Ngay trong đại dịch, vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thị trường ra toàn cầu cho doanh nghiệp của bạn - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Ngay trong đại dịch, vẫn còn nhiều cơ hội mở rộng thị trường ra toàn cầu cho doanh nghiệp của bạn

Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã có tác động chưa từng có đến nền kinh tế toàn cầu. Nhiều vấn đề đang rối loạn, hàng triệu người đã thất nghiệp, sức khỏe và phúc lợi của dân số toàn cầu đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng, không phải là không có cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường…

Theo nhiều dự đoán, nền kinh tế có thể sẽ chứng kiến một cuộc suy thoái đáng kể vào cuối năm nay. Nếu thật sự điều này xảy ra, đây có thể nói là một kết thúc tồi tệ đối với nhiều người, nhưng với tư cách là những người lãnh đạo doanh nghiệp, bạn và cộng đồng doanh nhân không còn cách nào khác là phải nỗ lực để tìm ra lối thoát.

Trước đây, từng có một số doanh nghiệp đã đạt được nhiều thành công dù được ra đời trong thời kỳ suy thoái, ví dụ như IBM, Disney và Microsoft. Những thời điểm khó khăn về kinh tế thường thúc đẩy sự cần thiết phải có những đổi mới trong hoạt động các doanh nghiệp. Trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta đã thấy các nhà lãnh đạo trong các ngành công nghiệp xoay vòng và đối phó với những thách thức. Ví dụ như nhà sản xuất ô tô điện Tesla đang chế tạo máy thở để chống lại sự thiếu hụt toàn cầu, hay CEO của nền tảng chia sẻ truyền thông Pinterest đã phát triển một ứng dụng di động để mọi người tự báo cáo các triệu chứng virus.

Tại Việt Nam, tập đoàn Vingroup cũng vừa đưa vào dây chuyền lắp ráp máy thở đầu tiên trong vòng chưa đầy một tháng, tùy chỉnh từ ba hàng băng chuyền trong nhà máy điện thoại thông minh của tập đoàn; hay việc hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm như Sulwhasoo, Lancôme, Estée Lauder… đã nhanh chóng ra mắt các gian hàng chính hãng trên các nền tảng mua sắm điện tử như Lazada, Shopee…, nhà phân phối thời trang hàng hiệu Maison cũng hoàn thiện trang thương mại điện tử Maison Online cũng là những minh chứng cho việc linh hoạt đổi mới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Việt. Việc hoạt động xã hội bị giãn cách đã buộc phần lớn các doanh nghiệp phải thực hiện việc chuyển đổi kỹ thuật số một cách nhanh chóng nhất chỉ trong vài tuần, mà nếu thực hiện trong giai đoạn bình thường có lẽ mất đến cả thập kỷ.

Mở rộng quy mô trong khủng hoảng

Mặc dù có sự thay đổi đột ngột trong bối cảnh kinh tế, nhưng các nguyên tắc cơ bản xung quanh cách xây dựng một doanh nghiệp ổn định và sinh lợi vẫn không thay đổi.

Chuyển đổi từ mô hình một doanh nghiệp khởi nghiệp sang một quy mô lớn hơn là một cột mốc quan trọng đối với bất kỳ doanh nghiệp nào. Nó cho thấy dấu hiệu rằng công ty đó đã tìm thấy sự phù hợp với thị trường sản phẩm của mình và có thể sinh lãi. Tăng trưởng ổn định và sự bền vững đó sẽ giúp doanh nghiệp duy trì mạnh mẽ khi mở rộng quy mô trên toàn cầu. Tuy nhiên, điều cần nhớ là việc công ty bạn chinh phục thành công ở một thị trường nào đó không có nghĩa là công ty bạn cũng sẽ tiếp tục thành công ở những thị trường khác.

Trong điều kiện kinh tế bình thường, mở rộng quy mô kinh doanh sang các thị trường mới có thể là một bước nhảy vọt và bùng nổ về những điều công ty bạn chưa biết và cần học hỏi điều chỉnh liên tục. Vì thế, trong thời kỳ kinh tế không ổn định này, cần hiểu rằng quá trình phát triển mở rộng doanh nghiệp còn khiến bạn bỡ ngỡ hơn gấp bội. Trong một cuộc khủng hoảng, việc mở rộng doanh nghiệp đặc biệt mang đến nhiều rủi ro, vì vậy một người chủ doanh nghiệp như bạn cần phải thực tế về việc liệu đây có phải là bước đi đúng đắn cho công ty của bạn bây giờ hay không.

Nếu bạn cho rằng cơ hội lớn hơn rủi ro, và nếu bạn có chiến lược đúng đắn, có quy trình ra quyết định, mạng lưới hỗ trợ, tầm nhìn và cấu trúc rõ ràng, việc có thể tăng trưởng bền vững trên thị trường toàn cầu có thể đem đến lợi nhuận đáng kể xét về tài chính và độ uy tín.

Mặc cho tình hình suy thoái, các công ty định dạng “fintech” đang có một vị thế đặc biệt thú vị. “Fintech” là viết tắt của từ “financial technology” (công nghệ trong tài chính), chỉ các công ty sử dụng internet, điện thoại di động, công nghệ điện toán đám mây và các phần mềm mã nguồn mở nhằm mục đích nâng cao hiệu quả của hoạt động ngân hàng và đầu tư. Việc giãn cách xã hội và hạn chế tiếp xúc do Covid-19 đã tạo ra sự thay đổi đáng kể các mô hình kinh doanh, theo đó các dịch vụ trực tuyến, đặc biệt là các dịch vụ cho phép chuyển đổi kỹ thuật số hoặc các nền tảng kỹ thuật số mang lại lợi ích tài chính cho thấy nhu cầu người dùng đang gia tăng.

“Bạn không thể điều khiển một cuộc khủng hoảng, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình với nó và tự điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi.”

Hãy rà soát lại xem những thế mạnh nào của công ty mà bạn có thể phát triển nó kết hợp với công nghệ nhằm kích thích hay đáp ứng được một nhu cầu nào đó cho thị trường trong thời gian biến động này. Ví dụ như tại Mỹ, các nền tảng giao dịch đa tài sản trực tuyến như eToro đã trở nên phổ biến hơn đối với những nhà đầu tư, hay như dịch vụ mua hàng trả sau của Afterpay đã báo cáo doanh số bán hàng trực tuyến tăng vọt 97% trong những tháng gần đây.

Điều quan trọng một người lãnh đạo doanh nghiệp cần nhớ là bạn không thể điều khiển một cuộc khủng hoảng, nhưng bạn có thể kiểm soát phản ứng của mình với nó và tự điều chỉnh để thích nghi với sự thay đổi. Giữ một tư duy nhanh nhẹn và luôn tìm kiếm cơ hội trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang thay đổi là yếu tố tiên quyết.

Kiểm tra thị trường trước khi dấn thân

Không có hành trình phát triển kinh doanh nào có mô hình thành công giống nhau. Bạn không thể chỉ đơn giản là “copy & paste” công thức thành công mà bạn đã đạt được ở đâu đó. Việc tìm ra được con đường đi đúng hướng để chạm tới thành công ở mỗi thị trường là một thách thức quan trọng đối với bất kỳ nhà lãnh đạo doanh nghiệp nào, ngay cả đối với đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm đằng sau họ.

Một phần của thử thách đó là những phần “chìm” của thị trường mới mà bạn chưa từng biết tới, và bạn không thể dự đoán được thành công của mình nếu bạn không chạm được tới đó. Để tìm hiểu, bạn cần tung sản phẩm ra trên càng nhiều thị trường càng tốt, nhưng với sự giới hạn về du lịch và xuất khẩu như hiện nay, hãy lưu ý rằng điều này có thể khó khăn hơn bình thường.

Để giảm thiểu rủi ro, hãy bắt đầu với các thị trường có những quy định về nhập khẩu dễ chịu hơn, đặc biệt là những thị trường tương tự như thị trường hiện tại của công ty, nhằm trước tiên có thể hạn chế được chi phí, mô hình vận hành tinh gọn và quy trình làm việc với khách hàng đơn giản.

Bằng cách thử nghiệm sơ bộ tại mỗi thị trường với các dòng sản phẩm được địa phương hóa cho nơi đó, bạn sẽ sớm thấy rõ khu vực nào phù hợp nhất đối với sản phẩm của bạn. Nếu doanh nghiệp của bạn thất bại tại một thị trường nào đó, hãy nghiên cứu lý do, học hỏi và tiến tới nhanh chóng. Còn nếu doanh nghiệp của bạn phát triển mạnh mẽ, đây là lúc bạn có thể đầu tư thêm tiền với nhiều tự tin hơn.

Thực hiện phương pháp này có nghĩa là bạn có nhiều cơ hội để thành công và quan trọng hơn là phân phối rủi ro vào các khu vực thị trường nhỏ hơn để bảo vệ doanh nghiệp của bạn về lâu dài.

Tất nhiên, để phát triển thành một doanh nghiệp quy mô toàn cầu, không có cách thức nào được cho là phù hợp với tất cả. Các yếu tố như múi giờ, văn hóa, ngôn ngữ, quy định và loại sản phẩm sẽ đặt ra nhiều thách thức to lớn và duy nhất cho từng công ty, đặc biệt là trong cuộc khủng hoảng Covid-19.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là không có cơ hội để các doanh nghiệp có thể phát triển, xoay vòng và tham gia vào các thị trường mới, đặc biệt là khi nhu cầu của người tiêu dùng đã có nhiều thay đổi. Với tốc độ, thái độ và con người phù hợp, việc mở rộng doanh nghiệp của bạn vươn ra tầm vóc toàn cầu trong giai đoạn này hoàn toàn là có thể và đáng để bạn đầu tư.

Theo Entrepreneur.

Có thể bạn quan tâm:

CEO Tập đoàn Marriott: Tạo dựng niềm tin là loại “tiền tệ” có giá trị nhất ở thời điểm hiện tại

Doanh nghiệp cuối năm – Nhìn lại cho những bước tiến nhanh hơn

Comment