Cuộc chơi kinh doanh chờ được bao lần “vấp ngã rồi thành công”? Cho bất kỳ ai muốn trở thành những nhà khởi nghiệp, đâu là chỗ đứng nếu bạn không thể thành công ở lần đầu tiên khởi nghiệp?
Ngày nay, hầu hết mọi người đều mong muốn điều hành một doanh nghiệp do chính bản thân thành lập. Khi đó, bạn trở thành bà chủ, ông chủ của chính mình và mang đến nhiều giá trị hơn cho người khác. Nhưng không phải ai cũng có đủ bản lĩnh, để đi đến cuối một cuộc hành trình khởi nghiệp.
Đã có những doanh nghiệp thành công trong lần khởi nghiệp đầu tiên. Nhưng cũng có những nhà khởi nghiệp phải thất bại rất nhiều lần mới có thể tìm ra hướng đi đúng đắn cho doanh nghiệp của mình. Có rất nhiều bài học trên con đường hoàn thiện hành trình sự nghiệp, dù bạn chỉ lựa chọn trở thành nhân viên văn phòng hay chủ một thương hiệu của riêng mình. Nhưng với con đường khởi nghiệp chông gai và liều lĩnh hơn, bạn phải hiểu được thành công không dễ có và mỗi lần sụp đổ cũng không hề dễ chịu để rồi lại gom góp đủ đam mê đứng dậy một lần nữa.
Lửa thử vàng, gian nan thử… start-up
Có rất nhiều tác động dẫn đến sự sụp đổ của một công ty khởi nghiệp. Đặc biệt, những công ty trẻ dễ bị tác động bởi những ảnh hưởng mang tính bất khả kháng như khủng hoảng kinh tế, thiên tai, dịch bệnh,… Nghĩ một cách lạc quan, những ảnh hưởng ngoại lai cũng là cách để “sàng lọc” doanh nghiệp trên thị trường một cách rõ ràng nhất. Đây cũng chính là thời điểm “lửa thử vàng” dành cho những doanh nghiệp nhạy bén, thích ứng nhanh với những tác động của thị trường.
“Trong thời khắc khó khăn nhất, bạn buộc phải đưa ra những đường lối sáng suốt để lèo lái con thuyền doanh nghiệp của mình vượt qua giông bão. Bạn hãy hiểu một điều, thất bại là một phần của thành công. Và những khó khăn ấy sẽ tôi luyện bạn thành một người chủ cứng cáp và mạnh mẽ hơn trong tương lai.”
Khoảnh khắc bị “dồn vào chân tường”, sẽ là lúc ý chí của bạn vững mạnh hơn bao giờ hết và những ý tưởng đột phá cũng bắt đầu được nảy sinh. Những ví dụ không thể không nhắc đến như WhatsApp, Uber, Slack, AirBnb hay Groupon đều là những công ty nổi tiếng được thành lập sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008.
Để thúc đẩy doanh nghiệp của mình, những nhà sáng lập sẽ phải đảm nhiệm thêm nhiều vai trò và trách nhiệm mới – những điều tưởng chừng lạ lẫm với bạn.
Hãy là chú lạc đà trên sa mạc
Lạc đà vốn được biết đến là loại động vật có khả năng sinh tồn cao, dù sống trong môi trường khắc nghiệt. Chúng kiên cường và có thể tồn tại trong nhiều tuần mà không cần thức ăn hoặc nước uống. “Tinh thần lạc đà” chính là điều mà hầu hết chúng ta nên học hỏi, đặc biệt là những doanh nhân trẻ. Đối mặt với thử thách và rủi ro bất ngờ xảy đến, là thời điểm vàng cho sức mạnh thép của lạc đà lên ngôi. Hãy hướng doanh nghiệp của bạn đi theo một quỹ đạo: Chậm mà chắc!
“Nhìn vào thực tế của cuộc chơi, tạo dựng một tổ chức tinh gọn và một ngân sách hoạt động hiệu quả. Hãy đảm bảo rằng doanh nghiệp của bạn đang đi đúng hướng và không lệch khỏi những hoạch định đã đề ra ban đầu.”
Trong giai đoạn này, hãy thật kiên nhẫn và tin tưởng vào khả năng sinh tồn của chính mình. Hãy là một chú lạc đà trên sa mạc: Kiên cường, bình tĩnh để dẫn dắt doanh nghiệp bước qua cuộc khủng hoảng.
