Các đại học trước đây thường được coi là những tháp ngà của giới học thuật với các hiệu trưởng là các giáo sư thâm niên qua nhiều năm tháng dạy học, nghiên cứu và làm công tác quản lý giáo dục.
Thực tế trong thời gian gần đây cho thấy có vẻ như xu hướng tuyển dụng hiệu trưởng có gốc gác ngoài lĩnh vực học thuật đang tăng lên. Các giám đốc điều hành (CEO) từ các công ty kinh doanh ngày càng có nhiều cơ hội ngồi vào chiếc ghế hiệu trưởng các đại học danh tiếng. Tuy nhiên, xu hướng này cũng bắt đầu bộc lộ các hệ lụy đáng lo ngại đối với sứ mệnh giáo dục đại học.
Thành công hay thất bại
Ý tưởng tuyển dụng hiệu trưởng là các nhà quản lý từ các công ty kinh doanh thường xuất phát từ nhu cầu và mong muốn các doanh nhân này sẽ mang lại phong cách và ý tưởng mới để cải tổ lại hệ thống nhà trường và từ đó đem lại lợi nhuận tối đa. Cũng đã có những tin tưởng rằng các mục tiêu và chiến lược quản lý kinh doanh bên ngoài khuôn viên đại học có thể dễ dàng áp dụng được vào môi trường giáo dục học thuật.
Dẫu trong lịch sử các đại học đã có một số doanh nhân trở thành những nhà quản trị giáo dục thành công như trường hợp của John Hennessy, Hiệu trưởng Đại học Stanford từ 2000-2015, thì những lựa chọn doanh nhân-hiệu trưởng gần đây lại không được thuận chèo mát mái cho lắm.
Hiệu trưởng Bruce Harreld, Đại học Iowa, đã gặp rắc rối với các phát ngôn của ông về giảng dạy, trong đó ông nói rằng giảng viên nào đến lớp học mà không chuẩn bị giáo án thì nên bị bắn bỏ. Nhận xét của ông được xem là rất xa lạ với ngành giáo dục và đặc biệt nhạy cảm trong bối cảnh các vụ bạo lực liên quan đến súng ống xảy ra nhiều ở Mỹ.
Đồng nghiệp của ông ở Đại học Missouri, Hiệu trưởng Tim Wolfe còn ít may mắn hơn khi phải từ chức vào tháng 11-2015. Tim Wolfe bị chỉ trích là đã không biết cách làm việc với các giảng viên và thờ ơ với những mối quan tâm của sinh viên, đặc biệt là với các vụ biểu tình liên quan đến xung đột màu da chủng tộc.
Hiệu trưởng Newman của Đại học Mount St. Mary đã chính thức từ chức không lâu sau khi nhận chức vì đã so sánh sinh viên trường với những con thỏ đế và khuyến khích sinh viên học kỳ đầu có kết quả học không tốt rút tên ra khỏi khóa học sớm để không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sinh viên theo ngành học của trường. Có lẽ các chính sách và phát ngôn này của Newman sẽ không là vấn đề lớn như vậy nếu như ông đang điều hành một doanh nghiệp.
Dù các diễn biến nói trên là riêng lẻ và chưa mang tính đại diện nhưng hiện nay đã có một số ý kiến báo động xu hướng tuyển chọn các nhà quản lý kinh doanh không có gốc gác kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục lên làm hiệu trưởng.
Va chạm giữa nguyên lý thị trường và sứ mệnh giáo dục
Một trong số những vấn đề nghiêm trọng nhất mà theo các phân tích về quản lý và văn hóa tổ chức là các doanh nhân-hiệu trưởng coi giáo dục là dịch vụ để phục vụ cho nhu cầu tài chính của trường chứ không phải để phục vụ sứ mệnh giáo dục con người và nhu cầu đào tạo của giảng viên và sinh viên.
