INTERVIEW | Doanh nhân Lâm Thành Kim – CEO, M.O.I Cosmetic: Sắc đẹp là vũ khí quyền lực của phụ nữ trong kinh doanh - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

INTERVIEW | Doanh nhân Lâm Thành Kim – CEO, M.O.I Cosmetic: Sắc đẹp là vũ khí quyền lực của phụ nữ trong kinh doanh

Trở thành CEO không phải chuyện đơn giản đối với người trẻ, nhưng có một quý ông đã đảm nhiệm vị trí này khi chỉ mới bước vào độ tuổi 30 và gặt hái nhiều thành công bước đầu được cộng đồng công nhận.

Xin chào CEO Lâm Thành Kim, sau chặng đường bước đầu gần 4 năm thành lập M.O.I Cosmetics, anh sẽ nói gì về những điều đã trải qua?

Điều mà tôi tự hào nhất từ ngày đầu tiên M.O.I Cosmetics thành lập đến nay là thương hiệu đã đưa được hơn 2 triệu sản phẩm đến tay khách hàng. Với một thế giới mỹ phẩm có quá nhiều lựa chọn hấp dẫn trên thị trường, việc mọi người chịu chi trả cho một thương hiệu trẻ nội địa như M.O.I chính là sự khích lệ vô cùng to lớn đối với chúng tôi.

Ngay từ đầu, bản thân tôi và người đồng sáng lập là ca sĩ Hồ Ngọc Hà đều tự hỏi rằng, liệu mọi người mua sản phẩm M.O.I bởi sự tò mò về hình ảnh Hồ Ngọc Hà đại diện hay họ thực sự yêu thích sản phẩm. Vốn dĩ sự tò mò có thời hạn, nên nếu khách hàng chỉ đến vì lòng hiếu kỳ, thương hiệu sẽ khó tồn tại lâu dài. Tuy nhiên, đến thời điểm này M.O.I vẫn đang phát triển, mỗi sản phẩm mới của chúng tôi rất vui là vẫn được khách hàng đón nhận nhiệt tình. Điều đó gia cố cho niềm tin và động lực của tôi, và chặng đường khởi đầu 4 năm qua đã đem đến nhiều thuận lợi để chúng tôi tiếp tục theo đuổi con đường khẳng định vị thế đầy tự hào của một thương hiệu mỹ phẩm Việt Nam.

Lần đầu tiên bước vào kinh doanh chuyên nghiệp trong ngành mỹ phẩm, đâu là những “hấp lực” từ ngành này khiến anh cảm thấy thu hút nhất?

Vốn từng là một Giám đốc Sáng tạo trong ngành nghệ thuật, việc khởi nghiệp với M.O.I đem đến cho tôi cảm giác không-phải-làm-việc khi vẫn có thể sống với đam mê sáng tạo của mình. Tôi được mang cách làm cách nghĩ của một người làm nghệ thuật để thổi hồn câu chuyện vào các thiết kế, các sản phẩm. Việc áp dụng nghệ thuật vào kinh doanh vô hình trung mang đến cho tôi nhiều thế mạnh trong việc góp phần tạo nên sự khác biệt cho sản phẩm trên thị trường đầy cạnh tranh này.

Thêm nữa, tôi nhận ra ngành làm đẹp hiện đại cũng đang phát triển tương tự như ngành thời trang với những sản phẩm theo xu hướng, theo mùa, tạo ra sự thử thách cho cả nhà sản xuất và sự thú vị cho người tiêu dùng. Điều đó giúp tôi và cộng sự duy trì được lửa sáng tạo trong công việc, liên tục thúc đẩy mình tạo nên những sản phẩm hợp xu hướng, đáp ứng được nhu cầu người dùng.

Anh nhận thấy việc điều hành một doanh nghiệp trong ngành mỹ phẩm có gì khác với những hoạt động kinh doanh trước đây của mình không?

Có thể nói là khác hoàn toàn. Với hoạt động tổ chức sự kiện hay dự án nghệ thuật mà tôi từng làm, các chương trình thường được thực hiện tập trung trong giai đoạn ngắn. Những ảnh hưởng sâu rộng của nó cũng kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định. Nhưng theo đuổi kinh doanh với việc hình thành một doanh nghiệp chỉn chu bài bản thì khác, đó phải là một câu chuyện đường dài. Chiến lược của một doanh nghiệp vốn dĩ đã rất phức tạp với nhiều vấn đề từ marketing, bán hàng, tài chính, nhân sự…, mà một công ty bán lẻ trong ngành mỹ phẩm lại có những đặc thù riêng đòi hỏi phải có những định hướng kịp thời, đúng đắn và hợp lý.

Bên cạnh đó, ở Việt Nam nghệ thuật gần như là “miễn phí” và mọi người có thể tiếp cận rất dễ dàng. Nhưng bước sang kinh doanh, để thuyết phục mọi người bỏ tiền “mua” sản phẩm không phải là điều đơn giản. Chúng ta phải có được một sản phẩm tốt và khác biệt với thiết kế bắt mắt, có kênh bán hàng với độ phủ rộng và tiện lợi cho người tiêu dùng, có phương thức marketing đủ linh hoạt để tiếp cận được đúng đối tượng. Sau khi khách hàng chấp nhận sử dụng sản phẩm thì chúng ta phải có những chính sách và dịch vụ đi kèm để tăng giá trị cộng thêm cho khách hàng. Trong ngành này, tôi tin rằng đó chính là những điều giúp khách hàng có niềm tin và lựa chọn thương hiệu.

Ở thời điểm khởi đầu, điều gì thôi thúc anh start-up doanh nghiệp trong thị trường mỹ phẩm

Dù start-up ở lĩnh vực nào, bạn cũng phải tìm hiểu rõ về thị trường đó. Vào thời điểm cuối năm 2017, khi quyết định bắt đầu khởi nghiệp thì việc tôi làm đầu tiên đó là tìm hiểu thị trường mỹ phẩm Việt Nam. Tôi nhận thấy thị phần của mỹ phẩm thương hiệu Việt chỉ chiếm 10% trên tổng giá trị thị trường bao gồm cả các thương hiệu nước ngoài, trong đó mỹ phẩm trang điểm Việt Nam gần như chưa có bất kỳ một thương hiệu nào. Cho dù lúc bấy giờ chưa từng kinh doanh mỹ phẩm và chưa hiểu hết về thị trường, nhưng với những nhận định đó tôi thấy đây là một thị trường có tiềm năng khai thác quá lớn. Đó cũng là lý do vì sao M.O.I ra đời và được gọi là thương hiệu mỹ phẩm trang điểm chuyên nghiệp đầu tiên của Việt Nam.

Vậy còn những khó khăn thì như thế nào với một doanh nghiệp start-up và một CEO trẻ chưa từng kinh doanh mỹ phẩm như anh?

Quả thật là rất nhiều. Với start-up thì có lẽ mọi thứ đều khó, nhất là trong những năm đầu. Tôi còn nhớ khó khăn đầu tiên và lớn nhất của chúng tôi chính là liên hệ với nhà máy sản xuất tại Hàn Quốc. Với những nhà máy lớn, chúng tôi ở thời điểm đó vừa mới bước chân vào thị trường, vẫn là một các tên quá xa lạ cho dù đi cùng tên tuổi Hồ Ngọc Hà, nên để thuyết phục họ cho đến tham quan dây chuyền sản xuất thôi đã cực kỳ khó khăn. Do mới start-up, chúng tôi cũng không mạnh về vốn và dự báo thị trường nên đơn hàng theo đó cũng không quá lớn để hấp dẫn họ. Nhìn rộng hơn, thị trường mỹ phẩm Việt cũng chưa phải là thị trường lớn so với Trung Quốc hay Indonesia, nên chúng tôi cũng chưa thể chứng minh được quá nhiều về triển vọng hợp tác hay tương lai hấp dẫn dành cho họ. Vì vậy, để nhận được cái gật đầu đồng ý, tôi đã phải gửi đến 97 cái e-mail mới được họ hồi đáp.

Bên cạnh đó, cũng vì là start-up còn thiếu kinh nghiệm, nên vào thời điểm tung ra những thỏi son đầu tiên của thương hiệu, sự chênh lệch giữa nhu cầu dự báo và nhu cầu thực tế khác nhau quá xa, dẫn đến số lượng sản phẩm được đặt sản xuất không đủ đáp ứng thị trường. Chúng tôi cũng không có bất kỳ kế hoạch dự phòng nào nên cả đội ngũ gần như rơi vào thế bị động và tạo ra khủng hoảng vì thiếu nguồn cung trong một thời gian. Vì vậy dù tạo ra cú “hit” lớn với 30.000 cây son được bán ra, nhưng đây cũng là một bài học đắt giá mà chúng tôi vẫn nhắc nhở nhau suốt những năm sau.

Một khó khăn nữa mà tôi nghĩ không chỉ ở M.O.I mà ngay cả các start-up khác cũng gặp phải là vấn đề nhân sự. Đảm nhiệm vai trò CEO nên giai đoạn đầu gần như tôi là người kiêm rất nhiều việc và phải tham gia trong mọi vấn đề. Sau một thời gian phát triển và mở rộng tuyển dụng, khó khăn tiếp theo đó là tìm ra được người tài. Đây là điều không dễ dàng với doanh nghiệp start-up bởi chúng tôi không thể cạnh tranh về chính sách lương hay quyền lợi nếu so sánh với các tập đoàn lớn. Vì thế, để thuyết phục được người giỏi đầu quân vào công ty vốn đã không hề dễ dàng, nhưng để họ ở lại gắn bó lâu dài lại càng khó hơn.

Bên cạnh đó còn là khó khăn đến từ sức ép thị trường khi một thương hiệu mỹ phẩm nội địa đứng cùng với các tập đoàn mỹ phẩm nước ngoài. Việc đầu tư chi phí cho sản xuất tại Hàn Quốc nhằm đem đến chất lượng sản phẩm cao cùng thiết kế bao bì bắt mắt và những chiến dịch truyền thông ngang tầm với các thương hiệu nước ngoài, có thể nói là một nỗ lực lớn của một thương hiệu nội địa như chúng tôi. Vì thế sức cạnh tranh quá lớn từ những thương hiệu quốc tế với thế mạnh tài chính và những chương trình ưu đãi “khủng” có thể nói tạo nên áp lực không nhỏ với chúng tôi nói riêng cũng như những thương hiệu nội địa nói chung.

Đến nay, anh nhận định M.O.I Cosmetics đã đi đúng định hướng chưa? Sau hai năm đại dịch, định hướng này đã có những thay đổi gì?

Ngay từ những ngày đầu đến nay, tôi luôn hướng sự quan tâm của mình về phía người tiêu dùng và những phản hồi thực tế từ họ. Trong khi nhiều công ty bán lẻ tập trung vào quyền lợi của mạng lưới đại lý hay đội ngũ nhà phân phối, thì tại M.O.I ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là nhu cầu và quyền lợi của khách mua hàng, rồi từ đó các nhà phân phối sẽ chủ động xác định tiềm năng của tệp khách hàng và hợp tác với chúng tôi. Đến thời điểm này, có thể nói chúng tôi đang đi đúng định hướng và đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ. Trong những chuỗi hệ thống phân phối mỹ phẩm lớn hiện nay, M.O.I luôn là một trong những thương hiệu bán chạy và sở hữu vị trí trưng bày tốt nhất.

Nói về những điều chỉnh trong giai đoạn hậu giãn cách Covid-19, không chỉ chúng tôi mà tất cả các doanh nghiệp đều phải thích nghi với những xu hướng mới. Ví dụ như với mỹ phẩm, đây là thời điểm mọi người đeo khẩu trang, làm ở nhà và ít tiệc tùng nên nhu cầu trang điểm cũng giảm sút đáng kể. Do đó, chúng tôi đã điều chỉnh hướng phát triển tập trung vào các sản phẩm dưỡng da thay vì trang điểm, ngay cả son cũng ưu tiên son dưỡng. Trong năm 2020 vừa qua, chúng tôi đã có quyết định mạo hiểm khi dời lịch ra mắt dòng mặt nạ Gạo sớm hơn dự kiến để bắt kịp thói quen này của người tiêu dùng. Sự điều chỉnh kịp thời này mang lại nguồn doanh thu lớn đã giúp M.O.I giảm thiểu đáng kể ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Còn trong năm nay, trước những thay đổi về thói quen mua hàng của người dùng, chúng tôi đang thực hiện điều chỉnh và mở rộng đa dạng hơn các kênh bán hàng và phương thức mua hàng để có thể tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều đối tượng người tiêu dùng.

Những kinh nghiệm từng có trước khi khởi nghiệp có hỗ trợ cho công việc điều hành của anh không? Liệu có điều gì anh đã và đang phải học hỏi thêm để đáp ứng nhu cầu kinh doanh thực tế?

Kinh doanh lĩnh vực mỹ phẩm là một con đường hoàn toàn mới nên thật sự với những kinh nghiệm trước đây không có quá nhiều thứ tôi có thể áp dụng khi điều hành tại M.O.I. Điều giá trị nhất mà tôi luôn trân trọng trong quãng đường mình trải qua đó là mạng lưới mối quan hệ mà tôi đã có. Tất cả mọi người từ các nghệ sỹ, doanh nhân, những người có tầm ảnh hưởng mà tôi đã có cơ duyên quen biết đều đã giúp tôi quảng bá, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển thương hiệu rất nhiều. Còn lại thì tôi gần như phải học rất nhiều khi bắt tay vào vị trí giám đốc điều hành. Ở thời điểm bắt đầu, tôi ưu tiên học về quản lý tài chính, bởi một CEO không biết tính toán cho doanh nghiệp thì có lẽ doanh nghiệp cũng chẳng tồn tại được lâu. Tôi vốn dĩ là con người của sáng tạo mà sự sáng tạo và những con số doanh thu chi phí khô khan hiếm khi có thể làm bạn (cười). Người làm sáng tạo nếu bị phân tâm bởi các chỉ số kinh doanh thì khả năng sáng tạo sẽ bị hạn chế, nhưng nếu làm kinh doanh mà quá bay bổng thì lại thiếu đi tính thực tế và khó đạt được hiệu quả cao. Vì thế tôi phải học cách cân bằng hai yếu tố này song song với việc nắm bắt các số liệu tài chính và đưa ra các dự toán.

Điều tiếp theo tôi ưu tiên học là về chiến lược marketing bởi sự thay đổi nhanh chóng của thị trường nhất là trong hai năm Covid-19, nó khiến tôi với tư cách là CEO phải trở nên linh hoạt và thích ứng trong mọi phương cách tiếp thị trước khi có thể lèo lái doanh nghiệp chuyển mình. Và một điều quan trọng nữa mà tôi rất quan tâm học hỏi, đó là quản lý đội ngũ. Tôi mong muốn có thể quản lý họ bằng sự lạc quan nhất có thể, truyền cho họ thật nhiều động lực để có thể tạo ra nhiều sự đột phá nhất.

Trong công việc, anh là chân dung một vị CEO như thế nào?

Tôi không muốn đóng khung mình trong hình mẫu doanh nhân truyền thống với phong cách nghiêm nghị hay đĩnh đạc. Trong công việc tôi có thể nghiêm khắc nhưng khi đã xong việc tôi luôn muốn gần gũi, xem mọi thành viên công ty như gia đình. Tôi muốn tạo dựng văn hóa doanh nghiệp của M.O.I là nơi mọi người có thể vui vẻ và thân thiện với nhau. Đặc biệt, tôi luôn đề cao tinh thần sáng tạo, mọi người có thể không cần phải làm việc theo khuôn khổ quá cứng nhắc mà chỉ cần phản ứng linh hoạt và phát triển khả năng xử lý vấn đề một cách nhanh chóng.

Việc đối xử với nhân viên như gia đình thân thiết đôi khi dẫn đến sự thiếu chuyên nghiệp. Anh dung hòa điều này ra sao?

Đối với tôi, sự cam kết rất quan trọng. Tuy M.O.I là một bộ máy không quá lớn nhưng nhân viên của chúng tôi đều là những người trẻ rất nhiệt huyết và đa năng. Tôi rất trân quý những điều đó nên đối xử với các bạn như gia đình là xứng đáng, miễn là các bạn thể hiện được sự nghiêm túc với công việc. Khi đã cam kết với công ty, trách nhiệm của một nhân sự chuyên nghiệp là phải chứng minh được bạn có thể làm gì để thể hiện mức độ gắn kết đó. Sự cam kết là câu trả lời cho giá trị của một mối quan hệ cộng tác. Tôi sẽ không quan tâm mọi người bận rộn như thế nào, miễn là công việc của các bạn đạt hiệu quả tốt nhất thì tôi luôn ủng hộ.

Sau mùa dịch trở lại, tôi đã nói để đội ngũ nhân viên của mình chuẩn bị tinh thần rằng tất cả chúng ta đã bước sang trang mới với những thử thách có độ khó cao hơn, và nếu không phải là người thích chinh phục hay thích xây dựng thì chắc chắn các bạn đã không chọn M.O.I. Nhân viên của tôi có những người rất giỏi, họ đã có thể chọn làm cho những tập đoàn lớn có nền tảng và hệ thống quản lý phát triển, nhưng khi chấp nhận làm ở đây, họ hiểu rằng chúng tôi sẽ cùng nhau chung tay xây dựng nền tảng đó. Đây là một thử thách, không chỉ với nhân viên mà còn với chính tôi, để tất cả chúng tôi biết được giới hạn năng lực của mình và tìm cách vượt qua.

Theo anh, như thế nào là một CEO thành công?

Theo tôi, thành công của CEO sẽ dựa vào tốc độ tăng trưởng của công ty đó. Trong giai đoạn năm 2021 thì bản thân tôi cũng thường rơi vào căng thẳng khi nhận thấy mình không giữ được tốc độ tăng trưởng như những năm đầu. Bên cạnh đó, người CEO thành công còn phải là người cân bằng được cuộc sống của mình sau công việc. Điều này rất nhiều CEO khó làm được khi bạn là người đứng đầu và chịu trách nhiệm cho mọi vấn đề. Đối với tôi, công việc vẫn là ưu tiên hàng đầu ở thời điểm này nhưng tôi luôn mơ ước mình sẽ về hưu sớm để có thời gian cho những ưu tiên khác của cuộc đời. Hiện tại, sự cân bằng vẫn là điều tôi chưa đạt được nhưng tôi sẽ cố gắng hết mình cho mọi thứ và ghi nhớ điều mình cần đạt tới là gì. Tôi cũng không đặt mục tiêu bản thân phải chiến đấu với ai mà chính bản thân mình phải tự chiến đấu với bản thân mình. Thành công là có thể làm sao để bản thân tốt hơn ngày hôm qua, đó mới là cuộc chiến mà một người dẫn đầu nên nghĩ về.

Rất nhiều doanh nhân đều nói rằng họ đơn độc trong những quyết định với tư cách là người đứng đầu. Còn anh thì sao?

Mỗi giai đoạn chúng ta sẽ gặp sự cô đơn theo những cách rất khác nhau. Khi mới kinh doanh dành hết tâm sức cho sự nghiệp thì tôi không thể dành nhiều thời gian cho người thân và bạn bè được. Trong khi mối quan hệ cần được nuôi dưỡng nên sự xa cách đó khiến tôi dần cô đơn hơn. Khi đã đạt được những cột mốc trong sự nghiệp, công ty gặt hái được thành công, sự cô đơn lại đến khi tôi phải tự chịu trách nhiệm, tự đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hướng đến nhiều người. Người trẻ rất dễ lạc lối nếu thành công đến quá sớm. Đôi khi chính thành công đó khiến chúng ta trở nên e dè, băn khoăn, trăn trở với trăm điều nghĩ suy trong lòng mà không biết chia sẻ cùng ai để họ thật sự thấu hiểu. Người đứng đầu của một doanh nghiệp có thể phải là nguồn động lực của toàn thể nhân viên, nhưng đôi khi lại không thể là động lực cho chính mình.

Trong công việc, có lẽ anh có cơ hội tiếp xúc với nhiều nữ doanh nhân, anh có điều gì ấn tượng về họ không? Anh đánh giá thế mạnh của phụ nữ trong kinh doanh là gì?

Phụ nữ kinh doanh có những đặc quyền mà đàn ông khó có được. Phụ nữ muốn trở thành doanh nhân ngoài nền tảng thông minh vô cùng cần thiết thì sắc đẹp là một vũ khí rất lợi hại và đầy uy lực. Đặc biệt, sự dịu dàng, uyển chuyển của người phụ nữ cũng là một yếu tố góp phần làm nên thành công rất lớn cho họ. Và một người phụ nữ thành công chắc chắn sẽ có được sự tự tin – điều mà bất kỳ món đồ hàng hiệu hay trang sức nào cũng không thể so sánh được và sẽ luôn ở bên cạnh họ trong mọi phút giây.

Bài viết và hình ảnh độc quyền của Tạp chí Nữ Doanh Nhân.

Text: JENNI VÕ, HỒNG ĐẶNG | Ảnh: NVCC | Design: TRINH PHẠM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM:

Comment