Cấp dưới cũng là một “nhà tư vấn”
Khi đối mặt trước nguy cơ “tay trắng” một lần nữa, hãy chọn cho mình những người đồng hành đáng tin cậy. Bạn có thể học hỏi và lắng nghe nhiều hơn ở họ, để cùng vượt qua cơn giông bão này. Bạn hãy nhớ rằng mỗi người trong cuộc sống đều có một khía cạnh sở trường của riêng mình. Và tất cả mỗi người đều có thể trở thành “nhà tư vấn” cho bạn trong một lĩnh vực nào đó.
Trong trường hợp này, các bạn trẻ cần có sự khiêm tốn để thừa nhận rằng “tôi không biết” và trao quyền cho những người có năng lực được thể hiện mình. Cởi mở trước những đề xuất và phản biện của nhân viên để cùng đưa ra những chiến lược mang tính xây dựng, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Vượt qua sự phản kháng là khả năng lãnh đạo cần thiết cho các chủ doanh nghiệp trong thời điểm này. Bạn đã phải học rất nhiều để bắt đầu một hành trình khởi nghiệp. Vậy thì không có lý do gì để bạn dừng lại việc học khi đang từng bước khôi phục lại doanh nghiệp của mình, đúng không?
Giữ bước song song với thời cuộc
Hãy luôn tự đặt cho mình những câu hỏi như: Có cần sự thay đổi nào đối với các sản phẩm, dịch vụ của công ty hay hướng đến đối tượng khách hàng mục tiêu khác hay không? Từ đó, bạn có thể thực hiện các điều chỉnh để đáp ứng các nhu cầu và điều kiện mới của thị trường. Đồng thời, hoạch định ra những chiến lược và định hướng mới phù hợp hơn cho doanh nghiệp của bạn.
Điều này đòi hỏi những nhà điều hành công ty phải luôn nhìn xa trông rộng và nhạy bén với thời cuộc. Họ phải can đảm để đối mặt với những thách thức và thất bại để đưa doanh nghiệp đến một vị thế mới vững vàng hơn. Ngoài ra, các start-up trẻ cần phải có kỹ năng trong việc chuyển đổi chiến lược thành các bước thực thi cụ thể. Từ đó đưa ra các quyết định nhanh chóng giúp triển khai kế hoạch vào thực tiễn doanh nghiệp một cách hiệu quả.
Thấu hiểu và vững vàng về công nghệ
Trước đây, người làm chủ thường giao phó những trách nhiệm công nghệ cho bộ phận IT của mình. Nhưng hiện nay mọi thứ đã khác, công nghệ đã trở thành yếu tố then chốt trong hầu hết mọi khía cạnh của doanh nghiệp. Điều đó bắt buộc người trẻ bước ra kinh doanh cần phải hiểu rõ hơn về những ứng dụng này để điều hành và chuyển đổi doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất. Những công nghệ ứng dụng kỹ thuật số cũng là công cụ giúp quảng bá hình ảnh của các startup và thúc đẩy các doanh nghiệp trong quá trình “vươn ra biển lớn”. Có thể nói, những đổi mới về công nghệ không nằm ngoài dòng chảy của xu hướng thế giới. Những chủ doanh nghiệp mới, nên là người nắm rõ khía cạnh này để vận hành doanh nghiệp của mình đi theo một guồng quay chung của thế giới.
***
Những start-up trẻ cần biết gì để vững thêm tay lái trên con đường kinh doanh?
- Hoạch định các chiến lược kinh doanh rõ ràng
- Chấp nhận những rủi ro và thất bại
- Luôn minh bạch trong tài chính
- Linh hoạt và không ngừng học hỏi
- Xây dựng những kết nối kinh doanh có giá trị
- Hãy luôn mới mẻ và dẫn đầu
***
Làm chủ một doanh nghiệp đòi hỏi ở bạn một trọng trách khác biệt với các hình thức công việc khác. Sự thất bại của quá khứ luôn là một phần cho thành công của hiện tại nếu bạn có thể đứng lên. Kiên cường với mục tiêu, nhạy bén với thời cuộc và luôn sẵn sàng học hỏi, hòa nhập vào những xu hướng mới của thời đại chính là những điều cần thiết để vực dậy doanh nghiệp non trẻ của bạn ra khỏi những bế tắc và bước sang trang mới. Khi đã chuẩn bị thấu đáo mọi thứ, bạn đã sẵn sàng bay cao trong trời quang sau giông bão chưa?
Có thể bạn quan tâm: