Hiệu quả hoạt động của các công ty gia đình rất khác nhau. Để tìm hiểu các nhà nghiên cứu vừa thực hiện một cuộc khảo sát và khám phá ra nhiều điều thú vị về hiệu quả của yếu tố niềm tin gia đình đối với hoạt động của các doanh nghiệp này.
Trên toàn cầu hiện nay có đến 75% là các doanh nghiệp gia đình và số này đóng góp đến 65% vào GDP. Tuy nhiên, việc yếu tố “gia đình” tác động đến hiệu quả của các doanh nghiệp gia đình như thế nào vẫn còn là vấn đề có nhiều tranh luận chưa ngã ngũ.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Trier và IUBH International College đã tiến hành một phân tích tổng hợp kết hợp từ 204 nghiên cứu học thuật với 3.880.267 doanh nghiệp trên 30 quốc gia. Trong phân tích này, họ nhận thấy doanh nghiệp gia đình được phân biệt dựa trên vai trò tham gia của gia đình với tư cách là “chủ sở hữu” hoặc “ban điều hành” của công ty, hoặc là cả hai vai trò. Sự phân biệt này là một lưu ý đáng quan trọng khi phân tích kết quả nghiên cứu. Bởi, trong khi phần lớn mọi người trước đây đều cho rằng vai trò “chủ sở hữu” của các gia đình thường đem đến hiệu quả cho công ty, thì ưu điểm của vai trò “ban điều hành” dường như vẫn còn thiếu những bằng chứng thuyết phục.
Trong lần nghiên cứu doanh nghiệp này, sự tham gia của gia đình vào hoạt động điều hành công ty đã chứng minh được những tác động tích cực tuy chưa lớn đối với lợi nhuận của công ty. Cụ thể, những công ty có gia đình là chủ sở hữu thường có lợi nhuận cao hơn so với những công ty có gia đình nằm trong ban lãnh đạo điều hành. Tuy nhiên, một số công ty do gia đình điều hành lại có cơ chế vận hành tốt hơn, điều này phù hợp với quan điểm đã được thừa nhận rằng nhiều thành viên gia đình đôi khi phù hợp với vai trò quản lý hơn là làm chủ.
Từ kết quả nghiên cứu, có hai trường phái được hình thành trong việc điều hành các doanh nghiệp gia đình:
- Một là, những gia đình sở hữu công ty hoàn toàn tin tưởng vào gia đình họ và dựa vào ban lãnh đạo gia đình để vận hành kinh doanh.
- Hai là, những công ty gia đình đặt niềm tin vào các thể chế công của chính phủ trong việc ứng xử với kinh doanh, họ tin rằng những quy định luật lệ của nhà nước chính là yếu tố quyết định mức độ cao trong hiệu quả hoạt động của công ty chứ không chỉ là những thành viên gia đình.
Cụ thể, nghiên cứu đã khám phá ra những điều gì liên quan đến yếu tố “gia đình” trong các công ty gia đình?
Trường phái 1: Tin tưởng vào gia đình
Tại nhiều quốc gia hiện nay, có rất nhiều công ty gia đình đề cao tầm quan trọng của yếu tố gia đình và niềm tin rằng đó chính là yếu tố tiên quyết để họ vận hành doanh nghiệp. Để đo lường lòng tin được đặt vào nền móng gia đình trong các doanh nghiệp này, nghiên cứu được phân tích dựa vào kết quả cuộc Khảo sát Giá trị Thế giới (World Values Survey – WVS) với câu hỏi: “Bạn tin tưởng gia đình mình ở mức độ nào?” Một thang điểm bốn lựa chọn được cho câu trả lời được đưa ra, từ “Không hoàn toàn” đến “Hoàn toàn tin tưởng” và tính trung bình cho tất cả mọi người ở mọi quốc gia.
Qua các câu trả lời, ở thái cực những người chọn “Hoàn toàn tin tưởng”, nếu gia đình và doanh nghiệp của họ có mâu thuẫn, những người quản lý gia đình thường có khuynh hướng ưu tiên những “cái cũ” hơn là “cái mới”. Các công ty gia đình ở nhóm này thường tuyển dụng người thân như anh chị em, con cháu… làm quản lý cho dù có thể khả năng chuyên môn của họ không thể đáp ứng, đồng thời cũng thường sử dụng nguồn lực của công ty cho các vấn đề cá nhân.
Ở thái cực ngược lại, ở nhóm những công ty gia đình mà người quản lý gia đình chỉ đặt niềm tin vừa phải vào gia đình và vạch ra ranh giới rõ ràng hơn giữa nhu cầu của gia đình và nhu cầu của doanh nghiệp, các công ty do gia đình của họ quản lý hoạt động tốt hơn nhiều. Tại những công ty này, các nguồn lực của công ty cũng được sử dụng nghiêm ngặt hơn cho các mục đích công việc và công ty cũng ít phải đối mặt với những áp lực trong việc tuyển dụng người thân.
Ở đây chúng ta có một phép so sánh. Ví dụ như tại Pháp – một quốc gia có sự tin tưởng tương đối vừa phải đối với nền tảng gia đình trong kinh doanh, những công ty có CEO gia đình chứng minh khả năng sinh lời cao hơn so với các doanh nghiệp tương tự với mức lợi nhuận trên tài sản (Return on Assets – ROA) trung bình là 11,9%, trong khi các công ty khác khoảng 10%. Ngược lại, tại Tây Ban Nha – một quốc gia có sự tin tưởng tương đối cao vào gia đình, các công ty do các CEO gia đình lãnh đạo tạo ra ROA là 0,3%, so với 6% của các công ty khác cùng ngành.
Trường phái 2: Tin tưởng thể chế công
Trường phái thứ hai này liên quan đến niềm tin của công dân các nước vào tính hiệu quả của các quy trình và luật pháp tại quốc gia họ, cũng như niềm tin vào bộ máy cảnh sát, quan chức nhà nước và tòa án luôn ủng hộ người dân. Cuộc Khảo sát Giá trị Thế giới (World Values Survey – WVS) cũng được thực hiện để phân tích nhóm công ty theo trường phái này với các câu trả lời được đưa ra trong thang điểm từ “Không có gì cả” đến “Rất đáng tin cậy”.
Theo đó, tại những quốc gia tồn tại sự tin tưởng cao của người dân vào các thể chế công, những công ty gia đình ở đó cũng thường có khuynh hướng công bằng hơn trong việc tuyển dụng nhân sự đủ năng lực để quản lý doanh nghiệp thay vì chỉ dựa vào quan hệ gia đình. Số đông người dân đều kỳ vọng những người chủ cũng như những người quản lý doanh nghiệp phải có ý thức tuân thủ pháp luật và không ủng hộ sự chuyên chế trong các công ty gia đình. Đôi khi, người quản lý gia đình có thể tuyển dụng người thân cho các vị trí bán thời gian hoặc thực tập, tuy nhiên họ có ý thức rõ ràng về hậu quả có thể có của việc trọng dụng và thăng tiến cho những nhân sự mà chỉ dựa vào quan hệ gia đình thay vì năng lực.
Ngược lại ở nhóm đối trọng chọn câu trả lời “Không có gì cả”, nơi người dân thiếu tin tưởng vào các thể chế chính phủ và nghi ngờ vào sự liêm chính của quan chức nhà nước, các doanh nghiệp gia đình tại đó lại có khuynh hướng trở lại với cách thức tuyển dụng tin tưởng và ưu ái cho thành viên gia đình của mình. Điều này dĩ nhiên là sẽ giới hạn các công ty gia đình trong một nhóm nhân tài nhỏ hơn nhiều, từ đó làm tăng khả năng họ có thể đưa ra các quyết định kém chất lượng.
Một ví dụ được nêu ra tại Colombia – một quốc gia có mức độ tin tưởng thấp vào các tổ chức thể chế chính thức, các công ty có CEO gia đình có hiệu suất hoạt động thấp hơn 2,5% so với mức trung bình toàn quốc. Ngược lại tại Canada – nơi có sự tin tưởng thể chế cao, các CEO gia đình mang lại lợi nhuận cho công ty của họ cao hơn 5% so với mức trung bình quốc gia.
Liệu tin tưởng vào cả hai là giải pháp tốt nhất?
Có lẽ phát hiện thú vị nhất của loạt nghiên cứu này là, ở các quốc gia có niềm tin mạnh mẽ vào cả thể chế và gia đình, các công ty do gia đình quản lý hoạt động có hiệu quả nhất.
Một ví dụ điển hình như với các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ – nơi hiện diện sự coi trọng cả yếu tố gia đình lẫn sự giám sát kinh doanh của các thể chế. Quan sát các công ty thuộc danh sách S&P 500 tại đây (những công ty có vốn hóa thị trường lớn nhất niêm yết trên NYSE hoặc NASDAQ) cho thấy rằng, công ty có CEO là gia đình đạt ROA trung bình là 17%, so với mức 15,1% ở nhóm rộng hơn. Nhìn chung, tác động của người quản lý gia đình trong các công ty Hoa Kỳ mạnh hơn 1,62 lần so với các công ty gia đình khác trên toàn cầu.
Bài học ở đây là, một môi trường kinh doanh nếu được quản lý tốt bởi luật lệ sẽ là yếu tố thúc đẩy các công ty gia đình có quy trình ứng xử hợp lý, đặc biệt là khi có các hành vi sai trái. Đồng thời, khi các gia đình càng có sự quan tâm đến xã hội và môi trường thể chế nơi họ đang sống, thì các công ty gia đình của họ theo đó cũng có khả năng hoạt động và phát triển tốt hơn. Tuy nhiên, ở những quốc gia như thế vẫn có những thách thức tồn tại, đặc biệt là khi các công ty gia đình cần thúc đẩy lợi ích riêng của họ bằng các hoạt động tác động vào các thể chế và quan chức như vận động hành lang để được chính phủ giảm thuế, hỗ trợ tài chính, tham gia các nhóm lợi ích… Nếu vượt quá mức, các hành vi kiểu này có thể làm xói mòn lòng tin của người dân đối với các tổ chức thể chế chính phủ, từ đó cũng làm tăng thêm rủi ro liên quan đến quản lý doanh nghiệp gia đình.
Như vậy, định kiến tích cực hoặc tiêu cực về các công ty do gia đình quản lý không thể tự động thay đổi về hướng nào đó chỉ trong một sớm một chiều. Mặc dù các cuộc tranh luận xung quanh vai trò của những ban điều hành gia đình có thể sẽ tiếp tục, nhưng kết quả của nghiên cứu này cho thấy các doanh nghiệp do gia đình quản lý hoàn toàn có thể hoạt động tốt hơn nếu tại quốc gia của họ có các thể chế chính phủ ổn định, đáng tin cậy, hạn chế được những hành vi thiên vị, thiếu công bằng và tự phục vụ của người quản lý gia đình.
Nguồn: Harvard Business Review | Jenni Võ lược dịch |Hình ảnh: Pixabay
Có thể bạn quan tâm: