CHỊ K: “Tôi thật sự không thể hiểu nổi, tôi cứ nghĩ anh ấy luôn tuyệt vời như vậy. Mới chỉ sau mười ngày, mà tôi thấy tất anh ấy bắt đầu có mùi, anh ấy bắt đầu ngủ dậy trễ và nói nhiều vô cùng…”. Thở hắt ra sau tuần trăng mật, chị K đã than phiền như vậy về đức lang quân của mình.
BẠN CỦA CHỊ K: “Lúc mới yêu nhau, anh ấy lịch sự lắm, kiểu như “Tôi nói với người phu quét đường, xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em”. Nhưng cứ đi làm về, là tôi phải dọn dẹp phòng ngủ, phòng khách. Hưởng ứng lời than trách của chị K, một chị làm cùng công ty với K cũng đã thốt lên những lời như vậy.
Nhưng hai chị không để ý, trong góc khuất của phòng làm việc, một anh nhân viên IT của hai chị, đang âm thầm cười trừ: “Các cô cứ đòi hỏi sự lãng mạn. Hạnh phúc nhiều khi cũng như những con số, tham càng nhiều càng mệt đầu chứ được gì”.
Chưa có ai thống kê chính xác, có bao nhiêu cặp vợ chồng phật ý nhau sau tuần trăng mật và có bao nhiêu cặp đường ai nấy đi sau những ngày hạnh phúc ban đầu ấy.
Nhưng nếu thống kê riêng với đối tượng là các phụ nữ thành đạt, có lẽ sự than phiền hay thất vọng về tuần trăng mật của họ sẽ bớt đi, ít đi, kiệm lời hơn và ẩn ý hơn.
NHỮNG CÂU CHUYỆN VUI SAU TUẦN TRĂNG MẬT
Sau khi đi du lịch Hạ Long để hưởng tuần trăng mật, về tới nhà, người vợ hớn hở hỏi chồng: “Anh có thấy hạnh phúc hơn so với hồi tán em không?” – “Ơn trời, khá hơn nhiều rồi”. – “Thế bây giờ anh đang ở đâu?” – “Địa ngục, em ạ” – “Thế mà trước kia khi yêu, anh cứ luôn miệng bảo em là nữ thần của anh cơ mà?” – “Đúng, anh thừa nhận mình đã từng là một kẻ cuồng tín ngu dại”.
Khi vợ mở album ra xem ảnh, nàng chỉ vào bà mẹ mình trong ảnh rồi nói với chồng: “Anh xem này mẹ em vui quá cơ” – “Thì đúng rồi, nếu như em thoát được món nợ lớn em có vui không?”
Một doanh nhân, sau tuần trăng mật, phải có chuyến đi công tác xa. Anh chồng hí hửng lắm, nhưng vẫn tỏ ra buồn thiu: “Em đi anh buồn lắm” – “Em sẽ cố về sớm hơn anh tưởng, đừng nghĩ ngợi gì nhiều” – “Ừ, chính vì thế anh mới buồn…”
LẤY LẠI SỰ CÂN BẰNG
Những câu chuyện vui ở trên, dĩ nhiên là ở đâu cũng có, và người ta vẫn thường tếu táo với nhau mỗi khi có dịp. Nhưng tại sao lại biếm họa hôn nhân như thế? Và tại sao người phụ nữ lại hay trở thành trung tâm của những lời than phiền công khai hoặc là dấm dúi từ phía các ông chồng?
Có nhiều cặp đôi đã từng ly hôn sau tuần trăng mật, hoặc là ly thân vì những bất đồng, vì sự vỡ lở không mong muốn của cuộc sống chung. Điều ấy không có gì khó hiểu. Nhưng sẽ trở thành một thắc mắc không có lời giải đáp nếu như cả hai bên luôn nghĩ rằng cuộc sống lúc nào cũng phải là tuần trăng mật. Nếu coi tuần trăng mật là một ngọn lửa để thắp sáng cuộc sống nhiều trải nghiệm sau này, thì có lẽ hạnh phúc sẽ bền chặt hơn. Như thế, cũng là cách tuyệt vời nhất để đừng đánh mất tuần trăng mật. Ngược lại, quãng đời này sẽ mãi còn để thắp sáng hạnh phúc sau này của nhiều gia đình trẻ.
Bởi hạnh phúc thì chỉ thường xảy ra trong những phút giây hay những khoảnh khắc chứ không phải lúc nào cuộc sống hôn nhân cũng là thiên đường của cả hai. Muốn có thiên đường thì phải có địa ngục hoặc là phải biết chung sống với địa ngục. Nên hiểu câu này như thế nào đây? Hẳn mỗi cô dâu sau các đám cưới sẽ tự biết tìm đáp án cho mình.
Nhiều người thường nói đùa vui rằng, thời kỳ hậu trăng mật, cặp vợ chồng son thường bước sang một giai đoạn chung sống thực sự “cam go” hơn bởi môi trường mới, người mới và những mối quan hệ gia đình mới. Bởi vậy, tuần trăng mật giống như một phần thưởng trước để chuẩn bị tâm lý cho một đời sống mới.
Một người không giỏi về sự cân bằng, sau tuần trăng mật thường dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng. Điều đó là dễ hiểu, bởi sự thay đổi của không gian sống, của những mối quan hệ gia đình mới, của nếp sống mới, giờ giấc sinh hoạt cũng không còn như trước nữa. Nhất là đối với chị em phụ nữ bận việc thương trường, do đặc thù công việc, nhiều người không thể nào đáp ứng đúng chuẩn mực con dâu ngoan và chăm trong gia đình nhà chồng, dễ sinh ra nhiều lời ra tiếng vào. Nếu như anh chồng của cô nào đó không tâm lý, bỏ mặc vợ mới cưới với những thay đổi tức thời của môi trường làm dâu, làm vợ mà cô ấy mới “cập cảng” lần đầu, hẳn dễ khiến nhiều người thấy bị căng thẳng sau tuần trăng mật ngọt ngào.
Một nữ doanh nhân chia sẻ: “Tuần trăng mật của vợ chồng tôi thật tuyệt vời. Anh ấy luôn săn sóc và nâng niu tôi. Nhưng khi về tới nhà chồng, thì chồng tôi bỗng trở thành một người đàn ông nghiêm khắc, hay xét nét, nhắc nhở tôi nhiều chuyện trong nhà. Điều đó thật mệt mỏi”. Sau lời chia sẻ ấy, nhiều lần chị đã cố ý ở lại văn phòng thật muộn hoặc là dậy thật sớm để đi làm. Có lẽ môi trường của cuộc sống mới với những áp lực của trách nhiệm, ý tứ đòi hỏi ở một cô dâu mới đã trở thành một sự lo ngại đối với không nhỏ chị em phụ nữ mới kết hôn.
Ở một góc độ nào đó, thì sự trung thực và tình yêu thực sự sẽ là một liều thuốc tuyệt diệu chữa khỏi những chứng bệnh sau tuần trăng mật như sự lo ngại, mất cân bằng, bực dọc hay thất vọng để cuối cùng cả hai vẫn giữ được tình yêu ấy.
Phụ nữ làm kinh doanh, đương nhiên là phải tháo vát, cầu toàn. Nếu đem cái tháo vát và cầu toàn ấy vào trong hôn nhân, hẳn tình yêu sẽ vẫn luôn tươi mới và ngọt ngào như tuần trăng mật.
ĐỂ LUÔN GIỮ TUẦN TRĂNG MẬT NGAY TẠI NHÀ
Không phải đi đâu, mà vẫn hưởng tuần trăng mật ngay tại nhà, không có hụt hẫng, không có cãi vã, luôn thấy chồng của mình thật tuyệt vời. Bạn có cách nào không? Hãy tham khảo những kim chỉ nam sau:
- Đừng quá tham công tiếc việc
- Đừng quan tâm thái quá một điều gì
- Đừng bao giờ cho rằng, mình là sếp ở công ty thì mình cũng là sếp ở nhà.
- Đừng bao giờ nghĩ mình luôn đúng
- Đừng luôn lấy đề tài “Tất anh hôi quá!”ra làm trò cười nhạo chồng
- Không nên quá đa nghi
- Không nên than phiền về chồng với người thân
- Điều quan trọng là, đừng đòi hỏi sự hoàn hảo ở chồng khi bản thân bạn cũng không phải là người hoàn hảo.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Có thể bạn quan tâm: