Khi số phận đưa đẩy ta vào trong một tập thể với đa số nhân viên là nữ, ta có thể hạnh phúc như chàng Giả Bảo Ngọc giữa Đại Quan Viên, nhưng cũng có khả năng sẽ đổ mồ hôi lạnh chẳng khác nào Đường Tam Tạng lúc lọt nhầm vào động Bàn Tơ hay Tây Lương nữ quốc.
NỮ NHÂN VIÊN, NÀNG Ở ĐÂU?
Đúng là vườn hoang thiếu bóng hoa hồng! Ăn liên hoan, cả phòng marketing có mặt đầy đủ, gần 30 người, bao gồm cả lãnh đạo, nhân viên cùng tụ tập, ăn uống rôm rả. Cả phòng chỉ toàn đàn ông, tịnh không thấy một bóng dáng nữ nhi nào. Thông thường, người ta có thể thấy những lớp học, những đơn vị chuyên ngành kỹ thuật, những công ty cần “sức dài vai rộng”, hoặc những đơn vị bộ đội, công an, bảo vệ… mới “hiếm” nữ nhân viên. Đằng này, một phòng marketing lớn mà chẳng có nổi một bóng hồng. Tôi hỏi chuyện Minh, một nhân viên “cứng” đã làm việc ở đây bốn năm, được trả lời ngắn gọn rằng: “Sếp không thích tuyển nhân viên nữ!”. Bình, chàng trai trẻ ngồi bên cạnh, tiếp lời: “Bọn em lúc nào cũng ‘khích’ sếp tuyển thêm vài cô cho vui cửa vui nhà, nhưng sếp bảo tuyển làm gì cho… rách việc?!”. Dạo qua nhiều trang tuyển dụng của các công ty, phòng nhân sự, bên cạnh các tiêu chí, mô tả công việc, tôi cũng thấy không ít những lưu ý nêu rõ “Không tuyển nữ”. Thậm chí, trên một số trang tuyển dụng, ngay cả những vị trí ngỡ như rất phù hợp với nữ giới, vẫn có những công ty thẳng thừng… “Chỉ tuyển nam”.
Đành rằng, tuyển nam hay tuyển nữ không phải là chính sự, quan trọng nhất vẫn là năng lực làm việc của ứng cử viên. Thế nhưng, một văn phòng “có nếp, có tẻ” vẫn phải hơn chứ! Hai chàng Lưu, Nguyễn ngày xưa lạc đến Thiên Thai, sở dĩ vui say đến suýt quên lối về là vì được gặp gỡ các nàng tiên nga xinh đẹp. Giả như người các chàng gặp là ông Bụt, ắt cả hai đã giở màn xin tiên đơn, thuốc thánh rồi cuốn gói chạy ngay, còn đâu ý nhạc lời thơ cho nghệ sĩ đời sau sáng tạo. Thế mà lại có người làm việc tréo ngoe, dám đi chê phái đẹp. Chuyện “trọng nam khinh nữ” như vậy là bởi tại đâu?
KỂ “TỘI” CÁC NÀNG
Này đây, văn phòng có đến gần 20 cô gái, trong độ tuổi từ 22 – 35, mỗi cô mỗi tính cách khác nhau. Cô lành, cô dữ, cô hiền, cô đáo để, cô se sua… thôi thì đủ cả mọi sắc thái, cung bậc. Nhiều nhân viên nữ, sếp lắm phen dở khóc, dở mếu vì những chuyện “nữ nhi thường tình” của nhân viên dưới quyền. Ngoài công việc chuyên môn, sếp còn phải đứng ra giàn hòa, giải quyết mâu thuẫn, xung đột của nhân viên vì mấy chuyện “củ hành, củ tỏi” mà chỉ nghe đã muốn nhức óc. Muốn điều hành ngon lành các “nàng tiên” dưới quyền, sếp phải dùng đủ các chiêu, lúc dọa nạt, lúc dỗ dành, khi nói đắng, khi nói ngọt… Người ta vẫn bảo thế giới phụ nữ là cỗ máy sản xuất tin đồn. Do đó, sếp phải luôn tỉnh táo và khéo léo khi xử trí để giữ uy tín của mình, phát triển công ty và gắn kết cái cộng đồng trông thì rất hòa thuận nhưng lúc nào cũng sẵn sàng nổi sóng ngầm như cộng đồng phụ nữ.
Hoài Giang, phó giám đốc một công ty truyền thông, nhân đề tài này cũng “mách” vài khuyết điểm của nhân viên nữ. Ở công ty anh, nhân viên nữ hơn đứt các công sở khác ở khoản lụa là, se sua. Hàng ngày, nhìn các chị em đi ra đi vào, toàn các cô xinh đẹp, trẻ trung, bộ mặt công ty đúng là sáng láng. Thế nhưng, không phải ai trong tập thể người đẹp đó cũng thực sự có trách nhiệm với công việc. Khá nhiều cô chỉ là những bông hoa di động. Họ thích đi muộn về sớm, suốt ngày son phấn, áo quần cứ như đến công sở chỉ để chưng diện. Phụ nữ lại nhiều nước mắt. Một lúc nào đó, sếp đột nhiên quên mất nhân viên mình là nữ, lỡ nói nặng vài câu là nước mắt lưng tròng, rồi cả ngày ôm máy tính sầu muộn. Giang hài hước bảo: “Làm việc chung với họ, tôi như bị lạc vào vương quốc nữ nhi trăm thứ hỉ nộ, ái ố. Sếp kiểu như tôi không khéo lại hóa thành ma ma tổng quản hậu cung”. Ngẫm lại, đàn ông đương nhiên thích phụ nữ đẹp, nhưng làm người đứng đầu một văn phòng hay doanh nghiệp hẳn sẽ thích những nhân viên mê công việc hơn chuyện phấn son.
“Sếp phải luôn tỉnh táo và khéo léo khi xử trí để giữ uy tín của mình, phát triển công ty và gắn kết cái cộng đồng trông thì rất hòa thuận nhưng lúc nào cũng sẵn sàng nổi sóng ngầm như cộng đồng phụ nữ”
VÌ NÀNG NHIỀU NỖI ĐA ĐOAN
Khách quan mà nói, ai cũng có thể kể ra một danh sách dài những khuyết điểm mà một nhân viên nữ có thể mắc phải trong chốn văn phòng. Đồng thời, ai cũng không thể phủ nhận sự tồn tại, năng lực cũng như cống hiến của họ. Nhân viên nữ đang chiếm một vai trò không thể thay thế trong lực lượng lao động. Sự thông minh, năng động và năng lực làm việc của họ không hề thua kém nam giới, thậm chí còn cần cù, cẩn thận hơn. Nhiều công sở “trọng nam khinh nữ” không phải vì định kiến với “tính đàn bà” ở nhân viên thuộc phái yếu mà đôi khi còn vì nhiều nỗi đa đoan gắn liền với thiên chức của người phụ nữ.
Bảo Khánh, trưởng phòng chăm sóc khách hàng của một công ty linh kiện điện tử, kiên quyết nói “không” với nữ nhân viên khi tuyển dụng. Anh kể: “Cô trợ lý trước đây của tôi rất thông minh, tháo vát. Thế nhưng, vừa về công ty vài tháng, chưa kịp phát huy sở trường, nàng đã rục rịch lấy chồng. Lấy chồng xong là bắt đầu nghén ngẩm, bầu bì rồi sinh con. Nuôi con nhỏ rồi lại chuẩn bị… sinh đứa thứ hai. Cô nàng đi muộn về sớm, rồi xin nghỉ vì con ốm, chồng đi công tác. Cứ thế, đẻ và nuôi hai đứa con đến cứng cáp cũng hết toi 10 năm chẳng đóng góp nhiều nhặn gì cho công ty. Tôi chả dại gì tuyển nhân viên nữ”.
Người có quan điểm tương tự Bảo Khánh không ít và rõ ràng họ cũng rất có lý. Những quy định pháp luật về bình đẳng giới hay luật lao động có nhiều điều khoản bảo vệ nữ giới, và thực tế đa phần phụ nữ đang chứng tỏ thực lực của mình trong công việc. Nếu đề cập đến những rắc rối có thể phát sinh từ họ mà quên hết những ưu điểm chỉ có được ở phái đẹp một cách phiến diện, nghĩa là bạn đang cả gan đắc tội với nửa thế giới. Dù vậy, để thuyết phục hoàn toàn các nhà tuyển dụng, các cấp quản lý đã ôm sẵn định kiến là chuyện khá nan giải, khi mà phụ nữ hôm nay tài hoa cũng có, đa đoan cũng nhiều!
Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân
Có thể bạn quan tâm: