Liệu có quá rủi ro nếu mang thai muộn? - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Sinh con và nuôi con là một hành trình quý giá và tuyệt vời, có thể mang lại niềm vui, hạnh phúc cũng như những thách thức và lo lắng cho mỗi người mẹ. Và có đúng là những lo lắng sẽ càng lớn hơn khi người mẹ mang thai ngoài độ tuổi thích hợp? Bài viết này không nhằm ủng hộ kế hoạch có con muộn, mà nhằm tiếp thêm sức mạnh cho những bà mẹ có con ngoài độ tuổi mong muốn.

Rủi ro thai kỳ lớn tuổi

Xét về mặt sinh học, độ tuổi tốt nhất khi phụ nữ mang thai là từ 20 – 30 tuổi. Lúc đó, điều kiện của cơ thể đã đủ trưởng thành để thực sự nuôi dưỡng một đứa trẻ. Sau đó, khả năng mang thai trong khoảng thời gian thích hợp bắt đầu giảm dần từ năm 32 tuổi và nhiều hơn sau năm 37 tuổi. Và nếu bạn thụ thai ở độ tuổi này, đồng nghĩa với việc đi kèm với nhiều rủi ro hơn: cơ hội sống sót thấp hơn, nguy cơ mắc bệnh nhiễm sắc thể bất thường như hội chứng Down, nguy cơ sinh non, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ. Có hai nguyên nhân chính dẫn đến trường hợp mang thai muộn: Nguyên nhân chủ quan (thuộc về mong muốn của người mẹ), và nguyên nhân khách quan (do điều kiện cơ thể của người mẹ).

“Giải nguy” cho bà mẹ lớn tuổi

Về mặt kỹ thuật, miễn là bạn vẫn đang rụng trứng và chưa đến thời kỳ mãn kinh (xảy ra vào khoảng độ tuổi 51), bạn vẫn có thể thụ thai một cách tự nhiên. Trên thực tế, độ tuổi trung bình của phụ nữ khi sinh con tiếp tục tăng cao lên đến 30 tuổi. Theo dõi trên các trường hợp này đưa ra kết quả, các bà mẹ lớn tuổi vẫn có thể mang thai và trẻ sơ sinh phát triển bình thường. Các nhà nghiên cứu sau khi thực hiện một số xét nghiệm dựa trên những người mẹ có độ tuổi từ 20 đến sau 35, thông qua bài kiểm tra thị giác, trí nhớ, sự tập trung đã kết luận: những phụ nữ có con sau tuổi 35 có trí nhớ và nhận thức tốt hơn. Điều này liên quan đến sự gia tăng của các hormone estrogen và progesterone trong khi mang thai ở thời kỳ lớn tuổi, có tác động có lợi về chức năng não. Đồng thời, một nghiên cứu của Đại học Nam California cho thấy sinh con sau tuổi 35 sẽ cải thiện tinh thần và tuổi thọ của người mẹ. Trẻ em sinh ra từ các bà mẹ tuổi từ 35 đến 39 có khuynh hướng đạt điểm cao hơn trong các bài kiểm tra nhận thức ở tuổi 10 và 11 so với những trẻ sinh ra từ các bà mẹ trẻ hơn.

Không có thời gian “đúng” để có con, nên cũng sẽ không có thời gian “sai”.

Đọc thêm: Những dấu hiệu của bệnh thiếu máu mà bạn ít nhận thức

Phụ nữ mang thai muộn cần làm gì?

Về cơ bản, chăm sóc những phụ nữ mang thai lớn tuổi cũng tương tự như những độ tuổi khác, nhưng cần chú trọng vào những yếu tố sau:

  • Chăm sóc tiền sản sớm và thường xuyên hơn.
  • Cần khám thai định kỳ để sớm phát hiện dị tật và biến chứng.
  • Dùng các loại vitamin trước khi sinh có liều lượng axit folic thích hợp, một chất giúp ngăn ngừa một số dị tật bẩm sinh.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng bao gồm nhiều loại thực phẩm khác nhau. Một phụ nữ có trọng lượng trung bình cần thêm 300calo/ngày trong thai kỳ.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Tùy vào thể trạng, hãy cố gắng kiểm soát số lượng cân nặng tăng lên khi mang thai: Đối với người gầy, cần tăng khoảng 9-18kg; người cân nặng trung bình tăng khoảng 11kg; người thừa cân khoảng 6-11kg và người béo phì khoảng 9-10kg.
  • Luyện tập những bài thể dục nhẹ hay yoga trong thai kỳ để thuận lợi lúc sinh.
  • Hạn chế tối đa tình trạng căng thẳng.
  • Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và tập thói quen ngủ khoảng từ 19:00 đến 21:00 mỗi ngày. Không hút thuốc, đặc biệt là tránh môi trường hút thuốc thụ động.
  • Chỉ dùng thuốc hỗ trợ theo toa bác sĩ. Không dùng bất kỳ biện pháp thảo dược hoặc tự nhiên nào khác.

Bài viết độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân

Text: April 

Comment