Trong quyển sách The Fall of the Faculty: The rise of the all-administrative university and why it matters, Giáo sư Benjamin Ginsberg, Đại học Johns Hopkins, cảnh báo xu hướng tuyển dụng doanh nhân vào làm lãnh đạo các đại học mà không có kinh nghiệm về học thuật là một điều đáng lo ngại với tương lai của giáo dục.
Các lý do chính mà GS. Ginsberg đưa ra bao gồm việc hầu hết các lãnh đạo doanh nghiệp đều tin tưởng vào quản lý theo thứ bậc trong khi môi trường giảng dạy học thuật chỉ tỏ ra hiệu quả nhất khi nằm trong tình trạng quản lý tương đối tự do, không theo thứ bậc trên xuống. Mục tiêu của đại học là thúc đẩy các suy nghĩ mới khác biệt nhưng mục tiêu này không thể dung hòa được với văn hóa quản lý mệnh lệnh có thứ bậc.
Các doanh nhân làm hiệu trưởng thường muốn mọi thứ phải theo một chiến lược vạch sẵn, và rất có thể điều đó đã dẫn đến những phát ngôn như của Hiệu trưởng Bruce Harreld khi đòi bắn các giáo viên không chuẩn bị đầy đủ giáo án. Rất nhiều ngành giáo dục khoa học xã hội và nghệ thuật sẽ hiệu quả hơn từ những giây phút thăng hoa sáng tạo mà giáo viên có thể sẽ đi chệch khỏi giáo án để đạt được điều đó.
Ngoài ra, tư duy của người làm kinh doanh thường có tính thực dụng. Chẳng hạn họ muốn tỷ lệ sinh viên ra trường phải luôn có ngay việc làm và có mức lương cao nhất có thể. Từ đó, các ngành học thuật mang tính khai phóng bị coi nhẹ.
Sau cùng là việc hiệu trưởng đến từ môi trường kinh doanh có khuynh hướng tôn sùng sở thích khách hàng đến mức cao nhất, luôn coi đó là kim chỉ nam cho chiến lược quản lý giáo dục. GS. Ginsberg cho rằng vấn đề là trong giáo dục đại học, các khách hàng lại là những thanh niên trẻ tuổi có các sở thích chưa định hình hoàn chỉnh. Một đại học tốt là nơi giúp sinh viên hình thành các sở thích chứ không phải là để đáp ứng bất kỳ một nhu cầu mơ hồ, bồng bột và cảm tính nào của tuổi trẻ.
Chỉ số KPI cho giảng dạy
Những thảo luận trên của GS. Ginsberg là có cơ sở nhất định. Một số đại học chạy theo chỉ số tuyển dụng sinh viên để cố gắng duy trì hoặc tối đa hóa lượng sinh viên đến học để có lợi nhuận đã áp dụng chính sách coi sinh viên như những khách hàng của mình. Tất cả chiến lược đều tập trung vào đáp ứng nhu cầu của sinh viên và các phụ huynh đến mức tối đa. Các bể bơi, sân bóng, phòng giải trí được đầu tư cực kỳ ấn tượng bởi khách hàng thường dễ bị quyến rũ với những thứ hữu hình như vậy hơn là những thứ trừu tượng, như tinh thần học tập hay khả năng tư duy logic.
Vì chạy theo tư duy sinh viên là khách hàng mà một số đại học còn áp dụng cả chỉ số KPI để đánh giá mức độ “phục vụ” sinh viên của giảng viên đến đâu. Có trường áp buộc tiêu chuẩn đánh giá giảng dạy tốt của sinh viên cho giáo viên ở mức cao tối đa. Cái lý của chính sách này là để giảng viên có trách nhiệm nâng cao nghiệp vụ phục vụ khách hàng nhưng thực ra là đã trao quyền lực rất lớn cho sinh viên.
Với nguyên tắc sinh viên là khách hàng, có một số khoa đại học ở Úc còn bỏ qua cả việc điểm danh sinh viên trong khóa học với lý luận rằng khách hàng là người lớn, họ có quyền và chịu trách nhiệm với quyết định có đến lớp hay không. Có cả những niềm tin rằng nếu một lớp học có ít sinh viên đến dự thì điều đó tỷ lệ thuận với khả năng giảng dạy của giảng viên đó.
Hệ quả của những chính sách chủ yếu nhằm thúc đẩy tiếp thị thương hiệu của trường là một sinh viên có thể không bao giờ đến lớp học nhưng vẫn đậu môn học đó khi mà các bài luận có thể được thuê ngoài một cách khéo léo, đủ để tránh lỗi đạo văn từ các phần mềm như Turnitin. Một bằng cấp đại học mà không cần đến lớp, không cần nghe giảng, đọc sách hay tham gia thảo luận với thầy cô, bạn học mà vẫn tốt nghiệp có lẽ sẽ là ác mộng với các phụ huynh phải trả một số tiền không nhỏ mong con cái nên người.
Trong khi đó, giảng viên – những người hiểu rõ nhất sinh viên đành phải thu mình lại, nhượng bộ nhiều hơn để đạt chỉ số đánh giá yêu cầu dù biết rằng điều đó đồng nghĩa với việc một vài hay rất nhiều sinh viên đã không có động lực phát huy tối đa khả năng phát triển bản thân qua giáo dục đại học.
Những cân nhắc cần thiết
Với nhiều người, đại học là một trong số ít nơi mà các logic của thị trường không có sự thống trị như trong lĩnh vực kinh doanh. Giáo sư Đại học Iowa, Kembrew McLeod, nghi ngờ một tiếp cận theo hướng thị trường có thể giải quyết được các vấn đề liên quan đến quản lý đại học. Các giá trị mà một đại học tạo ra vẫn sẽ là giáo dục con người chứ không phải là tối đa hóa lợi nhuận. Có những thứ không tạo ra nhiều lợi nhuận về mặt vật chất nhưng có ý nghĩa lớn lao với sự phát triển của con người và sự lành mạnh của cộng đồng.
Trong khi công nhận những khó khăn tài chính, GS. Leod cũng cho rằng một trong những giải pháp cho vấn đề cân bằng tài chính đại học là cắt giảm số tiền lương khổng lồ của tầng lớp lãnh đạo cao cấp ở các đại học. Dù các đổi mới là luôn cần thiết, các nguyên tắc và ý nghĩa cơ bản của giáo dục đại học vẫn cần được gìn giữ chứ không nên bị xếp vào thứ yếu sau các mục tiêu lợi nhuận thị trường.
Rất nhiều đại học Mỹ vẫn coi mối quan hệ giảng viên – sinh viên là dựa trên một khế ước xã hội trong đó giảng viên là người hướng dẫn phương pháp và truyền cảm hứng cho khả năng tự học suốt đời của sinh viên, trong khi sinh viên cần tuân thủ các quy định dù là khắt khe của trường để rèn luyện phấn đấu. Ví dụ như chính sách hạ bậc điểm đối với việc vắng mặt không lý do chính đáng của sinh viên trong lớp học luôn được áp dụng nghiêm khắc. Bên cạnh đó, đa số các đại học ở Mỹ hiện nay coi chỉ số đánh giá môn học của sinh viên là một trong những tham khảo quan trọng để cải thiện lớp học chứ không phải là để phục vụ cho chính sách thưởng phạt nhân sự theo cung cách quản lý kinh doanh.
Câu trả lời cho những thắc mắc về xu hướng tuyển dụng CEO làm hiệu trưởng đại học có đem lại hiệu quả cả về mặt tài chính lẫn sứ mệnh giáo dục hay không vẫn còn đang ở phía trước. Tuy nhiên, những diễn tiến gần đây của các đại học trên thế giới như kể trên cho thấy các đại học cần có sự cân nhắc với xu hướng này bởi đặc thù của sự nghiệp trồng người và mối quan hệ thiết yếu với sự phát triển lành mạnh, bền vững của một quốc gia.
Theo TBKTSG