Vì sao người lớn luôn cô đơn? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Vì sao người lớn luôn cô đơn?

Giữa những mối quan hệ trải dài khắp, đã bao giờ bạn nhìn lại quãng đường mình đã đi qua để kiếm tìm trong vô vọng, thở dài trong những ký ức đơn côi. Phải, trưởng thành đồng nghĩa với một mình, càng vùng vẫy càng chơi vơi. Thế nên thấu hiểu được ngọn nguồn và “chườm đá” chính cảm xúc của mình sẽ vực bạn khỏi nỗi trống rỗng.

Vì những nỗi sợ chưa đến hồi kết

“Trọng trách” với gia đình và những người thân yêu luôn là áp lực vô hình nặng mang trên đôi vai mỗi chúng ta. Từ ngày thơ ấu với “nỗi niềm” thành tích làm vui lòng cả dòng họ. Rồi xoáy trong vòng xoay công việc, để vô hình chung khoác lên tâm trí bao muộn phiền, làm hài lòng sự săm soi. Chúng ta chẳng dám chia sẻ những khó khăn vì sợ họ bận tâm về mình. Chẳng dám kể cho đám bạn vì sợ chúng an ủi thì ít, ngầm cười nhạo thì nhiều. Sợ những ánh mắt thương hại, cả những quan tâm hờ hững đến đau thắt. Có quá nhiều nỗi sợ vây quanh người trưởng thành, khiến tâm hồn trốn mãi trong tổ kén chịu đựng.

 

Vì bước ngược lối xúc cảm

Người lớn đi đến những chốn công sở để làm việc và rồi nhận ra cô đơn trong nơi đông đúc mới thực sự đáng sợ. Họ đua theo những xu hướng mới lạ và cùng nhau vui về điều đó nhưng người lớn thì “không”. Ngắm nhìn những nụ cười họ dành cho nhau, lập trình và thân thiết, xã giao và ôn hòa. Còn mình chẳng thấy vui nhưng vờ như không và âm thầm chịu đựng vết cứa mỗi ngày vào tâm hồn. Bởi người lớn lại chẳng ưng muốn như vậy, cái mà họ khát khao là một niềm chân thành đích thực, chẳng có toan tính hay tranh đoạt. Và đâu đó có lẽ người lớn chẳng hòa nhập và bắt kịp, thế nên lạc lõng và cứ hoài cô đơn!

Nuông chiều tâm trí theo cách riêng

Thực chất cảm giác một mình giữa nơi đông đúc mới thật ngộ nghĩnh, nó khiến bạn cứ mãi loay hoay để thu hút sự chú ý từ những người xung quanh thay vì làm cho tâm trí mình bớt ngột ngạt. Như tự mải miết chạy mãi trên đồng cỏ hoang vu rồi thở dốc vì đuối sức, vì mệt nhoài, vì cố hòa nhịp vào một đám đông nào đó. Có thể bình thường thậm chí đến tầm thường. Từ bây giờ hãy thêm một gạch đầu dòng quan trọng – tự làm hài lòng vào quan niệm sống của bạn. Nếu chẳng thấy thi vị, bạn có quyền không mỉm cười, việc thõa mãn những cảm xúc sẽ khiến bạn nhận ra mình dần bước ra nỗi cô đơn. Vì hơn hết, bạn vẫn có thể khiến mình mỉm cười bằng một chương sách hay, một bản Sonat da diết mà chỉ bạn cảm nhận được chúng, theo cách đặc biệt nhất!

Bạn là thấu kính của chính mình

Nếu ví nỗi buồn không hồi kết tựa những mảnh vỡ lung linh nhiều màu sắc, nhìn thấy ngay trước mắt nhưng lại khó chạm đến và dọn sạch. Bạn hãy tự hiện thực hóa trong tiềm thức phân loại những mảnh vụn tâm trí thành đôi kiểu màu sắc khác nhau, chẳng để “gặm nhấm” cho kỳ hết mà là hóa giải bằng phương cách xoa dịu. Để bản lĩnh trong mỗi người sẽ thôi thúc bạn tiến về phía trước, viết đầy những dòng nhật ký, dạo bước trên thảm cỏ, tìm đến một vùng đất bình yên…Và chính bạn sẽ là chiếc thấu kính rõ ràng nhất biết mình cần điều gì để xua cô đơn.

***

Vậy đấy, cô đơn cũng như những cơn mưa Sài thành vốn dĩ thường ghé qua bất chợt. Sau tất cả, chỉ còn bạn ở lại với quyết định có sóng đôi cùng cơn mưa ấy hay không?. Đơn côi chưa bao giờ thật sự đáng sợ, bởi có chăng chỉ là con người luôn muốn có ai đó kề bên. Để được vỗ về, bao dung nhưng cũng như cơn mưa, sự vỗ về đôi khi không đến vào lúc ta cần nhất. Người ta cần thì chẳng chịu nhìn về phía ta, người từng kỳ vọng hiểu thấu nhưng lại hỡ hững như không. Thế nên, đã lỡ vướng mưa hãy tạo quạt nắng hong khô tâm hồn, tìm lại chính ánh cầu vồng đã lãng quên, từ rất lâu!

Images: Pascal Campion, S.T

Có thể bạn quan tâm:

Tạm ngừng “quay” để “tiến” xa hơn

Nắm giữ chìa khóa cảm xúc

Comment