“Tôi hiểu rằng phải có thất bại và chấp nhận nó ở một tỉ lệ nào đó. Tuy nhiên, khi đã ở độ tuổi này với vị trí này, không thể có chuyện vấp ngã “dúi dụi” đến mức không đứng dậy được. Luôn tiên liệu mức độ rủi ro hoặc cái giá phải trả cho thất bại nên hầu như chẳng có gì khiến tôi ngạc nhiên”. Chỉ riêng chia sẻ này cũng đã đủ để thấy sự kiên định, vững vàng và dám đương đầu của người thủ lĩnh mới ở Intel Việt Nam.
Chấp nhận rủi ro và làm cái mới
Đầu tiên, xin anh chia sẻ thêm vai trò cụ thể của Intel Việt Nam và những dấu ấn Intel làm được tại thị trường này?
Intel tại Việt Nam có hai mảng kinh doanh chính: sản xuất linh kiện phục vụ nhu cầu của các công ty lắp ráp trong nước và hỗ trợ các đối tác bán sản phẩm công nghệ đưa từ nước ngoài về Việt Nam có sử dụng công nghệ, linh liện của Intel. Hiện nay, thị phần Intel đang chiếm đa số nên việc phát triển thị phần không phải là mục tiêu chính. Vai trò của Intel là thúc đẩy công nghệ, tăng trưởng người dùng máy tính và thiết bị di động.
Dấu ấn lớn nhất Intel tạo ra chính là sự ra đời nhà máy sản xuất chip Intel quy mô lớn tại Khu công nghệ cao, Q.9, Tp. HCM năm 2009. Phải nói rằng đó là niềm tự hào không chỉ của Intel Việt Nam mà của cả đất nước Việt Nam khi vượt qua nhiều nước lớn để xây dựng nhà máy thử nghiệm và đóng gói với hơn 1.000 lao động trình độ cao tham gia sản xuất những linh kiện góp mặt ở hầu hết các thiết bị trên thế giới. Không chỉ giải quyết việc làm cho các lao động trình độ cao, Intel cũng đóng góp quan trọng cho GDP cả nước thông qua hoạt động xuất khẩu.
Ngoài ra, trong năm 2014, thị phần máy tính bảng của Intel cũng tăng trưởng nhanh chóng. Công nghệ Intel trên máy tính bảng chiếm hơn 20% thị phần chỉ trong vòng 1 năm kể từ khi Intel tham gia vào thị trường máy tính bảng. Mặc dù là “người đến trễ” trong cuộc chơi này nhưng Intel đã thu được thắng lợi lớn.
Có thể thấy anh đã bắt đầu và khẳng định sự nghiệp qua những vị trí quan trọng tại Acer rồi Dell Việt Nam – nơi anh kiến tạo toàn bộ hệ thống phân phối và dẫn dắt các hoạt động kinh doanh tổng thể, vậy động lực nào đã khiến anh quyết định về với Intel Việt Nam?
Dell hay Acer đều là các hãng máy tính thuần túy cung cấp các sản phẩm như PC, Server, Tablet còn cuộc chơi ở Intel rất rộng lớn và có tính chất chi phối thị trường. Ngoài việc đi tiên phong truyền bá công nghệ mới, chẳng hạn “Internet of Things” sẽ phát triển nở rộ trong vài năm tới, Intel cũng luôn chú trọng phát triển thị trường chung, tạo nền tảng cốt lõi cho thị trường, nên vai trò cũng bao quát và phức tạp hơn. Và thực ra, Intel cũng là công ty tôi mơ ước được làm việc từ rất lâu rồi, công việc tại Intel sẽ là thách thức lớn và tôi rất muốn thử sức.
Với vài trò lớn và phức tạp cùng những thách thức như vậy, liệu anh có bị bất ngờ hay lúng túng trong giai đoạn đầu?
Lúng túng thì không vì đường hướng và cách làm đã được vạch rõ cũng như nhận được sự hỗ trợ từ công ty mẹ. Tuy nhiên, công việc trước đây tôi đảm nhận thường sẽ sớm cho kết quả, còn tại Intel cần phải có thời gian do tính bao quát thị trường nên mọi thành công đều dựa trên một tổng hòa cụ thể của thị trường. Phương châm của tôi là luôn làm việc cùng đối tác vì đó là nguồn lực giúp mình vượt qua những thách thức trong công việc. Chúng tôi sẽ đưa thị trường Việt Nam đến với thế giới, cho họ thấy tiềm năng và mời họ đầu tư.
Vậy cụ thể, nhiệm vụ chính của anh tại Intel Việt Nam là gì và anh sẽ mang đến những thay đổi như thế nào ở vị trí người dẫn đầu?
Intel là tập đoàn lớn chi phối lĩnh vực công nghệ, vì vậy luôn có những lộ trình truyền thống, khai thác thị trường truyền thống và các sản phẩm truyền thống. Trong những năm trở lại đây, thách thức đặt ra cho Intel là tăng trưởng, bao gồm thị trường mới và sản phẩm mới. Trong đó, có một điều thuộc về văn hóa kinh doanh tôi nghĩ phải thay đổi, chính là chấp nhận rủi ro và làm những cái mới. Và tôi sẽ làm điều đó. Cụ thể, những gì trước đây từng đặt ra nhưng chưa làm được, tôi sẵng sàng làm và làm cho được mới thôi còn những thị trường mới ít người nghĩ sẽ mang lại kết quả, tôi cũng sẽ tiến hành khai thác. Tuy mới chỉ bắt đầu hơn 6 tháng, nhưng đã có thể nhìn thấy những kết quả bước đầu. Tôi tin rằng những điều đó sẽ đẩy Intel tiến xa hơn ở Việt Nam. Nói cho cùng, mỗi người chỉ có một lần sống trên đời, vì vậy phải làm được điều gì đó mới mẻ và khiến bản thân thích thú. Nếu thành công thì tốt, còn chưa thành công cũng là một bài học quý giá.
Vậy những thay đổi ấy nhận được ý kiến đánh giá ra sao về phía công ty mẹ cũng như các đồng nghiệp?
Về phía công ty mẹ từ cuối năm 2014 – thời điểm tôi chính thức đảm nhận vị trí này, cũng đã có sự cải tổ lớn nên về mặt tư tưởng không gặp trở ngại nào. Với đội ngũ trong nước, vẫn có một vài vấn đề về tư tưởng cần phải có thời gian để thay đổi, nhưng tôi nghĩ việc này không khó khi lãnh đạo đã cam kết và xắn tay áo cùng làm thì không ai có thể đứng ngoài cuộc. Cùng làm, cùng sống với nhịp thở của cả đội ngũ sẽ giúp họ không cảm thấy áp lực hay đơn độc.
Cơ hội chia đều cho tất cả mọi người
Có trên 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vậy theo anh điều gì khiến lĩnh vực này trở nên hấp dẫn, và để thành công đâu sẽ là chìa khóa?
Điều khiến lĩnh vực này trở nên hấp dẫn chính là sự thay đổi liên tục. Điều hôm nay được cho là đúng thì ngày mai đã không còn chính xác nữa. Trước thị trường phát triển như vũ bão, con người phải thay đổi lối suy nghĩ và năng động hơn. Nếu không quen, sẽ thấy rất căng thẳng nhưng khi đã hiểu nguyên lý của nó và bản thân chủ động thay đổi sẽ thích ứng tốt. Để thành công, tôi nghĩ quan trọng nhất là thái độ. Công nghệ thông tin khác hẳn với các ngành khác, do đó tôi sẽ đánh giá cao thái độ làm việc và đương nhiên kiến thức cũng phải được trau dồi liên tục.
Ngành công nghệ thông tin có vẻ “ít đất” cho các nữ nhân viên phấn đấu đạt đến những vị trí then chốt, liệu nhận định này có chính xác? Và các nữ nhân viên sẽ có cơ hội ra sao tại Intel Việt Nam?
Tôi không nghĩ là “ít đất” vì cơ hội là dành cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, nó sẽ giới hạn ở một số ít người có những tố chất cần thiết để làm lãnh đạo chứ không giới hạn bởi giới tính hay quan hệ xã hội… Họ dám chấp nhận rủi ro, có nhu cầu thăng tiến và thay đổi. Còn cơ hội làm việc tại Intel sẽ chia đều cho tất cả, thậm chí Intel còn khuyến khích tỉ lệ nữ hơn một số ngành khác vì chúng tôi tôn trọng sự đa dạng hóa nhân sự, giới tính và các mặt khác để giúp tổ chức sáng tạo hơn.
Riêng với anh, anh đã, đang và sẽ làm việc với triết lý như thế nào? Liệu, triết lý ấy sau nhiều năm đã có sự thay đổi điều chỉnh hay luôn nhất quán?
Triết lý là luôn nhất quán, chỉ có cách làm phải thay đổi vì cần phải như vậy. Làm sao để có lợi cho tất cả, cho công ty, đối tác, xã hội… Có thể nhiều người tầm nhìn hạn chế hoặc không tin vào điều đó nhưng tôi luôn tin rằng có thể sẽ rất khó nhưng với mục đích tốt đẹp như vậy tại sao mình không làm. Vì quan trọng là người ta có dám làm hay không.
Thế ở góc độ quản lý, theo anh yếu tố con người đóng vai trò ra sao? Làm thế nào để thúc đẩy sự sáng tạo và đưa đến dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt nhất?
Nguồn nhân lực rất quan trọng và sẽ đóng vai trò chủ chốt ở mảng dịch vụ với hoạt động tiếp thị và bán hàng như chúng tôi hiện đang làm. Muốn thúc đẩy đội ngũ chỉ riêng mình tôi thì chưa đủ mà cần cả tổ chức tham gia, có kế hoạch, sự đồng thuận từ trên xuống dưới và hỗ trợ của khu vực. Intel rất bài bản và có lộ trình rõ ràng trong việc phát triển nguồn nhân lực như đào tạo, bổ sung kiến thức, trao đổi thông tin…
Ở góc độ quản lý, mỗi người sẽ có một cách khác nhau nhưng quan trọng là thiết lập và đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng cho từng người theo từng quý, từng năm và đánh giá kết quả dựa trên những tiêu chí đó. Mặt khác, tôi cũng sẽ quan sát thái độ làm việc dựa trên cách họ tương tác với nội bộ cũng như với khách hàng bên ngoài. Tôi rất rạch ròi giữa công việc và tình cảm, luôn công bằng với nhân viên cũng như đối tác. Tôi nghĩ, quan trọng là phải tạo được môi trường làm việc tốt và mang lại mức thu nhập xứng đáng. Mỗi người đều có những năng lực riêng, người lãnh đạo phải phát hiện và sắp xếp họ vào đúng chỗ. Rất nhiều nhân viên “vô danh” về với tôi đã sớm trở thành ngôi sao và được “săn đón”!
Hãy cứ làm điều mình nghĩ là đúng
Được biết vợ anh cũng là một nữ lãnh đạo trẻ tài năng, liệu anh chị có bị ảnh hưởng lẫn nhau ở tác phong lãnh đạo, phong cách làm việc, tư tưởng, triết lý sống…?
Thực ra tôi làm lãnh đạo từ khi chưa cưới vợ (cười)! Con người ta khi đã đạt đến độ tuổi sau 25 thì giá trị tư tưởng, triết lý sẽ không đổi. Môi trường làm việc sẽ thổi bùng tài năng của mỗi cá nhân và may mắn là tôi từng được tiếp sức rất nhiều từ công việc tại các hãng công nghệ tốt. Còn đời sống cá nhân, tôi nghĩ nó góp phần điều chỉnhcách chúng tôi cùng nhìn nhận về công việc để không ảnh hưởng đến gia đình và làm cuộc sống phong phú hơn.
Vậy thông qua hình ảnh vợ mình, anh có thể chia sẻ một vài cảm nhận về các nữ doanh nhân Việt hiện đại?
Theo tôi thấy, hiện đội ngũ nữ doanh nhân đang ngày một trẻ hóa. Điều này xuất phát từ nhu cầu thị trường phát triển với tốc độ nhanh, mặt khác môi trường kinh doanh cũng đã khác trước, một vài giá trị truyền thống đã thay đổi và chính đội ngũ lãnh đạo trẻ sẽ mang đến cơ hội mới. Họ giỏi và có nhiều lợi thế, tuy nhiên chỉ có một số ít thực sự tin vào điều mình làm và làm theo điều mình nghĩ là đúng, số còn lại hành xử theo cách người lãnh đạo suy nghĩ hoặc thị trường nghĩ. Họ chưa dám chấp nhận rủi ro nên tỉ lệ những người tạo ra đột phá không nhiều. Tôi cho rằng, có lẽ đã đến lúc mọi người nên thay đổi suy nghĩ đó, hãy cứ làm điều mình nghĩ là đúng!
Xin được hỏi anh là người cha thế nào? Anh mong muốn dạy con thành người ra sao?
Tôi cũng như những người cha bình thường khác, thích trẻ con và rất yêu con, muốn dành nhiều thời gian cho con nhưng phải luôn tôn trọng ranh giới giữa cha và con, giữa người lớn và trẻ nhỏ. Làm cha là quá trình cả hai cùng học để trở thành người cha tốt, người con tốt. Thú thực, chúng tôi luôn định hướng để con trở thành người giống mình: độc lập, tự bươn chải, tự tìm con đường đi riêng và tự thăng tiến. Chắc hẳn đó sẽ là chặng đường dài và khó.