Thị trường Điện tử tiêu dùng tiếp tục cạnh tranh và dự đoán tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng sau Tết.
Trước sự cạnh tranh của thị trường thương mại điện tử của các tên tuổi lớn với nguồn tài chính dồi dào, ngành hàng Điện tử tiêu dùng thể hiện rõ ràng hơn về xu hướng chuyển đổi mạnh các kênh bán hàng từ truyền thống sang trực tuyến. Các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực này đều có kế hoạch mở rộng mặt hàng kinh doanh và phạm vi kinh doanh trong năm 2019. Mặc dù, thị trường ngành Điện tử tiêu dùng đã rất cạnh tranh nhưng vẫn còn những thị trường ngách mà các công ty vẫn muốn khai thác.
Sau tết, dự đoán lĩnh vực Điện tử tiêu dùng sẽ tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng, một số công ty sẽ vào thị trường Việt Nam, và đó sẽ là một cơ hội lớn cho cả ứng viên và nhà tuyển dụng
Nhu cầu về các vị trí Marketing trong ngành đang ngày càng tăng, đặc biệt là đến từ các công ty đa quốc gia. Trong bối cảnh nhân sự đang có phần thiếu hụt, các doanh nghiệp lĩnh vực này vẫn chấp nhận tuyển ưng viên đến từ ngành khác như FMCG (Ngành hàng tiêu dùng nhanh)
Khan hiếm nhân lực trong mảng Công nghiệp Điện tử do làn sóng dịch chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam
Theo ghi nhận của Navigos Group, công ty FDI trong lĩnh vực này đã có kế hoạch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng đứng trước thách thức lớn trong việc tuyển dụng bởi mức lương đề xuất không có sự cạnh tranh hơn so với các doanh nghiệp hiện tại, nên ứng viên vẫn còn dè chừng trước quyết định chuyển việc sang một môi trường mới.
Đồng thời, những doanh nghiệp trong lĩnh vực Điện/Điện tử tại Hải Phòng và Bắc Ninh trong Quý 4 cũng có kế hoạch mở rộng quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp mới cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động từ đầu năm 2019.
Trước làn sóng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và kế hoạch mở rộng qui mô, mảng Sản xuất Điện tử dự đoán tiếp tục tăng mạnh về nhu cầu tuyển dụng trong năm 2019, bao gồm các lĩnh vực nhân sự cấp trung và cấp cao, thuộc các vị trí như: Quản lý nhà máy; Giám sát; Cấp Quản lý và Trợ lý cho khối văn phòng.
Nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản sẽ đẩy mạnh nhu cầu tuyển dụng
Trong năm 2019, Navigos Group ghi nhận các nhà đầu tư đang có kế hoạch điều chỉnh danh mục đầu tư (cả trực tiếp và gián tiếp), từ đó tác động đến chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI vào thị trường Bất động sản của Việt Nam. Hiện tại, động lực thu hút FDI tới Việt Nam chủ yếu đến từ 2 xu hướng, bao gồm Dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam và Đầu tư FDI vào Việt Nam để phục vụ chính thị trường tiêu dùng Việt Nam và ASEAN.
Trong Qúy 4, thị trường Bất động sản ghi nhận sự xuất hiện của các siêu dự án, khiến các sàn giao dịch Bất động sản mới tăng mạnh, kéo theo nhu cầu tuyển dụng các vị trí liên quan đến Kinh doanh và Marketing.
Trong năm 2019, dự kiến thị trường Bất động sản sẽ tăng trưởng ổn định. Loại hình Chung cư tiếp tục phát triển do còn nhiều dư địa, khách hàng cũng sẽ chú trọng tuyển dụng các vị trí liên quan đến Đầu tư và Kinh doanh. Bên cạnh đó, thị trường nhà đất tại các tỉnh phía Bắc, đặc biệt là các tỉnh lân cận Hà Nội và tập trung nhiều khu công nghiệp có thể sẽ rất sôi động, kéo theo thị trường tuyển dụng và việc làm tại đây cũng sẽ sôi động hơn.
Đọc thêm: Nhân sự thời đại 4.0: Cần thích ứng xu hướng “Tự Động Hóa”
Nhiều lợi ích và thách thức cho ngành dệt may trước các hiệp định thương mại tự do
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa có hiệu lực sẽ mang lại nhiều lợi ích cho ngành dệt may Việt Nam, thúc đẩy việc xuất khẩu tăng mạnh hơn, đồng thời với lợi thế về mức giá nhân công cạnh tranh Việt Nam thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI mạnh mẽ hơn, từ đó nhiều việc làm mới cũng được tạo ra.
Bên cạnh đó, các công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Trung Quốc, và cả các công ty nội địa Trung Quốc thuộc lĩnh vực hàng dệt may, giày dép, đồ dùng thể thao,… có xu hướng chuyển các đơn hàng và hoạt động sản xuất các nhóm hàng này sang các nước khác nhằm tránh đánh thuế cao. Trong khối ASEAN, Việt Nam được đánh giá là tiềm năng và cạnh tranh nhất cho việc dịch chuyển của các doanh nghiệp này.
Theo ghi nhận, nhiều doanh nghiệp đã hoạt động nhiều năm tại Việt Nam cũng đang trong quá trình mở rộng qui mô về sản xuất. Đứng trước xu hướng tuyển dụng tăng cao trong lĩnh dệt may, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức hơn trong việc tuyển dụng và giữ chân nhân lực. Nguyên nhân do ngành Dệt may luôn khan hiếm nhân lực, đặc biệt là những nhân sự cấp trung cấp cao vừa có kĩ năng chuyên sâu về ngành và có thể giao tiếp tiếng Anh. Hiện nay, một số doanh nghiệp do thiếu tính cạnh tranh đã dẫn đến tình trạng mất nhân công, buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc sản xuất không hết công suất.
Lĩnh vực nông nghiệp có dấu hiệu khởi sắc và cạnhh tranh gay gắt hơn trong tuyển dụng và giữ chân nhân tài
Trong quý 4 năm 2018, có rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp mở rộng đầu tư, qui mô hoặc một số doanh nghiệp có nhu cầu chuẩn hóa đội ngũ nhân sự. Mức độ cạnh tranh trong việc thu hút và tuyển dụng của ngành này ngày một cao hơn so với trước đây, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng được các nhân tài có mức độ gắn bó hơn với doanh nghiệp.
Riêng đối với ngành chăn nuôi, do năm nay đã được cải thiện nhiều về giá và đạt được những kết quả nổi bật hơn so với năm 2017, các doanh nghiệp bắt đầu có kế hoạch tái đầu tư chiều sâu trong việc phát triển chăn nuôi trong thời gian tới. Bên cạnh đó, hiệp định CPTPP có hiệu lực cũng mang lại lợi ích về xuất khẩu cho các mặt hàng nông sản và tiềm năng được vốn FDI đầu tư vào mảng nông nghiệp cũng lớn hơn, dự đoán nhu cầu tuyển dụng và các cơ hội việc làm tốt sẽ được tạo ra cho người lao động thuộc các lĩnh vực liên quan đến Sản xuất nông nghiệp. Trong năm 2019, các doanh nghiệp có sẵn vốn nước ngoài cũng đã có kế hoạch sẽ tăng cường năng lực tốt hơn cho đội ngũ nhân sự quản lý của họ tại Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm: