Đã bao giờ bạn xem lòng trung thành của nhân viên là một thành phần thiết yếu của doanh nghiệp hay chưa?
Trên thực tế, những nhân viên cam kết với công ty có khả năng làm tốt công việc của mình và gắn bó lâu dài với tổ chức. Và điều này khiến họ trở nên vô cùng quý giá đối với sự thành công của doanh nghiệp. Giữ chân nhân viên và sự trung thành đi đôi với nhau. Mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi. Tuy nhiên, sự cân bằng giữa hai yếu tố này đang suy yếu ở một số doanh nghiệp. Sự mất cân bằng này có thể là gốc rễ của quyết định nghỉ việc trong im lặng, vì ngày càng có nhiều nhân viên quyết định ngừng “vượt lên trên” đối với một công ty không có bất kỳ sự phản hồi với kỳ vọng của họ.
“Một nhân viên lâu năm luôn xem mình là một phần của tổ chức. Điều mà họ muốn lúc này không đơn thuần chỉ là 8 tiếng làm việc cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày.“
Nhân viên trung thành lâu năm giúp công ty tạo ra một môi trường tốt hơn cho chính họ cũng như cho các đồng nghiệp khác. Nhân viên trung thành làm việc hiệu quả hơn, tỷ lệ vắng mặt thấp hơn và có xu hướng mang đến nhiều giá trị cho doanh nghiệp. Một thách thức cho bất cứ doanh nghiệp hay nhà quản lý đó không có một lộ trình nhanh chóng nào để xây dựng lòng trung thành của nhân viên. Điều này đến từ một mối quan hệ cân bằng nhất quán cùng một sự tin tưởng lâu dài. Mặc dù các phúc lợi như: trả lương cao hơn hoặc thăng chức trong tương lai có thể được sử dụng làm phần thưởng cho những nhân viên trung thành, nhưng chúng không phải là sự thay thế cho một mối quan hệ đã được thiết lập vững chắc. Có nhiều cách để các nhà quản lý có thể giữ chân nhân viên lâu năm và phát triển sự gắn bó của họ với doanh nghiệp:
- Khuyến khích, động viên và khen ngợi nhân viên. Hãy cho nhân viên một sự công nhận để họ biết rằng người sếp vẫn luôn dõi theo chính mình từ phía sau.
- Tìm kiếm cơ hội để ghi nhận thành quả, đóng góp của nhân viên, ngay cả khi ở quy mô nhỏ. Nhân viên sẽ cống hiến hơn khi biết những công việc của họ đã được nhìn thấy và đánh giá cao.
- Trung thực và minh bạch với nhân viên về mục tiêu của công ty, lịch trình làm việc hoặc bất kỳ thay đổi nào có thể ảnh hưởng đến công việc của họ.
- Cho nhân viên cơ hội để nói lên ý kiến của mình về cách mọi thứ đang diễn ra tại nơi làm việc. Khuyến khích họ đi đầu trong các cuộc họp trực tiếp của bạn .
- Đôi khi, hãy chia sẻ những suy nghĩ của riêng bạn với nhân viên, bao gồm cả những ý tưởng cho tương lai của công ty hoặc những đường hướng bạn đang xây dựng ở hiện tại.
Xây dựng lòng trung thành của nhân viên
Để thúc đẩy lòng trung thành của nhân viên, điều quan trọng là phải tạo ra một văn hóa công ty xem trọng giá trị con người. Nhân viên nên cảm thấy được đánh giá cao, tôn trọng và thấu hiểu những kỳ vọng, mong muốn. Họ nên được tạo cơ hội để phát triển cho sự hưng thịnh của doanh nghiệp và cả ở cấp độ cá nhân.
Để làm được điều này, điều quan trọng là phải hiểu điều gì khiến nhân viên của bạn gắn bó với tổ chức. Một số công ty làm cho mình trở nên hấp dẫn bằng cách cung cấp những lợi ích tuyệt vời hoặc ý thức cộng đồng khiến mọi người cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc tại đây. Các công ty khác có thể tập trung vào các cơ hội phát triển nghề nghiệp hoặc cho phép nhân viên tự chủ hơn về cách họ thực hiện công việc của mình. Một điều rõ ràng là: không có một quy chuẩn phù hợp với tất cả tổ chức nhằm xây dựng lòng trung thành của nhân viên. Tạp chí Nữ Doanh Nhân gợi ý một số phương pháp để xây dựng và khuyến khích lòng trung thành của nhân viên:
1. Có chung mục tiêu hướng đến
Điều quan trọng hơn hết, bạn phải hiểu định hướng của nhân viên là gì. Bởi vì, nếu một trong những nhân viên cộm cán lâu năm của doanh nghiệp đang dần chuyển hướng tới một cơ hội mới – điều mà họ không còn tìm thấy ở doanh nghiệp hiện tại. Chắc chắn sẽ có một sự điều chỉnh, thay đổi diễn ra để nhân viên đó tự khám phá chính mình. Thường xuyên lắng nghe mong muốn, kỳ vọng phát triển của nhân viên, để từ đó có sự định hướng phù hợp với năng lực của họ. Một nhân viên lâu năm luôn xem mình là một phần của tổ chức. Điều mà họ muốn lúc này không đơn thuần chỉ là 8 tiếng làm việc cứ lặp đi lặp lại mỗi ngày. Họ mong muốn được trọng dụng, công nhận và tham gia vào sự phát triển chung của doanh nghiệp.
“Hãy suy nghĩ về những giá trị mà nhân viên cống hiến so với giá trị họ nhận được.“
2. Cho họ lý do để ở lại
Một trong những lý do hàng đầu khiến nhân viên nghỉ việc là phúc lợi. Nếu doanh nghiệp của bạn là một trong những tổ chức có chính sách phúc lợi hàng đầu, hãy chuyển hướng nghĩ đến văn hóa doanh nghiệp hiện tại. Liệu môi trường làm việc hiện tại có gây bất kỳ trở ngại cho sự phát triển của nhân viên hay không? Hoặc hãy đánh giá đây có thực sự là một môi trường làm việc độc hại chứ? Đó cũng là một trong những phương pháp giúp bạn giữ chân nhân viên hiệu quả, đặc biệt là những nhân viên có kinh nghiệm lâu năm.
3. Đầu tư vào con người
Một khía cạnh quan trọng khác để giữ chân nhân viên bên cạnh các phúc lợi, đó là cơ hội phát triển nghề nghiệp và sự trưởng thành của họ trong tổ chức. Khi có nhiều đất để phát triển, nhân viên sẽ có nhiều khả năng tiến xa hơn. Họ sẽ muốn đóng góp nhiều điều hơn nữa và mang lại lợi ích to lớn cho tổ chức của mình. Chính những khoản đầu tư này có tác động lâu dài đến cả hiệu quả hoạt động của công ty và con đường sự nghiệp cá nhân của họ.
***
Giống như lòng trung thành của khách hàng hoặc sự tin tưởng trong bất kỳ mối quan hệ nào, lòng trung thành của nhân viên không được xây dựng trong một sớm một chiều. Nó được tạo ra bởi một người sếp luôn ưu tiên nhân viên của mình. Điều đó có nghĩa là hãy suy nghĩ về những giá trị mà nhân viên cống hiến so với giá trị họ nhận được. Quá trình này không thể là một đường tắt. Khi một nhà quản lý đầu tư và mối quan hệ lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động, bạn sẽ nhận được sự tôn trọng và cống hiến đích thực của một nhân viên tâm huyết dành cho tổ chức.
Tạp chí Nữ Doanh Nhân tổng hợp | Ảnh: Internet
CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM: