Luôn tràn trề nhiệt huyết dành cho sự nghiệp giáo dục, với Tiến Sĩ Nguyễn Thị Quỳnh Lâm, đây không chỉ là nghề mà còn là niềm đam mê “gia truyền” và cho dù bao thách thức vẫn luôn chờ đợi phía trước chị cũng chưa bao giờ thôi yêu nghề.
Niềm đam mê “gia truyền”
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, ba tôi gắn bó với sự nghiệp giáo dục hơn 40 năm và 3 trong số 7 anh chị em tôi đã chọn trở thành giáo viên. Từ những gì ông làm, ba luôn cố gắng định hướng cho chúng tôi cách lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với khả năng của từng người. Riêng tôi, niềm đam mê với việc dạy học dường như đã được truyền thụ từ người cha rất yêu nghề. Ở độ tuổi 15 nhiều mơ mộng nhưng trước thực tế lịch sử lúc bấy giờ, việc chọn lựa một ngành để theo học không phải là dễ. Năm 1978, khi tôi tốt nghiệp phổ thông cũng là lúc ngành thương nghiệp (bán hàng theo tem phiếu) đang là ngành cực kỳ “hot”. Tuy nhiên, cũng chính ba đã khuyên rằng bằng bất cứ giá nào chúng tôi cũng nên theo học Đại học và hầu như các anh chị em tôi đều học một chuyên ngành nào đó, sau đó học lên cao hơn hoặc học thêm một ngành khác. Tôi đã chọn học ngành ngữ văn Anh – ngành học lúc ấy chỉ được xem như “con ghẻ” trong trường. Có thể nói, chúng tôi rất may mắn vì được ba hướng cho con đường dài để đi.
Tốt nghiệp đại học năm 1982, lúc đó tiếng Nga mới là ngoại ngữ được ưa chuộng chứ không phải là tiếng Anh. Trong khi rất nhiều bạn bè cùng ngành đều chọn làm việc tại các công ty nước ngoài hoặc đi du học thì tôi quyết định đi dạy dù ngành Anh ngữ cũng không được ưu tiên. Thu nhập của nghề giáo cũng không cao và vì cuộc sống nên ngoài công việc chính hầu hết mọi người đều nỗ lực làm thêm để tăng thu nhập. Đến năm 1986, khi nước nhà bước vào giai đoạn đổi mới, mở cửa với bên ngoài lúc này việc đi dạy thêm ở các trung tâm của vợ chồng tôi cũng khá thuận lợi. Tôi nhớ, lúc đó cả nước còn nhiều khó khăn nên hầu như không có bất cứ dụng cụ hỗ trợ học tập nào và chúng tôi phải tự mày mò làm ra những dụng cụ trực quan sinh động để các bé có thể dễ hình dung khi học. Có thể nói, dù trong hoàn cảnh vô vàn khó khăn nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm bám nghề, đó là nhờ niềm đam mê được hun đúc trong nhiều năm liền, thấm vào máu và tạo nên động lức giúp chúng tôi biết trân trọng nghề cao quý này.
Phát triển cùng nghề nghiệp
Khi kinh tế và xã hội có những bước chuyển mới, nhu cầu thực tế đặt ra là tăng số người biết tiếng Anh và thế là giáo viên tiếng Anh lại càng trở nên khan hiếm. Rồi một bước ngoặc mới mở ra với tôi, khi đang là giáo viên tại trường ĐH Sư phạm và Trung học Hùng Vương, trong một lần công tác tại Sở giáo dục tôi tình cờ biết được thông tin trường Quốc tế đầu tiên tại thành phố Hồ Chí Minh có nhu cầu tuyển dụng, tôi đã nộp đơn. Phải nói rằng, điều khiến tôi băn khoăn nhất chính là chuyển từ trường công sang trường tư, hình thức quản lý và quyền lợi đều khác hẳn. Môi trường làm việc sẽ hoàn toàn bằng tiếng Anh, mặt khác, nếu tôi không thể hoàn thành công việc, tôi sẽ mất việc hoàn toàn. Đó cũng là một thách thức tuy nhiên tôi nghĩ, nếu không mạnh dạn thử thì không thể biết kết quả sẽ thế nào.
“Con người ai cũng có tham – sân – si nhưng phải luôn biết mình đang ở đâu, là ai và định hướng ra sao.”
Là giáo viên Việt Nam đầu tiên, những ngày đầu rất khó khăn, tôi phải làm tốt việc giao tiếp và thích nghi sự khác biệt văn hóa với các đồng nghiệp. Thậm chí, có những điều ngớ ngẩn trong buổi đầu vì vốn tiếng Anh tôi có là được đào tạo chủ yếu từ sách vở, việc truyền đạt của thầy cô giáo cũng phải hạn chế để phù hợp với hoàn cảnh chung… thế nên trước thực tế này tôi vô cùng hồi hộp. Bạn thử tưởng tượng xem, ngồi trong cuộc họp, tôi nghe mà “lùng bùng” cả tai vì không thể theo kịp hết, tuy nhiên tôi không ngại hay giấu dốt, điều gì chưa rõ, tôi hỏi ngay, nhờ đó tôi học hỏi được nhiều. Tôi được giao nhiệm vụ soạn chương trình giáo dục tiếng Việt, văn hóa bản địa cho học sinh bằng tiếng Anh. Ngoài ra, tôi còn phụ trách quản lý công tác trợ giảng, làm công việc truyền thông – điều tôi chưa từng làm… Thông tin ít, sách vở cũng hiếm nhưng có lẽ hoàn cảnh đã buộc mình phải tự học hỏi và nỗ lực vượt qua.
Khi công tác tại trường, tôi cũng có cơ hội và may mắn tìm được các học bổng du học ở một số nước. Tuy phải sắp xếp thời gian rất gắt gao để vừa có thể đi học, vừa không bị mất việc nhưng việc học chưa bao giờ khiến tôi thôi hào hứng. Ngoài ra, tôi cũng nhận ra rằng, dù khó khăn và thử thách luôn ở trước mặt nhưng quan trọng là có quyết tâm, nỗ lực không ngừng và phài chọn đúng con đường để đi. Đi qua nhiều khó khăn, bạn mới thấy hết giá trị của nỗ lực.
Trang mới ở Trường Quốc Tế Châu Âu
Sau 19 năm gắn bó tại trường quốc tế đầu tiên tại TP.HCM, tôi đã chọn một điểm đến khác là Trường Quốc Tế Châu Âu bây giờ. Khi biết tin, bạn bè tôi rất ngạc nhiên rằng vì với kinh nghiệm, sự trải nghiệm và trình độ chuyên môn của tôi tại sao không chọn những lời mới hấp dẫn của các đơn vị khác mà là ngôi trường mới với chỉ vài chục học sinh (thời điểm tôi mới đến chỉ khoảng 40 học sinh). Nhưng tôi nghĩ, không phải trường nhỏ thì không có cơ hội phát huy những gì mình có. Có nhiều cách để khẳng định bản thân chứ không chỉ là vẻ bề ngoài hay bằng cấp đạt được. Và tôi đã góp phần nâng gần gấp đôi sỉ số học sinh ngay trong năm bắt đầu đảm trách công việc, chuyển chương trình học của Đức sang chương trình Tú tài quốc tế. Đây là chương trình đòi hỏi sự nghiêm ngặt về bằng cấp và kinh nghiệm của giáo viên, đồng thời cam kết bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm cho họ để đồng hành cùng chất lượng giáo dục của nhà trường . Khi dạy dỗ cho các học sinh từ 2 đến 18 tuổi đã cho tôi biết, tìm ra thần đồng rất khó nhưng nếu có thể phát hiện được tiềm năng của từng bé để bồi dưỡng và phát triển thì tiềm năng đó sẽ thành tài năng. Từ đó, chúng tôi chủ trương tạo ra những chương trình học linh động, các môn học đều liên kết và đan xen với nhau. Ví dụ giờ học đia lý có thể dùng để dạy môn xã hội học, hoặc Toán học thay vì có sự ngắt quãng chia giờ giữa các môn độc lập… Quan trọng là không làm mất đi nguồn cảm hứng của học sinh đối với môn học. Với việc có thể đào tạo Tú tài quốc tế cho cả ba cấp học đã tạo được sự liền mạch trong việc học, có sự liên kết trong việc đánh giá nên mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên và học sinh. Không chỉ truyền tải kiến thức, học sinh của trường còn được trang bị những kỹ năng mềm khác để sẵn sàng cho cuộc sống và công việc trong tương lai.
Với riêng tôi mà nói, nghề nghiệp có thể giúp tôi kiếm được rất nhiều tiền nhưng tôi không làm thế. Con người ai cũng có tham – sân – si nhưng phải luôn biết mình đang ở đâu, là ai và định hướng ra sao. Đó là đạo đức cần có của một nhà giáo, luôn sống thật như bản chất và làm việc từ cái tâm và làm hết trách nhiệm và hết sức mình. Tôi không quá tham vọng, nhưng những việc nào trong tầm tay tôi đều muốn hoàn thành nó một cách tốt nhất và những trường hợp buộc phải phán đoán nhanh,xử lý gấptôi không cho đó là áp lực mà là bổn phận của người quản lý giáo dục
Chuyên nghiệp và hiểu rõ tầm nhìn
Tôi là người nghiêm khắc và nguyên tắc nhưng cũng rất thân thân thiện và đôi khi cũng “teen” với học trò. Thực ra, công việc đã giúp tôi dạn dĩ hơn trước rất nhiều. Tôi cho rằng khi làm việc, mọi thứ phải thật rõ ràng nhưng vẫn luôn gần gũi, chia sẻ kinh nghiệm sống với đồng nghiệp hay các học sinh. Tôi luôn cố gắng ghi nhớ tên của hầu hết học sinh và ba mẹ của các em. Hầu như điện thoại tôi luôn mở 24/24 và bất cứ khi nào học sinh, phụ huynh hay giáo viên có việc cần đến, tôi đều không nề hà. Điều đó khiến họ thấy được quan tâm, chăm sóc kịp thời và có động lực để gắn bó.Tôi chẳng cố gắng làm điều gì to tát cũng không muốn thể hiện mình là người có quyền lực hay áp đặt mà chỉ muốn chia sẻ để học sinh có thể cảm nhận những điều tích cực và phát huy khả năng, chia sẻ quan điểm cá nhân với thế giới xung quan, với xã hội một cách tự nhiên nhất.
Tôi không yêu cầu ở đồng nghiệp sự hoàn hảo vì không ai hoàn hảo cả tuy nhiên khi làm việc phải thật sự chuyên nghiệp, hiểu được tầm nhìn chung và hợp tác tốt với nhau. Mặt khác, phải không ngừng học hỏi và đối mặt với sai sót của mình. Văn hóa Việt khá ngại ngùng và luôn có rào cản trước việc để người khác nhìn thấy cái sai, điều chưa hay của mình. Tôi nghĩ, đó là điều không nên. Có rất nhiều cách để học, tôi học hỏi mọi người và ngược lại. Ví dụ tôi rất “dở” chuyện tính toán nhưng khi đã làm việc và giữ vị trí quan trọng, tôi cũng phải biết tính toán, cân đối và đưa ra quyết định tốt nhất, như người ta hay nói nghề dạy nghề. Và vì thế, tôi luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm cũng như sự tự hào với môi trường mình làm việc cho thế hệ trẻ. Mặt khác, chúng tôi cũng luôn cố gắng đảm bảo sự công bằng cho tất cả các giáo viên, nhân viên, nhất là tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập. Tôi cũng rất vui vì hầu hết các giáo viên dạy chương trình
Là một phụ nữ:
- Không ngừng học hỏi.
- Thích đi bộ, nghe nhạc thư giãn, đi shopping, spa và tận hưởng ngày nghỉ cùng chồng.
- Luôn duy trì mỗi năm đi du lịch một chuyến dài ngày cùng chồng để cân bằng với thời gian bận rộn công việc.
- Luôn điều chỉnh và làm chủ cuộc sống.
- Không đề cao cái tôi hay “quảng bá” về bản thân. Luôn đặt bản thân vào vị trí của người khác, không vội kết luận và luôn vị tha.
- Luôn suy nghĩ rằng hãy cứ cho đi rồi sẽ nhận lại và cứ làm việc hết sức mình trước khi đòi hỏi điều gì đó.
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí NỮ DOANH NHÂN
Creative Director: Hiepleduc – Text: T. Xuân – Photo: VinhVLK – Make-up: BEO