Giữ vững và phát triển sự nghiệp trong thời đại trí tuệ nhân tạo - NỮ DOANH NHÂN - BusinessWoman Magazine

Giữ vững và phát triển sự nghiệp trong thời đại trí tuệ nhân tạo

Theo khảo sát của công ty tư vấn McKinsey về chủ đề AI được thực hiện trong năm 2017, thì tốc độ “số hóa” của các quốc gia trong khu vực ASEAN đang thay đổi nhanh chóng. Nếu trong năm 2011, chỉ có 6% các tổ chức lớn trong khu vực nhắc đến các định nghĩa “dữ liệu lớn”; “Trí tuệ nhân tạo” hay “Máy học” thì trong năm 2016, có đến 1/3 các doanh nghiệp lớn đã đề cập đến các khái niệm này và thậm chí trở thành chiến lược được ưu tiên. Tại khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3 trong lĩnh vực “ứng dụng công nghệ AI”, chỉ sau hai  nước Singapore và Malaysia.

Trước bối cảnh này, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc Điều hành của Navigos Search đã có những chia sẻ về thách thức và kỹ năng cần thiết của nhân lực Việt Nam trước tác động của Trí tuệ nhân tạo (AI).

Nhiều người Việt vẫn cho rằng AI trong tương lai gần chỉ tác động mạnh mẽ đến các quốc gia đã phát triển, còn với những quốc gia đang phát triển thì vấn đề này vẫn còn rất xa. Quan điểm đó liệu có đúng?

Theo quan sát của tôi, hiện tại nếu xét về việc ứng dụng AI thì Việt Nam vẫn chưa có chỗ đứng nhất định trong bản đồ toàn cầu. Đó là lý do phần lớn người Việt Nam chưa lo ngại đến việc bị “thay thế” là điều khá dễ hiểu.

Tuy là nước được đánh giá có nguồn nhân lực về công nghệ tài năng nhưng Việt Nam lại chỉ nổi trội về lĩnh vực “outsourcing” (gia công phần mềm) chứ không phải sáng chế ra những công nghệ mới, đó là điểm hạn chế và là một hiện thực, chúng ta đang thiếu “đất” cho những nhân tài có ý tưởng mang tính tiên phong và còn thiếu đi nguồn nhân lực sở hữu tư duy toàn cầu.

Nếu nói rằng các nước đang phát triển không quan tâm nhiều đến công nghệ mới như AI thì tôi cho rằng điều này chưa thực sự đúng. Theo quan điểm của tôi, điều đó còn tùy thuộc vào định hướng quốc gia và xu hướng các doanh nghiệp muốn phát triển công nghệ theo lĩnh vực nào. Đơn cử như trong khu vực châu Á, có 2 nước đang phát triển và cũng được xem là “ngôi sao sáng” trong lĩnh vực công nghệ là Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, tương tự như Việt Nam, Ấn Độ chọn con đường trở thành đất nước “gia công phần mềm” mặc dù tại đây có rất nhiều nhân tài về Công nghệ thông tin. Cũng với định hướng đó, nhưng những năm gần đây Trung Quốc lại vượt trội hơn hẳn về sáng chế và ứng dụng những công nghệ tiên phong vào sản phẩm của họ, cạnh tranh trực tiếp và mạnh mẽ với những quốc gia công nghệ lớn như Mỹ hay Nhật Bản.

Như vậy, Việt Nam đã và đang chuẩn bị cho giai đoạn ứng dụng “Trí tuệ nhân tạo” này như thế nào, thưa bà?

Theo báo cáo của tập đoàn Navigos Group, có 19% ứng viên thuộc lĩnh vực công nghệ, công nghệ cao cho biết hiện nay công ty họ đã ứng dụng Trí tuệ nhân tạo. Có đến ¼ người tham gia khảo sát thuộc ứng viên từ lĩnh vực Công nghê thông tin và Công nghệ cao cho biết doanh nghiệp của họ có kế hoạch úng dụng công nghệ mới như Trí tuệ nhân tạo và Chuỗi khối trong 3 năm tới. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ chú trọng phát triển ứng dụng AI duy nhất vào lĩnh vực Công nghệ cao và Viễn Thông, tại các lĩnh vực tiềm năng khác thì có thể thấy việc ứng dụng vẫn còn khá mờ nhạt.

Cũng theo báo cáo này, Top 3 các quan điểm về “lợi ích của AI sẽ thể hiện rõ nhất sự tác động tại Việt Nam trong tương lai 5 – 10 năm tới” lần lượt là: Ứng dụng AI vào kho dữ liệu lớn (Big data) nhằm phân tích số liệu và đưa ra giải pháp tốt hơn cho con người (39%); AI tạo ra các cỗ máy thông minh giúp nền công nghiệp chuyển sang mô hình tự động hóa hoàn toàn (24%); tạo ra những robot thông minh, giúp con người giảm thiếu các công việc nguy hiểm trong tương lai. 

Đọc thêm: Xây dựng đội ngũ kinh doanh “Mạnh kỹ năng – Giàu động lực”

Đứng trước bối cảnh phải thay đổi hiện tại, theo bà đâu là những kỹ năng cần thiết để nguồn nhân lực Việt Nam có thể “tồn tại” và phát triển sự nghiệp trong thời đại của Trí tuệ nhân tạo?   

Theo quan điểm của tôi, đối với những bạn trẻ đang làm công việc văn phòng (white collar) nên trang bị những kiến thức và kỹ năng “số hóa” càng sớm càng tốt. Không chỉ là cập nhật các kiến thức “số hóa”, mà các bạn cần phải biết cách vận dụng nó vào “lĩnh vực chuyên môn” của mình, cũng như có những sáng kiến “làm thế nào để áp dụng các công nghệ mới trở thành công cụ phục vụ tốt hơn cho công việc của mình”? Có ý kiến cho rằng những công việc bàn giấy mang tính “kiểm chứng” và lặp đi lặp lại như pháp lý, kế toán, hành chính,… sẽ sớm bị thay thế bởi độ chính xác của máy móc cao hơn con người. Chính vì vậy, việc học hỏi cách sử dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả cho công việc của mình, là một bước tiến mới để phát triển sự nghiệp của các bạn trong thời đại AI.

Đối với nhóm lao động phổ thông (blue collar) là nhóm cho rằng sẽ sớm bị thay thế bởi tự động hóa và AI, trong thực tế trên thế giới đã có những nhà máy “không ánh đèn” hay “siêu thị không người phục vụ”, do chuyển đổi hoàn toàn sang mô hình công nghiệp 4.0, hoặc ở Việt Nam các doanh nghiệp lớn cũng bắt đầu thay thế máy móc thông minh cho một bộ phận công nhân. Tuy nhiên, ở những khâu đòi hỏi tính “cảm quan” của con người như kiểm định về chất lượng, xử lý vấn đề, hay đưa ra quyết định thì vẫn cần đến sự tham gia của con người. Trong tương lai, con người sẽ không phải làm những công việc “tay chân” mang tính lặp đi lặp lại nữa mà thay vào đó sẽ phụ trách các công việc như vận hành máy móc, bảo trì, kiểm định, vv..vv… Lời khuyên của tôi cho nhóm lao động phổ thông, nếu muốn phát triển sự nghiệp trong thời đại AI nên chuẩn bị những kiến thức liên quan nhiều hơn đến kỹ thuật, kỹ năng vận hành máy móc, đồng thời có những sáng kiến để phát triển dây chuyền sản xuất nhằm cải thiện sản phẩm, vv..vv..

Đối với cả hai nhóm lao động phổ thông và nhân viên văn phòng, các bạn nên chú trọng phát huy các kỹ năng sau: chú trọng kỹ năng giải quyết vấn đề; tư duy sáng tạo; khả năng chủ động học hỏi và liên tục học hỏi; tư duy toàn cầu.

Cám ơn bà.

Comment