Cũng từng là một đứa trẻ để lớn lên, ắt hẳn bạn vẫn còn nhớ cảm giác muốn được chứng tỏ bản thân ngày ấy mãnh liệt đến nhường nào. Dù chỉ là những công việc nhỏ trong khả năng hay đơn giản là phục vụ cho chính mình, được tự tay hoàn thành và nhận lời khen ngợi chính là cách để một đứa trẻ cảm nhận được vai trò và giá trị của mình.
Chúng ta vẫn thường nghĩ về những việc vặt trong nhà như là trách nhiệm phải hoàn thành trước khi được làm điều gì đó thực sự thú vị, thư giãn. Và vô tình điều này cũng được áp đặt lên suy nghĩ của trẻ nhỏ, khiến chúng sợ hãi, chán nản và chỉ làm việc khi có biện pháp mạnh từ cha mẹ. Nhưng bạn có biết rằng, trẻ nhỏ vốn yêu thích những công việc vặt, cũng như rất thích giúp đỡ cha mẹ và những người xung quanh, chỉ cần nhận được sự khích lệ đúng mức. Nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ biết làm việc vặt từ 3-4 tuổi sẽ có sự nghiệp thành công hơn khi lớn lên, đi cùng với lối sống lành mạnh hơn và có mối quan hệ xã hội tốt hơn. Nếu có thể xem các công việc vặt như một “vai trò ý nghĩa” hay “nhiệm vụ đặc biệt” của trẻ với thái độ trân trọng, chắc chắn các bậc cha mẹ sẽ mang lại cho chúng sự tự tin và hứng thú hơn với công việc. Trẻ có thể học cách tự phục vụ bản thân, nhưng giúp ích cho mọi người xung quanh mới là điều mà chúng muốn thể hiện hơn cả.
Hãy tham khảo một vài loại công việc thú vị như dưới đây:
Trẻ thích được phục vụ người khác
Nhằm thể hiện giá trị của mình, trẻ rất thích giúp đỡ người khác. Miễn là thấy bản thân có ích, trẻ thường dễ dàng đồng ý giúp đỡ ai đó chỉ vì muốn nhận được sự hài lòng và cảm kích từ họ. Với xã hội, bằng tình yêu thương của mình, trẻ sẽ hăng say tự tay làm lấy những tấm thiệp đẹp nhất gửi cho các bạn nhỏ kém may mắn. Ở nhà, trẻ có thể sắp xếp giày dép của mọi người ngay ngắn lên kệ hay phân chén đĩa cất vào tủ. Với những việc đơn giản như mở hộp quà, trẻ muốn tự làm bằng chiếc kéo nhỏ của mình mà không phải nhờ người lớn. Ngoài ra, trẻ còn có thể tập phục vụ bữa ăn bằng cách phân chia thức ăn cho mọi người hay dọn dẹp sau bữa ăn. Những hoạt động trên đều có thể rèn luyện được nhiều kỹ năng cho trẻ ngay từ nhỏ, như kỹ năng hợp tác, hỗ trợ, tính toán, vận động tinh, quản lý và sắp xếp cuộc sống.
Trẻ thích vận động thân thể
Hiếu động được xem là đặc trưng chung ở trẻ nhỏ, chứng tỏ não bộ phát triển bình thường và thể trạng hoàn toàn khỏe mạnh. Các hoạt động liên quan đến thể chất được chứng minh là điều kiện rất lý tưởng cho sự phát triển cả về tầm vóc lẫn trí thông minh ở trẻ. Cha mẹ có thể nhờ trẻ làm giúp các công việc nhẹ nhàng, đơn giản nhưng cần sự nhanh nhạy và kiên trì, chẳng hạn như hốt lá cây, hút bụi, phân loại quần áo dơ cho vào máy giặt, hoặc chạy đi lấy khăn giấy hay lấy thư trong hộp thư… Tất cả những việc tưởng chừng đơn giản nhưng sẽ là nền tảng rèn luyện các kỹ năng vận động thô cho trẻ, giúp trẻ phản ứng nhạy bén và có tư duy mạnh mẽ, biết giúp đỡ người khác.
Trẻ thích làm việc cùng cha mẹ
Nhu cầu gắn bó với cha mẹ chính là một trong những bản năng mà mọi đứa trẻ đều có. Nếu trẻ đã từng muốn khóc nhè với cha mẹ thì dù chơi đùa hay làm việc trẻ cũng chỉ muốn được đồng hành cùng họ. Đối với trẻ, những gì chúng làm được hay lời khen ngợi từ một ai đó có thể không quan trọng bằng sự công nhận của cha mẹ dành cho chúng. Đồng thời, những công việc vặt khi được thực hiện trong khoảng thời gian đặc biệt cùng với cha hoặc mẹ sẽ mang ý nghĩa sâu sắc hơn và thúc đẩy sự gắn kết của cả hai. Chỉ cần rửa xe với cha mỗi tuần hay được đi mua sắm hoặc tưới hoa cùng mẹ chính là những cơ hội vô giá để gần gũi hơn với những người quan trọng nhất trong đời.
Trẻ thích sự sở hữu, độc lập và ý thức về quyền lực
Nhu cầu về quyền lực và kiểm soát là một trong bốn nhu cầu tâm lý của con người. Trẻ em cũng như người lớn, rất thích được nắm quyền tự quyết. Chúng sẽ dễ dàng hào hứng với công việc chọn nhạc cho cả nhà cùng nghe sau khi “điều tra” sở thích của tất cả các thành viên. Hay trẻ có thể đảm nhận vai trò “gương mặt đại diện” của gia đình khi là người đầu tiên chào đón và mời nước khách đến chơi. Đó là những công việc nhỏ xây dựng các kỹ năng giải trí hay xã hội cho trẻ. Bên cạnh đó, quyền lực với trẻ đôi khi còn là được kiểm soát mọi người, chẳng hạn trẻ sẽ là người quan sát thời tiết để dặn dò các thành viên chỉ được mặc gì khi đi ra đường để bảo vệ sức khỏe. Đây cũng là một hoạt động bổ ích giúp củng cố kiến thức khoa học cho trẻ từ nhỏ.
***
THỔI NIỀM VUI VÀO TỪNG CÔNG VIỆC NHỎ THẾ NÀO?
Thêm thắt những trợ thủ công việc
Các vật dụng hỗ trợ dù là nhỏ nhất cũng có thể làm cho công việc đối với trẻ trở nên thú vị hơn. Nếu trẻ muốn giúp cha mẹ lau rửa cửa sổ, hãy đặt thêm một bệ đứng an toàn để trẻ bước lên, trẻ sẽ thấy mình trông cao như một người lớn thực thụ và hứng thú hơn với công việc. Nếu trẻ cần dọn dẹp đống đồ chơi, cha mẹ có thể mở một bài hát mà trẻ yêu thích để trẻ vừa nghe vừa dọn, công việc tưởng chừng chán ngấy kia sẽ trở nên thi vị hơn rất nhiều. Hãy chuẩn bị thêm nhiều vật dụng trang trí màu sắc khi trẻ viết thiệp cảm ơn, hình ảnh và màu sắc luôn là những thứ bắt mắt và hấp dẫn với trẻ. Hãy giao cho trẻ quyền hành đơn giản nhưng mang tính độc lập và tự quyết như cách chúng nhìn thấy cha mẹ vẫn làm, điều này sẽ hình thành sự tự tin cũng như tính quyết đoán trong mọi việc sau này.
Tham khảo ý kiến của trẻ
Hãy cho thấy mỗi công việc vặt là một nhiệm vụ đầy vui vẻ để trẻ háo hức và xông xáo thực hiện chứ không phải là gánh nặng khiến chúng cảm thấy áp lực. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của trẻ trong một quyết định đơn giản nào đó để trẻ thể hiện mong muốn của mình và tự tay làm việc ấy. Điều này không chỉ giúp trẻ cảm thấy mình có quyền lực, tự tin mà còn giúp chúng tự do thể hiện tư duy cũng như khả năng ưu việt của mình. Chẳng hạn để trang trí cho bữa tiệc, cha mẹ có thể hỏi ý kiến của trẻ như “Con có muốn thêm bong bóng không?”, “Con muốn dòng chữ này màu gì?” hay “Con có muốn vẽ thêm gì đó lên bảng trang trí không?”. Nếu trẻ cùng làm vườn, cha mẹ có thể hỏi “Con muốn trồng loại rau nào?” “Con sẽ tưới nước cho rau vào buổi sáng hay chiều?”. Nếu trẻ cùng giúp chuẩn bị đồ cho một chuyến đi chơi, cha mẹ có thể hỏi “Con muốn mang theo táo hay chuối?”, “Con muốn mang theo bình nước màu gì?”…
Luân phiên thay đổi công việc
Trẻ con rất dễ bắt nhịp vào một cuộc vui, và dĩ nhiên chúng cũng sẽ nhanh chóng chán nản khi mọi thứ bắt đầu đi vào lối mòn. Công việc nhà lại càng như vậy, nếu mỗi ngày cha mẹ đều bắt trẻ làm đi làm lại một việc thì dù cho ban đầu trẻ có hào hứng cách mấy rồi sau đó cũng sẽ cảm thấy chán nản, không toàn tâm toàn ý làm tốt nữa. Cha mẹ hãy dành cho trẻ một lịch trình nhỏ luân phiên các công việc trong khả năng để mỗi ngày đối với trẻ đều là những thử thách mới mẻ cần chinh phục. Ví dụ, mỗi bữa ăn trẻ có thể xoay vòng công việc giữa bày bàn, dọn chén hay lau bàn.
Cảm ơn và dành lời khen cho trẻ
Giống như người lớn, trẻ con cũng rất coi trọng lời cảm ơn cũng như sự khen ngợi. Điều này vô cùng quan trọng với sự phát triển tinh thần của trẻ bởi nó sẽ giúp trẻ cảm thấy bản thân có ích, được tôn trọng và đánh giá cao, tạo động lực để phát huy hơn nữa. Bên cạnh câu cảm ơn, cha mẹ có thể dành một lời khen ngợi để tôn vinh “vai trò đặc biệt” của trẻ trong công việc, chẳng hạn như “Cảm ơn con vì đã giúp cha/mẹ nhặt lá cây vào túi. Con thật giỏi khi nghĩ ra cách dậm chân để nhét được thật nhiều lá vào túi”; “Cảm ơn con tối nay rửa chén giúp cha/mẹ. Chiếc chảo đầy dầu mỡ như vậy mà con vẫn rửa thật sạch, con giỏi lắm”.
Độc giả đang đọc bài viết “Việc vặt mang niềm vui lớn! ” tại chuyên mục Education của Tạp chí Nữ Doanh Nhân. Mời độc giả gửi ý kiến phản hồi và bài viết cộng tác cho chuyên mục này về địa chỉ email: bandoc@nudoanhnhan.net. Chân thành cảm ơn quý độc giả!
Đọc thêm: