Phó CT & TGĐ Công ty Long Cơ, Đặng Thị Xuân Hồng: Người truyền lửa • NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Phó CT & TGĐ Công ty Long Cơ, Đặng Thị Xuân Hồng: Người truyền lửa

Trước khi gặp chị Đặng Thị Xuân Hồng, người viết đã được nghe rất nhiều về chị dù thông tin tìm kiếm từ các phương tiện truyền thông gần như là con số 0. Nhân viên của chị thì bảo, đây là người mà chỉ cần gặp một lần cũng đủ để bạn muốn xách túi đi theo học về đạo, về đời, cách nhìn nhận cuộc sống, người biết chị lại bảo đó là người đàn bà giỏi và đảm… Chính vì vậy, Đặng Thị Xuân Hồng sẽ là ẩn số cực kỳ thú vị.

Vốn là người không thích chạy theo số đông, suy nghĩ theo số đông mà muốn đi còn đường ít người đi chỉ cần có nhu cầu, chị sẽ là người đáp ứng. Thế nên, người đàn bà cùng lúc nắm giữ nhiều trọng trách và vai trò này có một cách rất thú vị để công việc luôn trơn tru đó chính là không “ôm đồm” hết vào mình, luôn tách bạch rạch ròi các vai trò và không can thiệp vào việc đã tin tưởng giao cho người khác. Nói cách khác, chị chỉ là người định hướng và là người truyền lửa cho thế hệ tiếp theo…

Bài toán đường dài

Được biết ngoài lĩnh vực ngân hàng, nhà hàng, café chị còn đầu tư và điều hành một số doanh nghiệp khác, nhưng xin được hỏi chị đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy của mình như thế nào?

Thật ra khởi đầu của tôi cũng không có gì đặc biệt. Tôi bắt đầu trở về sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh từ năm 1997. Có lẽ cũng vì nhu cầu cuộc sống và nhờ may mắn vì không ai có thể biết trước hay có khả năng sắp đặt cuộc đời cho chính mình, tôi bắt đầu với lĩnh vực bất động sản, rồi mọi việc cứ thế đến một cách tự nhiên. Từ năm 2010, tôi tham gia lĩnh vực ngân hàng sau đó là dịch vụ nhà hàng, đầu tư xây dựng… Hiện tại tôi đang tập trung cho dự án xây dựng Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ.

Thế công ty Long Cơ ra đời trong hoàn cảnh thế nào và tại sao chị lại chọn dự án Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ để đầu tư xây dựng?

Lý do có lẽ xuất phát từ khi tôi biết về triết lý “có thân có nghiệp” của đạo Phật nhưng dự án này phần lớn mang ý nghĩa góp phần bảo vệ môi trường. Như bạn biết, quỹ đất ngày càng hạn hẹp trong khi dân số không ngừng tăng lên… Theo phong tục, thân xác sau khi chết đi sẽ được chôn, tuy nhiên quá trình phân hủy ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, nhất là các mạch nước ngầm. Do đó, với sự hỗ trợ từ chương trình xã hội hóa của Ủy ban Thành phố, dự án Công viên hỏa táng Tháp Long Thọ được khởi động. Khác với các nghĩa trang truyền thống, đây là mô hình nghĩa trang lưu giữ tro cốt sau khi thiêu dạng hoa viên gần gũi với môi trường và con người. Công viên có khu vực lò thiêu hiện đại với công nghệ nhập từ Mỹ, nhà hành lễ và khu lưu giữ tro cốt riêng… Ngoài các công trình xây dựng, công viên cũng được đầu tư về phần cảnh quan, hoa viên nhằm xua tan cảm giác sợ sệt của người dân khi đến đây.

Mặc dù hiện đại, đẹp và mang ý nghĩa bảo vệ môi trường nhưng đa phần tâm lý người Việt vẫn quan niệm việc phải chôn sau khi chết, ở góc độ nhà đầu tư và phát triển dự án, chị nghĩ sẽ phải mất bao lâu để việc này phổ biến?

Cũng rất khó nói vì quan niệm này vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ. Cần phải có thời gian để mọi người biết, quen dần và chấp nhận. Có thể là 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn. Long Thọ là mô hình thí điểm Tháp hỏa táng đầu tiên trong cả nước nhưng tôi tin rằng nó sẽ trở thành xu hướng tất yếu trong tương lai. Ngoài ra, khi công viên chính thức hoạt động, công ty cũng như Ủy ban thành phố sẽ có những dịch vụ và chính sách cụ thể khuyến khích người dân. Mục tiêu lâu dài của chúng tôi là phát triển nhân rộng mô hình này, nếu xã hội có nhu cầu chúng tôi sẵn sàng đáp ứng.

Phải mất một khoảng thời gian khá dài để chứng minh tính hiệu quả của dự án, vậy bài toán kinh doanh với việc thu hồi vốn và lợi nhuận sẽ được giải thế nào, thưa chị?

Tôi nghĩ đây chỉ là vấn đề thời gian, quan trọng là đầu tư như thế nào để mọi người yên tâm với dịch vụ mình đưa ra. Dĩ nhiên, đây là một dự án kinh doanh nhưng mang tính xã hội nên chúng tôi không đặt nặng yếu tố thương mại lên hàng đầu mà tính đến chiến lược đường dài. Trước tiên, chúng tôi muốn làm gì đó tốt cho xã hội cái đã rồi khi được đón nhận, lúc ấy sẽ quan tâm đến yếu tố lợi nhuận. Sau này, khi mô hình đã thể hiện được tính hiệu quả của nó, có thể chúng tôi cũng sẽ thay đổi hình thức, chẳng hạn trở thành công ty cổ phần để các cổ đông có cùng chí hướng có thể tham gia.

Trao quyền chủ động cho nhà quản lý

Nắm giữ nhiều vai trò và vị trí khác nhau với khối lượng công việc lớn, điều đó có khiến chị bị phân tâm không?

Nếu chưa có bộ máy hoàn thiện, chưa đầy đủ con người… có thể tôi sẽ khó chuyên tâm. Chẳng hạn, dự án Tháp Long Thọ chính là một công trình khó thu hút lao động. Thứ nhất, nó chưa cho thấy hiệu quả trong kinh doanh, tính khả thi của dự án phải nhìn xa hơn nên chỉ có những ai có cùng suy nghĩ hay mục đích muốn đóng góp cho xã hội mới dễ dàng đồng hành. Tuy nhiên, đó chỉ là khó khăn bước đầu, hiện tại tôi đã có một đội ngũ tương đối hoàn thiện để đi cùng mình.

Người ta hay nói rằng, cá tính và quan niệm sống của mỗi người cũng ít nhiều ảnh hưởng đến cách quản lý và xử lý công việc. Chị có thấy vậy không?

Tôi không đưa tính cách cá nhân vào quản lý công việc vì tôi đứng ở góc độ nhà đầu tư nhiều hơn là nhà quản lý. Khi đã có nhà quản lý, họ sẽ vận hành bộ máy và thực thi những kế hoạch tôi đưa ra và tất nhiên tôi sẽ để họ làm việc của họ. Theo tôi, con người chính là vấn đề khó nhất nhưng là yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến thành bại trong kinh doanh và phải có thời gian để các nhân sự thể hiện được khả năng, niềm đam mê với công việc họ chọn. Tôi nghĩ, nếu cùng đồng quan điểm thì mới có thể hợp tác và đi đường dài cùng nhau. Và khi họ đã đồng ý hợp tác mình phải tôn trọng họ, không thể dùng quyền của nhà đầu tư để áp đặt hay can thiệp vào các quyền của nhà quản lý được. Tôi luôn xác định rõ mình đang giữa vai trò nhà đầu tư hay nhà quản lý và làm đúng vai trò mình nắm giữ.

Với vai trò nhà đầu tư, tôi sẽ đưa định hướng và cùng nhà quản lý vạch ra kế hoạch tổng thể, khi đó sự sáng tạo của họ sẽ đạt hiệu quả cao hơn. Nhà đầu tư cũng phải tạo được cảm giác thoải mái để nhà quản lý có thể dễ dàng chia sẻ những vướng mắc, khó khăn trong công việc đồng thời phải luôn đứng sau, ủng hộ và hỗ trợ họ giải quyết khó khăn.

Mỗi người đều chọn cho mình một cách nhìn nhận cuộc đời và đối mặt những thách thức theo cách riêng, riêng với chị thì sao? Chị có tuân theo triết lý nào không?

Với tôi, điều gì cũng có hai mặt và luôn ẩn chứa sự rủi ro. Triết lý của tôi chính là cái gì đến sẽ đến và tùy duyên. Ví dụ cách đây 4 năm tôi đã đề cập đến việc khởi động chuỗi nhà hàng chay Hum, nhưng không nhận được sự hưởng ứng từ các quản lý. Tôi đã nghĩ, có lẽ đó chỉ là mong muốn của mình thôi. Tôi không ép buộc vì chính họ mới là những người trực tiếp thực hiện kế hoạch. Nếu buộc họ làm và kết quả không tốt, mình chính là người nhận lãnh và người quản lý họ cũng không vui. Tôi trao cho họ quyền chủ động và chờ đến khi họ thực sự muốn làm. Không thể nào biết đích xác khi nào là cơ hội, đâu là rủi ro nhưng có lẽ sự nhạy bén đã giúp tôi nhìn ra những cơ hội. Ở từng giai đoạn, có những cơ hội hay rủi ro khác nhau nhưng tôi vẫn đón nhận và giải quyết nó.

Thế chị có phải là một nhà đầu tư mạo hiểm không?

Có những cái sẽ cần mạo hiểm, tuy biết luôn có rủi ro tiềm ẩn nhưng nếu kiểm soát được hoặc lường trước rủi ro thì sự liều lĩnh đó vẫn đáng làm. Cuộc đời luôn có những thăng trầm và rất nhiều bài học giúp con người trưởng thành hơn mỗi ngày. Trong kinh doanh, có những lúc rất khó khăn đôi khi tôi tưởng chừng không thể tiếp tục được vì rất nhiều yếu tố bất lợi cùng đến một lúc nhưng với tâm thế luôn sẵn sàng chấp nhận rủi ro, tôi tâm niệm bản thân cứ cố gắng hết sức trước đã, kết quả cũng không phải là điều quan trọng nhất.

“Con người chính là vấn đề khó nhất nhưng là yếu tố mấu chốt ảnh hưởng đến thành bại trong kinh doanh và phải có thời gian để các nhân sự thể hiện được khả năng, niềm đam mê với công việc họ chọn”.

Cho người cơ hội chính là cho mình cơ hội

Là một nữ doanh nhân dày dạn kinh nghiệm, theo chị phụ nữ sẽ gặp khó khăn hay thuận lợi khi tham gia kinh doanh? Có ý kiến cho rằng, hạn chế lớn nhất của nhiều nữ doanh nhân Việt là chưa thực sự làm điều mới mẻ mà thường đi theo lộ trình an toàn, suy nghĩ theo cách của khách hàng, của thị trường chứ chưa hẳn là điều chính họ muốn, chị nghĩ sao?

Tôi nghĩ ngược lại. Từ bản thân mình, tôi thấy phụ nữ làm kinh doanh chẳng những không thuận lợi mà còn gặp khó khăn gấp ba lần nam giới. Bạn vừa phải vượt qua áp lực trong công việc, vừa phải đảm bảo vai trò người phụ nữ trong gia đình và người phụ nữ ra ngoài kinh doanh hay hoạt động xã hội vẫn vấp phải những quan niệm cũ về bất bình đẳng giới…

Còn việc suy nghĩ theo thị trường, riêng tôi chỉ nhìn thị trường để lấy kinh nghiệm và đánh giá thị trường để kinh doanh chứ không làm theo số đông. Tôi muốn tìm cái gì không thuộc về số đông, chỉ cần xác định nhu cầu đó có thực thì tôi làm.

Thế ngoài kinh doanh, chị thuộc tuýp phụ nữ thế nào?

Tôi không cho mình thuộc mẫu phụ nữ nào cả. Tôi vẫn là người mẹ, người vợ ở nhà còn đến cơ quan, tôi làm việc của mình, thế thôi. Thực ra, tôi muốn là người truyền lửa nhiệt huyết cho thế hệ trẻ, muốn tạo môi trường mà ở đó người trẻ có thể sáng tạo hết mình, làm việc hết mình và mình chỉ là người định hướng. Đó là điều tôi mong muốn, tuy nhiên, không phải điều gì mình mong muốn cũng có thể làm được và đôi lúc mình cho đi nhưng chưa chắc người ta đã nhận. Tôi cứ tạo điều kiện cho những ai có nhu cầu vì cho họ cơ hội chính là cho mình cơ hội.

Vậy còn thời gian chị dành cho gia đình hay chăm sóc chính mình chắc là cũng rất hiếm hoi?

Tôi nghĩ, người phụ nữ phải làm chủ bản thân mình, nếu sự nghiệp thành công quá đôi khi lại đánh mất gia đình. Do vậy, tôi luôn xem gia đình, con cái là yếu tố ưu tiên hàng đầu, không thể vì công việc hay bận rộn kinh doanh mà bỏ quên vai trò của người phụ nữ trong gia đình được. Là người mẹ, ai cũng mong con mình làm được điều gì đó nhưng tôi luôn khuyến khích các con hãy làm điều con thích, con yêu và cố găng cho nó vì chỉ cần nhìn thấy con cố gắng là đủ.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN

Text: THANH XUÂN – Creative Director: HIEPLEDUC – Photo: VINH VLK – Make-up: VIỄN DƯƠNG – Hair: THANH PHẠM

Comment