Đây là bài viết của TS Lương Hoài Nam – một doanh nhân trong lĩnh vực Hàng không cũng là người nhiều năm quan tâm đến giáo dục trong nước và có hiểu biết về một số nền giáo dục trên thế giới.
Cụm từ “tị nạn giáo dục” được nhắc đến không ít lần, kể cả ở Quốc hội. Là một người dân với hai đứa con được cho sang Singapore và Anh ăn học từ trung học, biết khá rõ về giáo dục cả ở Việt Nam lẫn ở các nước này, tôi muốn đề xuất với tân Bộ trưởng Giáo dục mười nội dung sau đây.
Thứ nhất, cần xoá bỏ sự cào bằng giữa các học sinh về nội dung giáo dục. Khi các con tôi học ở Singapore và Anh, điều đầu tiên làm chúng tôi ngạc nhiên là số môn học giảm một nửa. Các cháu chỉ học 6 môn thay vì 12 môn, trong đó có 3 môn bắt buộc cho luồng học được các cháu chọn, 3 môn hoàn toàn tự chọn. Lý do là cả Anh và Singapore đều phân luồng giáo dục ngay sau tiểu học 6 năm. Đức thậm chí phân luồng sớm hơn – sau lớp 4. Trung Quốc giống Anh – phân luồng sau lớp 6. Đó cũng là tinh thần chung của Hệ thống tiêu chuẩn quốc tế về phân loại giáo dục của UNESCO (ISCED 1997 và 2011).
Mỗi học sinh có các tố chất và điều kiện khác nhau. Xã hội cũng cần người làm những công việc khác nhau. “Con cá” cần tập trung học bơi, được đánh giá theo năng lực bơi và ra đời đi bơi. “Con chim” cần tập trung học bay, được đánh giá theo năng lực bay và ra đời đi bay. Không thể dạy (và đánh giá) “cá” và “chim” với các nội dung giáo dục giống nhau trong suốt 12 năm học.
Thứ hai, cần xoá bỏ cào bằng giữa các nhà trường về mô hình trường học. Cần tránh thay thế sự rập khuôn này bằng sự rập khuôn khác. Thế giới có nhiều mô hình trường học tốt, một số mô hình đang được áp dụng ở các trường quốc tế tại Việt Nam. Dù VNEN tốt hơn mô hình trường học lâu nay ở ta, đừng quên rằng “Escuela Nueva” cũng chỉ là một mô hình trường học cho các địa phương nông thôn, miền núi ở Columbia từ những năm 70 của thế kỷ trước.
Ở các thành phố Columbia trước đây và hiện nay vẫn có những mô hình trường học khác. Ngoài Mỹ La-tinh, chỉ có Việt Nam và Philippines triển khai mô hình “Escuela Nueva” và vì vậy chúng ta cần thận trọng. Nên để cho nhà trường (ít ra là các trường tư thục) lựa chọn mô hình trường học dựa trên bộ điều kiện tối thiểu do Bộ Giáo dục quy định. Hãy để các mô hình trường học cạnh tranh với nhau.
Thứ ba, cần xoá bỏ cào bằng giữa các địa phương về chương trình giáo dục. Không thể có một chương trình giáo dục vừa tốt nhất cho Hà Nội, vừa tốt nhất cho Hà Giang, do điều kiện, nhu cầu của các địa phương này quá khác nhau. Cách làm phổ biến trên thế giới là Bộ Giáo dục quy định chuẩn kiến thức, kỹ năng tối thiểu, các địa phương tự xây dựng chương trình giáo dục. Nếu địa phương không đủ nguồn lực, kinh nghiệm để làm việc này thì có thể thuê tư vấn, sử dụng chương trình của địa phương khác, hoặc sử dụng chương trình giáo dục tham khảo của Bộ Giáo dục.
Thứ tư, cần thực sự xoá bỏ độc quyền sách giáo khoa. Vấn đề này về cơ bản đã được nhất trí, nhưng việc thực hiện còn rất khó khăn, không phải không có những “rào cản kỹ thuật”. Singapore có 14 nhà xuất bản tham gia xuất bản, kinh doanh sách giáo khoa, Bộ Giáo dục thẩm định và phê duyệt các bộ sách giáo khoa một cách trung lập. Vai trò trong việc xoá bỏ độc quyền sách giáo khoa là của các nhà xuất bản và tác giả sách giáo khoa làm việc với họ, không phải với Bộ. Nhà xuất bản không bắt buộc phải cung cấp cả bộ sách giáo khoa cho tất cả các môn học, cấp học. Còn việc chọn sách giáo khoa của nhà xuất bản nào là quyền của mỗi trường (do bộ môn kiến nghị).
Thứ năm, cần phổ cập tiếng Anh trong thời đại toàn cầu hoá. Trong chương trình giáo dục phổ thông mới của Malaysia giai đoạn 2013-2025 (do UNESCO và OECD hỗ trợ), tiếng Anh không còn được coi là “ngoại ngữ” nữa, mà là “ngôn ngữ hai”. Trình độ tiếng Anh trong học sinh, sinh viên Việt Nam đáng thất vọng, phần lớn thanh niên Việt Nam không sử dụng thành thạo được tiếng Anh sau 12 năm học phổ thông và 3-5 năm cao đẳng, đại học. Cần quy định tiếng Anh là ngoại ngữ bắt buộc, từ tiểu học đến đại học; các thứ tiếng khác là ngoại ngữ 2, 3… Kém tiếng Anh thì rất khó hội nhập quốc tế.
Thứ sáu, cần phát triển mạnh mẽ dạy nghề. Phù hợp với chính sách phân luồng giáo dục, các nước có nền giáo dục tiên tiến rất chú trọng dạy nghề. Dạy nghề là bộ phận không tách rời của hệ thống giáo dục quốc dân. Một số nước có hệ giáo dục này sau tiểu học và đa số các nước phát triển mạnh dạy nghề sau trung học cơ sở. Lớn nhất ở Singapore không phải là trường đại học, mà là ITE (Institute of Technical Education, là trường trung cấp nghề), với cỡ 40.000-45.000 học sinh, mỗi năm tuyển vào trên dưới 25.000 học sinh.
Bình quân OECD, số người có trình độ cao đẳng và đại học trong độ tuổi 25-64 tuổi chỉ chiếm 32%. Nước ta nên chuyển mảng dạy nghề từ Bộ Lao động về Bộ Giáo dục để thống nhất một hệ thống giáo dục quốc dân và phát triển mạnh mẽ dạy nghề; không nước nào tách dạy nghề khỏi Bộ Giáo dục như nước ta cả.
Thứ bảy, cần rút ngắn thời gian đào tạo thông qua phân luồng và liên thông. Vì không phân luồng, nên học sinh Việt Nam phải học dài hơn. Để học hết cao đẳng, học sinh phải học hết 12 năm phổ thông, 3 năm cao đẳng, thành 15 năm, bắt đầu đi làm ở tuổi 22. Để hết đại học, tổng thời gian học là 16-17 năm, bắt đầu đi làm ở tuổi 23-24. Ở Singapore, để học hết cao đẳng, tổng thời gian học chỉ 13 năm và bắt đầu đi làm ở tuổi 20, sớm hơn so với Việt Nam 2 năm. Để học hết đại học, tổng thời gian học là 15 năm, ngắn hơn so với Việt Nam 1-2 năm. Nhiều sinh viên ở Singapore học đại học hệ liên thông, với 3 năm cao đẳng cộng 1-2 năm đại học và ra đi làm với bằng đại học ở tuổi 21-22. Ở Đức cũng vậy, nếu đi theo luồng cao đẳng nghề, không nhất thiết phải học đủ 12 năm phổ thông như ở nước ta, mà chỉ cần học hết lớp 9 hoặc lớp 10.
Thứ tám, cần đổi mới dạy thêm. Học thêm là nhu cầu và nếu làm đúng thì rất tốt cho sự phát triển giáo dục. Vấn đề là, như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, dạy thêm phải được tổ chức độc lập với giáo dục chính quy. Mỗi giáo viên chỉ được dạy trong một hệ thống, không được vừa dạy chính quy ở trường, vừa dạy thêm ở trung tâm hoặc ở nhà. Mục đích của học thêm, dạy thêm phải vì nhu cầu thực sự của học sinh, không phải là để giải quyết nhu cầu cải thiện thu nhập của giáo viên hệ chính quy.
Việc tách giáo dục chính quy và dạy thêm là việc cần thiết phải làm, với một lộ trình 3-5 năm, sau đó không chấp nhận việc giáo viên đứng “chân trong, chân ngoài”. Cần cải thiện thu nhập cho giáo viên hệ chính quy, nhưng không phải bằng cách kết hợp dạy thêm. Những giáo viên luyện thi giỏi có thể mạnh dạn rời biên chế nhà trường để chuyên dạy luyện thi.
Thứ chín, cần đổi mới thi cử, tuyển sinh. Việc hoàn thiện thi cử, tuyển sinh trong thời gian qua là cần thiết, nhưng cũng cần thật sớm ổn định lĩnh vực này. Không có nước nào mà năm nào cũng thay đổi cách thi cử, tuyển sinh như Việt Nam. Thế giới có hai phương pháp tốt về thi cử, tuyển sinh: “tập trung” kiểu Anh (Singapore, Úc áp dụng, với vai trò chủ trì của Bộ Giáo dục) và “phân tán” kiểu Mỹ (dựa trên kết quả SAT, ACT, với vai trò quyết định và các điều kiện tuyển sinh bổ sung của từng trường). Nước ta nên nghiên cứu kỹ và chọn lấy một cách làm cho đồng bộ và bền vững.
Thứ mười, cần đào tạo lại, nâng cấp đáng kể chất lượng giáo viên, giảng viên. Đây là vấn đề lớn nhất, khó nhất, quyết định sự thành-bại của mọi nỗ lực cải cách giáo dục. Không có cách nào khác là phải quy định lại chuẩn kiến thức, kỹ năng cao hơn đáng kể đối với người dạy và có kế hoạch, chương trình đào tạo lại, nâng cấp trình độ giáo viên, giảng viên với một lộ trình 3-5 năm. Giáo viên, giảng viên nào sau khi được đào tạo lại mà vẫn không đáp ứng được chuẩn kiến thức, kỹ năng phải bị đào thải. Chúng ta không thể cải cách giáo dục thành công với những người dạy dưới chuẩn.
Theo Vnexpress