Tiếng ồn - sát thủ giấu mặt • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Tiếng ồn – sát thủ giấu mặt

Hẳn nhiều người sẽ giật mình khi biết rằng ô nhiễm tiếng ồn dẫn đầu danh sách các dạng ô nhiễm môi trường có hại cho sức khỏe. Nó nguy hiểm cho cả người già, trung niên, thanh niên lẫn con trẻ. Các nghiên cứu khoa học gần đây khẳng định, ô nhiễm tiếng ồn là nguyên nhân gây nên nhiều chứng bệnh.

Suy giảm thính lực

Tác động đến cơ quan thính giác, tiếng ồn làm giảm độ nhạy cảm, tăng ngưỡng nghe, lâu dần có thể gây tổn thương các mô mềm của tai trong và phá hủy các tế bào thần kinh ở tai trong. Càng nhiều tế bào thần kinh bị phá hủy thì thính lực càng bị suy giảm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà từ xa xưa nhiều người thợ rèn, thợ hầm mỏ hoặc người giật chuông nhà thờ mắc chứng điếc nghề nghiệp do phải tiếp xúc thường xuyên và lâu dài với tiếng ồn.

Rối loạn giấc ngủ

Nếu sống trong môi trường bị ô nhiễm tiếng ồn, giấc ngủ của chúng ta sẽ không được sâu và dài, nên khi thức dậy sẽ bị mệt mỏi, giảm khả năng tập trung, dễ bị kích động và giảm sức đề kháng của cơ thể. Ở người già, mất ngủ vì tiếng ồn là thủ phạm làm tăng các loại hormone gây stress, làm lượng mỡ trong máu và đường huyết tăng cao.

iStock_000016292311Small

Tăng huyết áp

Không chỉ gây bệnh điếc nghề nghiệp cho một số người lao động trực tiếp, tiếng ồn còn có thể khiến cơ thể tăng tiết một số chất trung gian như: catecholamine, cortisol, serotonin… Thông thường, những chất này sẽ tham gia việc điều phối mọi hoạt động cân bằng của cơ thể, trong đó có huyết áp và hoạt động của tim. Tuy nhiên, nếu có quá nhiều hoặc gia tăng quá mức sẽ dẫn đến tình trạng gia tăng huyết áp và rối loạn hoạt động của tim mà đây lại là nguyên nhân gây tử vong cho rất nhiều người.

Suy giảm trí nh

Ô nhiễm tiếng ồn cũng tác động đến trí nhớ của con người và những khả năng nhận thức khác. Nó làm giảm khả năng tập trung và ghi nhớ đặc biệt ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ bài học của trẻ em.

Gia tăng trầm cảm

Khi tác động đến hệ thần kinh trung ương, tiếng ồn sẽ gây kích thích, ảnh hưởng xấu đến não bộ, gây chứng đau đầu, chóng mặt, sợ hãi, giận dữ vô cớ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người phải sống trong môi trường tiếng ồn lớn và thường xuyên như gần sân bay, sân ga, đường tàu thì càng dễ mắc những chứng bệnh đó. Một nghiên cứu khác cho hay những bà mẹ mang thai sống gần phi trường có tỷ lệ sinh non cao hơn hẳn những khu vực khác.

BẬC THANG TIẾNG ỒN

Đơn vị đo cường độ âm thanh là décibel (dB). Người ta chia ra các bậc thang tiếng ồn với những thí dụ minh họa cụ thể như sau:

  • 0 dB: Trạng thái yên tĩnh tuyệt đối 
  • 10 dB: Tiếng thở.
  • 20 dB: Tiếng gió vi vu qua tán lá, tiếng lá rơi.
  • 30 dB: Tiếng thì thầm (trong phòng ngủ).          
  • 40 dB: Tiếng nói chuyện bình thường.
  • 50 dB: Tiếng máy giặt, máy rửa chén. Mức độ này có gây phiền nhưng còn chịu được.
  • 55 – 80 dB: Tiếng động cơ xe hơi, xe máy. Ở ngưỡng này, âm thanh bắt đầu gây khó chịu, mệt mỏi.
  • 80 – 85 dB: Tiếng máy cắt cỏ, hút bụi, cắt gỗ. Cường độ âm thanh này gây cảm giác rất khó chịu.
  • 90 – 110 dB: Tiếng nhạc rock ở vũ trường, sàn nhảy, tiếng ồn phát ra ở công trường xây dựng. Đây là ngưỡng nguy hiểm cho thính giác.
  • 120 – 140 dB: Tiếng động cơ máy bay lúc cất cánh, tiếng còi xe cứu hỏa sẽ gây cảm giác khó chịu, đau tai, ù tai.
  • 160-170 dB: Mức độ âm thanh này sẽ gây điếc, tổn thương tâm trí.

THỜI GIAN CHỊU ỒN

Hậu quả của tiếng ồn còn tùy thuộc thời gian chịu ồn và phản ứng hay khả năng “thích ứng” độ ồn của từng cá nhân.

  • Dưới 80 dB, không cần thiết bị chống ồn, cơ thể chúng ta có thể chịu đựng được.
  • Từ 80 dB: cần phải mang thiết bị chống ồn và chú ý đến mức độ nguy hiểm.
  • 90 dB: sức chịu tối đa 60 phút/ngày, nhiều hơn sẽ bị tổn thương tổn thính giác (ù tai, điếc).
  • 100dB: tối đa 15 phút/ngày. Nếu lâu hơn, công nhân xây dựng phải mang thiết bị bảo vệ ở tai là thế.
  • Trên 105 dB: tối đa 5 phút/ngày, nhiều hơn sẽ gây thương tổn chẳng những về tai mà còn có thể thương tổn về não.

TIPS: Ngăn chặn tiếng ồn

Bạn không thể nói “không” với tiếng ồn khi bạn sống ở thành phố, nhưng bạn hoàn toàn có thể giảm thiểu tác động nguy hiểm của chúng bằng những biện pháp sau:

  1. Giảm tiếp xúc với tiếng ồn
  • Dùng dụng cụ bịt tai chuyên dụng hoặc đội mũ chống ồn khi làm việc ở các công trình xây dựng, xưởng sản xuất, ở sân bay hay khi đốn cây trong rừng…
  • Sử dụng thiết bị chống ồn cho nhà cửa, văn phòng, công sở ở các thành phố (tường, cửa kính, rèm, thảm… cách âm, chống ồn).
  • Tránh sử dụng nhiều máy móc gây ồn ào cùng một lúc.
  1. Thay đổi hành vi cá nhân
  • Tăng cường sử dụng phương tiện giao thông công cộng: Di chuyển bằng xe bus, tàu điện… vừa giúp bạn không phải tiếp xúc trực tiếp với tiếng ồn trên đường phố vừa là cách để bạn giảm thiểu tiếng ồn và khí thải ra môi trường.
  • Nếu bạn sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, hãy tắt động cơ xe khi dừng đèn đỏ hơn 20 giây. Việc tắt động cơ xe sẽ làm giảm độ ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn trong thời gian chờ đợi, đồng thời cũng tiết kiệm cho bạn một lượng nhiên liệu đáng kể. Và hãy nhớ hạn chế tối đa việc bấm còi xe khi tham gia giao thông, bạn đồng hành sẽ biết ơn bạn nhiều hơn.
  • Ở mỗi gia đình, không nên mở các thiết bị âm thanh (tivi, radio, cassette, giàn âm thanh…) quá to, vừa hại sức khỏe của những người trong gia đình vừa gây phiền nhiễu cho những người xung quanh.
  • Ở văn phòng, nơi công cộng: Điều chỉnh chuông điện thoại, thiết bị âm thanh cá nhân với âm lượng vừa đủ để tránh ồn ào làm phiền cho những người xung quanh.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Comment