Vợ già chồng trẻ: Duyên hay nợ đời? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Vợ già chồng trẻ: Duyên hay nợ đời?

Ừ thì ai chẳng biết “chồng già vợ trẻ là tiên” nhưng nếu ngược lại là “vợ già chồng trẻ” thì sẽ như thế nào? Chẳng phải tình yêu đích thực không phân biệt tuổi tác hay sao, “vợ già chồng trẻ” có thể khiến người ta đôi chút chạnh lòng nhưng hạnh phúc cuối cùng chẳng phải như một ly nước ấm – lạnh chỉ có người uống mới biết, sao cần phải lăn tăn…

Đặt hôn nhân bên bờ vực?

Dĩ nhiên, rào cản lớn nhất của mọi cặp uyên ương “vợ già chồng trẻ” vẫn luôn là tuổi tác. Chỉ cần cùng tuổi thôi, giữa đàn ông và đàn bà đã như đôi đũa lệch so sao cho bằng rồi, huống gì người nhiều tuổi hơn là nữ giới. Lấy cái mốc ba mươi tuổi ra xem xét là biết. Ba mươi tuổi đàn ông mới bắt đầu bước vào cái tuổi chín muồi nhất, hấp dẫn nhất nhưng với phụ nữ ba mươi tuổi là đã toan về già. Thời gian, áp lực cuộc sống, việc sinh nở… tất cả những điều ấy qua đi đều để lại dấu vết trên khuôn mặt và cơ thể người phụ nữ. Ai dám nói những điều đó là “không sao”? Là nữ giới ai chẳng chuộng hư vinh, già hơn chồng vốn đã chẳng phải vẻ vang gì, đã thế cái sự già ấy còn “lồ lộ” ra ngoài khiến người ta phải thậm thụt “phi công trẻ lái máy bay bà già” thì cái sự “không sao” ấy chẳng qua là một quả bom hẹn giờ mà thôi.

Vẻ bề ngoài đã thế, trong suy nghĩ khoảng cách giữa đàn ông và đàn bà lại càng lớn hơn. Ba mươi tuổi đàn ông chưa chắc vứt bỏ được hết cái tính ham vui, “trẻ trâu” của mình nhưng phụ nữ chỉ cần qua 25 tuổi thôi họ đã bắt đầu biết chín chắn rồi. Dĩ nhiên, chuyện hôn nhân vợ chồng vốn dĩ là thế, 2 con người xa lạ cũng bù trừ cho nhau, khuyết điểm của người này là ưu điểm của người kia. Nhưng nếu như trong mọi tình huống, người lèo lái, chèo chống là phụ nữ còn người bốc đồng lại là đàn ông thì cuộc hôn nhân đó dường như lại ở bên bờ vực nguy hiểm.

Chị V. – Trưởng phòng truyền thông của một công ty lớn – có lẽ hiểu hơn ai hết điều này. Chị vốn nhan sắc tầm tầm thôi nhưng lại phải lòng rồi đồng ý về làm vợ một anh chàng vừa đẹp trai vừa nhỏ hơn tới 4 tuổi. Năm năm hôn nhân, chị 2 lần sinh nở, dù đã dốc sức tập luyện chăm sóc nhưng làm sao xóa được hết những vết rạn chằng chịt trên đùi, vòng eo thời con gái cũng phải nhường chỗ cho mớ da thịt nhăn nheo… vậy mà đức ông chồng thì càng ngày càng “phơi phới”. Những ngày ở cữ mang bầu đã phải đau đầu với đám “nợ đào hoa” của chồng. Đến ngày sinh con ra còn mệt mỏi hơn. Đêm đêm thức dậy lần nào cũng thấy chồng đang ngồi đấy, khổ cái chả phải ngồi chờ xem vợ có sai bảo gì không mà là đang ngồi ôm máy tính bắn game, đêm mãi bắn nên ngày ngủ vùi, bao nhiêu việc chăm con khoán hết cho bà ngoại, bà nội rồi sau là osin. Vợ nhờ bế con lâu một chút là giãy ra, sau mới biết là do ông bạn nào đấy mách nhỏ rằng bế con nhiều nó theo hơi, mai này đừng hòng đi chơi.

Nhưng, liệu đó có phải là tất cả?

Hẳn nhiên là không rồi. Khi quyết định đi đến hôn nhân thì dù là đàn ông hay đàn bà, nhiều tuổi hay ít tuổi thì mong muốn lớn nhất vẫn là tạo dựng hạnh phúc, được chung sống với người mình yêu thương.

Tuổi tác đến tận cùng có phải là vấn đề? Ai đó nói rằng, phụ nữ lấy chồng trẻ giống như có thêm một đứa con trai nhỏ, chỉ là thêm việc và thêm người để chăm sóc mà thôi. Nhưng sự thực không hoàn toàn như vậy. Khi một người đàn ông yêu một người phụ nữ, tự nhiên sẽ cảm thấy cô ấy nhỏ bé, yếu đuối cần mình che chở, bất chấp tuổi tác hay khoảng cách suy nghĩ. Suy cho cùng, đó chính là bản năng của phái mạnh.

Quay lại với vấn đề tạo dựng hạnh phúc, chẳng phải người ta vẫn nói “một người đàn bà bằng ba bếp lửa” hay sao? Vai trò người phụ nữ trong gia đình về cơ bản chính là như vậy, họ dùng sự dịu dàng, nữ tính của mình để làm ấm áp ngôi nhà, khiến cho chồng con của mình sau một ngày bận rộn, tất bật ở ngoài có một nơi để đi về. Về để ăn bữa cơm gia đình, về để ngả lưng lên chiếc giường quen thuộc, về để cảm thấy dù thể giới ngoài kia có trăm ngàn lật lọng đi nữa thì ở ngôi nhà nhỏ này vẫn còn một người phụ nữ yêu thương mình thật lòng, quan tâm mình thật lòng, chăm sóc mình thật lòng.

Thế nhưng không phải cứ là phụ nữ thì đều có khả năng làm “bếp lửa”. Sự chín chắn, chỉn chu, điềm đạm đến dần với phụ nữ qua từng năm tháng, cho nên đây là “đặc quyền” chỉ những người phụ nữ trưởng thành mà không có cô gái trẻ nào có được. Một người vợ lớn tuổi hơn đồng nghĩa với sự bao dung và tha thứ cũng lớn hơn. Vì họ đã qua rồi thời kỳ xốc nổi, giận dỗi vì chuyện không đâu hay hở chút là “bỏ về nhà mẹ”. Trước lỗi lầm hay sa ngã của chồng họ thường có xu hướng chọn cách thấu hiểu và tha thứ. Họ đủ bao dung để cho người đàn ông lý do để xốc nổi nhưng cũng cho họ thời gian để nhìn lại lỗi lầm và trưởng thành hơn.

Không có cuộc hôn nhân nào là hoàn hảo, dù cùng tuổi hay khác tuổi chuyện hôn nhân vợ chồng cũng cần sự điều chỉnh từ hai phía để có thể bền vững. Trong số những lựa chọn đó, chọn một người phụ nữ lớn tuổi hơn để kết hôn có lẽ là lựa chọn hạnh phúc lâu bền, tĩnh lặng.

Bài viết độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN.

 

Có thể bạn quan tâm:

Thiếu tài thu vén?!?

Nắm tay & ôm

Comment