Ý tưởng “décor” văn phòng cải thiện sức khỏe nhân viên - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Ý tưởng “décor” văn phòng cải thiện sức khỏe nhân viên

Không gian làm việc tác động đáng kể đến sức khỏe thể chất và tinh thần của nhân viên, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng công việc. Nhiều công ty đã đầu tư thiết kế lại văn phòng để tối ưu hóa lợi ích sức khỏe cho nhân viên và nhận thấy những tín hiệu tích cực.

Tạo không gian làm việc dễ chịu

Đầu tiên, một văn phòng làm việc lành mạnh từ khi được xây dựng phải chú ý đến những yếu tố vật lý cơ bản như vật chất, ánh sáng và âm thanh. Việc lựa chọn vật liệu xây dựng cũng như đồ nội thất phải đảm bảo cho không khí sạch và có khả năng phục hồi, mật độ và chất lượng ánh sáng phù hợp với tiêu chuẩn y tế, kiểm soát tiếng vang và tích hợp chi tiết cách âm…

Không gian văn phòng làm việc ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất và chất lượng công việc của nhân viên (Ảnh: Internet)

Bên cạnh đó, trên thực tế có nhiều động tác kiến ​​trúc phi vật thể cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe thể chất và tinh thần của con người như tính linh hoạt, sự hài hòa bố cục không gian, sắp đặt chi tiết décor hiệu quả hay sự khéo léo trong thiết kế. Trong đó, một không gian làm việc lành mạnh có thể được hiểu theo nghĩa của hành trình trải nghiệm, là sự chào đón nồng nhiệt từ lúc bước chân vào cửa công ty cho đến chỗ ngồi của nhân viên, những nơi đi qua đều cho họ một sự hưng phấn nhất định. Lúc ấy, nhân viên có thể rũ bỏ tất cả những điều khó chịu từ bên ngoài và nhập tâm hoàn toàn vào công việc.

Tương tác là một nhu cầu thiết yếu của mỗi người để kích thích năng lượng tích cực (Ảnh: Pinterest)

Một ví dụ điển hình là bố trí một khu vực thư giãn để nhân viên bắt đầu buổi sáng đầy năng lượng với một tách cà phê, một vài câu tán gẫu với đồng nghiệp. Đây có thể xem như một màn khởi động mang tính quyết định để kích thích nhân viên, nơi những mùi hương tự nhiên như cà phê và trái cây tươi, hay các khu vực tập trung để tương tác đóng vai trò chính. Mặt khác, khu vực này còn là nơi lý tưởng để giải quyết các vấn đề gặp mặt, hội họp, hoặc nơi riêng tư cho việc đọc hay tập trung vào công việc một cách thoải mái.

Sự linh hoạt của một không gian mở

Việc thiết kế phân chia văn phòng làm việc thành các không gian riêng biệt để phục vụ cho những nhu cầu quản lý khác nhau thường là cố định. Điều này khiến cho không gian văn phòng trở nên khô cứng, thiếu đi tính linh hoạt, không thể sử dụng vào những mục đích khác. Nhằm tạo ra tính đa dụng cho văn phòng làm việc, chúng ta có thể tạo ra những vách ngăn di động bằng cách sử dụng đồ nội thất kết hợp với kiểu thiết kế xanh biophilia để kiến tạo không gian làm việc. Đây là cách thiết kế tích hợp các vật liệu tự nhiên, thân thiện với môi trường, mang lại tác động tích cực đối với sức khỏe tinh thần.

Khó có thể kết nối những không gian nhỏ với nhau khi đã bị ngăn cách cố định (Ảnh: Dylan Nolte)

Theo đó, có thể dùng những “bức tường xanh” hay “khu vườn thẳng đứng” có thể di động với các bánh xe để phân chia phạm vi không gian. Với việc tạo ra các dải phân cách linh hoạt như vậy, môi trường có thể được biến đổi linh động để phù hợp và đáp ứng nhiều nhu cầu sinh hoạt của nhân viên. Hơn thế nữa, không gian làm việc khi cần thiết có thể biến thành không gian phục vụ cho các hoạt động bổ ích khác như chăm sóc sức khỏe và xây dựng đội nhóm.

Một “mảng tường xanh” phân chia không gian tạm thời theo mục đích công việc (Ảnh: Internet)

Giữ nhịp sinh học bằng ánh sáng tự nhiên

Muốn có một đời sống lành mạnh, chúng ta không thể tách rời hơi thở của thiên nhiên. Nhưng đối với công việc văn phòng, có thể bạn phải đối mặt với ánh đèn điện và bốn bức tường suốt ngày dài mà không được nhìn thấy ánh mặt trời. Trong khi đó, ánh sáng tự nhiên được chứng minh là có tác động trực tiếp đến sức khỏe tinh thần của con người. Nó giải phóng các hormone như serotonin giúp cân bằng tâm trạng. Nghiên cứu chỉ ra rằng điều kiện đón ánh sáng tự nhiên là yếu tố quan trọng nhất trong công tác thiết kế không gian làm việc, làm giảm từ 30-60% mức độ căng thẳng của nhân viên. Một văn phòng làm việc lành mạnh trước hết cần thiết kế sao cho tối đa hóa diện tích bề mặt tiếp cận với ánh sáng. Cửa sổ hoặc tường kính trong suốt được coi là giải pháp hữu hiệu cho mục đích này. Bên cạnh đó, cũng với chất liệu kính trong suốt và mờ, ánh sáng có thể được chia sẻ cho các văn phòng liền kề nhau theo chiều dọc không gian.

Sử dụng chất liệu kính trong suốt để đón ánh sáng trời bởi ánh sáng tự nhiên vẫn là ưu tiên hàng đầu cho sức khỏe (Ảnh: Yann Maignan)

Trong trường hợp không đủ điều kiện tiếp cận ánh sáng tự nhiên, chúng ta có thể tích hợp với ánh sáng nhân tạo để xác định không gian. Một số văn phòng hiện đại đã áp dụng hệ thống chiếu sáng nhân tạo hoạt động với cơ chế thay đổi màu sắc và nhiệt độ ánh sáng, phản ánh sự chuyển động của mặt trời trong ngày. Điều này có tác dụng điều chỉnh nhịp sinh học tự nhiên của nhân viên, đảm bảo tính điều độ trong sinh hoạt cũng như cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm thiểu mệt mỏi trong giờ làm việc. Ngoài ra, việc sử dụng ánh sáng có ý thức có thể làm giảm căng thẳng thông qua các cài đặt không chói và khi kết hợp với thiết kế xanh biophilia mang lại sự dễ chịu cho hệ thần kinh giao cảm.

Công nghệ chiếu sáng thông minh sẽ là giải pháp hữu hiệu thay thế cho không gian thiếu ánh sáng tự nhiên (Ảnh: Internet)

Không gian khuyến khích kết nối cộng đồng

Một nơi làm việc được gọi là lý tưởng là nơi không chỉ khiến nhân viên cảm nhận được rằng bản thân thuộc về nơi ấy mà còn đầy phấn khích khi nghĩ về những đồng nghiệp mà họ sẽ gặp hàng ngày. Do đó, việc thiết kế không gian nơi làm việc không phải chỉ để thuận tiện cho sinh hoạt, có lợi cho sức khỏe nhân viên mà còn cần phục vụ cho nhu cầu giao tiếp xã hội của họ. Dĩ nhiên, đó sẽ là một không gian thoải mái vừa phải, không gây ảnh hưởng cho những người khác xung quanh. Nó giúp thỏa mãn nhu cầu của con người đối với các tương tác xã hội, từ đó có thể tạo ra cảm giác an lành và truyền cảm hứng sáng tạo.

Không gian gợi mở những mối quan hệ đồng nghiệp cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công việc (Ảnh: Internet)

Ví dụ, các công ty lớn có thể tạo ra khuôn viên cho tầng hoặc tòa nhà, tạo không gian cho việc giao lưu giữa các nhân viên. Ngoài ra, nếu điều kiện an ninh được đảm bảo, những khuôn viên này thậm chí có thể được mở rộng hơn, cho phép người thân của nhân viên đến ăn trưa cùng hoặc ghé qua trong giờ làm việc khi cần thiết. Lúc này, khuôn viên được thiết kế mở, liên kết văn phòng làm việc với cả môi trường bên ngoài, tích hợp giữa chức năng làm việc, gặp gỡ và ăn uống.

Con người là trung tâm của không gian

Cuối cùng, mọi sự phát minh hay cải tiến trên thế giới này đều nhằm hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người. Ý tưởng này cũng vậy, với mong muốn đem lại cho nhân viên sự thoải mái và an lành để làm việc hiệu quả hơn, mọi phương án đều hướng đến lợi ích của con người, lấy con người làm điểm tựa cho sự sáng tạo. Nhân viên cần được cảm thấy họ là một phần của một cộng đồng phát triển, và nơi làm việc phải là một nơi an toàn, coi trọng giá trị của họ, và là nơi cá tính cũng như óc sáng tạo được nuôi dưỡng để thăng hoa!

Không gian kết nối thân thiện sẽ giúp nhân viên cảm thấy gắn bó hơn với công việc (Ảnh: Toa Heftiba)

Độc giả đang đọc bài viết “Ý tưởng “décor” văn phòng cải thiện sức khỏe nhân viên” tại chuyên mục Lifestyle của Ấn phẩm Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.netChân thành cảm ơn quý độc giả!

Đọc thêm:

Ý tưởng trang trí sáng tạo cho kệ sách trở nên nổi bật

Nghệ thuật trang trí bằng đèn

Comment