung thêm chiếc “chìa khóa” mang đến thành công của những nhà thương thuyết bậc thầy: khả năng tập trung vào các biểu hiện thoáng qua một cách không chủ ý và tự phát (được gọi vắn tắt là các biểu cảm thoáng qua – microexpression). Những biểu cảm này xuất hiện rất nhanh trên khuôn mặt của mọi người với một mức độ cảm xúc nhất định. Nếu biết điều mình đang tìm kiếm thì các biểu hiện này sẽ là cửa sổ để bạn có thể “nhìn thấu” nội tâm của người đối diện.
Có 7 loại biểu cảm thoáng qua phổ biến: kinh tởm, giận dữ, sợ hãi, buồn bã, hạnh phúc, ngạc nhiên và khinh thường. Những biểu cảm này thường diễn ra rất nhanh, chỉ từ 1/15 đến 1/25 giây. Nếu không tinh ý, bạn sẽ để mọi khoảnh khắc biểu cảm trôi qua nhanh chóng. Gương mặt là bộ phận thể hiện rõ nhất cảm xúc của một người. Tuy nhiên, hiểu được nó là điều không dễ. Tiến sĩ Paul Ekman, nhân vật nổi tiếng với những nghiên cứu tiền đề cho bộ phim bộ của Mỹ ‘Lie to Me’, đã giải mã từng chi tiết trên gương mặt con người. Theo ông, đây là 7 biểu cảm gương mặt phổ biến và dễ đọc nhất. Biết cách đọc những biểu cảm này là vô cùng hữu ích để thấu hiểu những người xung quanh ta. Bạn cũng sẽ phát hiện rằng nếu mô phỏng một biểu cảm gương mặt, bạn cũng sẽ bắt đầu cảm nhận cảm xúc tương ứng. Cảm xúc tạo ra biểu cảm gương mặt và ngược lại. Đọc vị biểu cảm trên gương mặt người khác không phải khả năng thiên bẩm, đó là kỹ năng. Kỹ năng luôn cần sự trau dồi, học hỏi và kiên trì luyện tập, bạn sẽ thành thạo hơn trong việc đọc các biểu hiện nhỏ trên khuôn mặt của đối phương khi trò chuyện.
Bài tập nâng cao khả năng đọc vị
Kể chuyện: Trong buổi đàm phán, cả bạn và đối tác đều là những chuyên gia đàm phán đại diện cho tổ chức của mình, đều dễ dàng kiểm soát các biểu hiện trên gương mặt khi đang nói. Do vậy, đừng đặt quá nhiều câu hỏi mở. Thay vào đó, hãy chia sẻ một câu chuyện về một đối tác khác – người mà đã từng có những mối quan tâm như họ và quan sát phản ứng của họ khi đang nghe bạn nói. Nếu họ bắt đầu có chút đề phòng nghĩa là bạn đã có cơ hội biết được các phản ứng thật của họ. Hãy dựa vào đây để kiểm soát phần còn lại của buổi đàm phán.
Đưa ra nhiều sự lựa chọn: Khi bạn đưa ra một danh sách các lựa chọn thì các biểu hiện thoáng qua sẽ tiết lộ cái nào họ thích và cái nào không, thậm chí là các biểu hiện này còn xuất hiện trước cả khi họ nhận ra một cách có ý thức về sự lựa chọn của mình. Việc hướng sự chú ý vào các biểu hiện thoáng qua trên khuôn mặt sẽ giúp bạn nắm nhanh được thái độ, ý định của đối tác trong các cuộc thương lượng. Hơn thế nữa, nếu đã thành thạo kỹ năng này, bạn sẽ trở thành người kiểm soát câu chuyện và có nhiều khả năng thành công hơn trong các buổi trò chuyện mang tính chất công việc.
Xã hội càng tân tiến thì nghệ thuật thương thuyết càng giống trò chơi cờ tướng. Tiến thoái quân phải có chiến thuật chuẩn đến độ đối phương không có cách chống đỡ! Muốn được vậy, bạn cần chuẩn bị cho cuộc thương thuyết thật công phu, tỉ mỉ.
Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.
Có thể bạn quan tâm:
Nữ doanh nhân Phạm Hồng Quang: Chỉ bay khi đã vững vàng tri thức!